Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật hai lần mỗi ngày, vào lúc 8:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Vào thứ Hai vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ William Barr bác bỏ khả năng điều tra hình sự cựu tổng thống Barack Obama hay cựu phó tổng thống Joe Biden liên quan đến cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử, tờ New York Times đưa tin.
Lời bác bỏ của ông Barr được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Trump cáo buộc cựu tổng thống Obama sử dụng gián điệp theo dõi chiến dịch tranh cử của ông hồi 2015-2016. Ông Trump gọi “vụ bê bối” này với cái tên “Obamagate”, một cái tên đặt theo vụ bê bối Watergate của cựu tổng thống Richard Nixon. Tuy nhiên, hiện tại, không hề có bằng chứng nào cho thấy ông Obama can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.
Ông Barr nói rằng công tố viên liên bang John Durham đang điều tra những người liên quan đến cuộc điều tra Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, cùng lúc xem xét lại phản ứng của các nhân viên chấp pháp và tình báo trong vụ việc này. Cuộc điều tra này tập trung vào một vài người, nhưng không có ông Obama hay ông Biden.
“Tôi không nghĩ là cuộc điều tra của ông Durham sẽ dẫn tới điều tra hình sự ai trong hai người này”, ông Barr khẳng định, “mối quan tâm của chúng tôi là ở một số người khác.”
Ông Barr không nói rõ những người mà ông Durham đang chú ý tới là ai. Tuy nhiên, bình luận của ông Barr là một lời phản bác cho những nỗ lực của ông Trump và đồng minh trong việc tố giác ông Obama. Khi được hỏi về lời phản bác của ông Barr, ông Trump chỉ trả lời rất mơ hồ rằng: “Obama biết tất cả những gì xảy ra […] đó là một âm mưu hạ bệ tổng thống.”
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Các thành viên Đảng Dân chủ ở Hạ viện Mỹ nói với Tòa án Tối cao của nước này rằng họ đang tiếp tục điều tra những tội danh có khả năng luận tội khác của Tổng thống Donald Trump, tờ USA Today đưa tin.
Vào thứ Hai vừa rồi, Ủy ban Tư pháp Hạ viện nói rằng những phát hiện của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller khi điều tra Nga là những yếu tố “trọng tâm” của đợt điều tra nối tiếp này. Do đó, Ủy ban này muốn Tòa án Tối cao cho phép họ tiếp cận các tài liệu mật của một đại bồi thẩm đoàn xét xử một vụ án liên quan đến ông Trump.
“Nếu như những tài liệu này cung cấp thêm bằng chứng đủ để kết luận rằng Tổng thống Trump phạm phải những tội danh đáng luận tội, Ủy ban sẽ tiến hành các biện pháp phù hợp. Nếu cần thiết, Ủy ban sẽ cân nhắc đề xuất luận tội chính thức” – Douglas Letter, luật sư trưởng của Hạ viện cho biết.
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Theo một cuộc thăm dò dư luận mới nhất, cựu phó tổng thống Joe Biden đang dẫn đầu tại bang có truyền thống bảo thủ Arizona, vượt qua Tổng thống Donald Trump, tờ US News đưa tin.
Cuộc thăm dò do hãng OH Predictive Insights Poll tiến hành cho thấy ông Biden đang dẫn ông Trump 7 điểm ở Arizona, với 50 điểm phần trăm so với 43% của ông Trump.
Được biết, bang Arizona chưa từng bầu cho một ứng cử viên tổng thống thuộc Đảng Dân chủ nào kể từ thời Bill Clinton.
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Hôm nay, thứ Tư, bà Thái Văn Anh (Tsai Ing-wen) tuyên thệ nhậm chức tổng thống Đài Loan nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp.
Bà phát biểu rằng Đài Loan sẽ không chấp nhận trở thành một phần của Trung Quốc dưới hệ thống “một quốc gia, hai chế độ”, Reuters đưa tin.
Bà cũng nói rằng mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đang ở một bước ngoặt lịch sử. “Cả hai bên cần phải tìm cách cùng tồn tại trong dài hạn” – bà nói.
“Chúng tôi sẽ không chấp nhận hệ thống ‘một quốc gia, hai chế độ’ mà chính quyền Bắc Kinh đang sử dụng để hạ thấp và coi thường Đài Loan. Chúng tôi sẽ đứng vững trên lập trường này” – Tổng thống Đài Loan khẳng định.
Trung Quốc từ lâu nay đã sử dụng chính sách “một quốc gia, hai chế độ” với Hong Kong. Hệ thống này ban đầu hứa hẹn mang lại nhiều quyền tự quản, và từng được đề xuất với chính quyền Đài Loan. Tuy nhiên, mọi đảng phái lớn của Đài Loan đều từ chối.
Phản ứng với lời khẳng định này của bà Thái Văn Anh, Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc (China’s Taiwan Affairs Office) nói rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục ủng hộ chính sách “một quốc gia, hai chế độ” – chính sách nền tảng của chính quyền Tập Cận Bình (Xi Jinping). Họ cũng nói rằng họ sẽ “không để cho Đài Loan có các hoạt động độc lập.”
“Thống nhất đất nước là một sự thật lịch sử không thể tránh khỏi của đất nước Trung Hoa vĩ đại” – người phát ngôn của văn phòng này nói.
Bà Thái Văn Anh đã luôn coi Đài Loan là một quốc gia độc lập với tên Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China). Chính quyền của Tổng thống Đài Loan không muốn bị coi là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (People’s Republic of China) dưới trướng chính quyền Bắc Kinh.
Được biết, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gửi lời chúc mừng tới bà Thái Văn Anh vào thứ Ba. Trong lời nhắn trực tiếp từ Washington, ông ca ngợi “sự can đảm và tầm nhìn [của bà] trong việc lãnh đạo nền dân chủ sống động của Đài Loan”.
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mất thế đa số tuyệt đối ở Quốc hội vào thứ Ba vừa rồi, sau khi phe của ông là Hội Canh tân Đời sống Chính trị (La République en Marche) mất đi bảy ghế, tờ Politico đưa tin.
Thế vào các ghế đó là một nhóm mang tên “Sinh thái, Dân chủ, Đoàn kết” (Ecology, Democracy, Solidarity). Nhóm này có kế hoạch sẽ bảo vệ “công bằng xã hội và môi trường”. Họ nói rằng họ sẽ “không liên minh với phe cầm quyền của ông Macron hay đảng đối lập”, mà sẽ bỏ phiếu dựa theo chính kiến chính trị của mình.
Sau phong trào Áo khoác Vàng (Yellow Jacket) tại Pháp, có rất nhiều thành viên cánh tả LREM của ông Macron tỏ ra bất mãn. LREM có mục tiêu là phá vỡ sự chia cắt cánh tả – cánh hữu, nhưng họ lại cho rằng LREM đang thiên về cánh hữu nhiều hơn. Chính phủ của ông Macron phủ nhận điều này. Tuy nhiên, nhiều thành viên cánh tả của LREM đã rời tổ chức chính trị này và thành lập nhóm riêng trong Quốc hội như nêu trên.
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Đại học Queensland (University of Queensland) của Úc mới đây dọa sẽ đuổi học một sinh viên hay chỉ trích Trung Quốc và đưa vụ việc ra pháp luật, tờ Wall Street Journal đưa tin.
Sinh viên này là Drew Pavlou, 20 tuổi, hiện đang học chuyên ngành triết học. Trường đưa ra các cáo buộc liên quan tới anh Pavlou như vi phạm chính sách của nhà trường, quấy rối nhân viên và sinh viên, và gây thiệt hại tới danh tiếng của trường.
Vào thứ Ba vừa qua, anh Pavlou đã phải dự một cuộc họp kỷ luật của nhà trường dài 45 phút. Cuộc họp sẽ quyết định xem có đuổi học anh hay không. Anh nói rằng trường đại học không tuân thủ các “tiêu chuẩn thông thường của thủ tục phân xử công bằng”.
Được biết, anh Pavlou được những nhà hoạt động hàng đầu Úc về tự do ngôn luận bào chữa.
Trường hợp của anh Pavlou là một điển hình của cuộc tranh luận về ảnh hưởng của Trung Quốc lên các trường đại học ở phương Tây, ở đây là Úc. Các trường đại học ở Úc càng ngày càng dựa vào doanh thu có được từ sinh viên quốc tế – phần nhiều trong đó là sinh viên Trung Quốc.
Hiện tại, các quan chức trong trường Queensland phủ nhận rằng họ chịu sức ép chính trị từ Trung Quốc.
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến hiện tại, Nga khai báo có 299.941 ca nhiễm COVID-19, đứng thứ hai trên thế giới, và 2.837 trường hợp tử vong. Tỷ lệ tử vong ở Nga theo số liệu này nằm ở mức 1,88/100.000. Số liệu tại Mỹ và Anh lần lượt là 27,61/100.000 và 52,45/ 100.000.
Tuy nhiên, theo Reuters, nhiều người cho rằng bệnh viện đưa ra kết quả người thân của họ dương tính với coronavirus nhưng lại tử vong vì các nguyên do khác.
Daria Kornilova, con dâu của một phụ nữ được xét nghiệm dương tính hai lần với coronavirus và đã tử vong, cho biết: “Giấy báo tử nói rằng bà ấy chết vì một khối u ác tính. Coronavirus không được nhắc đến ở bất cứ chỗ nào trong tờ giấy này cả”.
Người phụ nữ này chỉ là một trong hàng nghìn ca nhiễm ở Nga đã tử vong với một báo cáo nguyên nhân không phải do virus gây nên. Những người thân của các ca tử vong cho rằng người nhà mình đã nhiễm virus, và được thông báo tử vong vì một bệnh lý mà họ không hề có trước đó.
Nga bảo vệ cách tính số ca tử vong của mình. Nhà nghiên cứu Oleg Zairatyants, tác giả của bộ hướng dẫn khám nghiệm tử thi của Sở Y tế Moscow cho biết: “Chúng tôi biết tất cả những đặc tính của COVID-19, kết quả (phân tích) là khách quan và được tuyên bố bởi uỷ ban. Thật không may người dân đang chết dần, nhưng nguyên nhân cái chết đối với chúng tôi là rõ ràng”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng họ không thấy điều gì bất thường ở cách làm việc của Nga.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Vào thứ Ba (giờ Mỹ), tại Hội nghị Bộ trưởng thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Chen Xu – đặc phái viên Trung Quốc tại WHO – đã lên án việc Mỹ và những nước khác ủng hộ Đài Loan tham gia các hội nghị do Liên Hợp Quốc tổ chức, cho rằng điều này làm suy yếu phản ứng toàn cầu đối với đại dịch COVID-19.
Ông Chen Xu phát biểu: “Một vài quốc gia vẫn còn quyết tâm biện hộ cho chính quyền Đài Loan, vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc và WHO và làm suy yếu các nỗ lực kiềm chế dịch bệnh toàn cầu”.
“Trung Quốc kịch liệt phản đối và kiên quyết chống lại hành vi này”.
Trung Quốc đang cô lập Đài Loan, nhất quyết phản đối việc nước này tham gia các tổ chức của Liên Hợp Quốc như WHO. Trung Quốc đưa ra lý do Đài Loan chỉ là một tỉnh ly khai của Trung Quốc, không được công nhận như một quốc gia có chủ quyền. Trước động thái này của Trung Quốc, WHO cho biết họ bị ràng buộc bởi quy định của Liên Hợp Quốc, và Đài Loan chỉ có thể tham dự các hội nghị nếu các thành viên tham gia hội nghị quyết định như vậy.
Một số đại biểu đã phản đối việc Đài Loan bị loại trừ khỏi các hội nghị do WHO sắp tổ chức, bao gồm nhà ngoại giao Hoa Kỳ Howard Solomon, cũng như đại diện của Haiti và Paraguay.
Ông Solomon nhấn mạnh Mỹ không đồng tình với phản ứng của phía Trung Quốc trong bài phát biểu bế mạc.
Đáp trả, ông Chen Xu nói đây là sự “cường điều hóa chính trị” và “không thể chấp nhận được”.
Đài Loan thất bại trong việc vận động tham dự hội nghị do WHO tổ chức lần này dù đã nỗ lực vận động hành lang và có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Đức, Úc, New Zealand và các nước khác.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vào thứ Ba rằng ông nghĩ số lượng ca nhiễm coronavirus ở Mỹ là một “huân chương danh dự” vì cho rằng con số này phản ánh chất lượng xét nghiệm virus ở Mỹ, tờ Politico đưa tin.
Hiện tại, Mỹ đang là nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm coronavirus. Ở thời điểm hiện tại, hơn 91 nghìn người dân Mỹ đã tử vong vì dịch bệnh này.
“Khi ai đó nói là Mỹ đang đứng đầu về số ca nhiễm, đó là vì chúng ta tiến hành nhiều xét nghiệm hơn bất kỳ nơi nào khác” – Ông Trump nói trong một cuộc họp với nội các.
Ông Trump tuyên bố rằng Mỹ đã thực hiện được 14 triệu lượt xét nghiệm. Con số này nhiều hơn 2 triệu so với con số thực tế, theo thống kê của Dự án Theo dõi COVID tại Mỹ (COVID Tracking Project): “Khi mà chúng ta [nước Mỹ] có rất nhiều ca nhiễm, tôi không nghĩ đó là điều xấu. Tôi nghĩ đó là một điều tốt, bởi vì như thế có nghĩa là chúng ta xét nghiệm tốt hơn. Nếu chúng ta chỉ xét nghiệm 1 triệu người thay vì 14 triệu người thì con số sẽ nhỏ hơn nhiều chứ, đúng không?”
Ông Trump cũng cho rằng ngoài số lượng lớn xét nghiệm được thực hiện, dân số của nước này cũng là lý do cho con số ca nhiễm cao. Ông Trump phàn nàn rằng số liệu này ở Mỹ tính cả những ca nhiễm không có triệu chứng, thay vì chỉ tính những ca nặng.
“Tôi cho rằng số ca nhiễm cao đúng là một huân chương danh dự, vì nó thể hiện chất lượng nghiệp vụ của chúng ta” – ông Trump kết luận.
Nhiều chuyên gia phản đối với quan điểm này. Họ cho rằng đó là những cái cớ cho thất bại của chính quyền Trump khi để cho virus lây lan không kiểm soát trong một thời gian dài. Tờ Politico chỉ ra rằng ông Trump từng hứa vào tháng Ba là tất cả người Mỹ “cần được xét nghiệm sẽ được xét nghiệm”. Tuy nhiên, lời hứa này vẫn chưa thành hiện thực.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, TT Trump đã có nhiều tuyên bố liên tục thay đổi về coronavirus. Vào tháng Hai, ông tuyên bố rằng số ca bệnh sẽ sớm quay trở về 0. Ông cũng do dự khi phải cân nhắc đưa những người bị nhiễm bệnh xuống khỏi du thuyền ở California, với lý do là họ sẽ làm tăng số ca nhiễm ở Mỹ lên.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Theo Taiwan News, vào thứ Hai, một cuộc thăm dò dư luận đã đưa ra kết quả chưa từng có: tỷ lệ tín nhiệm Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đạt đến con số 73%.
Cụ thể, Hiệp hội Hiến pháp mới Đài Loan công bố có đến 72,6% số người trả lời cho biết họ hài lòng với những gì bà đã thể hiện, chỉ có 17,3% không tán thành. Thủ tướng Su Tseng-chang cũng đạt được tỷ lệ tín nhiệm cao với 65,9%.
Bên cạnh đó, cuộc thăm dò về việc người dân lựa chọn mình là “người Đài Loan”, “người Trung Quốc” hay là “cả hai” cũng được thực hiện. Kết quả cho thấy 70% số người tham gia nhận là “người Đài Loan”, chỉ có 2,7% nhận là “người Trung Quốc”, và 25,2 % chọn “cả hai”. Tuy nhiên, tỷ lệ lựa chọn mình là “người Đài Loan” ở độ tuổi từ 20 đến 29 đạt đến 91,1%.
Một cuộc khảo sát khác về việc liệu người Đài Loan có cảm thấy việc bị nhầm lẫn với tên chính thức của Trung Quốc có phải là vấn đề nghiêm trọng hay không cũng đã đưa ra được kết quả. Cụ thể, tên chính thức của Đài Loan là Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China), tên chính thức của Trung Quốc là Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (People’s Republic of China). Có đến 73,6% người Đài Loan cho rằng đây là một vấn đề nghiêm trọng.
Rất nhiều người Đài Loan đang kêu gọi loại bỏ từ “Trung Quốc” khỏi tên của hãng hàng không quốc gia Đài Loan (China Airline) và yêu cầu được đặt “Đài Loan” (Taiwan) trên hộ chiếu để tránh bị nhầm lẫn với Trung Quốc.
Mức độ tin cậy của các cuộc khảo sát này được đánh giá ở mức 95%, với tỷ lệ sai số là (+)(-)2,93%.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.