Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Đỗ Văn Đương từng là một vị đại biểu Quốc hội khá tai tiếng.
Và khi tôi nói về tai tiếng, tôi không nói về tai tiếng của những tranh cãi đa chiều, tôi nói về tai tiếng khá thống nhất dành cho một tư duy ngược ngạo, đi ngược lại sự phát triển của xã hội của vị này.
Từ “Một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn đồng, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục nghìn”, hay
“Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền”,
“Phạm nhân Việt Nam còn sướng hơn sinh viên thời xưa”, cho đến
“Quyền im lặng không phải quyền con người”…
Từng làm đến Phó Viện Trưởng Viện Khoa học kiểm sát, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, ông Đương, trong con mắt của tôi, là gương điển hình của tất cả những gì sai lầm, lú lẫn trong quá trình đào tạo và tuyển chọn các chức danh tư pháp tại Việt Nam.
Nhớ đến hồi năm 2014, ông này phản đối rất quyết liệt việc công nhận quyền im lặng trong hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam, khẳng định rằng “quyền im lặng khác với quyền bào chữa. Quyền im lặng không phải quyền con người, mà quyền bào chữa mới là quyền cơ bản của người phạm tội trong tố tụng hình sự. Nó nhằm thực hiện chức năng gỡ tội”.
Đây có lẽ là giọt nước làm tràn ly đối với những người theo học luật và các cử tri quan tâm đến khoa học pháp lý tại Việt Nam, khi mà một người từng giảng dạy pháp luật, làm đến Phó Viện trưởng và là Ủy viên của Ủy ban Tư pháp, lại có thể mù mờ cả về pháp luật nhân quyền quốc tế lẫn pháp luật quốc nội như thế.
Phản ứng của báo đài Việt Nam lẫn các luật gia tại Việt Nam là rất thống nhất: ông Đương nói rất nhiều, và hầu hết là nói sai.
Cho đến năm 2016 khi có tin ông này không trúng cử chức danh đại biểu Quốc hội, tôi từng gật gù tin rằng đây là lý do Đảng Cộng sản Việt Nam còn tiếp tục được một bộ phận người Việt Nam tin tưởng.
Mô hình chính trị của họ có thể phi dân chủ, nhưng điều này không có nghĩa là những kẻ ngông cuồng đến mức ngờ nghệch như ông Đương có thể khoa môi múa mép như thế nào cũng được. Bẵng đi một thời gian, cho đến mấy hôm nay, tôi nhận ra rằng ông Đương vẫn còn làm việc bên trong Quốc hội Việt Nam.
Ông đăng đàn nói về Hồ Duy Hải sau nhiều năm ở ẩn, tiếp tục tụng bài “đúng người đúng tội” và “Hải nhiều lần nhận tội”, bất kể những sai phạm khó hiểu và không thể lý giải về thủ tục tố tụng, nhưng đó không phải là những gì tôi muốn nói về ông Đương trong lúc này. Hiện nay, ông Đương không chỉ còn làm việc trong Quốc hội, mà còn đảm trách cả chức danh Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội.
Ban Dân nguyện lại là một cơ quan dưới quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với các nghĩa vụ và công việc vô cùng có ý nghĩa.
Từ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức công tác tiếp công dân cho đến tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức và tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, rõ ràng Ban Dân nguyện cần được xem là một công tác chuyên môn nghiêm túc của cơ quan đại diện dân cử, phải được thực hiện bởi các đại biểu chuyên trách của Quốc hội, và quan trọng nhất là phải được cử tri bầu ra.
Hài hước thay, bằng cách thần kỳ nào đó, ông Đỗ Văn Đương, người trượt Quốc hội khóa XIV, lại đang được một Quốc hội “dân cử” trả lương, và làm công việc của một đại biểu “dân cử”.
Khi mà đại đa số các đại biểu trong Quốc hội vẫn tiếp tục làm kiêm nhiệm, với chất lượng và sự đầu tư thật sự của các đại biểu vào hoạt động “chuyên môn” của họ còn rất thấp, kỳ lạ thay, một người trượt chức danh có ý nghĩa này như ông Đương, lại nghiễm nhiên tiếp tục ngồi lại trong Quốc hội và làm đến tận Phó ban.
Cái công tác nhân sự quái lạ của Đảng, và cái lá phiếu của cử tri Việt Nam, cái nào thắng, cái nào thua, qua trường hợp của ông Đương thì thật đã quá rõ.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.