Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trong suốt hơn 30 năm qua, ngày 4/6 tại Hong Kong mang một ý nghĩa đặc biệt. Vào ngày này mỗi năm, hàng triệu người dân Hong Kong lại tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân của sự kiện Thiên An Môn.
Biến cố Thiên An Môn không xảy ra tại Hong Kong. Nó diễn ra cách đó gần 2.000 km. Trong khi người dân Hong Kong mỗi năm đều tổ chức tưởng niệm, thì tại đại lục, kể từ năm 1989 đến nay, mọi ký ức về cuộc thảm sát này bị rửa sạch khỏi tâm trí hàng tỷ người dân trong nước.
Không có bất kỳ sách báo nào nói về nó. Các từ khóa “lục tứ” (ngày 4/6) hay “Thiên An Môn” hoặc báo lỗi, hoặc dẫn đến những trang web vô thưởng vô phạt. Những ai dám công khai nhắc đến nó, nhẹ thì được công an “mời uống trà”, nặng thì bị quản thúc tại gia, còn nếu cứng đầu không biết hối cải thì bị bắt bỏ tù. Nhiều người lựa chọn im lặng và quên đi thảm kịch này.
Đó là một trong những chiến dịch tẩy xóa lịch sử triệt để nhất trong lịch sử hiện đại. Nó tạo ra cả một “thế hệ mất trí nhớ” tại Trung Quốc, nơi những người trẻ dưới 30 tuổi không hề biết gì về sự kiện chính quyền ra lệnh cho xe tăng quân đội nhắm thẳng vào những người dân của mình ngay tại quảng trường nổi tiếng nhất của thủ đô.
Trong khi người dân đại lục bị bịt mắt bưng tai, mảnh đất nhỏ Hong Kong giống như ngọn nến kiên trì thắp sáng ký ức về những tội ác của chính quyền cộng sản. Và giờ đây Bắc Kinh đang tìm cách dập tắt luôn những ngọn nến cứng đầu này.
Lần đầu tiên sau 30 năm, người dân Hong Kong bị cấm tụ tập tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn.
Sau 30 năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc có vẻ đã học được nhiều bài học, đủ để họ tự tin vươn những chiếc vòi giấu kín ra thế giới bên ngoài, trong khi vẫn không ngừng thắt chặt thòng lọng bên trong đất nước.
Thảm kịch Thiên An Môn không phải là sự kiện từ trên trời rớt xuống.
Sau khi đánh bại quân đội của Quốc Dân Đảng, giành được chính quyền vào năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay lập tức thực hiện các bước đi “tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Cải cách ruộng đất, quốc hữu hóa và tập thể hóa nền kinh tế, đặc biệt là kế hoạch “Đại nhảy vọt” nhanh chóng đẩy hàng triệu người rớt thẳng xuống hố. Chiếc hố biến thành vực sâu với cuộc “Cách mạng văn hóa” diễn ra ngay sau đó, đẩy toàn bộ đất nước vào thảm loạn.
Ánh sáng cuối đường hầm xuất hiện vào cuối thập niên 1970, khi chính quyền rốt cuộc đã chịu cởi trói một phần cho người dân, để họ tự do yên ổn làm kinh tế nuôi sống mình, đánh dấu thời kỳ sau này vẫn được gọi là “cải cách” hay “đổi mới” của Trung Quốc.
Những mầm mống thay đổi về chính trị cũng bắt đầu xuất hiện, khi các cuộc thảo luận về tự do dân chủ nở rộ khắp nơi, đặc biệt trong các trường đại học. Ngay cả trong hàng ngũ lãnh đạo cầm quyền, những nhân vật đứng đầu như Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương cũng đã đề xuất các cải cách triệt để về thể chế và pháp luật, động chạm đến quyền lực cốt lõi của chế độ độc tài. Nó thổi một luồng sinh khí mát lạnh cho tương lai tươi sáng thật sự cho đất nước.
Nhưng những người như Hồ và Triệu quá đơn độc trong vòng vây của những con bệnh đam mê quyền lực. Họ nhanh chóng bị cô lập và thất thế.
Cái chết bất ngờ của Hồ Diệu Bang vào tháng 4/1989 khiến hàng ngàn sinh viên trí thức đổ ra đường. Con số nhanh chóng tăng lên hàng trăm ngàn, tập trung tại quảng trường Thiên An Môn nổi tiếng.
Từ hành động bộc phát tưởng niệm người lãnh đạo mình yêu quý, những người trẻ tuổi quyết tâm đi tiếp con đường dân chủ còn dang dở. Họ đưa ra các yêu cầu cải cách, đảm bảo tự do báo chí, tự do ngôn luận, công khai tài sản cá nhân của lãnh đạo và gia đình, thừa nhận những sai lầm trong lịch sử… những yêu cầu chính đáng ở bất kỳ một xã hội văn minh nào.
Nhưng từng sự thay đổi trên lại không khác gì nhổ bỏ đi các cây cột trụ chống đỡ ngôi đền độc tôn quyền lực của những người cộng sản – những con nghiện quyền lực không có thuốc chữa.
Sau nhiều tuần trì hoãn động binh, chủ yếu là do nỗ lực của Triệu Tử Dương muốn đàm phán với phe biểu tình để tránh thương vong, Đặng Tiểu Bình quyết định ra lệnh cho xe tăng và quân đội tiến vào.
Ngày 4/6/1989, người dân Bắc Kinh sau một đêm thức dậy chứng kiến cảnh tượng không khác gì chiến trường, với xác người chết vẫn nằm lại trên đường cùng những chiếc xe đạp bị nghiền nát.
Những hình ảnh đó, cùng ký ức về sự kiện bi thảm này, cho đến nay không hề được phép tồn tại ở đại lục.
Không ai biết con số thương vong thật sự: vài trăm, vài ngàn, hay hàng chục ngàn. Chính quyền Trung Quốc quyết tâm chôn vùi tất cả: người chết, người sống, và sự thật.
Những người sống sót sau sự kiện đó vẫn thường nhìn lại tiếc nuối “cơ hội bị bỏ lỡ” để Trung Quốc thật sự tiến lên phía trước, biến thành một ngọn đuốc góp phần soi sáng thế giới.
Thay vì tiến lên, những con bệnh quyền lực của chế độ cộng sản cài số lùi rất sâu.
Họ thậm chí định phá bỏ luôn cả các cải cách kinh tế trước đó, nếu không có sự quyết tâm của Đặng Tiểu Bình cùng chuyến Nam du cuối cùng vào năm 1992. Những kết quả phát triển thực tế tại các thành phố phía Nam, nơi được cởi trói về kinh tế, giúp người dân Trung Quốc ít nhất cũng được quyền làm ăn tự do để nuôi sống mình, và gánh theo bộ máy cầm quyền khổng lồ.
Trong khi cả thế giới, bao gồm cả khối xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu, cùng với người dân trong nước tiến lên phía trước, những người cộng sản kiên trung ở Trung Quốc đạp lùi về phía sau.
Nhưng họ không phải là những kẻ ngu dốt.
Hoàn toàn ngược lại, họ biết cách tồn tại bằng cách đu bám theo những người khác, lầm lũi tiến lên trong khi vẫn đi lùi.
Họ âm thầm học lủi.
Giống như những nô lệ sau vài chục năm bị xiềng xích, chỉ sau một thập niên được tháo gông cùm, dù chỉ là về mặt kinh tế, Trung Quốc chạy rất nhanh về phía trước.
Thành quả cải cách, hay thực chất là cởi trói về mặt kinh tế, cùng với sức hút của thị trường tỷ dân, giúp họ được kết nạp vào WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) vào năm 2001, chính thức trở thành một phần của nền kinh tế thị trường toàn cầu.
Chỉ trong vòng 10 năm, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc tăng gấp sáu lần, từ 47 tỷ USD năm 2001 lên 280 tỷ vào năm 2011.
Cũng chỉ cần chừng đó thời gian, Trung Quốc vượt mặt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu.
Mở rộng cửa tiếp thu các thành tựu tri thức và khoa học kỹ thuật nước ngoài, cùng với việc tham gia sâu rộng vào những tổ chức quốc tế giúp Trung Quốc từ một kẻ ngơ ngác ngoài cuộc biến thành một “tay chơi” già dặn lọc lõi.
Kinh tế phát triển cũng giúp các nhà lãnh đạo Bắc Kinh lớn tiếng mạnh miệng hơn.
Ngay từ năm 2002, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Giang Trạch Dân đã chỉ trích “trật tự chính trị và kinh tế quốc tế cũ kỹ, không công bằng và phải bị thay đổi triệt để”.
Một năm sau đó, những người Trung Quốc bắt đầu dùng cụm từ “quật khởi hòa bình” (peaceful rise) để nói về vai trò của mình trên trường quốc tế.
Cụm từ này nhanh chóng bị thay bằng “phát triển hòa bình” (peaceful development), vì lo ngại chữ “quật khởi” dễ khiến người khác “hiểu lầm”.
Dù là quật hay phát, Trung Quốc một mặt vừa thể hiện tham vọng, mặt khác vừa muốn làm tiêu tan đi sự lo ngại về “mối đe dọa từ Trung Quốc”.
Cũng từ lúc này, Bắc Kinh bắt đầu nói nhiều về “quyền được nói” (huayuquan).
Càng chen chân vào hệ thống quốc tế, Trung Quốc càng ấm ức khi nhận ra các thông tin tiêu cực về mình xuất hiện muôn nơi.
Thay vì xác nhận xem những tin tức tiêu cực đó có đúng sự thật hay không, các nhà lãnh đạo cộng sản nhìn nó ở một phương diện khác: các nước phương Tây dùng tự do ngôn luận như vũ khí để chống lại mình.
Trương Quốc Tộ (Zhang Guozuo), một học giả của nước này nhận định, lý do khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ là vì họ mất đi “quyền được nói”. Khi đó, “không ai nói giúp họ, không ai bảo vệ họ, họ mất đi sự ủng hộ của người dân”. Quyền được nói vì vậy không chỉ là quyền được cất tiếng, mà còn “liên quan đến sự tồn vong của đất nước”.
Bắc Kinh quyết tâm huy động các nguồn lực để phát huy “quyền được nói”, bảo vệ mình trước mọi sự chỉ trích từ thế giới bên ngoài.
“Quyền” ở đây vừa là quyền lợi, vừa là quyền lực. Một khi dính đến quyền lực, nó tất nhiên chỉ thuộc về tầng lớp tinh hoa lãnh đạo. Không khó hiểu khi “quyền được nói” của người dân Trung Quốc là một thứ hoàn toàn không tồn tại, trừ phi nói đúng những gì đảng muốn nghe.
Giai đoạn này, dù đã bắt đầu trở nên lớn mạnh, chính quyền Bắc Kinh về cơ bản vẫn làm theo lời dạy của Đặng Tiểu Bình ngày trước, “thao quang dưỡng hối”, ẩn mình chờ thời, không tìm cách gây quá nhiều xáo động đến thế giới xung quanh.
Cho đến khi Tập Cận Bình bước lên vũ đài, thâu tóm toàn bộ quyền lực.
Người Trung Quốc bắt đầu lụi thẳng ra bên ngoài.
Tập Cận Bình xuất hiện và cùng lúc giới thiệu với thế giới về một “giấc mơ Trung Hoa” (China Dream).
Đó là giấc mơ phục hưng lại “vị thế đã mất” của một nước Trung Hoa vĩ đại thời xưa, sau “một thế kỷ nhục nhã” bị các đế quốc phương Tây xâu xé.
Trong nghiên cứu có tên “Tầm nhìn của Trung Quốc về một trật tự thế giới mới”, tác giả Nadège Rolland đã phân tích cách thức chính quyền Bắc Kinh huy động các học giả, giới trí thức trong nước đào bới quá khứ, tìm cách viết lại lịch sử, kể lại câu chuyện tiến hóa ngàn năm, để từ đó kết luận rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc là lực lượng kế thừa tự nhiên, duy nhất, xứng đáng nhất, và hợp lý nhất.
Ngoài một xã hội hài hòa tự nhiên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, bức tranh còn vẽ nên một hình ảnh “thiên hạ 2.0”. Đó là một trật tự thế giới mới, nơi mà các quốc gia làm bạn với nhau trong một “cộng đồng chia sẻ chung vận mệnh” (community of common destiny). Tại nơi ấy, Trung Quốc đóng vai trò là ngọn đuốc sáng về đạo đức, có trách nhiệm lãnh đạo và hướng dẫn thế giới cùng chung tay xây dựng ngôi làng đại đồng.
Trật tự thế giới mới theo phiên bản “thiên hạ 2.0” này là sự phục hưng của phiên bản “thiên hạ đời đầu”, đặc biệt là thời nhà Minh từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17.
Đây được xem là giai đoạn vàng son của Trung Quốc, khi thiên hạ thái bình, quốc gia thịnh trị, các nước lân bang kính nể và tự giác thuần phục trước nền văn minh chói lọi của đế quốc Trung Hoa vĩ đại.
Tất nhiên, như nhiều người đã chỉ ra, đây là thứ lịch sử huyễn hoặc tự vẽ lại. Và thứ nguyên liệu tưởng tượng này lại được dùng để xây nên một giấc mơ Trung Hoa mới.
Bất chấp điều đó, Bắc Kinh không ngồi yên một chỗ nằm mơ. Chính quyền của Tập Cận Bình vào năm 2013 đã công bố với thế giới một trong những dự án có quy mô vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại: con đường tơ lụa 2.0 với tên gọi “Một vành đai, một con đường” (BRI – Belt and Road Initiative).
Ước tính đầu tư cho dự án này sẽ vào mức 4.000 tỷ USD, với các công trình kết nối đường bộ, đường biển và đường sắt của khoảng 65 quốc gia từ Đông sang Tây.
Nadège Rolland trong nghiên cứu của mình nhận định rằng BRI là xương sống cho trật tự thế giới mới mà Bắc Kinh muốn hình thành.
Với con đường tơ lụa 2.0 này, Trung Quốc mong muốn tạo lập một ngôi làng chung vận mệnh, khi sự hợp tác sẽ không chỉ thuần túy về mặt đầu tư hạ tầng, mà còn kéo theo các hiệp định kinh tế tài chính, các thỏa thuận về giao thông, năng lượng, hệ thống mạng lưới thông tin, yêu cầu hợp tác chặt chẽ về an ninh, các chương trình trao đổi học thuật và nghiên cứu, đào tạo chia sẻ về truyền thông… Sự tham gia của các chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, giới học thuật, nhà báo, các tổ chức xã hội được kỳ vọng sẽ tạo nên mối liên hệ sâu rộng, lôi kéo các quốc gia và tổ chức xoay theo quỹ đạo Bắc Kinh mong muốn.
Sự chủ động của Trung Quốc trong việc tạo dựng nên một trật tự thế giới mới còn thể hiện qua các chiến dịch “nhuộm đỏ năm châu”, biến “quyền được nói” từ một vũ khí phòng thủ trở thành vũ khí tấn công thẳng vào “sào huyệt” của những thể chế dân chủ ở khắp nơi.
Các chiến dịch tuyên truyền quy mô này biến công thành thủ, vừa củng cố vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản trong nước, vừa phá hoại trật tự của thế giới tự do dưới sự lãnh đạo của các nước phương Tây.
Khi Trung Quốc bắt đầu chơi lụi với thế giới, thế giới cũng bắt đầu biết lùi bước để nhìn rõ Bắc Kinh.
Việc các nước phương Tây mở rộng cửa đón nhận Trung Quốc vào chơi chung, điển hình như việc cho phép tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thường được giải thích là do họ kỳ vọng khi gia nhập trật tự quốc tế, nước này sẽ chơi theo luật, mở rộng thị trường và tư hữu hóa nền kinh tế. Sự phát triển về kinh tế sẽ khuyến khích chính quyền Bắc Kinh tôn trọng quyền con người và thực hiện cải cách khai phóng về mặt chính trị.
Tất cả những điều này đều không xảy ra.
Thay vì chơi theo luật, Trung Quốc lại luôn rất biết cách “chơi luật”. Thay vì mở rộng thị trường, Trung Quốc lại đặt ra vô số rào cản cho các công ty nước ngoài. Thay vì tôn trọng nhân quyền và cải cách chính trị, Trung Quốc lại luôn tự cho mình là “duy ngã độc tôn”, là trường hợp ngoại lệ (exceptionalism) của thế giới, không cần và không thể học theo ai, chỉ có thể phát triển và tồn tại theo “kiểu của Trung Quốc”.
Thứ logic ngược ngạo này càng lúc càng khiến Trung Quốc trở nên dị thường.
Trong khi tự nhận mình là trường hợp ngoại lệ đặc biệt, họ lại muốn thế giới phải học hỏi và đòi xuất khẩu mô hình phát triển của Trung Quốc ra bên ngoài. Trong khi hăm hở đòi vai trò lãnh đạo thế giới, họ lại sống chết không từ bỏ cái mác “nước đang phát triển” để hưởng lợi thế trong WTO. Trong khi lớn tiếng đòi “quyền được nói” trên trường quốc tế, họ lại tìm mọi cách cấm cản quyền tự do ngôn luận của người dân trong nước.
Hay trong khi không ngừng rao giảng về một trật tự thế giới mới bình đẳng hơn, tốt đẹp hơn, nơi mọi quốc gia đều được đối xử công bằng như nhau, thì Ngoại trưởng Trung Quốc vào năm 2010 lại không ngại ngần khuyên nhủ các đồng nghiệp trong khu vực Đông Nam Á chấp nhận sự thật, rằng “Trung Quốc là nước lớn, các nước khác là nước nhỏ”.
Cách Bắc Kinh đối xử với lời hứa 50 năm tự trị cho Hong Kong cũng khiến nhiều người sáng mắt.
Kể từ sau khi Quốc hội Trung Quốc quyết định áp đặt Luật an ninh quốc gia lên Hong Kong vào cuối tháng 5/2020, tước đi quyền tự trị của nơi này, mạng xã hội đã lan truyền một công thức toán học đặc biệt: 1997 + 50 = 2020. Một công thức ngắn gọn thể hiện đầy đủ bản chất logic găng-xtơ của chính quyền cộng sản.
Đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán lại càng bộc lộ rõ thêm tư duy học lụi của Trung Quốc.
Đối diện với chỉ trích ngày càng nhiều của cộng đồng quốc tế về việc che giấu thông tin ban đầu và nghi vấn về nguồn gốc xuất phát của dịch bệnh, Bắc Kinh đã tiến hành một trong những chiến dịch phản truyền thông rầm rộ nhất trong lịch sử nước này.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc ở khắp nơi đều không ngần ngại lớn tiếng phản bác mọi chỉ trích nhắm đến chính quyền nước mình, thậm chí dùng những ngôn từ thô tục xúc phạm. Cùng với báo đài trong nước, họ tích cực chia sẻ những tin đồn về nguồn gốc của virus, khi thì xuất phát từ Ý, lúc là Mỹ. Họ gây sức ép, dùng các đòn kinh tế để trừng phạt những quốc gia dám lên tiếng đòi điều tra Trung Quốc.
Tư duy “Chiến lang” này (lấy theo tên bộ phim hành động ca ngợi tinh thần dân tộc của Trung Quốc) thực chất không phải là một thứ mới mẻ.
Nó không phải chỉ có từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, cũng không phải từ giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình. Nó là kết quả của nhiều thế hệ được đào tạo trong hệ thống của chế độ cộng sản, một thể chế chỉ cho phép những âm thanh vừa tai mình được phát ra, xem mọi ý kiến khác biệt là kẻ thù phải bị thanh trừng.
Logic găng-xtơ chỉ có thể sản sinh ra những găng-xtơ.
Tại Trung Quốc, nhiều năm qua tồn tại một ngày đặc biệt: ngày 35 tháng 5.
Ngày này tất nhiên không có trong bất kỳ tờ lịch nào, nhưng nó được khắc sâu trong đầu nhiều người đại lục. Nó là cách mà những người muốn tưởng niệm Thiên An Môn vẫn gọi ngày 4 tháng 6, vốn dĩ bị xóa khỏi ký ức của toàn bộ dân tộc.
Sau hơn 30 năm, chính quyền cộng sản chắc chắn đã học được rất nhiều. Nhưng có học, học nữa, học mãi, họ vẫn không hiểu được một điều: không ai có thể giết chết sự thật.
Lần đầu tiên sau hơn 30 năm, người Hong Kong bị cấm không được tổ chức tưởng niệm thảm kịch Thiên An Môn. Nhưng lễ tưởng niệm vẫn sẽ diễn ra, thậm chí sẽ ngày càng nhiều người nhắc đến nó hơn.
Sau 30 năm, không ai có thể biết được có bao nhiêu người Trung Quốc đại lục còn nhớ về Thiên An Môn.
Sống dưới chế độ cộng sản độc tài như ở chung nhà với một kẻ bạo dâm nghiện quyền lực, tay cầm súng chĩa thẳng vào đầu. Không có gì khó hiểu nếu nhiều người phải im lặng chịu đựng.
Nhưng nhìn vào Hong Kong, nhìn vào những người Trung Hoa sống trong xã hội tự do dân chủ tại Đài Loan, người ta có cơ sở để tin rằng những kẻ khổ dâm thích thú chế độ độc tài không phải là số nhiều.
Ngay cả bản thân những lãnh đạo độc tài e là cũng không còn bạo được bao lâu nữa.
Minh Cư Chính, một trong những học giả uy tín ở Đài Loan, nhận định rằng chính quyền Bắc Kinh đang đối mặt với một trong những thời khắc khó khăn nhất trong lịch sử.
Theo ông, đà phát triển kinh tế dựa trên công nghiệp hóa có chu kỳ khoảng 30 năm, khoảng thời gian mà các yếu tố nhân công giá rẻ, chi phí đất đai, nguyên liệu và năng lượng thấp được khai thác hết. Ở Trung Quốc, chu kỳ này đã tới hạn.
Kinh tế phát triển chậm lại sẽ kéo theo các nguy cơ về tài chính. Ảnh hưởng cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến đầu tư nước ngoài sụt giảm. Thất nghiệp gia tăng. Bất ổn xã hội có nguy cơ xuất hiện thường xuyên. Tình trạng đấu đá quyền lực trong nội bộ đảng cầm quyền cũng khiến các vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt trầm trọng hơn bao giờ hết.
Dịch bệnh Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán gây thiệt hại lớn cho nhiều quốc gia sẽ càng tạo nhiều sức ép lên Trung Quốc.
Ngay cả bản thân Bắc Kinh cũng ý thức được nước này đang chịu sức ép quốc tế lớn nhất trong vòng 30 năm qua, kể từ cuộc thảm sát Thiên An Môn.
Giấc mơ Trung Hoa của những người cộng sản rốt cuộc có lẽ mãi mãi là một lâu đài trên cát.
Và ở nơi nó sụp đổ, những người Trung Quốc tự do sẽ đắp từng viên gạch để xây lại một ngôi nhà hòa bình.
Ngôi nhà được thắp sáng bởi những ngọn nến của tự do, công bằng, và yêu thương.