‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Khoảng cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, tôi vẫn hay thường chờ bố mang các loại nhật báo và tạp chí từ cơ quan về mỗi chiều. Ngày ấy, sách vở in ra thường chỉ là liên quan đến Đảng Cộng sản Việt Nam, không văn kiện thì là nghị quyết, sử đảng. Phần đông còn lại là sách giáo khoa, sách chuyên đề, sách ngoại ngữ các cấp. Trẻ em ở các nhà khá giả sẽ được mua hẳn cho vài bộ truyện tranh như Doraemon hay Bảy viên ngọc rồng. Song hồi ấy phụ huynh vẫn còn ngại những bộ truyện này có thể gây ảnh hưởng bạo lực lên tâm sinh lý nên bọn trẻ chỉ dám lén thuê từ các sạp báo chứ ít khi mua hẳn để lưu giữ.
Hạn chế trong lựa chọn, báo chí từ đấy trở thành thú tiêu khiển, vừa là con mắt để tôi nhìn ra thế giới, vừa là kỷ niệm để tôi lưu giữ.
Tuổi Trẻ hay Thanh Niên thì hẳn là ngày nào cũng phải đọc. Tin nóng, tin về các vụ án lớn, tin thế giới… thì hai tờ này làm nhanh nhất và chất lượng nhất. Ngày xưa bài viết không phải tản mạn trên mạng; không phải ai muốn chép về, chỉnh sửa lại rồi chia sẻ lại chỉ trong vài giây là được. Còn phải dàn trang, còn xếp chữ, còn tìm hình và bao công đoạn phức tạp khác. Vậy nên cứ mỗi buổi sáng, độc giả lại tìm kiếm những mặt báo của Tuổi Trẻ và Thanh Niên bởi sự cuốn hút nội dung của chúng.
Báo Công an Nhân dân, báo An ninh thế giới nghe có vẻ nghiêm túc, nhưng thật ra đối với tôi nó giống như những trang thông tin tổng hợp giật gân ngày nay. Muốn tìm đọc cướp, hiếp, giết, kỳ án dài tập, “thâm cung bí sử” của các băng đảng Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh… thì hai tờ này chắc chắn sẽ là hai lựa chọn giết thời gian kinh điển.
Riêng thứ tôi tự hào lưu giữ nhất trong thời gian này là những quyển Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Tờ tuần báo được in như các tạp chí thời trang, có ảnh có màu, với các bài viết về kinh tế – xã hội mà tôi ít khi có thể tìm thấy trên các tờ nhật báo thông thường.
Tôi mừng rơn khi thi thoảng tìm được bài viết của kinh tế gia Lê Đăng Doanh phân tích sự phát triển thần tốc của Trung Quốc và giải thích vì sao dân chủ sẽ phân bổ nền kinh tế tốt hơn. Thêm vào đó là rất nhiều bài viết của các tác giả khác về an ninh lương thực, cảnh báo về dòng Mekong, các lời kêu gọi đầu tư hạ tầng ở đồng bằng sông Cửu Long… những thảo luận mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự lẫn học thuật.
***
Rồi thời thế thay đổi.
Có người bảo vì công nghệ thông tin phát triển với hệ thống blog cá nhân, Yahoo! 360 và các chuỗi forum có thể kết nối người đọc với hàng ngàn thành viên khác.
Có lẽ vậy.
Ngày xưa, độc giả chỉ tiếp nhận thông tin dưới hình thức thụ động, bảo sao nghe vậy trên các mặt báo giấy. Lúc thấy ấm ức, hay giả khi cho rằng tin tức không hợp lý thì cũng chỉ “tặc lưỡi cho qua” để đọc trang khác, bài khác. Nay, họ đột nhiên được trao cái thẩm quyền mà họ chưa từng có: chia sẻ lại, bình luận và thậm chí nêu lên ý kiến của mình.
Tôi gọi đây là quá trình “bình dân hóa” báo chí, nơi mà bản thân báo chí chính thống không còn nắm độc quyền quyền diễn giải “thông tin” và “sự thật” nữa. Các nhà báo vẫn phải trải qua vòng thẩm định cuối cùng – công luận và mạng Internet.
Cũng có người bảo rằng hệ thống thông tin “tư nhân” làm được điều mà báo chí “chính thống” chưa từng làm được: đưa thông tin trái chiều. Nếu ngày xưa bạn đọc chỉ có thể lựa chọn vài tờ báo để được mớm tin tức như chim con chờ mẹ mớm mồi, những trang tin tức .org như X-Cafe hay Talawas cho tôi đến một thế giới hoàn toàn mới, với những thông tin mà ngay cả tờ báo chính thống tôi ngưỡng mộ nhất cũng không dám đả động đến.
Tôi vẫn còn nhớ mỗi tối những năm 2006 mình hồi hộp như thế nào khi bật Ultrasurf để vượt tường lửa vào đọc X-Cafe. Từ câu chuyện về người Mỹ đã đối xử với với phe thua trận trong nội chiến Hoa Kỳ ra sao, cho đến những phân tích liên quan đến dự án khổng lồ Dung Quất và nguyên cớ gì nó không thể thành công… Như một kẻ cận thị chưa từng dùng kính, luồng thông tin mới giúp tôi nhìn rõ hơn, chi tiết hơn những lát cắt của đời sống xã hội mà tôi chưa từng nghĩ rằng mình muốn biết, hay cần phải biết. Những tài liệu, những quyển sách tôi chưa từng nghe nói đến cũng được chia sẻ.
“Cái chết” đầu tiên của báo chí trong tôi không phải bởi vì tin tức xuống cấp, hay các ngòi bút cũ không thể viết ra những bài viết hấp dẫn, lôi cuốn. Cái chết ấy đến từ việc tôi luôn phải cảnh giác với những tin tức tôi một thời tin tưởng.
Tôi biết rằng những nhà báo đằng sau con chữ còn nhiều điều chưa nói.
Tôi biết rằng những vụ đại án tham nhũng, những phóng sự điều tra nghẹt thở từng làm tôi hồi hộp theo dõi ngày xưa cũng chỉ có thể xuất hiện trên trang nhất nhờ vào cái gật đầu đi từ cơ quan quản lý nhà nước từ trên xuống.
Và tôi cũng biết rằng góc nhìn xác thực, công tâm đôi khi lại thuộc về những forum tin tức phi truyền thống .org nói trên. Cứ nhớ lại trận khẩu chiến ngầm giữa báo chí lề phải và lề trái về Dung Quất, về Bauxite Tây Nguyên và sự cần thiết của chúng, rồi nhìn vào thực tế bệ rạc yếu kém của hai dự án này trong hiện tại, tôi có một niềm tin kiên định về tầm nhìn, về sự khách quan của những forum không chính thống từng bị chính quyền dòm ngó, bắt bớ.
Sự lệ thuộc của báo chí vào nhà nước, là gọng kìm đầu tiên bóp nghẹt sự sống của nền báo chí cũ kỹ trong tiềm thức của tôi. Nhưng may mắn thay nó lại tạo ra một niềm tin mới về tầm quan trọng của đa chiều và tự do ngôn luận đối với sự sống còn của báo chí nói chung.
***
Nhưng có phải cứ đa chiều là nền báo chí có thể sống tốt, sống khỏe? Tôi học được câu trả lời một cách khá nhọc nhằn, nay với tư cách người làm báo.
Đầu những năm 2010, mạng xã hội, hay nói đúng hơn là Facebook, dần phổ biến đối với người dùng Việt Nam.
Muốn biết vì sao Facebook làm nên một cuộc cách mạng thông tin ở Việt Nam, cần hiểu người dùng mạng xã hội đã từng gặp nhiều khó khăn như thế nào.
Ngày xưa, để chia sẻ hình ảnh lên các mạng xã hội đời đầu (như Yahoo! 360 hay WordPress), bạn không thể cứ upload ảnh lên server của chính mạng xã hội đó. Người dùng sẽ phải tạo tài khoản ở một mạng xã hội ảnh thứ ba (như Flickr), upload ảnh tại đó, rồi chèn mã nhúng của bức ảnh vào các bài viết lên mạng xã hội mà họ đang sử dụng.
Không chỉ vậy, mạng xã hội và các phần mềm tán gẫu, nhắn tin lại hoàn toàn tách biệt với nhau. Người dùng sẽ phải dùng trình duyệt thông thường để lên mạng xã hội (Yahoo! 360), và sử dụng một phần mềm song song (như Yahoo Messenger) để liên lạc với gia đình, bạn bè.
Các mạng xã hội thời điểm này cũng cực kỳ hạn chế trong khả năng tạo lập các trang cộng đồng để trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các thành viên có cùng sở thích hay mối quan tâm. Điều này giúp cho các forum có thể duy trì chỗ đứng của mình trong một thời gian dài.
Nhưng với Facebook (và hiển nhiên là thế hệ mạng xã hội sau này), người ta có thể làm mọi thứ bằng mạng xã hội.
Người dùng nay có thể theo dõi cập nhật của bạn bè, liên lạc với người thân, tham gia các hội nhóm chỉ trên cùng một nền tảng. Các hoạt động nghiên cứu, giải trí, thu thập tin tức, hay thậm chí là học tập dần được thu về một mối.
Ảnh có thể được tải lên chỉ trong vài cái click chuột. Một bài viết dài 1.000 từ có thể được hoàn thành chỉ trong mười phút. Và thông tin dần được chia sẻ một cách quá nhanh, quá phổ thông. Thay vì mỗi ngày một vài tờ báo, đơn vị để tính khối lượng tiêu thụ tin tức, bài viết nay đã có thể được tính bằng giờ, thậm chí bằng phút.
Nhưng điều này đồng nghĩa với việc sự trân trọng dành cho một bài báo hay, một phóng sự tốt hay một nghiên cứu công phu không còn được thể hiện bằng sự nâng niu, chiêm nghiệm, lưu giữ như nó đã từng. Độc giả sẽ để lại vài lời khen, chia sẻ bài của bạn, rồi lại… bỏ đi, tiếp tục với con đường ngấu nghiến thông tin của mình. Nói cách khác, sản phẩm báo chí hay, chất lượng, nay được đối xử không khác gì với những sản phẩm báo chí thiếu chuẩn mực có mục tiêu thỏa mãn “tâm sinh lý” cho người đọc.
Một bài báo có đầu tư, có nghiên cứu về sự bành trướng của Trung Quốc, về sự nguy hiểm “chủ nghĩa đế quốc chủ nợ Trung Hoa”… cùng lắm cũng chỉ được một lần chia sẻ của bạn đọc, không khác gì với một bài viết năm dòng có kết luận rằng Tập Cận Bình là một thằng ngu.
Một bài viết đưa ra các luận chứng, thông tin pháp lý của Hoa Kỳ rõ ràng để chứng minh Tổng thống Donald Trump đang là một mối nguy hại cho nền dân chủ Mỹ… cũng sẽ nhận được những lời chửi rủa tàn tệ tương tự như một bài post trạng thái cá nhân đỏng đảnh xỉa xói Trump là một lãnh đạo gà mờ.
Đối với các tòa soạn, bất kể lề phải hay lề trái, họ có hai con đường để chọn trước thực trạng nói trên. Hoặc tiếp tục sản xuất các sản phẩm hay để níu chân độc giả bằng chất lượng, minh bạch, công tâm và sự độc lập. Hoặc an phận với những tin giật gân, tin chưa kiểm chứng, tin giả hay tin theo định hướng, tin “chính thống” từ nhà nước đưa ra… Miễn là những tin tức này đủ khiến bạn đọc phải gật gù thỏa mãn, đủ để “viral”.
Và có vẻ khá nhiều nhà báo chọn con đường thứ hai.
Từ bỏ con đường đúng, báo chí sẽ nhận ra rằng họ không thể cạnh tranh được với những cá nhân có ảnh hưởng khác, vốn đã được mạng xã hội trang bị đầy đủ công cụ để đưa tin.
Ngày nay, không khó để tìm thấy “tin tức” về quốc tế hay thậm chí là về công pháp quốc tế đến từ một KOL (Key Opinion Leader) chuyên ngành hóa-lý, dịch bập bẹ không thành câu một đoạn văn từ các bài báo tiếng Anh lá cải. Không khó để tìm thấy “tin tức” pháp luật có thể đến từ một giang hồ rửa tay gác kiếm đang tạo nội dung cho kênh Youtube để quảng cáo kiếm tiền.
Báo chí đang đối mặt với cái “chết” thứ hai không phải vì chúng ta thiếu người tài, hay chúng ta hết nội dung, hết tin tức để khai thác. Nó đang thoi thóp vì người đọc đang đọc như trẻ con lạc vào ngôi nhà bánh kẹo của mụ phù thủy, còn người viết đang viết như thể chú thợ săn bị mù. Người đọc thỏa mãn với những “lời đường mật” mà họ tiêu thụ, và người viết thì còn không thể tìm ra nổi con đường giải cứu chính mình.
***
Theo đuổi luật học được hơn 10 năm, và viết nghiên cứu, viết báo đã được bốn năm, tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể cứu sống báo chí khỏi cái chết thứ hai chỉ bằng kiểm duyệt. Làm như vậy thì giống như cứu một người khỏi cái chết bằng súng rồi lại tiêm thuốc độc cho họ, bởi chúng ta sẽ lại đối mặt cái chết thứ nhất mà tôi đã nhắc đến ở trên.
Và tôi lại càng không nghĩ rằng xu hướng tiêu thụ thông tin của bạn đọc sẽ thay đổi. Mạng xã hội, sự kết nối trên không gian ảo liên tục, nhanh chóng đã và sẽ tiếp tục là con đường nhân loại lựa chọn.
Vấn đề là ở chúng ta, những người viết, những người thợ săn mù.
Chúng ta có can đảm tiếp tục con đường khó khăn của báo chí và khoa học chuyên nghiệp? Chúng ta có đủ dũng khí để chống lại ham muốn “viral”, ham muốn nổi tiếng, ham muốn KOL tức thời? Chúng ta có dám chống lại sự hời hợt đã trở thành phong trào trong báo chí Việt Nam ngày nay?
Khi mắt của người viết còn chưa sáng hẳn, sao lại đòi người đọc phải là những người tiêu thụ thông tin thông thái?
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.