Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Cuối tháng 4/2020, một hiệu sách được khai trương ở tầng 10 một tòa nhà tại thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Tiệm sách khá khiêm tốn, chỉ tầm 65m2, nằm trong một tòa nhà bình thường, nhưng lại trở thành bản tin trên hàng loạt các tờ báo trong nước lẫn quốc tế. Ông chủ của nó là Lam Wing-kei, một người Hong Kong đã trốn chạy qua Đài Loan một năm trước đó.
Lam là một trong năm người thuộc nhà sách Causeway Bay ở Hong Kong bị chính quyền Trung Quốc bắt cóc vào năm 2015. Nhà sách này chuyên bán những ấn phẩm trái ý với nhà cầm quyền Bắc Kinh. Những người chủ và điều hành của nó lần lượt bị bí mật bắt giữ đưa đến đại lục giam giữ tra khảo trong nhiều tháng liền.
Vào tháng 4/2019, lo sợ trước việc chính quyền đặc khu thông qua Luật dẫn độ sẽ khiến an ninh đại lục giờ đây có thể công khai bắt giữ mình lần hai, ông Lam từ Hong Kong chạy trốn sang Đài Loan.
Việc Lam Wing-kei có thể an cư lạc nghiệp, mở lại hiệu sách ở Đài Loan được nhiều người xem là một tia hy vọng cho những người Hong Kong buộc phải chạy thoát khỏi sự áp bức của Bắc Kinh.
Nhưng thực tế không đơn giản như vậy.
Những người như ông Lam, trên lý thuyết có thể được xem như “người tị nạn” (refugee), buộc phải rời khỏi đất nước của mình để tránh chiến tranh, áp bức hoặc thiên tai. Nhưng Đài Loan, nơi ông lựa chọn để tị nạn, lại không có luật về tiếp nhận người tị nạn.
Kể từ năm 2005, khi bản thảo Luật tị nạn (Nạn dân pháp) được đưa ra Quốc hội Đài Loan, nó vẫn nằm tại đó ở hình thức bản nháp mà chưa được thảo luận và hoàn chỉnh thành luật.
Đài Loan là một trong những quốc gia đặc biệt. Trong một thời gian dài họ là chính quyền đại diện hợp pháp cho những người Trung Quốc trên toàn thế giới, cho đến năm 1971 khi Bắc Kinh giành lấy ghế của họ ở Liên Hiệp Quốc. Kể từ đó Đài Loan liên tục bị Bắc Kinh cô lập. Đến thời điểm hiện tại, tháng 5/2020, chỉ có 15 quốc gia trên thế giới công nhận chính quyền Đài Loan, trong đó phần lớn là những đảo quốc rất nhỏ với dân số chỉ vài chục đến vài trăm ngàn người.
Là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, Đài Loan có danh nhưng thiếu phận. Điều này cũng trực tiếp ảnh hưởng đến những người xin tị nạn chính trị tại đây.
Đài Loan có đạo luật điều chỉnh quan hệ dành cho ba nhóm đối tượng công dân, những người đến từ Trung Quốc đại lục, những người từ Hong Kong và Macau, cùng những người đến từ các nước khác. Cơ chế giải quyết các trường hợp tị nạn đều là xem xét từng trường hợp một (case-by-case).
Chỉ có duy nhất trong Đạo luật điều chỉnh quan hệ Đài Loan với Hong Kong và Macau (Laws and Regulations Regarding Hong Kong & Macao Affairs), điều 18, là có quy định về việc cung cấp “sự hỗ trợ cần thiết” cho các công dân nơi này trong trường hợp an toàn và tự do của họ gặp phải “mối đe dọa khẩn cấp vì lý do chính trị”. Đây có thể xem là điều luật gần nhất với việc áp dụng quy chế tị nạn.
Nhưng ngay cả bản thân điều 18 này cũng chưa từng được vận dụng.
Những người tìm đến Đài Loan để tị nạn, chủ yếu là từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong, đều phải sống trong cảnh thấp thỏm.
Chính phủ Đài Loan ưu tiên xử lý những trường hợp tị nạn “quá cảnh” trong thời gian chờ đợi được chấp nhận tị nạn ở một nước thứ ba. Một số trường hợp còn bị từ chối nhập cảnh vào Đài Loan. Vào tháng 2/2019, hai công dân Trung Quốc xin tị nạn ở Đài Loan, sau 125 ngày phải sống trong sân bay Đào Viên, cuối cùng cũng được cấp phép vào đảo quốc. Vài tháng sau, họ lần lượt được chấp thuận tị nạn chính trị tại Canada.
Kể từ sau phong trào phản kháng Luật dẫn độ ở Hong Kong vào năm 2019, nhiều người Hong Kong lo sợ bị chính quyền đặc khu bắt giữ đã chạy trốn sang Đài Loan. Tuyệt đại đa số họ đều trú lại đảo quốc theo dạng visa du lịch, được chính quyền nơi đây gia hạn mỗi tháng. Nhiều người trong số này còn rất trẻ, không thể tìm việc làm hoặc tiếp tục theo đuổi việc học hành với tình trạng cư trú bấp bênh, buộc phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự giúp đỡ của các tổ chức NGOs (phi chính phủ).
Trường hợp của Lam Wing-kei ở trên có thể xem là cá biệt. Ông là một trong số những người tị nạn hiếm hoi công khai xuất đầu lộ diện. Những người khác đều phải ẩn danh vì lo sợ an ninh Trung Quốc dò la ra tung tích.
Lam Wing-kei ban đầu cũng ở trong tình trạng mỗi tháng phải xin gia hạn thị thực. Sau nhờ chiến dịch gây quỹ cộng đồng để mở lại nhà sách, vận động được 200.000 USD, ông đáp ứng yêu cầu định cư quy định trong luật.
Không phải người tị nạn nào cũng may mắn như Lam.
Đa phần họ trở thành những người không danh lẫn không phận.
Với việc chính quyền Trung Quốc đạp lên lời hứa về quy chế tự trị cho Hong Kong bằng việc chuẩn bị áp đặt Luật an ninh quốc gia lên nơi này, nhiều người đã dự đoán một làn sóng tháo chạy khỏi Hong Kong, thậm chí hình dung nó bằng hình ảnh “gà bay chó nhảy”. Ngay trong đêm khi Quốc hội Trung Quốc chính thức bỏ phiếu chấp thuận ủy quyền cho Ủy ban thường vụ soạn thảo dự luật an ninh quốc gia nói trên, tại Hong Kong, hai chữ “di dân” trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất, tăng vọt lên bốn lần so với bình thường.
Rất dễ hiểu khi Đài Loan là một trong những nơi được nhiều người Hong Kong nghĩ đến nhất: cùng chủng tộc, tương đồng về văn hóa, gần gũi về mặt địa lý, là nơi người dân được hưởng nền dân chủ và tự do đúng nghĩa, cộng thêm việc chính quyền lẫn người dân Đài Loan lâu nay đều lên tiếng ủng hộ phong trào đấu tranh đòi tự do của người Hong Kong.
Tính trong năm 2019, có gần 6000 người Hong Kong được cấp phép cư trú tại Đài Loan, tăng hơn 40% so với năm trước đó. Các thống kê trong đầu năm 2020 đều cho thấy con số này sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Nhưng liệu Đài Loan có sẵn sàng tiếp nhận làn sóng di cư từ Hong Kong?
Khó khăn của chính quyền, quyền lợi của người dân bản địa, cùng với những vấn đề riêng của người Hong Kong khiến vấn đề trở nên rất nan giải.
Chính quyền Đài Loan luôn phải cẩn trọng trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến Hong Kong để không tạo cớ cho Bắc Kinh có những hành động đáp trả. Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của đảo quốc. Hàng triệu người Đài Loan đang sinh sống làm việc tại Trung Quốc đại lục luôn có thể trở thành những nạn nhân của chính quyền cộng sản, tương tự với cách mà Bắc Kinh tùy tiện bắt giữ công dân Canada để đáp trả việc Canada bắt giữ Meng Wanzhou trong vụ án Huawei.
Việc thông qua Luật tị nạn chính thức dành cho người Hong Kong cũng có thể tạo ra hàng rào kỹ thuật khiến họ mất đi quyền được xin tị nạn tại nước thứ ba, nếu nước đó công nhận nguyên tắc Một Trung Quốc, xem Đài Loan là một phần của Trung Quốc, từ đó từ chối quyền tị nạn và đẩy họ về lại Đài Loan.
Đài Loan, giống như mọi quốc gia khác, đều không muốn mình trở thành “thiên đường” của người tị nạn. Mỗi nước đều có đủ những vấn đề riêng phải giải quyết.
Việc tiếp nhận người di cư nói chung và người tị nạn nói riêng luôn là những vấn đề nhạy cảm ở bất kỳ đâu, khi các tiếng nói phản đối thường lớn hơn ủng hộ.
Trong thời gian qua đã có nhiều cuộc tranh cãi về việc người dân Đài Loan có thật sự ủng hộ phong trào đấu tranh của người Hong Kong hay không.
Một năm trước đây, khi phong trào phản kháng Luật dẫn độ ở Hong Kong nổ ra, người Đài Loan đồng lòng sát cánh hừng hực ủng hộ. Một năm sau, khi Bắc Kinh áp đặt Luật an ninh quốc gia lên Hong Kong, xâm hại nghiêm trọng hơn đến quyền tự do tự chủ của người dân nơi đây, những tiếng nói ủng hộ từ Đài Loan lại thưa dần, thậm chí còn bày tỏ ý không hoan nghênh việc mở rộng cửa đón nhận người Hong Kong chạy sang.
Trong số các lý do đưa ra, có những vấn đề thuần túy về kinh tế, như lo sợ mất việc làm trước sự cạnh tranh từ làn sóng di dân, lo ngại giá nhà đất tăng cao trước làn sóng đầu tư mới (một vấn đề đã tồn tại nhiều năm qua tại Hong Kong).
Bên cạnh những vướng mắc chung đối với di dân đó, còn có những vấn đề riêng xuất phát từ suy nghĩ của chính những người Hong Kong.
Nhiều người Hong Kong nghĩ rằng chính quyền Đài Loan “nợ họ”, và có “nghĩa vụ” bằng mọi giá phải giúp đỡ họ.
Vào năm 2019, các nhà hoạt động trẻ ở Hong Kong nhiều lần đến Đài Loan để vận động giúp đỡ cho phong trào. Cuối năm 2019, một đoàn gồm đại diện các trường đại học đến kêu gọi chính quyền Đài Loan thông qua Luật tị nạn để hỗ trợ người Hong Kong. Chính quyền của Đảng Dân tiến cầm quyền phản hồi rằng nước này hiện chưa cần Luật tị nạn. Câu trả lời khiến các nhà hoạt động Hong Kong thất vọng. Trưởng hội sinh viên một trường đại học đã tức giận bày tỏ trên mạng xã hội, cho rằng Đảng Dân tiến chỉ lợi dụng máu của người Hong Kong để đổi lấy lá phiếu thắng cử cho mình. Trước phản ứng mạnh của dư luận Đài Loan sau đó, người này đã phải công khai xin lỗi.
Khi làn sóng di cư vẫn chưa xảy ra, có người thậm chí đã nghĩ đến chuyện biến một vùng đất của Đài Loan thành một “Hong Kong mới”.
Họ nghĩ rằng với lợi thế về nguồn vốn đầu tư, nhân lực trình độ cao, và việc phong trào phản kháng ở Hong Kong là nguyên nhân thắng cử của Đảng Dân tiến cầm quyền, họ có thể “đàm phán” với chính quyền Đài Loan về việc dành cho những người Hong Kong một vùng đất riêng.
Những ý kiến có phần cực đoan, quá đề cao mình và thoát ly hiện thực này chỉ khiến nhiều người Đài Loan phản cảm và cảnh giác trước việc mở cửa đón nhận làn sóng người từ Hong Kong.
Trên thực tế, Đài Loan không phải là chốn an cư lý tưởng của mọi người Hong Kong.
Với những người Hong Kong thuộc tầng lớp trung lưu trở lên, các nước Âu Mỹ là lựa chọn ưu tiên. Đặc biệt nếu muốn trốn thoát khỏi sự áp bức của chính quyền Bắc Kinh, họ càng không có lý do tìm đến Đài Loan. Trong hàng chục năm qua, Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ dã tâm dùng vũ lực bình định đảo quốc này, với hàng ngàn quả tên lửa chực chờ hướng sẵn.
Các quốc gia khác, như Anh Quốc, cũng đã bắn tiếng mở rộng cửa đón nhận thêm người Hong Kong thoát khỏi sự áp bức của Bắc Kinh.
Với những người trẻ tuổi ở Hong Kong, Đài Loan là lựa chọn khả dĩ và kinh tế nhất.
Các điều kiện để định cư tại đây dành cho người Hong Kong và Macau được đánh giá là ưu đãi hơn nhiều so với các nhóm đối tượng khác.
Ngay cả những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu định cư theo luật định, Đài Loan hiện tại vẫn tạo điều kiện tối đa để họ ở lại đảo quốc lánh nạn.
Chính quyền của bà Thái Anh Văn cũng tuyên bố thành lập tổ chuyên án để lên Kế hoạch hỗ trợ nhân đạo dành cho người Hong Kong.
Nhưng mọi sự giúp đỡ của Đài Loan đối với Hong Kong đều có giới hạn.
Sẽ khó có việc chính quyền nơi đây mở toang cửa đón nhận làn sóng di cư và tị nạn từ Hong Kong. Ngược lại, quy trình và yêu cầu xét duyệt định cư sắp tới có thể càng khắt khe hơn.
Người Hong Kong chỉ có thể trông chờ sự giúp đỡ lớn nhất từ chính bản thân mình. Con đường duy nhất là giành lấy quyền bầu cử, bảo vệ quyền tự do, biến Hong Kong trở thành một xã hội dân chủ như mong ước. Xét cục diện hiện tại, nó như nằm mơ giữa ban ngày, như lời của chính họ thừa nhận. Nhưng đó là giấc mơ họ phải thực hiện.
Còn nếu bị buộc phải ra đi, họ có thể học từ chính những người Đài Loan trước đây.
Vào thời kỳ trước thập niên 1990, khi Đài Loan vẫn bị Quốc Dân đảng cai trị dưới chính sách độc tài, nhiều người trong nước đã phải lánh nạn ở nước ngoài. Cho dù là làm công việc gì, những người Đài Loan này vẫn luôn một lòng hướng về nước, tìm đủ mọi cách vận động sự giúp đỡ để đảo quốc có được nền dân chủ và độc lập.
Hơn ai hết, người dân Đài Loan hiểu rõ cái giá phải trả để xây dựng được một xã hội dân chủ tự do như ngày nay.
Giống như tất cả những người yêu mến tự do trên khắp thế giới, họ vẫn luôn sẵn lòng giúp đỡ những người bị áp bức.
Khẩu hiệu rất nóng hổi thời gian qua trên chính trường Đài Loan là “sanh Hương Cảng” (撐香港 – ủng hộ Hong Kong).
Chữ “sanh” (撐/撑) có nghĩa gốc là “chống đỡ”. Nó được tạo thành từ một bên là bộ thủ (扌), ra tay giúp sức, bên còn lại là tiếng hô cổ vũ (牚) hoặc vỗ tay động viên (掌).
Mọi sự ủng hộ vì vậy đều nên được hiểu đúng nghĩa của nó: giúp sức từ bên ngoài để ta đứng vững.
Sự nâng đỡ chỉ có ý nghĩa một khi bản thân tự đứng được trên đôi chân của chính mình.
Người Hong Kong, cũng như người Việt Nam, và tất cả những ai đang sống trong áp bức, phải trước tiên tự giúp được chính mình.