Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Bạn hãy tưởng tượng tình huống bạn đang ở trên thiên đàng và chuẩn bị đầu thai xuống làm công dân của một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới vào năm 2020 có tên là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Từ trên thiên đàng, bạn không thể lựa chọn được ba mẹ để đầu thai. Ba mẹ của bạn có thể ngẫu nhiên là người Mỹ da trắng hoặc cũng có thể là người Mỹ da đen. Tất cả mọi thứ đều ngẫu nhiên thì mới đảm bảo được sự công bằng cho tất cả mọi người vì nếu không ai cũng sẽ chọn sinh ra trong một gia đình da trắng giàu có.
Câu chuyện tưởng tượng trên được lấy ý tưởng từ “bức màn vô minh” của một triết gia Mỹ da trắng John Rawls.
Nếu sinh ra trong một gia đình người Mỹ da đen , theo thống kê từ một bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn bạn sẽ chiếm 12,7% tổng dân số Mỹ, thu nhập bình quân đầu người của gia đình bạn sẽ thấp hơn gần 40% so với gia đình của người da trắng, bạn cũng sẽ có cơ hội học đại học thấp hơn và tỷ lệ có bằng cử nhân của bạn chỉ là 14% so với 26% của người da trắng và 44% của người Á Châu.
Từ con số thống kê dẫn tới một kết luận từ bài viết của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: “Những sự thật trên (dĩ nhiên là chưa đầy đủ) nhưng cũng đủ để ‘vẽ’ một bức tranh về tình cảnh người da đen ở Mỹ. Khoảng cách giữa người da đen và da trắng quá xa. Khoảng cách giữa người da đen và Á châu lại càng xa hơn nữa. Lưu ý rằng người da đen đã có mặt ở Mỹ 300 năm”.
Những khoảng cách do việc ngẫu nhiên sinh ra trong một gia đình da đen với gia đình da trắng là do lỗi của bạn hay do tạo hóa tạo ra?
Bạn sẽ trở thành một người như thế nào, bạn sẽ học trường đại học ở đâu, thu nhập của bạn cao bao nhiêu không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực cá nhân của bạn mà còn phụ thuộc vào bạn sinh ra ở quốc gia nào và sinh ra thuộc chủng tộc nào. Dĩ nhiên bạn có thể là một nhân vật xuất chúng, tài năng và trở thành người giàu có nhất trong đất nước, cộng đồng của bạn nhưng điều đó không làm thay đổi một sự thật là sự thành công của bạn bị giới hạn bởi đất nước, cộng đồng mà bạn đang sống.
Bạn có thể tưởng tượng thêm nếu bạn sinh ra ở một quốc gia giàu có như Mỹ thì thu nhập bình quân đầu người của bạn năm 2018 là 63.690 USD cao gấp 18 lần thu nhập bình quân đầu người nếu bạn nếu bạn sinh ra Kenya, một quốc gia châu Phi, là 3.440 USD theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới.
Rất nhiều người may mắn được sinh ra trong một cộng đồng giàu có, bố mẹ có học thức cao, được vào học các trường đại học danh giá và nổi tiếng nhất trên thế giới nghĩ rằng những gì mình đang có là nỗ lực cá nhân của mình. Họ không nghĩ rằng họ là một con “tinh trùng may mắn” hơn rất nhiều người khác.
Không phải ngẫu nhiên mà Bill Gates, Warren Buffett – những người tự xem mình là con “tinh trùng may mắn” của nước Mỹ – sau khi trở thành những người giàu có nhất thế giới lại tình nguyện cho đi hết tài sản của họ để thành lập một quỹ thiện nguyện và tập trung rất nhiều vào việc cải thiện đời sống của người dân châu Phi. Đơn giản họ hiểu rằng vì một lý do ngẫu nhiên ban đầu nào đó của địa lý, lục địa châu Phi trở thành lục địa kém phát triển nhất thế giới chứ không phải do chủng tộc châu Phi kém thông minh hơn các chủng tộc khác.
Độc giả Luật Khoa có thể tìm đọc cuốn Súng, vi trùng và thép của Jared Diamond để hiểu được vì sao lục địa Á – Âu lại trở nên vượt trội so với các lục địa khác như châu Phi, châu Mỹ, châu Úc. Trong tác phẩm trên, Jared Diamond, một học giả da trắng, giải thích rằng chính yếu tố địa lý đã quyết định vận mệnh của các lục địa khác nhau. Lục địa Á-Âu phát triển hơn lục địa châu Phi và châu Mỹ do các yếu tố địa lý giúp cho thực vật nhiều protein như lúa nước, lúa mì, lúa mạch, các loại đậu có thể trồng được; cộng với khí hậu khô ráo cho phép lưu trữ các loại hạt. Nhiều loại động vật to lớn như heo, bò, trâu, dê, cừu, ngựa… tổng cộng 13 loài được thuần hóa ở lục địa Âu – Á trong khi đó chỉ có một loài ở Nam Mỹ, và châu Phi không thuần hóa được loài nào. Châu Phi có nhiều voi, tê giác, sư tử, hà mã nhưng đó là những loài động vật lớn không thể thuần hóa được.
Hai yếu tố trên dẫn đến một hệ quả quan trọng đó là lục địa Á-Âu có thể tiến hành cuộc cách mạng nông nghiệp ngay từ rất sớm và lượng lương thực tạo ra đủ nuôi sống một lượng dân số đông đảo. Dân số đông sẽ dẫn tới việc hình thành nhà nước có quy mô lớn và từ đó vòng xoáy tăng trưởng kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học mới xuất hiện.
Châu Âu và châu Á phát triển nhanh hơn châu Phi và châu Mỹ, từ đó mới xảy ra hiện tượng thực dân châu Âu mang quân đi xâm chiếm, đô hộ các quốc gia châu Phi và người châu Phi để chuyển sang các đồn điền châu Mỹ để làm nô lệ. Tổ tiên của những người Mỹ da đen hiện nay chính là những người châu Phi bị thực dân châu Âu bắt làm nô lệ ngày xưa.
Sự bất bình đẳng về thu nhập, tài sản, địa vị, giáo dục và thậm chí là công lý giữa những ông chủ da trắng và nô lệ châu Phi da đen ngày xưa vẫn còn tiếp tục qua nhiều thế hệ cho đến ngày hôm nay, bất chấp các nỗ lực chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc thông qua các biện pháp bất tuân dân sự và các phương tiện bất bạo động do Martin Luther King Jr dẫn đầu.
Bạn không thể quyết định được cha mẹ bạn là ai, đất nước bạn sống là nước nào. Tương tự như thế, một chủng tộc không thể quyết định được vị trí địa lý mà chủng tộc họ sinh sống. Từ sự khác biệt về địa lý đó, trải qua hàng vạn năm tiến hoá của nhân loại, dẫn tới sự khác biệt lớn về sự phát triển giữa các lục địa và các quốc gia. Sự khác biệt lớn đó lại dẫn đến tâm lý phân biệt chủng tộc như chúng ta đang quan sát thấy những ngày vừa qua trên đất nước có tên gọi Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ do Thomas Jefferson, tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, một nhà chính trị có ảnh hưởng lớn và là một trong những người theo chủ nghĩa tự do nhiệt thành nhất thời cận đại, soạn thảo đã khẳng định rằng “chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc”.
“Mọi người sinh ra đều bình đẳng”, trong đó có người da trắng, người da đen và cả người Việt Nam da vàng.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.