Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Phong trào biểu tình đòi công lý cho George Floyd và Black Lives Matter ở Mỹ có thể khiến nhiều người bỏ lỡ một mẩu tin đáng chú ý: Hôm 08 tháng Sáu vừa qua, 9 thành viên trong nhóm 13 thành viên của hội đồng quản lý thành phố Minneapolis (tiểu bang Minnesota) tuyên bố sẽ giải thể sở cảnh sát thành phố này.
Cụ thể hơn, các thành viên hội đồng thành phố đó muốn “thay thế cơ quan này bằng một mô hình mới về an ninh công cộng”.
Mẩu tin này gợi mở một vài câu hỏi có ích cho người dân Việt Nam: Có thể giải tán một lực lượng cảnh sát địa phương ư? Có thể làm điều đó như thế nào? Và thay thế một lực lượng cảnh sát địa phương tức là làm gì?
Chuyện giải thể cơ quan cảnh sát địa phương đã từng diễn ra ở Mỹ, nhưng trước hết, cần hiểu rằng Mỹ không có lực lượng cảnh sát quốc gia thống nhất trải dài từ trung ương xuống địa phương tương tự như công an của Việt Nam. Các cơ quan cảnh sát địa phương ở Mỹ thuộc về chính quyền địa phương (cấp bang, quận hạt, thành phố…), còn chính quyền liên bang không có thẩm quyền gì.
Một ví dụ đang được các báo đài phương Tây nhắc đến nhiều là việc giải tán cơ quan cảnh sát thành phố Camden (bang New Jersey) vào năm 2013.
Ngay từ trước khi có làn sóng biểu tình đòi công lý cho George Floyd, việc giải tán cơ quan cảnh sát thành phố Camden đã được nhắc đến nhiều như một tình huống cải cách chính sách an ninh trật tự địa phương đáng tham khảo.
Lý do cho việc giải tán này không phải vì cảnh sát Camden đã làm điều gì đó kinh khủng một cách tệ hại.
Lý do thuần túy là về hiệu quả chống tội phạm và về kinh tế: chính quyền địa phương nhắm không nuôi nổi một cơ quan cảnh sát vừa tốn kém vừa làm việc không hiệu quả nên đã tái cấu trúc nó.
Nhưng chính việc tái cấu trúc lực lượng cảnh sát đó cũng đã giúp thành phố Camden đưa vào thực tế các cải cách sâu rộng hơn nhiều về chính sách an ninh – trật tự địa phương.
Nước có quốc pháp nhà có gia quy, mỗi địa phương tại Mỹ đều hoạt động dựa trên một khuôn khổ “hiến pháp địa phương” nào đó.
Phía dưới các bang (state) to bự của Mỹ là các cấp địa phương thấp hơn bao gồm các quận hạt (county), phía dưới quận hạt là các khu tự quản (municipality) vốn bao gồm các thành phố, thị trấn, thị xã v.v.
Luật hiến pháp của bang New Jersey cho phép các khu tự quản được phép lựa chọn 1 trong 4 mô hình “hiến pháp” khác nhau.
Mô hình được chọn cho thành phố Camden từ năm 1961 là mô hình thị trưởng – hội đồng (mayor – council) với vai trò thị trưởng nắm nhiều quyền hành nhất.
Thị trưởng Camden phải quản lý thành phố với sự tham vấn và chấp thuận của một hội đồng quản lý (council) bao gồm 7 thành viên.
Cả vị trí thị trưởng và vị trí các thành viên hội đồng quản lý đều do người dân Camden trực tiếp bầu lên. Mỗi vị trí này đều có nhiệm kỳ 4 năm.
Trong mô hình này, nói nôm na thì vị thị trưởng là “tổng thống”, còn 7 thành viên hội đồng quản lý là “quốc hội”.
Thị trưởng Camden có quyền bổ nhiệm các giám đốc quản lý phòng ban, ví dụ giám đốc sở cảnh sát (cảnh sát trưởng), giám đốc sở cứu hỏa, giám đốc sở lao động v.v.
Ngân sách cho các phòng ban của thành phố là do vị thị trưởng “tay hòm chìa khóa”, nhưng thị trưởng phải đề xuất ngân sách mỗi năm tài chính cho hội đồng quản lý xem xét.
Hội đồng quản lý có thể quyết định giảm một khoản ngân sách nào đó do thị trưởng đề xuất với 4 trên 7 lá phiếu hội đồng. Tuy nhiên, để đòi thị trưởng tăng một khoản ngân sách nào đó thì cần 5 trên 7 lá phiếu hội đồng.
Trong mô hình thị trưởng – hội đồng nói trên, vị thị trưởng chính là người nắm quyền “sinh sát” liên quan đến lực lượng cảnh sát địa phương.
Cụ thể, thị trưởng Camden có các thẩm quyền được nêu rõ trong luật hiến pháp bang New Jersey:
Dựa vào hai thẩm quyền quan trọng này, vị thị trưởng cầm quyền tại Camden trong giai đoạn 2011 – 2013, Dana Redd, đã thực hiện một cải cách táo bạo: giải tán sở cảnh sát thành phố Camden và thiết lập một lực lượng cảnh sát thay thế.
Camden là một thành phố hơn 77000 dân nằm tại Quận Camden (Camden County) trong tiểu bang New Jersey.
Trước năm 2013, Sở cảnh sát Camden có khoảng 220 nhân viên.
Năm 2011 là năm thành phố có số vụ phạm tội hình sự nghiêm trọng (bao gồm giết người, cướp của, cưỡng hiếp v.v.) nhiều nhất trong một thập niên: 6.749; năm 2012, là 5.999 vụ.
Ngân sách thì ngày càng hạn hẹp trong khi chi phí nuôi mỗi nhân viên cảnh sát năm 2013 là 182.168 đô la Mỹ.
Nâng số nhân viên cảnh sát lên để giảm tỉ lệ tội phạm thì chẳng biết lấy tiền đâu mà trả. Cắt giảm lương bổng cũng khó vì công đoàn cảnh sát thành phố lúc đó quá mạnh.
Xuất phát từ nỗ lực vừa muốn cân bằng ngân sách địa phương vừa muốn thiết lập lại một lực lượng cảnh sát địa phương đông đảo để đi “càn” tội phạm thành phố, thị trưởng Dana Redd đã thúc đẩy một đề án cải cách dựa trên việc “nhổ cho bật gốc” luôn sở cảnh sát (vốn đã tồn tại từ năm 1871).
Văn phòng thị trưởng đã chuẩn bị một lực lượng an ninh trật tự thay thế cho thành phố từ năm 2011.
Hướng tiến hành là thương lượng với cấp chính quyền cao hơn – chính quyền hạt Camden (Camden County) – để cấp chính quyền này cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh trật tự cho thành phố.
Theo thỏa thuận, chính quyền thành phố sẽ trả tiền mỗi năm cho chính quyền hạt Camden để họ duy trì một lực lượng cảnh sát mới. Lực lượng này sẽ ăn lương của chính quyền hạt nhưng sống và hành nghề trong địa phận thành phố.
Đó là một kiểu “khoán” việc bảo vệ an ninh trật tự cho phép thành phố được một lực lượng cảnh sát bảo vệ với chi phí rẻ hơn nhiều chi phí nuôi sở cảnh sát thành phố. Uớc tính chi phí nuôi cảnh sát trong năm 2013 thông qua thỏa thuận với chính quyền hạt là 99.605 đô la Mỹ cho mỗi nhân viên cảnh sát, rẻ hơn nhiều so với con số 182.168 đô la trước đây.
Với ngân sách bị cắt hoàn toàn, sở cảnh sát thành phố Camden buộc phải cho nghỉ việc toàn bộ số nhân viên của họ vào tháng Năm năm 2013.
Chính quyền hạt Camden trong quá trình tuyển mộ nhân viên cho lực lượng cảnh sát mới dĩ nhiên có mời chào các cựu cảnh sát viên sở cảnh sát thành phố. Tuy nhiên, các cựu nhân viên này sẽ phải chấp nhận một mức lương và đãi ngộ thấp hơn trước.
Lực lượng cảnh sát mới của thành phố Camden được gọi là Sở cảnh sát Hạt Camden (Camden County Police Department). Họ đặt trụ sở chính tại trụ sở cũ của sở cảnh sát thành phố Camden.
Trong việc xây dựng Sở cảnh sát Hạt Camden, các nhà tuyển dụng đã có một vài quyết định khá đúng đắn:
Scott Thomson không mang tư tưởng thủ cựu và không xem việc đánh mất cái sở cũ của mình là một mất mát gì đó lớn.
Trái lại, ông cho rằng đây là cơ hội để “tái sinh” chính sách an ninh trật tự địa phương thông qua “tái sinh” mỗi người cảnh sát địa phương.
Năm 2017, một phim tài liệu ngắn về quá trình “tái sinh” này đã được phát trên kênh Youtube.
Thomson tâm niệm rằng người cảnh sát không phải là một “chiến binh” (warrior) mà là một “người bảo vệ” (guardian).
Người dân địa phương theo đó không phải là “giặc”, là “thế lực thù địch” nào đó cho các cảnh sát làm “chiến binh” oai hùng vác gậy gộc súng ống ra tẩn cho sợ.
Người dân địa phương là một cộng đồng (community) mà các cảnh sát phải bảo vệ và chăm sóc, dựa trên việc xây dựng một mối quan hệ thân thiện và chặt chẽ với người dân.
Để thay đổi não trạng của lực lượng cảnh sát từ “chiến binh” sang “người bảo vệ”, việc đầu tiên Thomson làm là thay đổi các thước đo thành công của lực lượng.
Thành công không còn được định nghĩa bằng số vụ bắt giữ, hay số giấy phạt đã phát.
Thành công là xây dựng được một mối quan hệ thân thiện, đầy tin tưởng giữa người dân với lực lượng cảnh sát.
Tiếp theo đó, Thomson thay đổi cách huấn luyện lực lượng cảnh sát.
Chương trình huấn luyện mới nhấn mạnh yếu tố “tiết giảm bạo lực” (de-escalation) thay vào yếu tố “sử dụng vũ lực” (use of force).
Ví dụ, khi đối mặt với một người cầm dao đang chửi bới, người cảnh sát được luyện tập để có phản ứng đầu tiên là cố gắng trò chuyện, kết thân với người cầm dao nhằm làm họ bình tĩnh lại, rồi thuyết phục họ buông dao, chứ không phải là rút súng ra đe dọa nếu họ không bỏ dao xuống thì sẽ bị bắn.
Các nhân viên cảnh sát thành phố Camden buộc phải đi tuần nhiều hơn, và không phải là ngồi trong xe cảnh sát lườm ra ngoài. Họ phải đi bộ hay đạp xe đạp để có thể gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp với người dân địa phương.
Qua việc tiếp cận người dân, cảnh sát xây dựng lại lòng tin tưởng của người dân, không phải đơn thuần để đe dọa tội phạm, mà là để hợp tác với người dân nhằm góp phần xây dựng một cộng đồng tốt đẹp hơn.
Những thay đổi nói trên đã có tác dụng như thế nào?
Năm 2019, số vụ phạm tội hình sự nghiêm trọng ở thành phố Camden là 3.267, giảm 51% từ con số kỷ lục 6.749 năm 2011.
Triết lý an ninh trật tự dựa vào xây dựng cộng đồng của Thomson thường được gọi là Community Policing.
Không nhất thiết.
Việc cải cách lực lượng cảnh sát ở Camden đã diễn ra nhờ một thị trưởng vốn có sẵn các công cụ quyền lực cho việc cải cách đồng thời phối hợp với giới lãnh đạo cảnh sát mang tư tưởng cải cách sâu rộng.
Thành phố Minneapolis không hẳn có được hai yếu tố đó.
Thứ nhất, luật hiến pháp hiện nay của thành phố Minneapolis có thể ngăn chặn việc giải tán sở cảnh sát.
Minneapolis cũng theo mô hình thị trưởng – hội đồng quản lý (mayor – council) giống thành phố Camden, nhưng luật hiến pháp Minneapolis trao toàn quyền thiết lập, duy trì, và chỉ huy sở cảnh sát thành phố cho vị trí thị trưởng.
Bên hội đồng quản lý thành phố bị bắt buộc phải đảm bảo ngân sách duy trì lực lượng cảnh sát với tỷ lệ tối thiểu là 0.0017 cảnh sát viên cho mỗi người dân thành phố.
Để cải cách lực lượng cảnh sát địa phương, nhiều người cho rằng việc đầu tiên người dân Minneapolis phải làm là thay đổi luật hiến pháp địa phương thông qua việc trưng cầu dân ý, hoặc toàn bộ 13 hội đồng quản lý thành phố cùng vị thị trưởng hiện nay đồng thuận sửa đổi hiến pháp.
Thứ hai, không có gì bảo đảm rằng chương trình cải cách của Minneapolis sẽ mang triết lý Community Policing giống Camden.
Chỉ có thể hy vọng rằng phong trào đòi công lý cho George Floyd sẽ tạo ra những làn sóng ủng hộ giúp cho các nỗ lực cải cách lực lượng cảnh sát tại thành phố Minneapolis được kéo dài tới khi thành hiện thực.