‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Có một cách, có thể là một cách rất hiệu quả, để làm chính trị ở Campuchia, đó là mạnh mẽ tuyên bố chống Việt Nam.
“Nếu chúng ta không cẩn thận, Campuchia sẽ trở thành (một phần của) Việt Nam, Campuchia sẽ trở thành Kampuchea Krom, chúng ta sẽ thành một tỉnh nằm dưới sự cai trị của Việt Nam. Hỡi đồng bào – đây là cơ hội cuối cùng, nếu chúng ta không giải cứu được đất nước mình, bốn hoặc năm năm nữa là quá muộn, Campuchia sẽ đầy người Việt, chúng ta sẽ trở thành nô lệ của Việt Nam.”
Đó là phát biểu của ông Sam Rainsy, Chủ tịch Đảng Cứu quốc Campuchia trong một chiến dịch vận động tranh cử vào năm 2013.
Đó không phải lần đầu tiên, cũng không phải lần duy nhất đảng đối lập lớn nhất Campuchia này tận dụng tâm lý bài Việt Nam để vận động chính trị ở Campuchia.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2012.
Khi đó, hai nhà hoạt động chính trị lưu vong của Campuchia là ông Sam Rainsy và ông Kem Sokha thành lập Đảng Cứu quốc Campuchia (Cambodia National Rescue Party – CNRP), thách thức quyền lực Đảng Nhân dân Campuchia (Cambodian People’s Party – CPP) của Thủ tướng Hun Sen.
Tháng 07/2013, được Hoàng gia Campuchia ân xá, Sam Rainsy về nước sau bốn năm lưu vong. “Tôi đã về nhà để giải cứu đất nước”, Rainsy nói với đám đông tập trung tại sân bay Phnom Penh, sau khi quỳ xuống hôn đất.
Ông đã tổ chức các chiến dịch vận động, phát biểu ở 15 tỉnh Campuchia. Đứng trên xe tải, cầm micro trên tay, Rainsy nói với các tiểu thương bên chợ Kampong Speu, chỉ trích Thủ tướng Hun Sen tham nhũng, phá hoại tài nguyên của dân tộc và mở đường cho dòng người nhập cư bất hợp pháp từ Việt Nam vào Campuchia.
Trong các chiến dịch tranh cử của mình, các lãnh đạo của đảng này đã lớn tiếng chỉ trích Hun Sen là con rối của chính quyền Hà Nội, và quyền lực mà ông có được là đến từ lưỡi lê của những người Việt Nam chứ không phải thùng phiếu của người dân Campuchia.
Bằng cách chỉ trích Hun Sen là một nhà độc tài bù nhìn do Việt Nam dựng lên, CNRP đã làm lung lay hình ảnh Hun Sen là một lãnh tụ có công đánh đổ chế độ Khmer Đỏ, như CPP thường tuyên truyền.
Đảng Nhân dân Campuchia (hiện là đảng cầm quyền) của Thủ tướng Hun Sen được thành lập năm 1979 do một nhóm các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ (trong đó có Hun Sen) trở về Campuchia để lật đổ chế độ Pol Pot, với sự giúp đỡ của Việt Nam. Sau này, nhóm người này đã trở thành những người lãnh đạo đất nước.
CPP thường xuyên thể hiện với dân chúng rằng, Thủ tướng Hun Sen và những người lãnh đạo của Đảng là những con người giải phóng, đã có công lật đổ chế độ chuyên chế và diệt chủng, vì thế được quyền lãnh đạo đất nước; người dân Campuchia mang nợ đảng vì thế nên biết ơn đảng. Họ cũng tuyên truyền rằng bất kỳ mưu đồ nào đòi lật đổ chính phủ của Thủ tướng Hun Sen đều bị coi là phản động, và nếu CPP không còn nắm quyền lực thì đất nước có thể một lần nữa rơi vào chế độ chuyên chế.
Nhưng Đảng Cứu quốc Campuchia thì có một diễn ngôn phản tuyên truyền khác.
Trong các bài phát biểu trước hàng ngàn người ủng hộ đang la hét và reo hò, chủ tịch Đảng Cứu quốc Campuchia, ông Sam Rainsy và phó chủ tịch Kem Sokha liên tục tuyên thệ sẽ thanh lọc chính phủ, chống tham nhũng, đứng về phía người nghèo và phát triển đất nước.
“Nhà lãnh đạo đương nhiệm thực sự là một kẻ tham nhũng, vì vậy, hỡi đồng bào, chúng ta hãy thay đổi để có một nhà lãnh đạo trong sạch, để đất nước chúng ta có công lý và có thể phát triển như các quốc gia phát triển khác”, ông Rainsy nói với đám đông.
Tháng 08/2014, tại Quốc hội, chính Thủ tướng Hun Sen đã yêu cầu các quan chức CNRP và các nhà hoạt động của họ ngừng chế giễu chính phủ là “con rối của Việt Nam” (Vietnamese puppet).
Một nhà lập pháp của Đảng Cứu quốc Campuchia, ông Um Sam An đáp trả rằng Hun Sen phải làm được ba điều: “Đầu tiên, ông phải buộc những người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp rời khỏi đất nước. Thứ hai, ông phải đòi lại những vùng đất của Campuchia hiện đang bị Việt Nam kiểm soát và xóa bỏ các hiệp định Việt Nam – Campuchia năm 1982, 1983 và 1985. Thứ ba, Việt Nam phải thừa nhận Nam Kỳ (Cochinchina) là vùng đất của tổ tiên người Campuchia, và phải xin lỗi người Campuchia vì trước đó đã ngụy biện”.
Um Sam An phân tích rằng, nếu Hun Sen làm được ba điều trên, thì người dân sẽ ngừng mỉa mai chính phủ là con rối của Việt Nam, và sẽ coi ông ta là anh hùng dân tộc.
Việt Nam và người Việt nhập cư vốn là mục tiêu bị nhắm đến của các tổ chức chính trị bài ngoại, như Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) hay tiền thân của nó là Đảng Sam Rainsy (Sam Rainsy Party – SRP).
CNRP lập luận rằng chính phủ Campuchia hiện đã cho phép quá nhiều người Việt Nam sinh sống và lo ngại rằng Campuchia có thể trở thành Kampuchea Krom thứ hai (Kampuchea Krom ý chỉ vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ ở Việt Nam ngày nay).
Trong khi các lãnh đạo của CPP cam kết sẽ đưa ra một chính sách định cư hợp pháp cho những người Việt Nam nhập cư – điều này vốn gây mất lòng công chúng – thì các lãnh đạo của CNRP từ lâu đã cố gắng giành lấy sự ủng hộ của các cử tri Khmer (đặc biệt là những người Khmer trẻ tuổi) bằng cách đưa ra các chính sách phân biệt sắc tộc đối với những người Việt Nam nhập cư và cam kết đuổi “youn” khỏi lãnh thổ Campuchia (“youn” là cách gọi miệt thị đối với người Việt ở Campuchia).
Vào 08/2016, thông báo rằng có hơn 160.000 người nhập cư sống ở Campuchia mà không có giấy tờ hợp lệ, Bộ Nội vụ nước này cho biết sẽ tìm cách trao cho những người này cơ hội được ở lại, trong khi phe đối lập (CNRP) thúc đẩy lệnh trục xuất. “Nếu họ không có giấy tờ hợp lệ, điều đó có nghĩa là họ đang định cư bất hợp pháp”, một phát ngôn viên của CNRP nói trên tờ Cambodia Daily. “Họ nên quay trở về nước”.
Việc sử dụng các diễn ngôn mang tính phân biệt sắc tộc (nhắm vào người Việt nhập cư) của CNRP cho thấy phe đối lập không có khả năng đưa ra các chính sách rõ ràng để cạnh tranh với CPP.
Billy Tai, nhà tư vấn nhân quyền ở Campuchia nói: “Tôi nghĩ đây là một vấn đề lớn trong các diễn ngôn chính trị của Campuchia hiện đại”.
“Họ không xây dựng các chính sách phù hợp để tranh cử, họ khai thác các định kiến chống Việt Nam vốn rất cố hữu và gắn chặt với tư duy của người Khmer qua nhiều thế hệ, và điều không may là cách làm này rất hiệu quả”, ông nói.
Cham Bunthet, giảng viên chính trị tại Paññasastra University of Cambodia (Đại học Paññasastra Campuchia) và là một quan chức của Grassroots Democracy Party (Đảng Dân chủ Cơ sở), nhận xét việc CNRP dùng các diễn ngôn mang tính phân biệt sắc tộc nhắm vào cộng đồng người Việt ở Campuchia là hành động “ấu trĩ và nguy hiểm”.
“Đây là một đường lối chính trị nhàn hạ. Họ không cần phải đau đầu phát triển các chính sách mang tính xây dựng và cổ xúy chúng. Cách làm này khó khăn và tốn kém. Thứ hai, CNRP sẽ thu được nhiều khoản hỗ trợ tài chính từ người Campuchia hải ngoại bằng cách lợi dụng tâm lý chống Việt Nam. Tôi từng gặp một số người Campuchia ở vài nước châu Âu khi tôi còn học ở đó, họ nói với tôi rằng nếu CNRP không thắng cử, Việt Nam rồi sẽ thao túng Campuchia”, ông cho biết.
Trong cuộc bầu cử năm 2013, các nhóm cử tri Khmer đã ngăn cản những người Campuchia gốc Việt vào các phòng bỏ phiếu. Ẩu đả đã xảy ra, nhiều người Việt bị đám đông quá khích hành hung dẫn đến thiệt mạng. Và trong những tháng sau bầu cử, một số người bị nghi ngờ là người Việt Nam đã bị đám đông đánh đập đến chết.
Tại xã Stung Meanchey, một cuộc bạo loạn đã nổ ra sau khi cử tri cáo buộc các quan chức đã cho phép người Việt bỏ phiếu. Khoảng 100 cảnh sát đã ập đến bao vây ngôi chùa. Những người biểu tình giận dữ ném đá, lật hai xe quân dụng của cảnh sát rồi đốt chúng. Ít nhất một người đàn ông bị thương và được đưa đến bệnh viện, trong khi những người biểu tình bắt giữ trưởng trạm bỏ phiếu.
Tại xã Kbal Koh, 500 người đã bị đám đông ngăn không cho bỏ phiếu, vì bị nghi là người Việt Nam. Ở quận Kanh Chriech, ít nhất 100 người đã giận dữ ngăn cản những người bị xem là “người ngoài”, không cho họ đến bỏ phiếu tại xã Kdoeung Reay. Những cảnh tương tự đã diễn ra trên khắp thủ đô Phnom Penh và lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Gây chia rẽ là một chiến lược thường thấy trong lịch sử chính trị Campuchia. Trong gần một ngàn năm, người Khmer đã vẽ ra những chiếc mũ, và tố cáo nhau là những con rối của Thái Lan hoặc Việt Nam.
Tháng 11/2017, sau khi chủ tịch đương nhiệm của Đảng Cứu quốc Campuchia là ông Kem Sokha bị kết tội “phản quốc”, đảng này đã bị Tối cao Pháp viện Campuchia giải tán bằng một phán quyết bị giới hoạt động nhân quyền thế giới lên án mạnh mẽ. Chiến dịch “cứu quốc” của đảng này kết thúc, nhưng những diễn ngôn chính trị chống Việt Nam và sự phân biệt đối xử với người Việt vẫn chưa dứt. Hận thù với Việt Nam đã trở thành một phần trong bản sắc chính trị của người Campuchia.