‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
“Không một cầu thủ bóng chày nào, hay không một người hâm mộ trung thành nào của bộ môn thể thao quốc gia này của Hoa Kỳ, lại cho rằng việc huấn luyện viên của đội đối phương được rời khỏi băng huấn luyện giữa trận đấu để trở thành trọng tài bắt banh (home-plate umpire – ND) lại là một điều công bằng và hợp lý.
Và tương tự, không một bị cáo nào, hay một công dân nào, lại tin rằng người có thẩm quyền tham gia công tố, buộc tội một bị can sau đó lại có thể trở thành một thẩm phán khách quan trong chính vụ án đó”.
Chánh thẩm John Roberts – Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ – bình luận trong vụ Williams v. Pennsylvania (2016)
***
Năm 1984, ông Hubert Hamilton được phát hiện đã chết tại căn hộ riêng của mình tại Philadelphia, Pennsylvania. Hamilton bị đâm tổng cộng hai mươi nhát, và con dao vẫn còn được ghim trong cổ họng của ông. Cũng trong năm đó và ở cùng tiểu bang đó, một người đàn ông khác tên là Amos Norwood cũng bị đánh đập tới chết và xác người này bị đốt tại một nghĩa trang địa phương.
Những tội ác khó dung thứ.
Cuối năm 1984, cảnh sát tiểu bang bắt được Terrance Williams – ngôi sao bóng bầu dục của trường trung học GermanTown, lúc này chỉ mới 18 tuổi.
Tại thời điểm Williams bị kết án tử, ông Ronald Castille đang nắm giữ chức danh Ủy viên Công tố của tiểu bang Pennsylvania. Ông là người giám sát công tố viên tham gia vụ án, trực tiếp phê chuẩn các quyết định khởi tố, thu thập hồ sơ khởi tố dành cho Williams và đề xuất hình phạt.
Bị cáo Williams thừa nhận hoàn toàn hành vi phạm tội của mình. Nhân chứng và vật chứng đều trùng khớp. Năm 1985, anh này bị kết án tù tội giết người trong vụ Hamilton, và năm sau thì bị kết án tử hình với tội danh giết người, cướp của trong vụ giết hại Norwood.
Mọi việc dường như “đúng người, đúng tội” một cách hoàn hảo, cho đến năm 2012, tức là 26 năm sau, khi phía bào chữa của Williams và tòa phúc thẩm Pennsylvania Court of Common Pleas phát hiện ra một lỗi “nhỏ nhưng không nhỏ”: Văn phòng công tố của Castille đã cố tình che giấu một số thông tin về lời khai liên quan đến đời sống tình dục của hai nạn nhân Hubert Hamilton và Amos Norwood.
Theo đó, cả Hamilton và Norwood không chỉ dụ dỗ trả tiền cho Terrance Williams để thực hiện hành vi giao cấu với anh từ khi anh này còn vị thành niên, họ còn nhiều lần xâm hại tình dục Williams từ khi anh chỉ mới sáu tuổi. Đồng thời, công tố viên cũng che giấu lời khai của vợ Norwood và mục sư của Norwood về mối quan hệ tình ái giữa Norwood với những bé trai khác.
Khác với Việt Nam, vốn rất có thể cho rằng nó chỉ là tình tiết “không làm thay đổi bản chất vụ án”, hệ thống tư pháp Hoa Kỳ xem đây là một hành vi vi phạm tố tụng đặc biệt nghiêm trọng. Nếu bồi thẩm đoàn biết được các vấn đề tâm lý mà Williams phải đối mặt từ lúc anh chỉ còn là một đứa trẻ, hành vi giết người thật sự của Williams khác biệt rất nhiều với hành vi giết người man rợ mà người ta tưởng tượng.
Vụ việc nhanh chóng trở thành một vụ kiện riêng biệt và được đưa lên đến Tối cao Pháp viện của tiểu bang Pennsylvania vào năm 2014.
Tuy nhiên, có một vấn đề lớn: Ronald Castille, vị Ủy viên Công tố 28 năm trước, nay đã là Chánh thẩm của pháp viện nói trên. Trước nhiều yêu cầu của giới luật gia rằng ông nên từ chối tham gia xét xử vụ án, Castille không đồng ý. Hội đồng thẩm phán do ông đứng đầu, không có gì bất ngờ, kết luận rằng văn phòng công tố của chính ông ngày xưa không hề có vi phạm thủ tục tố tụng gì đáng kể. Nói cách khác, “tình tiết không làm thay đổi bản chất vụ án”.
***
Hiển nhiên với các công cụ sẵn có và công bằng của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ, các luật sư không chịu thua.
Williams khởi kiện hành vi này lên Tối cao Pháp viện liên bang Hoa Kỳ vào năm 2015. Phán quyết cuối cùng được đưa ra vào năm 2016 với 5/9 thẩm phán đồng ý với tử tù Williams.
Thẩm phán Kennedy viết ý kiến cho nhóm đa số khẳng định:
“Bởi vì Chánh thẩm Castille, trong thời gian công tác với tư cách là Ủy viên Công tố, đã ký phê chuẩn việc khởi tố Williams với hình phạt cao nhất là tử hình, sự can dự của Chánh thẩm Castille vào vụ án là đáng kể và mang tính chất cá nhân, trực tiếp dẫn đến kết quả của phán quyết.
Việc Chánh thẩm Castille không rút lui khỏi việc ra phán quyết cuối cùng trong vụ án của Williams ở cấp tòa tối cao tiểu bang là một rủi ro vi hiến nghiêm trọng, được thể hiện dưới dạng định kiến tư pháp (judicial bias – ND)”
Như vậy, theo Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, việc chấp thuận hình phạt tử hình là một quyết định tư pháp đặc biệt quan trọng. Và bởi vì thẩm phán Castille đóng vai trò chủ chốt đối với quyết định này, một người công tố có trách nhiệm cần xem đó là thời khắc họ thực hiện chức năng công tố của mình rõ ràng nhất, minh thị nhất, và cũng cá nhân nhất. Nếu người này tiếp tục được trao thẩm quyền xem xét đánh giá lại chính vụ án mà họ đã tham gia một cách rõ ràng, minh thị và cá nhân như thế; người phán quyết không còn vô tư, công bình, chuẩn mực tố tụng không còn được bảo đảm.
***
Tại Việt Nam, trong vụ án Hồ Duy Hải, ông Nguyễn Hòa Bình là người trực tiếp ký quyết định không kháng nghị vụ án có quá nhiều sai phạm này vào năm 2014. Đây không còn là một bí mật gì trong các thảo luận hiện nay.
Việc ký quyết định nói trên, nếu theo lời của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, thể hiện một sự can dự trực tiếp, đáng kể và mang tính chất cá nhân của ông Bình vào hệ quả của vụ án hiện nay. Tiếp tục trao quyền cho ông, với tư cách Chánh thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, sẽ có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuẩn mực tố tụng.
Còn theo Điều 49 và Điều 53 của Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, khả năng “không vô tư trong khi làm nhiệm vụ” của tình huống này là hoàn toàn khả dĩ.
Vậy mà cho đến nay, Chánh án Nguyễn Hòa Bình vẫn đang tiếp tục đứng trước Quốc hội quả quyết liệt kê Hải có bao nhiêu lần đã nhận tội.