Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Bất chấp việc chính quyền ngăn cấm, người Việt không ngừng nương nhờ vào các thế lực tâm linh mới.
Trước khi đọc bài, bạn hãy cùng tôi trả lời những câu hỏi sau:
Bạn có tin vào sự hiệu nghiệm của thiền định và ăn chay?
Bạn có tin vào lợi ích khi tuân theo năm giới của Phật giáo?
Bạn có muốn thoát khỏi luân hồi sinh tử của đời người?
Nếu câu trả lời là có thì hãy đọc tiếp tin nhắn này:
“Pháp môn này sẽ giúp anh giải thoát trong cuộc sống hằng ngày. Giải thoát sinh tử luân hồi, giúp ông bà tổ tiên ít nhất năm đời được siêu thoát, anh ạ”.
Và người sẽ truyền cho bạn pháp môn này được gọi “Minh sư Ruma” hay “Master Ruma”, một người Mỹ gốc Việt bị chính quyền Việt Nam cho rằng đang vận hành một “tà đạo” có tên là Pháp môn Diệu Âm.
Đoạn tin nhắn trên được gửi từ một tín đồ của Pháp môn Diệu Âm trên Facebook.
Không khó để tìm được những người theo pháp môn này. Họ thường đặt ảnh đại diện hay ảnh bìa là hình của “Minh sư Ruma” và thường kết bạn với nhau.
Lẫn trong hàng nghìn tài khoản có vẻ là ảo, tài khoản của người này có vẻ thật hơn nhiều người khác.
Người phụ nữ đã từng gặp ““Minh sư Ruma” này nói mình sống ở một tỉnh duyên hải miền Trung.
Bà nói rằng nếu tôi tin và thành tâm cầu nguyện, “Minh sư” sẽ gặp tôi trong mơ hoặc hiện ra cho tôi thấy “ngài”.
Khi được hỏi làm sao để tu theo pháp môn này, bà dặn tôi cần ăn chay ngay lập tức, và liên lạc với một số điện thoại của “sứ giả Diệu Âm” gần nơi tôi sống để được “khai tâm ấn”, hoặc ghi danh theo một tờ khai thông tin trên mạng đính kèm dưới mỗi video trên Youtube rồi “các sư huynh sẽ gặp để truyền tâm ấn”.
Trên Youtube, kênh truyền giáo từ năm 2017 của “Minh sư Ruma” có hơn 24 nghìn người theo dõi với hơn 9 triệu lượt xem.
Các video chủ yếu ghi lại cảnh ông ngồi ở vị trí cao, giảng đạo cho rất nhiều người ngồi bên dưới với các tiêu đề phổ biến như “vấn phật…” hay “khai thị…”.
Dưới mỗi video, những lời bình luận sùng bái “Minh sư” áp đảo những lời chỉ trích. Các bình luận thường đi kèm với danh hiệu “Om Ruma” như danh hiệu “A Di Đà Phật” của Phật giáo.
Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi nhìn vào những dòng mô tả ở mỗi video của “Minh sư”. Số lượng thiền đường của vị này có mặt ở rất nhiều nơi trên thế giới.
Gọi đến một thiền đường của pháp môn này ở Mỹ, một người đàn ông gốc Việt tên Peter, 51 tuổi, nói rằng các thiền đường của pháp môn này được lập ra ở nhiều nước để “Minh sư” có chỗ ở và giảng pháp.
Vượt biên từ Sài Gòn vào năm 1989, ông Peter nói mình đã được “truyền tâm ấn” trong thời gian tị nạn ở đảo Palawan, Philippines.
Tuy nhiên, người truyền cho ông không phải là “Minh sư Ruma” mà là “Thanh Hải Vô Thượng Sư”. Theo chính quyền Việt Nam, “Thanh Hải Vô Thượng Sư” là một người phụ nữ Mỹ gốc Việt tên Đặng Thị Trinh sáng lập ra Pháp môn Quán Âm hoạt động mạnh mẽ ở Đài Loan.
Pháp môn Quán Âm cũng đã bị chính quyền Việt Nam khẳng định là “tà đạo”.
“Sư phụ bây giờ là ‘Master Ruma’. Minh sư thì chỉ có một thôi nhưng Nhiệm kỳ của quý ngài là khác nhau, cũng như tổng thống Mỹ vậy, hết Obama rồi đến ông Trump”, ông Peter giải thích khi được hỏi là ông đang theo pháp môn nào.
Cách thực hành Pháp môn Quán Âm và Pháp môn Diệu Âm gần như tương đồng khi khuyến khích mỗi người dùng “âm thanh và ánh sáng” để thiền định trong hai tiếng rưỡi mỗi ngày và tuân thủ năm giới của Phật giáo.
Liên tục trích dẫn các câu trong Kinh Thánh, ông Peter nói rằng ông đã tìm lại được thiên đàng bên trong mình, đem lại nhiều may mắn khi thực tập các bài thiền định của “Master Ruma”.
Trên Youtube, một video thu đoạn nói chuyện của “Minh sư Ruma” giải thích về lợi ích của việc thiền định trong pháp môn của mình:
“Dùng sự thiền định này để thay đổi tất cả những vận mệnh của mình, […,] dùng thiền định này để tẩy rửa tất cả những nghiệp chướng của mình, đem lại sự bình yên. Cho nên yêu Minh sư chính là mình có được tình yêu cao thượng, yêu Thượng đế mình sẽ sống trong sự an lạc và hạnh phúc, […] yêu Minh sư, thương Minh sư, thương Thượng đế là tất cả những gì mình có, kèm theo là mình có một trí thông minh sáng suốt.”
Ông Peter nói rằng các tín đồ Pháp môn Diệu Âm thường thiền tập ở nhà, không cần bàn thờ, nhưng những người tu thường để một cái ghế và phía trên treo hình của “Minh sư Ruma” để thể hiện lòng tôn kính của mình.
“Đ không phải là mê tín mà là lòng thành tâm”, ông nói.
Nhưng cũng có những người đã không còn thành tâm này sau một thời gian dài tu tập.
Nói chuyện với tôi từ một nước ở châu Âu, bà K, một doanh nhân không muốn nêu danh tính, đã từ bỏ sau hơn ba năm tu theo Pháp môn Diệu Âm.
“Mình là người trực tiếp tổ chức, chứ mình nếu mình chỉ là những người đi theo thôi thì muôn đời sẽ không biết được”, bà K nói.
Bà K cho biết rằng những gì mà “Minh sư” rao giảng không giống như những gì họ thực sự làm, hiệu ứng đám đông khi đứng trước hàng nghìn người đang thể hiện lòng sùng bái không cho mình đi ngược lại với họ, bà K giải thích.
“Hãy nói để người ta càng ít đi theo càng tốt, để họ đỡ khổ, đỡ vất vả”, bà K cho biết quan điểm của mình về pháp môn này nhưng từ chối trả lời chi tiết.
Tháng 3/2019, chính quyền huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã đăng một báo cáo về Pháp môn Diệu Âm với nhiều điểm rất khác biệt so với trang web của “Minh sư Ruma”.
Trên trang web của pháp môn này giới thiệu “Minh sư” qua một câu chuyện rất ly kỳ.
“Minh sư” sinh ra ở Việt Nam và vượt biên để đến nước Mỹ vào năm 12 tuổi. Trong chuyến vượt biên đó, ông chứng kiến cảnh cướp của, giết người và mất đi người chị gái của mình. Từ đó, ông trải qua nhiều gian nan để con đường tu hành nhằm giải thoát chúng sanh.
Theo chính quyền huyện Tam Đảo, ở Việt Nam có khoảng 300 người theo pháp môn này tại hơn 20 tỉnh thành.
Báo cáo của chính quyền nói rằng “Minh sư Ruma” tên là Trần Tâm, sinh năm 1972, đã từng theo “Thanh Hải Vô Thượng sư” trước khi dính líu tới việc chiếm đoạt tài sản. Trần Tâm đã nhiều lần bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Chính quyền huyện Tam Đảo cho rằng pháp môn của Trần Tâm có biểu hiện trục lợi khi buộc tín đồ mua nhiều vật dụng đã được ông ban phép, hay để nhận được “ân điển” thì phải giao hết tài sản để ông làm từ thiện.
Khi được hỏi về những cáo buộc trục lợi bất chính, ông Peter nói chuyện điều đó là không sai nhưng chính quyền nhìn ở mặt tiêu cực. Ông nói chuyện mua sắm đồ đạc, hiến tài sản cho “Minh sư” là có thật nhưng là do tín đồ tự nguyện chứ không ai ép buộc.
Một người phụ trách thiền đường của Pháp môn Diệu Âm ở Thái Lan cho tôi số điện thoại của người phụ trách truyền thông để bình luận về những cáo buộc này nhưng không có ai bắt máy.
Tại Lâm Đồng, chính quyền cho rằng Thanh Hải Vô Thượng sư và Pháp Môn Diệu Âm là những tà đạo đặc biệt phức tạp.
Theo chính quyền tỉnh Lâm Đồng, hai đạo này phức tạp là vì có liên quan đến các thế lực ở nước ngoài. “Thanh Hải Vô Thượng sư” đã thu nhận tín đồ ở tỉnh này từ năm 1994 tiếp theo là Pháp môn Diệu Âm từ năm 2004.
Như nấm sau cơn mưa, các giáo phái mới mọc lên ở Việt Nam nhiều vô số ở khắp các vùng miền.
Theo Giáo sư Đỗ Quang Hưng, đến cuối thập niên 90 có khoảng 50 giáo phái mới với hơn 60 tên gọi khác nhau.
Chính quyền đã cố gắng trấn áp các giáo phái mới nổi nhưng dường như không thể nào thắng được nhu cầu tâm linh mạnh mẽ của người dân. Các giáo phái mới vẫn sinh sôi bằng cách này hay cách khác.
Các “sứ giả” của Thanh Hải Vô Thượng sư và Pháp môn Diệu Âm vẫn âm thầm truyền giáo ở nhiều tỉnh thành Việt Nam. Ở tỉnh Vĩnh Phúc, chính quyền báo cáo có nhiều đoàn người xuất cảnh sang nước ngoài để tham gia các giáo phái mới.
Chưa có quy định pháp luật cụ thể về tà đạo, tuy nhiên, tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung Ương đã chia các “tà đạo” ra làm ba nhóm:
Nhóm thứ nhất liên quan đến đạo Tin Lành (Tin lành Đề Ga, Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam, Ban Cầu nguyện Phong trào Phục hưng Tin Lành, Giáo hội Liên Hữu Lutheran Việt Nam và Hoa Kỳ…).
Nhóm thứ nhì sử dụng các lý thuyết của Phật giáo (Đạo Tràng Hương Quảng, Pháp môn Di Lặc, Bửu Tòa Tam giáo, Đạo Trời Thái Bình, Tổ Tiên Chính Chính Giáo Đại Đạo…).
Nhóm còn lại là các giáo phái được truyền từ nước ngoài (Thanh Hải Vô Thượng sư, Pháp Luân Công, Canh tân Đặc sủng, Nhất Quán Đạo, Vô Vi,…).
Dù nhà nước không có định nghĩa về “tà đạo”, tuy nhiên, để tuyên truyền thì chính quyền địa phương thường tự đặt ra những “tiêu chuẩn” để kết án một giáo phái mới.
Những tiêu chuẩn đó thường là giáo phái chưa được công nhận tại Việt Nam, tụ tập mà không xin phép chính quyền, vay mượn lý thuyết của các tôn giáo khác, có biểu hiện trực lợi hay có tuyên truyền chống chính quyền. Và cuối cùng, chính quyền các địa phương thống nhất là không cho phép các giáo phái này đăng ký hoạt động mà không hề có quyết định của tòa án.
Các hoạt động trấn áp của chính quyền lên các giáo phái, tuỳ theo vùng miền, mức độ chống chính quyền, nếu nhẹ thì bị phạt hành chính, cam kết không tham gia, kiểm điểm trước cộng đồng, còn nặng thì bị kết án tù.
Không chỉ riêng các giáo phái mới bị chỉ trích ở Việt Nam, các nước khác cũng có nhiều quan điểm khác nhau về chống và ủng hộ. Tuy nhiên, ở các đất nước dân chủ, chính quyền thường không ngăn cấm một giáo phái mới dựa trên niềm tin của họ dù có dị thường đến đâu, miễn là không vi phạm pháp luật.
Viết trên tờ The Guardian, bà Eileen Barker, giáo sư danh dự về xã hội học tôn giáo của Trường Kinh tế London cho rằng rất khó để tìm một định nghĩa về các giáo phái mới (tiếng anh là cult – thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực như “cuồng giáo”, “mê tín”…).
Bà Barker cho rằng các giáo phái mới thường bị phân biệt đối xử bằng nỗi sợ và nghi ngờ bởi các tôn giáo đã tồn tại sẵn và phương tiện truyền thông. Hầu như không có một hành vi xấu nào của các giáo phái mới mà không thể tìm thấy ở một tôn giáo đã được công nhận.
Xét cho cùng thì các giáo phái mới đang thách thức hiện trạng (mà họ tin rằng cần phải thay đổi) bằng niềm tin và cách thực hành tâm linh của họ, bà Barker viết.
Xã hội Việt Nam cũng từng chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các hoạt động tâm linh trong những năm bất ổn vào thập niên 80, 90, chính quyền đã đi từ khước bỏ tín ngưỡng dân gian thành công nhận chúng là truyền thống dân tộc. Chính quyền cũng đã cố gắng loại bỏ hai tôn giáo được sáng lập trong thời kỳ Pháp thuộc là Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài Đại Đạo nhưng rồi đã công nhận hai tôn giáo này.