Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nhiều người Việt ở Campuchia không có quốc tịch. Họ là nạn nhân phải chịu đựng sự oán ghét người Việt và sự thù hận lịch sử trong xã hội Campuchia. Nhưng bất kể những khó khăn mà nhiều người phải đối mặt, thậm chí phải sống một cuộc đời “ngoài vòng pháp luật”, ít người sẽ chọn ra đi.
***
Năm 2015, chính phủ Campuchia đã xuống làng Areyksat ở tỉnh Kandal để cưỡng chế 55 ngôi nhà thuyền và 10 ngôi nhà cạnh trên bờ sông. Không giống như các vụ cưỡng chế khác, nguyên nhân cưỡng chế không phải là để lấy mặt bằng phát triển cơ sở hạ tầng, mà là vì lý do môi trường.
Tất cả người dân bị cưỡng chế đều là người Việt bị chính quyền địa phương cáo buộc cố tình “gây ô nhiễm môi trường sống”, làm ảnh hưởng đến “cảnh quan địa phương” và “ngành du lịch trong nước và quốc tế”.
Tại Chong Kneas (thuộc tỉnh Siem Reap), những ngôi làng nổi của người Việt đã bị cô lập khỏi đất liền bởi việc xây dựng cảng thuyền Sou Ching, cảng tiếp đón 3.000 – 4000 khách du lịch mỗi tháng đến hồ Tonle Sap.
Kể từ khi xây dựng cảng vào năm 2008, các làng nổi của người Việt đã bị gạt ra ngoài hoạt động kinh doanh của ngành du lịch địa phương.
Ông Trương Văn Long (không có tên bằng tiếng Campuchia) được sinh ra ở Campuchia và đã sống ở đó trong nhiều thập kỷ. Trong nhiều năm, ông sống trên một ngôi nhà nổi trên hồ Tonle Sap. Vào năm 2019, viện dẫn các lý do về ô nhiễm môi trường và đánh bắt cá quá mức, chính quyền Campuchia đã chuyển hàng trăm gia đình “dân tộc” Việt ở tỉnh Kampong Chhnang vào đất liền, bao gồm cả ông Trương Văn Long.
“Tại sao lại chuyển chúng tôi đi nơi khác? Chúng tôi không đi đâu cả, và cũng chả còn nơi nào để đi. Các quan chức nói rằng chúng tôi đang làm ô nhiễm nguồn nước, nhưng chính các nhà máy và người dân thành thị mới là thủ phạm. Chúng tôi chỉ muốn kiếm sống từ việc đánh bắt cá, chúng tôi sẽ chết đói nếu bị chuyển đi nơi khác”, ông Trương Văn Long ngồi trên ngôi nhà nổi màu xanh dương của mình, nói với phóng viên Reuters.
Những người bị di dời hiện đang phải sống trong những khu tái định cư chật chội, không đủ điều kiện về nhà ở, nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh.
Không giống như những vụ cưỡng chế để lấy mặt bằng phát triển đô thị, những vụ cưỡng chế người Việt phần lớn không được dư luận Campuchia chú ý, và không có tranh luận xã hội về việc này. Các tổ chức phi chính phủ (NGOs) cũng không đổ xô vào giúp đỡ những người Việt nghèo khó, cũng không có các cuộc biểu tình hay truyền thông lên tiếng giúp đỡ họ. Cư dân mạng và người dân trên đài phát thanh cũng không phẫn nộ đòi công lý. Và trong hầu hết các trường hợp, những người Việt bị cưỡng chế đều lựa chọn im lặng và rời đi.
Theo số liệu của chính phủ Campuchia, cộng đồng người Việt là nhóm dân tộc thiểu số lớn nhất ở Campuchia, gồm gần 50.000 hộ gia đình, tương đương hơn 180.000 người. Các nhóm nhân quyền nói rằng con số thực tế cao hơn khoảng bốn lần.
Các cộng đồng người Việt đã sống qua nhiều thế hệ trên hồ Tonle Sap ở Campuchia, họ lập nên những ngôi làng nổi trên hồ để kiếm sống.
Hầu hết trong số họ là những người không có quốc tịch, không phải là công dân Campuchia hay Việt Nam, vì vậy họ không được cấp thẻ căn cước và không thể tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, hệ thống y tế, việc làm, dịch vụ ngân hàng, thậm chí không được tự do đi lại và không có quyền sở hữu tài sản.
Nhiều người trong số họ cũng không thể có quốc tịch Việt Nam vì đã sống ở Campuchia qua nhiều thế hệ. Họ thực sự bị mất quốc tịch.
Họ như những người phải sống “ngoài vòng pháp luật”, không thể mua đất để xây nhà, và phải sống trên những căn nhà nổi trên sông. Chỉ những gia đình người Việt khá giả mới có thể thuê đất của người Campuchia để dựng nhà.
“Họ không muốn làm nhà ở trên sông, nhưng hoàn cảnh và việc thiếu các quyền cơ bản đã buộc họ phải làm thế”, Butmao Sourn, giám đốc điều hành của Tổ chức Quyền lợi Dân tộc thiểu số (Minority Rights Organization – MIRO) tại Phnom Penh cho biết.
“Họ không có quyền hợp pháp để mua tài sản, vì vậy họ phải sống trên mặt sông, trong những ngôi nhà mỏng manh, bấp bênh trước giông bão, thiên nhiên và phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe. Họ cũng không thể an cư trên đất liền, vì họ không được chào đón ở đây.”
Tâm lý oán ghét và căm thù người Việt đã thấm dần vào tư tưởng chính trị – xã hội ở Campuchia. Sự căm thù vốn bắt nguồn từ những cuộc chinh phạt Cao Miên của các vị vua triều Nguyễn – nhất là dưới thời Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức.
Campuchia có chung biên giới với Việt Nam. Làn sóng di cư của người Việt sang Campuchia diễn ra trong thời Pháp thuộc, bắt đầu từ thế kỷ 19. Đến năm 1945, hơn một nửa cư dân Phnom Penh là người Việt Nam.
Vì những cuộc chinh phạt triền miên, và vì việc vượt biên thời đó quá dễ nên ngày càng có nhiều người Việt sang Cao Miên. Đến thời Pháp thuộc, do chính sách lấy người xứ nọ hà hiếp xứ kia nên phu phen, thợ thuyền, và giới tư bản người Việt được khuyến khích sang Campuchia.
Rồi người Việt tỏa ra khắp nơi, từ ngoại ô đến thành phố, chiếm lấy các nghề nghiệp làm ăn sinh sống hằng ngày, thượng vàng hạ cám đều do người Việt chiếm lĩnh, buộc dân Campuchia chỉ có thể sinh sống bằng hai nghề: nghề nông hoặc đi làm thuê ở thành thị. Tình trạng trên đã tạo ra tâm lý khinh rẻ, coi thường dân bản xứ. Mặc cảm này ngày càng lớn, và tạo nên vụ “cáp duồn” (chặt đầu người Việt) năm 1970.
Ngày nay, mặc dù người Việt sinh sống ở Campuchia không còn đông đảo như thời Pháp thuộc, nhưng chính trị Campuchia hiện đại vẫn không thể thiếu những diễn ngôn chống Việt Nam, và tâm lý ghét người Việt vẫn còn tồn tại phổ biến trong tư duy của đại đa số người dân bản xứ.
Ở Campuchia, “dân tộc” Việt là một cộng đồng “thấp cổ bé họng”, bị xã hội bỏ rơi và kỳ thị, vì tâm lý oán ghét và căm thù người Việt trong xã hội. Cộng đồng này không có quyền lực chính trị và không có chính khách nào đại diện cho quyền lợi của họ trong chính phủ.
Campuchia là một quốc gia nghèo, bị thiệt thòi về kinh tế và chính trị, trong quá khứ đã từng bị nô dịch bởi Thái Lan, Việt Nam và Pháp, và giờ đây là các nhà đầu tư nước ngoài của chủ nghĩa thực dân mới. Trong số những nhà đầu tư nước ngoài đó, có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đi cùng với lao động Việt Nam sang.
Rừng có thể bị lấy đi, tài nguyên quốc gia và môi trường có thể bị các doanh nghiệp Việt Nam hủy hoại, nhưng giấc mơ về chủ quyền và chủ nghĩa dân tộc vẫn còn tồn tại trong mỗi người Campuchia. Giấc mơ của họ là hồi sinh một nền văn minh cổ đại (của Đế chế Khmer), khôi phục lại các vùng đất bị mất, và kiểm soát tuyệt đối những ai được phép (và không được phép) sinh sống ở Campuchia, cũng như đòi lại quyền lợi cho một dân tộc bị thiệt thòi.
Giống như các quốc gia khác, Campuchia cũng là quê hương của các phong trào dân túy chống nhập cư, phân biệt chủng tộc và hận thù. Mọi người Campuchia, không phân biệt giàu nghèo, biết chữ hay mù chữ, giới thượng lưu hay hạ lưu, đều có thể thể hiện lòng yêu nước bằng cách ghét người Việt.
Tại một cuộc biểu tình năm 2013, cựu lãnh đạo phe đối lập Sam Rainsy tuyên bố rằng “chỉ 4-5 năm nữa, người Campuchia sẽ trở thành nô lệ của người Việt Nam, nếu chúng ta không làm điều gì đó để giải cứu đất nước khỏi những người Việt nhập cư”.
Rừng có thể bị đốn hạ, nạn “cướp đất” có thể ngày càng tăng, người dân nghèo phải chấp nhận làm những công việc nguy hiểm để mưu sinh, nhưng vấn đề thường trực và được dư luận quan tâm vẫn là: làm thế nào để trục xuất những người Việt Nam nhập cư và loại bỏ ảnh hưởng của Việt Nam đối với Campuchia.
Trong các cuộc biểu tình vào năm 2014, đám đông giận dữ ở Freedom Park đã chửi lực lượng bảo vệ là “yuon” (duồn – một từ lóng xúc phạm, ám chỉ người Việt sống ở Campuchia) và hành hung họ.
Quan niệm người Việt là nguồn gốc của những tai ương trên đất nước Campuchia có thể được tìm thấy trong tư duy của các tổ chức phi chính phủ tiến bộ, các nhà hoạt động bảo vệ rừng, những người đấu tranh đòi đất, người giàu, chính quyền địa phương, và giai cấp cầm quyền.
Điều kiện xã hội đó đặt người Việt ở Campuchia vào thế gần như không được ai bảo vệ.