‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Trước vụ nhảy lầu tự tử của ông Lương Hữu Phước, có ít nhất bốn người khác cũng đã lấy cái chết để kêu oan cho mình.
Ngày 11/6/2001, chị Loan, 27 tuổi, ra tòa phúc thẩm để kháng cáo bản án tù hai năm của mình vì tội cố ý gây thương tích.
Hồ sơ vụ án cho rằng chị Loan đã ném đá và đâm người đàn ông hàng xóm vì bị người này cáo buộc mình ăn cắp hai chỉ vàng.
Theo báo Tuổi Trẻ, trong phiên tòa này, chị Loan đã yêu cầu Tòa án Nhân dân tỉnh Ninh Thuận giám định lại thương tật 31% của người hàng xóm và trả lại sự thật cho vụ án.
Theo Bộ luật Hình sự 1999, những người nào gây ra tỷ lệ thương tật từ 31% – 60% cho người khác có thể bị truy tố ở mức án tù từ hai đến bảy năm tù giam. Trong khi nếu tỷ lệ thương tật thấp hơn thì mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến ba năm, hoặc sáu tháng đến ba năm tù giam.
Theo VnExpress, phiên tòa đã bác bỏ những bằng chứng quan trọng như có vết máu trong nhà chị Loan, và người cha nuôi nói rằng thấy người hàng xóm chạy ra khỏi nhà chị Loan với bàn tay có máu.
Chị Loan cho rằng cán bộ điều tra lợi dụng người cha nuôi của mình mù chữ và bị lãng tai nên đã ghi sai lời khai của ông.
Phóng viên của báo Tuổi Trẻ ghi rằng trong lúc tòa đang nghị án, chị Loan đi ra ngoài để mua bánh cho con rồi lén uống thuốc trừ sâu để tự tử.
Trở lại phiên tòa, chị Loan bắt đầu chao đảo, nhổ nước bọt có mùi thuốc sâu ngay tại vành móng ngựa. “Tôi đã uống thuốc để bảo vệ danh dự của tôi”, chị nói trước tòa.
Trong khi gia đình chị Loan van xin tòa đưa chị đi cấp cứu thì tòa chỉ ban ghế cho chị ngồi để nghe cho xong bản án. Tòa tuyên chị y án sơ thẩm. Nhưng bản án này đã không bao giờ được thi hành vì chị đã qua đời sau 24 giờ cứu chữa.
Ông Nguyễn Thanh Châu, 50 tuổi, đã uống 100ml thuốc trừ sâu trong lúc bị đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa thẩm vấn vừa xỉ vả, nạt nộ, chỉ trỏ vào ông.
Theo báo Công an Nhân dân, ông Châu ra tòa hôm đó vào sáng ngày 29/3/2007 nhưng không ai biết ông đã chuẩn bị sẵn một một lọ thuốc sâu trong túi.
Tội danh của ông Châu đã bị Viện Kiểm sát Nhân dân thay đổi sang mức hình phạt nặng hơn, từ tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thành tội cố ý gây thương tích.
Theo báo VnExpress, vì bị tấn công, ông Châu đã dùng một thanh gỗ vuông 4x4cm, dài 1,5 mét đánh vào đầu một người và gây ra thương tích 35% cho người này.
Sau khi uống thuốc trừ sâu trước mặt hội đồng xét xử, ông Châu đã được đưa đi bệnh viện và may mắn thoát cơn nguy kịch.
Sau lần tự tử này, ông Châu tiếp tục được xét xử với sự có mặt của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Tòa đã tuyên ông hình phạt nhẹ hơn cho tội danh cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, tuyên phạt 1 năm án treo, 2 năm thử thách và bồi thường 3 triệu đồng.
Theo VnExpess, sau năm tháng bị tạm giam, anh Lê Văn Hòa, 28 tuổi, nặng chừng 40kg bước ra phiên tòa lưu động của mình với một nắm thuốc ngủ trong túi áo.
Đó là vào ngày 29/7/2009, khi Tòa án Nhân dân huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mở phiên tòa xét xử anh về tội cướp tài sản, trước mặt đông đảo người dân.
Anh Hòa cho rằng mình không cướp tài sản mà chỉ muốn chặn đường để dằn mặt một người phụ nữ là bạn của vợ mình vì người này hay rủ rê vợ anh đi chơi đêm, nhưng chặn nhầm người.
Tuy vậy, hồ sơ vụ án ghi rằng anh Hòa đã lấy cây rồi chặn đường một thiếu nữ 16 tuổi đi xe đạp điện. Thấy đường bị chắn, cô gái này bước xuống xe, anh Hòa liền dùng cây để đánh rồi cướp xe đạp điện bỏ chạy. Bị người dân truy đuổi, anh Hòa bỏ xe chạy trốn và bị bắt hai ngày sau đó.
Khi Hội đồng xét xử bước ra để vào phần tuyên án, anh Hòa tuôn nước từ trong chai vào miệng kèm theo một vốc thuốc viên màu hồng, phiên tòa được tạm hoãn để đưa anh đi bệnh viện. Theo PLO, anh tỉnh lại sau nửa ngày và tiếp tục bị tuyên án trong phiên tòa xét xử lại.
Vào tháng 3/2019, anh Nguyễn Văn Hòa, 41 tuổi, ở thành phố Đà Nẵng, đã treo cổ tại nhà sau một phiên tòa xét xử về tội cố ý gây thương tích nhưng may mắn được cứu sống.
Đây là phiên tòa lần thứ 5 để xét xử anh Hòa, cùng với em trai của anh và một số người khác về một vụ ẩu đả vào ngày 4/1/2017.
Theo báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, vào tối hôm ấy, nhóm của anh Hòa đang ăn uống tại một quán cà phê thì bị một nhóm người đi ngang qua chửi tục. Tiếp đến, một người trong nhóm này vào quán để mua thuốc lá thì bị nhóm của anh Hòa hỏi là vì sao lại chửi tục.
Sau khi nghe hỏi như vậy, người này về nói với nhóm của mình là bị nhóm anh Hòa dọa đánh. Nghe vậy, họ liền về nhà lấy dao đến tấn công nhóm anh Hòa. Để tự vệ, anh Hòa, em trai và hai người khác lấy hai thanh sắt phơi quần áo, một cán cuốn và một khúc cây để chống trả.
Cuộc ẩu đả làm một người trong nhóm đã chửi tục ban đầu bị đứt lìa cánh tay. Anh Hòa và một số người khác cũng bị thương trong cuộc ẩu đả này.
Theo báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, ở phiên tòa ngày 13/3/2019, người bị chém đứt cánh tay đã thay đổi lời khai từ không biết ai đã chém đứt tay mình thành thấy một người chảy máu đầu cầm vật dài tấn công mình. Người chảy máu đầu trong cuộc ẩu đả đó là anh Hòa.
Cả anh Hòa và em trai đều kêu oan vì cho rằng mình là những người bị hại nhưng lại thành bị cáo.
Xét thấy tình tiết mới về việc có thể xác định ai là người đã chém đứt cánh tay của nạn nhân và có dấu hiệu không truy tố một người khác, tòa tuyên trả hồ sơ điều tra lại.
Hai ngày sau phiên tòa này và sau hơn hai năm kêu oan không thành, anh Hòa viết thư tuyệt mệnh, “sau khi tôi chết đi, mẹ mi (vợ của anh Hòa) phải đi kêu oan trả lại công bằng cho gia đình mình”, rồi treo cổ tự tử.