‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Đọc bài viết đăng ngày 10 tháng 5 trên Luật Khoa có tiêu đề “Tôi đi tìm một điều trong phán quyết Hồ Duy Hải. Nhưng không thấy”, tôi nghĩ ngay đến nguyên tắc, hay nói đúng hơn là truyền thống “thẩm phán chỉ nói chuyện qua bản án” (judges only speak through their judgments) của nhiều hệ thống tư pháp trên thế giới.
Theo truyền thống này, các thẩm phán chỉ toàn tâm toàn ý và biểu đạt hết những gì cần biểu đạt, phản biện hết những gì cần phản biện bằng bản án. Ngoài ra, họ không bình luận thêm bất kỳ điều gì bên ngoài phòng xử án về “đứa con” tinh thần của mình.
Bạn đọc có thể hiểu đơn giản nguyên tắc này qua lời tuyên bố chung của một số thẩm phán Hoa Kỳ khi họ tham gia soạn thảo Bộ Nguyên tắc mẫu về Ứng xử Tư pháp (The Model Code of Judicial Conduct):
“Giữa những ham muốn biểu đạt, ham muốn được nói, chúng ta cần vượt qua chúng để có thể đứng trên những tranh cãi. Nếu các thẩm phán cho phép mình trở thành những người biện hộ cho bất kì quan điểm nào trước công chúng, chúng ta đánh mất điều quan trọng nhất mà chúng ta có – sự trung lập, không thiên vị và khả năng xuất hiện một cách trung lập, không thiên vị trước mắt công chúng.”
[…]
Cần nhớ rằng những phát biểu của chúng ta khó mà làm thay đổi được quan điểm của công chúng về bản án. Nếu chúng ta lên tiếng, niềm tin rằng các thẩm phán không trung lập chỉ ngày càng được củng cố.”
Việc đứng ngoài đại đa số các thảo luận công cộng (trừ khi là những bài giảng hay các nghiên cứu về pháp luật) trở thành tôn chỉ sống còn của các thẩm phán vì nhiều lý do.
Một là, họ có thể dành nhiều thời gian để hoàn thiện tất cả những gì có thể trong bản án, đảm bảo rằng các lập luận pháp lý bên trong phán quyết tính đến mọi phản bác hay khả năng đàm tiếu bên ngoài xã hội.
Hai là, họ có thể tách biệt hoàn toàn khỏi các cáo buộc về định kiến hay thiên vị liên quan đến một vụ án, một nghi phạm, một chính trị gia hay một công tố viên, một luật sư.
Cuối cùng, việc đưa ra quan điểm cá nhân bên ngoài bản án đồng nghĩa với việc các thẩm phán biến mình trở thành một tác nhân chính trị, có ưu tiên riêng và có cương lĩnh riêng. Đây là điều tối kỵ quan trọng nhất trong các nguyên tắc mà những người cầm cân của hệ thống tư pháp phải tránh.
Nói về thực tế, việc nhiều tòa nước ngoài phải can thiệp, xử lý kỷ luật hay đình chỉ chức năng xét xử của các thẩm phán “hù dọa” ngoài đời không hiếm.
Trong một tài liệu tuyển tập của Hiệp hội Tư pháp Hoa Kỳ (American Judicature Society) về việc xử lý các hành xử sai lầm của thẩm phán trong hệ thống tư pháp, chúng ta có thể thấy rõ những điều cấm kỵ mà một thẩm phán độc lập không được làm.
Ví dụ, thẩm phán không được nói về năng lực của một luật sư hay một công tố viên. Năm 1994, trong vụ việc In re Schenck, 870 P.2d 185 (1994), Tối cao Pháp viện tiểu bang Oregon kết luận rằng một thẩm phán đã vi phạm nguyên tắc công bằng, không thiên vị khi vị này chỉ trích tổng chưởng lý mới được bổ nhiệm là thiếu năng lực, thiếu kinh nghiệm và thiếu chuyên nghiệp… trên mặt báo.
Tương tự, vào năm 1983, một thẩm phán của bang West Virginia cũng bị xem là vi phạm nguyên tắc công bình, không thiên vị của vị trí thẩm phán khi ông chỉ trích công khai việc các cơ quan lập pháp tiểu bang đề xuất và thông qua cắt giảm ngân sách dành cho hệ thống tòa án.
***
Ngày 12 tháng Năm năm 2020, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ đột ngột đăng đàn trên báo chí để hơn thua với những người chỉ trích quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.
“Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt về vụ án, kêu gọi chống phá hệ thống tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng từ trung ương đến địa phương, bôi nhọ, quy kết trách nhiệm cả nền tư pháp và các đồng chí trưởng ngành tố tụng từ năm 2008 đến nay, đặc biệt là đồng chí Chánh án” – ông quả quyết.
Với phát ngôn này, ông Tuệ biến mình trở thành một nhân tố chính trị thuần túy. Ông tuyên chiến với một bộ phận lớn công luận và những người có chuyên môn trong ngành tư pháp hình sự.
Ông cho rằng đây là những thông tin bịa đặt, bôi nhọ và chống phá… những hành vi hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự theo pháp luật Việt Nam. Phải chăng ông đang cáo buộc, chụp mũ họ?
Quan trọng hơn tất cả, với phát ngôn này, ông hoàn toàn không còn đủ tư cách hay sự công tâm để tham gia một cách công bằng trong bất kì phán quyết nào liên quan đến Hồ Duy Hải.
Với ông, ai nói rằng vụ án còn khúc mắc, có sai phạm chỉ là những kẻ bôi nhọ.
Và khi mà một thẩm phán đã chọn phe để đi theo – người đó không thể được xem là thẩm phán đúng nghĩa.
“Đặc biệt, có ba đại biểu Quốc hội phát biểu thông tin không đúng với nội dung vụ án, đưa ra những nhận xét chủ quan, dựa trên những thông tin từ mạng xã hội” – ông này nói thêm.
Việc ba vị đại biểu, với trách nhiệm và thẩm quyền của mình, trao đổi với cử tri, với báo chí về các vấn đề chính sách, hành pháp, lập pháp hay tư pháp… là hết sức bình thường. Bằng việc tuyên chiến luôn với cả các đại biểu, cho rằng họ phát biểu thông tin không đúng và có nhận xét chủ quan, ông Tuệ tiếp tục hằn sâu trong mình định kiến rằng “bản chất vụ án” đã xác định, không thể sai. Điều này đồng nghĩa ông không thể công tâm trong bất kỳ thủ tục pháp lý nào liên quan đến vụ Hồ Duy Hải trong tương lai.
***
Có lẽ đến thời điểm này, bạn đọc đã có trong tay phán quyết giám đốc thẩm do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành (đường link dẫn cho độc giả chưa có cơ hội đọc).
Trong vòng 24 trang phán quyết, có hơn 10 trang trong số đó là các yếu tố hình thức và phần “thuật lại” vụ án (vốn đã hình thành định kiến rằng Hải đương nhiên là tội phạm). Trong số ít ỏi các trang còn lại, cụm từ “Hải khai” được lặp đi lặp lại 29 lần. Tính ra mỗi trang của phần bình luận viện dẫn đến gần ba lần lời khai của Hồ Duy Hải, và dường như làm ngơ trước mọi sai lầm tố tụng mà Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã chỉ ra một cách vô cùng rõ ràng.
Những vấn đề mà phán quyết này không thể giải quyết được hay cố tình lấp liếm, tôi xin dành cho các chuyên gia pháp luật hình sự tiếp tục mổ xẻ. Nhưng khi mà thẩm phán quyết tâm không nói gì bằng bản án, mà lại nói rất nhiều, đe nẹt rất nhiều trên báo chí, có lẽ cũng là lúc quốc dân không cần phải đồn đoán gì về năng lực phân xử của họ nữa.
Vậy nên, cho phép tôi chỉ gọi tên thật của người hung hăng xuất hiện trên mặt báo – Nguyễn Trí Tuệ, mà không đi kèm tiền tố mà tôi rất kính trọng – thẩm phán.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.