Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Dịch từ bài “The world after Covid-19: Unless we are alert, the pandemic could become the last nail in individualism’s coffin” của Rohini Nilekan, đăng trên The Times of India ngày 3/4/2020.
***
Trong nhiều thế kỷ, chủ nghĩa cá nhân hoặc quan niệm rằng mỗi con người đều có giá trị tự thân, được coi là nền tảng cho việc tổ chức xã hội, nền kinh tế và công lý. Tuy nhiên, những nguyên tắc cơ bản về quyền và tự do cá nhân đã phải chịu áp lực rất lớn trong thời gian gần đây.
Chủ nghĩa cá nhân ở phương Tây bắt nguồn từ thời Khai sáng. Nó cổ suý giá trị đạo đức của cá nhân và tin rằng lợi ích của cá nhân nên được ưu tiên hơn nhà nước hoặc nhóm xã hội. Hệ thống niềm tin này đã dẫn tới sự ra đời của chủ nghĩa tư bản trong đó mỗi cá nhân là một đại diện của thị trường tự do.
Chủ nghĩa cá nhân phương Tây đã có cuộc chạy đua lớn nhất kể từ Thế chiến thứ Hai. Quyền lực to lớn của nước Mỹ cuốn theo phần lớn châu Âu và cả Trung Quốc vào một cuộc đua vô tiền khoáng hậu của niềm tin vào tính tiên phong của cá nhân – theo đó các cá nhân tự tin và kiêu hãnh luôn chiếm vị trí trung tâm, và ý chí tự do của anh ta là động lực của guồng quay.
Một hình thái khác của chủ nghĩa cá nhân cũng được hình thành trong cùng thời gian này. Nó dựa trên hệ thống niềm tin mà Mahatma Gandhi và các cố vấn của ông tạo lập. Chủ nghĩa cá nhân này có nguồn gốc tinh thần. Gandhi nhận ra rằng chủ nghĩa cá nhân phương Tây có thể sẽ kết thúc bằng sự tôn sùng vật chất. Ông nhìn cá nhân như một cá thể độc lập có đạo đức tự thân, chứ không chỉ là người có đủ phương tiện để thực hiện mong muốn của mình. Theo cách tiếp cận này, các quyền con người bất khả xâm phạm được đặt ở trung tâm của sự tiến bộ xã hội. Trọng tâm là việc nhà nước và xã hội thực hành chánh pháp với những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất.
Ý tưởng đầu tiên của chủ nghĩa cá nhân thúc đẩy sự đổi mới mạnh mẽ trong ba thế kỷ. Các doanh nhân, nghệ sĩ sáng tạo, trí thức đã tạo ra một thị trường toàn cầu cho các ý tưởng, sản phẩm và dịch vụ. Có thể cho rằng, quá trình này tạo ra sự thịnh vượng vật chất cho nhiều người hơn bao giờ hết.
Ý tưởng thứ hai đã thúc đẩy sự can thiệp của nhà nước và xã hội về phúc lợi và bảo trợ đến các nhóm cá nhân dễ bị tổn thương. Đây là một thử nghiệm xã hội lớn. Mặc dù vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, nó tạo ra mạng lưới an toàn xã hội để bảo vệ cho khả năng chấp nhận rủi ro mà vẫn giữ được phẩm giá của cá nhân.
Tuy nhiên, trong vài thập kỷ gần đây, chủ nghĩa cá nhân và tính ưu việt của cá nhân đã bị đe dọa nghiêm trọng.
Có ba lý do chính cho việc này. Đầu tiên là khủng bố kết hợp với sụp đổ kinh tế. Khi sự kiện 9/11 xảy ra, nó đã thay đổi mọi thứ chỉ sau một đêm, tạo ra cú sốc lớn đối với chủ nghĩa cá nhân. Người dân ở Mỹ, thành trì tuyệt đối của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do, đã phải từ bỏ nhiều quyền tự do và quyền riêng tư để đổi lấy an toàn công cộng. Sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Sau sự kiện này, chúng ta bước vào một thế giới hậu toàn cầu hóa trong đó các chế độ độc tài trỗi dậy để củng cố quyền lực nhà nước.
Ở nhiều quốc gia, chủ nghĩa yêu nước lãng mạn theo đó tình yêu của một cá nhân đối với đất nước mình được thể hiện qua những chỉ trích trung thực, đã chuyển thành chủ nghĩa dân tộc cực đoan hơn. Bất đồng chính kiến không được khuyến khích, và điều này đẩy tính cá nhân độc lập khỏi vũ đài chính trị.
Lý do thứ hai là sự nổi lên của những người khổng lồ Internet với nền tảng xã hội rộng lớn của họ. Lúc đầu, những thứ này xuất hiện để phá vỡ các rào cản của tự do cá nhân. Người tiêu dùng là vua vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu, và với bất cứ điều gì. Người lao động bây giờ là một doanh nhân tự làm chủ; và công dân bây giờ là một cư dân mạng, bày tỏ ý kiến của mình trên toàn thế giới.
Thật không may, sự lựa chọn cá nhân hóa ra chỉ là một ảo ảnh – một ảo ảnh lung linh. Đây là sự khởi đầu của những gì đang được coi là chủ nghĩa tư bản giám sát, nơi các cá nhân khởi nghiệp có thể vẫn làm việc quá sức với mức thu nhập thấp, người tiêu dùng chỉ là một gói dữ liệu và ý chí tự do của anh ta có thể bị bẻ cong bởi trí tuệ nhân tạo. Những công nghệ tương tự cũng tiếp tục cho phép nhà nước giám sát, thu hẹp các quyền và quyền riêng tư cá nhân với tốc độ đáng báo động. Ngay cả quyền bầu cử của cá nhân, món quà quý nhất trong một nền dân chủ, cũng đã trở thành đối tượng của sự thao túng.
Thứ ba, thế giới đã trở nên phụ thuộc lẫn nhau hơn. Biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí ảnh hưởng xuyên biên giới, và kháng kháng sinh không có những làn ranh. Vi khuẩn từ châu Phi có thể làm cho người ở Mỹ bị bệnh. Việc đốt rừng ở Indonesia có thể khiến châu Á ngạt thở.
Bây giờ, đại dịch Covid-19 có thể là chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài của chủ nghĩa cá nhân, trừ khi chúng ta tỉnh thức. Nó đã nhanh chóng khiến chúng ta từ bỏ các quyền cá nhân và chịu sự kiểm soát của nhà nước hoặc các quyết định của các nhóm xã hội như khu chung cư, làng và thành phố. Chúng ta sẵn sàng từ bỏ các quyền tự do cá nhân của mình, vì chúng ta cảm thấy nguy hiểm khi thực hiện quyền này một cách có chủ ý. Những ý tưởng về chủ nghĩa cá nhân được phơi bày khi chúng ta nhận ra hành động của mình tác động đến người khác như thế nào.
Nhưng chúng ta cũng phải cẩn trọng chống lại việc mất các khía cạnh tích cực của chủ nghĩa cá nhân. Chúng ta phải đảm bảo rằng danh tính cá nhân không bị chi phối bởi một nhóm xã hội mà không tuân theo quy định của luật. Tuân thủ quy định của chính phủ là một việc. Sợ hãi vô căn cứ, đặc biệt là sợ hãi những nhóm người không giống mình, là việc khác. Chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng cảnh giác, và thậm chí cai trị theo kiểu xã hội đen. Ví dụ, dân làng sợ hãi cấm tất cả người ngoài hay hàng xóm ngăn các bác sĩ từ bệnh viện trở về nhà của họ.
Những phản ứng như vậy đối với đại dịch này có thể dẫn đến cái chết của chủ nghĩa cá nhân tích cực trong tương lai gần. Các tổ chức xã hội phải hành động nhanh chóng và sáng tạo để lấy lại sự cân bằng giữa tự do cá nhân và lợi ích công cộng. Không cá nhân nào là một hòn đảo biệt lập. Nhưng chúng ta cũng không nên để phản ứng trước đại dịch làm suy yếu giá trị nội tại của mỗi con người. Chính giá trị nội tại cá nhân là nền tảng cho mọi xã hội tốt đẹp.