Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Vào ngày 9/8/2019, Rlan Hip, 38 tuổi, người dân tộc Jrai, bước lên vành móng ngựa trong một phiên tòa xét xử lưu động của tỉnh Gia Lai về tội phá hoại chính sách đại đoàn kết. Lẫn trong đám đông đến xem phiên tòa, vợ anh và năm đứa con nhỏ ngồi đợi phiên tòa kết thúc để ôm anh lần cuối.
Theo chính quyền tỉnh Gia Lai, tội của Rlan Hip là đã kết bạn với phần tử FULRO lưu vong ở nước ngoài để thu thập thông tin về những người dân tộc từng bị kết án tù và đang chấp hành án. Chính quyền cũng cho rằng anh đã vận động những người dân tiếp tục theo Tin Lành Đề Ga, một tổ chức tôn giáo ở Tây Nguyên mà chính quyền tìm mọi cách để tiêu diệt.
Kết thúc phiên tòa lưu động trong một buổi sáng, Rlan Hip bị tuyên án 07 năm tù giam và 03 năm cấm đi khỏi nơi cư trú.
Sau năm 1975, nhà nước Việt Nam đã thống nhất chính sách quản lý tôn giáo. Đối với chính quyền, các tổ chức tôn giáo không thể có sứ mệnh riêng của mình, sứ mệnh của các tổ chức tôn giáo nhất thiết phải là thúc đẩy đoàn kết dân tộc và trung thành với nhà nước.
Theo lẽ đó, những người hoạt động tôn giáo hoặc trở thành “cánh tay nối dài” của chính quyền, hoặc chịu cảnh hành đạo khó khăn hay bị trừng phạt bằng những tội danh trong Bộ luật Hình sự chứ không thể hoạt động độc lập.
Hãy bắt đầu bằng với một tội danh mà dường như chỉ áp dụng riêng cho những người dân tộc Tây Nguyên muốn hoạt động tôn giáo độc lập.
Trước năm 1975, những người Thượng bị chính quyền miền Nam bắt giữ thông thường do liên quan đến các hoạt động vũ trang chống chính quyền, trong đó nổi bật nhất là lực lượng FULRO (Mặt trận giải phóng các sắc tộc bị áp bức). Sau chiến tranh, lực lượng này đã tan rã và một số thành viên đã định cư ở Mỹ vào năm 1992.
Tuy nhiên, đến sau năm 1975, những người dân tộc chỉ cần hoạt động có liên quan đến FULRO và Tin Lành Đề Ga dù không có yếu tố bạo động cũng đã đủ để nhận những bản án tù nặng nề.
Năm 2017, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã xét xử lưu động và tuyên tổng cộng 44 năm tù giam cho năm người dân tộc ở Tây Nguyên về tội phá hoại chính sách đoàn kết.
Theo báo Công an Nhân dân, năm người này đã bị tuyên án vì liên lạc với các thành viên FULRO ở hải ngoại nhằm “lôi kéo” người dân tham gia các nhóm Tin Lành Đề Ga ở địa phương. Tòa án cho rằng với hành động như vậy thì năm người họ đã phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc của nhà nước Việt Nam.
“Phá hoại đoàn kết dân tộc” liên quan đến các hoạt động tôn giáo đã được nhắc đến vào năm 1977 trong Nghị quyết 297 – CP về “Một chính sách đối với tôn giáo”: “Đồng bào các tôn giáo đoàn kết chặt chẽ cùng toàn dân tích cực tham gia công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Đến năm 1999, tội này được quy định trong điều 87 của Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù giam.
Năm 2004, Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tín ngưỡng, tôn giáo đã quy định rằng các hoạt động tôn giáo có “tác động động xấu đến đoàn kết nhân dân…” phải bị đình chỉ.
Đến năm 2016, Luật tín ngưỡng, tôn giáo vẫn gán ghép cho các hoạt động tôn giáo trách nhiệm duy trì sự đoàn kết dân tộc.
Năm 2017, Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi đã quy định thêm rằng chỉ cần “chuẩn bị để phạm tội” phá hoại đoàn kết thì có thể bị tuyên án từ 06 tháng đến 03 năm tù giam.
Vì bị hạn chế các quyền tự do tôn giáo, các nhà hoạt động thường chỉ trích các chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, nỗ lực này thường khiến họ phải chịu những bản án tù nặng nề hơn là đem lại những cải cách về nhân quyền.
Vào cuối tháng 11/2019, ông Trần Thanh Giang, 48 tuổi, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở tỉnh An Giang, đã bị tuyên án 08 năm tù giam vì “Phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Theo báo An Giang, từ năm 2014, ông Giang đã dùng Facebook đã đăng tải các bài đăng “có nội dung tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, xúc phạm Đảng Cộng sản Việt Nam, các cơ quan Trung ương và các cá nhân lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ”. Ngoài ra, ông Giang bị buộc tội vì còn dùng email để liên lạc với những người phản đối chính quyền Việt Nam ở hải ngoại.
Vào năm 2018, ông Vương Văn Thả, 49 tuổi, và con trai bị tuyên án lần lượt 12 năm tù giam và 7 năm tù giam, hai người khác cũng bị tuyên án cùng với mức án 6 năm tù giam mỗi người, đều cùng tội tuyên truyền chống nhà nước. Bốn người đều là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập.
Báo An Giang đã tường thuật rằng trong các ngày 29, 30, 31/01/2017, ngày 05, 06 và 23/3/2017, ông Thả cùng những người khác đã cố thủ trong nhà rồi phát loa ra ngoài nhằm thông báo chính quyền địa phương đàn áp gia đình nhà ông. Ngoài ra, bốn người còn bị buộc tội vì đưa hình ảnh cuộc biểu tình tại gia của mình lên Internet và treo cờ của chế độ Việt Nam Cộng hòa trên nóc nhà.
Đầu tháng 2/2018, bốn người trong gia đình của ông Bùi Văn Trung cùng với hai người khác đều là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập ở An Giang đã bị tuyên tổng cộng 22 năm tù giam vì tội gây rối trật tự nơi công cộng và chống người thi hành công vụ.
Theo báo An Giang, vào sáng ngày 19/4/2017, gia đình ông Trung cùng với nhiều người khác đã tổ chức biểu tình phản đối cảnh sát giao thông chặn xe của ba tín đồ Phật giáo Hòa Hảo để kiểm tra.
Khi phát hiện lỗi, cảnh sát đã tịch thu hai xe máy thì con trai ông Trung có níu kéo với cảnh sát giao thông nhằm không cho lấy đi hai chiếc xe máy, ông Trung hô to phản đối “đả đảo cộng sản đàn áp tôn giáo”. Sau đó, gia đình ông Trung cùng nhiều người khác tiếp tục biểu tình với những khẩu hiệu mà chính quyền tỉnh An Giang cho rằng đã “…kích động bôi nhọ chính quyền, có lời nói xúc phạm, vu khống chính quyền đàn áp tôn giáo; gây chia rẽ, phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tuyên truyền chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”.
Tuy nhiên, theo tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, việc tổ chức chặn xe ba tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là có ý đồ của chính quyền địa phương. Vào ngày 19/4/2017 cũng giống như ngày hôm trước, không chỉ có cảnh sát giao thông mà còn có những người mặc thường phục ngăn không cho các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đến nhà ông Trung để dự đám giỗ. Cho rằng chính quyền cố tình đàn áp những tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đến nhà ông dự đám giỗ nên gia đình ông và những người khác đã tổ chức biểu tình.
Vào đầu tháng 10/2019, sáu tín đồ độc lập khác của Phật giáo Hòa Hảo ở An Giang bị tấn công vào lúc hai giờ sáng trên đường đến An Hòa Tự để ngăn cản việc sửa chữa ngôi chùa này. Ông Võ Văn Thanh Liêm, 79 tuổi, nói với đài RFA rằng khi qua đến bến phà thì có khoảng 40, 50 người chặn nhóm ông lại và hành hung. Tuy nhiên, cho đến nay công an địa phương vẫn chưa có cuộc điều tra nào về vụ việc này.
Trong thực tế, các nhà hoạt tôn giáo độc lập thường rơi vào những trường hợp bị kích động bởi những hành động cố tình sách nhiễu của công an. Những trường hợp này, công an thường đã đặt sẵn máy quay, bố trí lực lượng mặc thường phục để kích thích những người hoạt động tôn giáo đáp trả lại như vụ việc.
Tội gây rối trật tự công cộng đã được áp dụng cho rất nhiều nhà hoạt động nhân quyền cũng như tôn giáo. Chính quyền đã đặt ra các quy định nghiêm khắc để ngăn cản việc tụ tập cho đến các án tù nhằm trừng phạt tội gây rối trật tự.
Nghị định 38/2005/NĐ-CP của chính phủ quy định việc tụ tập đông người ở nơi công cộng phải được ủy ban nhân dân địa phương cho phép.
Trong Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017, điều 318 quy định mức hình phạt lên đến 7 năm tù giam cho tội gây rối trật tự công cộng. Trong một số trường hợp, chính quyền đã áp dụng tội phá rối an ninh với mức độ trừng phạt nặng hơn là 15 năm tù giam hoặc 3 năm cho những ai chuẩn bị phạm tội này.
Siu Wiu, 43 tuổi, người dân tộc Jrai, từng bị tuyên án 10 năm tù giam về tội phá rối an ninh vào năm 2008. Siu đã vận động dân làng đi biểu tình khi nhiều người dân trong làng đã bị bắt giam vì đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và quyền đất đai. Nhóm của anh bị một đám đông khác chặn đánh trước khi đến được ủy ban nhân dân xã.
***
Trên đây là ba tội danh mà những người hoạt động tôn giáo thường bị trừng phạt. Sau năm 1975, tuy mức độ hạn chế quyền tự do tôn giáo đã giảm dần theo thời gian nhưng tinh thần trấn áp các hoạt động tôn giáo vẫn không hề thay đổi.