7 điều thật lòng gửi ông Tổng biên tập một tờ báo Trung Quốc

Ảnh: Chụp màn hình.
Ảnh: Chụp màn hình.

Cách đây vài ngày, nhân dịp kỷ niệm 25 năm hai nước Việt – Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), Tổng biên tập Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, đã gửi gắm “vài lời thật lòng với người Việt Nam”.

Bài viết của ông vừa qua được trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đăng tải lại. Chỉ trong vài giờ, bài đăng nhận được rất nhiều phản ứng và bình luận của dân mạng Việt Nam.

Đáp lại những lời chia sẻ trên, người viết, một công dân Việt Nam bình thường, mạo muội gửi đến ông Hồ Tổng biên tập vài điều thật lòng.

1. Lợi dụng

Ông khẳng định Mỹ không thể nào thật lòng mong điều tốt cho Việt Nam, mà mục đích lớn nhất là “lợi dụng Việt Nam”. Ông hăm hở chia sẻ điều này đầu tiên, như thể chính ông là người nhìn ra “chân lý” đó và muốn “khai sáng” cho người khác.

Có lẽ vì ít được tiếp chuyện với người Việt, nên ông không hiểu gì về tâm tính người dân nơi đây.

Tôi có thể khẳng định với ông là ngoại trừ một số rất ít những người chân phương chất phác vẫn còn tin tưởng rằng trên đời có những bữa ăn miễn phí, tuyệt đại đa số người Việt Nam đều hiểu mọi thứ quan hệ trên đời đều là “lợi dụng lẫn nhau”. Nói một cách tích cực thì bản chất mọi mối quan hệ là “hỗ trợ lẫn nhau”, hay “cộng sinh”. Cho dù đó là giữa hai người ngang hàng, hay giữa một người giàu với người nghèo, một người lớn với trẻ con, bản chất cộng sinh cũng không thay đổi.

Quan hệ quốc tế giữa các quốc gia là kiểu “cộng sinh/ lợi dụng lẫn nhau” như thế. Dùng ngôn từ ngoại giao bóng bẩy thì đó là tính chất “hợp tác đôi bên cùng có lợi”.

Mọi người đều làm việc vì một hay nhiều động cơ nào đó. Mọi quốc gia đều hành động dựa trên động cơ của những nhóm người trong đó. Không có ngoại lệ.

Khi các động cơ trùng khớp, hoặc động cơ khác biệt nhưng đem lại lợi ích cho nhau, tự khắc con người/ quốc gia sẽ chủ động hợp tác cùng nhau.

Là một người đủ ăn đủ học, ông không thể không hiểu sự thật giản dị này.

2. Lợi ích

Vì sao biết Mỹ “lợi dụng” mình mà Việt Nam vẫn muốn có quan hệ tốt đẹp với Mỹ? Câu trả lời đơn giản là vì Việt Nam cũng có quá nhiều thứ để “lợi dụng” Mỹ.

Lợi ích đến từ việc “lợi dụng lẫn nhau” này trải dài trên khắp các lĩnh vực, từ kinh tế, giáo dục, văn hóa đến quốc phòng, ngoại giao.

Lợi ích đó không thể đo đếm đơn thuần bằng các con số thương mại song phương. Quan hệ tốt đẹp với Mỹ cũng là tiền đề để tạo dựng quan hệ tốt với một loạt những nước có thể chế dân chủ khác. Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Liên minh Châu Âu… đều là những nhà đầu tư lớn và khách hàng quan trọng của Việt Nam. Việc hợp tác với các nước này và phần còn lại của thế giới khó có thể diễn ra thuận lợi một khi không có quan hệ thuận lợi với Mỹ.

Trung Quốc cũng là một nhà đầu tư lớn và khách hàng quan trọng của Việt Nam. Nhưng những dự án đầu tư nhà máy sản xuất, cơ sở hạ tầng đến từ Trung Quốc luôn khiến người dân Việt Nam lo ngại hơn những dự án từ các nước khác. Ông có thể đổ điều đó cho “chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc”, hoặc ông có thể tự hỏi lại vì sao khắp nơi trên thế giới người ta đều lên tiếng cảnh báo về chính sách “bẫy nợ” của Trung Quốc, về những khoản cho vay khổng lồ “giấu kín” không công khai số liệu, và về những công trình đầu tư làm đầy túi cho quan chức địa phương nhưng đem lại khoản nợ oằn lưng cho người dân sở tại (đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một ví dụ nhãn tiền).

Tất nhiên tôi tin ông có sẵn câu trả lời: cả thế giới phương Tây do Mỹ dẫn đầu đều có thành kiến muốn chống lại Trung Quốc. Việt Nam chỉ là một “con cờ” bị lợi dụng mà thôi.

Và đó là thêm một lý do đa số người Việt Nam càng muốn có quan hệ tốt đẹp với Mỹ hơn là Trung Quốc.

3. Lớn nhỏ

Ông nhắc nhở với người dân chúng tôi, rằng “khoảng cách thực lực giữa Trung Quốc và Việt Nam là không sao thay đổi”. Ông không phải người đầu tiên, và chắc chắn không phải người cuối cùng làm điều đó.

Rất nhiều người Trung Quốc như ông tự hào về việc mình được sinh ra trong một đất nước khổng lồ – một việc hoàn toàn ngẫu nhiên mà mình không hề có công sức tác động gì trong đó – để rồi tự cho mình cái quyền xem thường những nước nhỏ bé khác.

Ở cấp độ ngoại giao, Ngoại trưởng của Trung Quốc thậm chí từng lớn tiếng nhắc nhở những người đồng cấp trong ASEAN rằng “Trung Quốc là nước lớn, các nước khác chỉ là nước nhỏ”.

So với những lời của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu khi nói về dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, quả là một trời một vực.

Những gì người Việt nghe được từ miệng Ngoại trưởng Mỹ là viễn cảnh về một tương lai “hợp tác, lợi ích chung, tôn trọng lẫn nhau”, vì một nước Việt Nam “độc lập”.

Tất nhiên, một lần nữa, đa phần người Việt đều hiểu đó là ngôn từ ngoại giao, hay nói nôm na là “diễn”.

Nhưng giữa một bên vẫn còn chịu diễn để lấy lòng, và một bên diễn cũng không thèm diễn, trịch thượng phách lối ảo tưởng về sự vĩ đại của mình, luôn xem kẻ khác là “quân cờ” bị dắt mũi, ông nghĩ người Việt Nam sẽ chọn bên nào?

4.  Chiến lược

Ông nhắc nhiều về “chiến lược”, và khuyên răn Việt Nam nên có lựa chọn đúng.

Chiến lược là thứ người ta dùng khi vạch ra kế hoạch cho một thời gian dài và chuẩn bị để đối phó với biến động.

Lịch sử quan hệ hai nước Việt Trung đủ dài đủ biến động để bất kỳ người dân bên nào cũng có thể tìm hiểu về những ý đồ “chiến lược” của Trung Quốc xưa nay với các nước lân bang.

Ngay cả khi bỏ qua lịch sử, chỉ cần nhìn vào chiến lược hiện tại của Trung Quốc cũng khó khiến người Việt nào thấy được tương lai tươi sáng.

Đường lưỡi bò mà Bắc Kinh đang áp đặt lên các nước xung quanh, bất chấp việc nó không có cơ sở luật pháp nào, không chỉ ngoạm sạch thức ăn trên chiếc dĩa chung mà còn liếm luôn cả bàn tay của những người cùng bàn khác.

Việt Nam hiển nhiên không phải là Tôn Ngộ Không để có thể đơn phương độc mã trị một Trư Bát Giới phàm ăn thô thiển như vậy.

Lý Quang Diệu, cố Thủ tướng của Singapore, từng mô tả về cách thức và thách thức mà những nước nhỏ phải tồn tại: giống như cái cây nhỏ sống giữa các cây to, buộc phải cân bằng tìm khoảng trống giữa các tán lá khổng lồ để có được ánh sáng cho riêng mình.

Để tồn tại được trong tương lai, Việt Nam sẽ hợp tác với bất kỳ nước nào, cho dù là Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Philippines hay châu Âu để có thể tìm được ánh sáng cho mình.

Điều này càng có ý nghĩa tối thượng khi đất nước nhỏ bé này phải sống cạnh một cái cây khổng lồ mục nát, không những vươn vòi giành hết ánh sáng trên đời mà còn dung dưỡng cho các loài sâu bọ tràn xuống phá hoại những cây nhỏ khác.

5. Niềm tin

Ông nhắc đến việc Trung Quốc và Việt Nam là hai trong số những nước “xã hội chủ nghĩa” hiếm hoi còn lại, xem đó là lý do cho việc cần phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Ông thậm chí còn nói thẳng nếu không được sự nâng đỡ từ Trung Quốc, thể chế hiện tại của Việt Nam “khó trường tồn lâu dài một mình”.

Tôi tin ông phát biểu điều này đến từ niềm tin nội tại của mình, rằng chế độ cộng sản mà hai nước đang có là thứ ưu việt cần phải giữ gìn.

Rất tiếc, tuyệt đại đa số người dân Việt Nam lẫn Trung Quốc đều không chia sẻ niềm tin hão huyền đó.

Ngược lại, chính sự tồn tại của chế độ này lại càng là lý do khiến nhiều người Việt càng muốn siết chặt bàn tay của Mỹ và phương Tây.

Điều này càng rõ ràng hơn khi bất kể nước Mỹ có một tổng thống với nhiều giá trị đi ngược lại các nguyên tắc đạo đức của họ, nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ qua để hy vọng lợi dụng Mỹ phá bỏ đi chế độ áp bức mà họ phải chịu đựng quá nhiều thế hệ này.

Tuyệt đại đa số người dân Việt Nam đã quá chán ghét thể chế này. Việc dùng chính nó để “khuyên răn” người Việt chỉ chứng minh ông có một mối quan hệ không lành mạnh với Hiện thực.

6. Sự thật

Có lẽ trước khi trăn trở về việc làm thế nào để có quan hệ tốt đẹp với các quốc gia xung quanh, ông có thể dành thời gian suy nghĩ giúp các quan chức trong nước làm sao để xây dựng một mối quan hệ lành mạnh với Sự thật.

Nhưng trước tiên, ông phải tự giúp mình.

Trong một bài viết về Thời Báo Hoàn Cầu nơi ông làm Tổng biên tập, ông từng chia sẻ về ba tiêu chuẩn lựa chọn tin tức: đầu tiên, nó phải quan trọng; thứ hai, phải hấp dẫn người đọc; và thứ ba, xã hội phải có khả năng ủng hộ và hấp thu thông tin đó.

Thật ngạc nhiên, ông không nhắc gì đến việc nội dung tin tức đó có phải là “sự thật” hay không.

Điều này sẽ không ngạc nhiên lắm, nếu người ta biết được tờ báo của ông cũng chỉ là một chiếc loa tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong con mắt của chính quyền cộng sản, truyền thông không phải là công cụ để phản ánh sự thật. Nó phải là công cụ tuyên truyền, yêu đảng, bảo vệ đảng, và phục vụ cho lợi ích của đảng.

Thậm chí, như lời răn dạy của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tất cả cơ quan báo đài đều phải “mang họ Đảng”.

Nếu tất cả báo chí đều mang họ Đảng, thì thứ “sự thật” mà báo chí đó phản ánh là loại sự thật nào?

Trong bài viết, ông tự cho mình là một người làm truyền thông, “đại diện cho suy nghĩ của nhiều người Trung Quốc bình thường”.

Nhưng “lòng dân” mà ông đang phản ánh đó mang họ gì?

7. Lòng dân

Khác với những người dân Trung Quốc, người Việt Nam hiện tại vẫn được tiếp cận với các mạng xã hội tự do như Facebook và Twitter.

Thông tin trên các mạng xã hội này tất nhiên thượng vàng hạ cám, nhưng ít nhất nó không cùng một họ Đảng.

Nhờ sự đa dạng và tự do đó, lòng dân thể hiện trên mạng xã hội cũng đáng tin cậy hơn nhiều so với những báo cáo một chiều của truyền thông quốc doanh.

Chỉ trong vòng 10 tiếng kể từ khi bài viết của ông được chia sẻ lại trên trang Facebook của Đại sứ quán, đã có 2.700 lượt tương tác đến từ các dân mạng Việt.

Trong số đó, có 1.300 tương tác cười nhạo, 800 là giận dữ, tính ra phản ứng tiêu cực chiếm gần 80%. Đó là chưa tính đến hàng ngàn bình luận giận dữ khác.

Đó là “lòng dân”. Và đó cũng là lý do mà trong vòng chưa đầy 24 tiếng, bài đăng này đã bị xóa đi.

Ảnh chụp màn hình bài đăng của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội vào lúc 8.30pm ngày 13/7/2020. Bài đăng đã bị xóa vào thời điểm hiện tại.

Nó chứng tỏ có những người không có khả năng chấp nhận sự thật.

Ông hẳn không xa lạ gì với điều đó.

Một năm trước, ông từng hăm hở tuyên bố trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc rằng “tuyệt đại đa số người dân chúng ta đều yêu nước và yêu Đảng”, và vì vậy đất nước “nên mở cửa để người dân tự do tiếp cận Internet hơn nữa”.

Rất nhanh sau đó, ông đã xóa đi bài viết của mình.

Giống như ông, chúng tôi cũng tin rằng tuyệt đại đa số người Việt Nam lẫn Trung Quốc đều là những con người lương thiện, có lý trí, biết phân biệt lẽ phải, và họ phải có quyền được tự do cất lên tiếng nói, đưa ra lựa chọn cho chính mình.

Hy vọng ông đủ dũng cảm để tiếp tục đấu tranh cho quyền tự do lên tiếng của người dân Trung Quốc, như cách chúng tôi đang hàng ngày đấu tranh cho quyền lợi của tất cả những người Việt Nam.

Và lần sau cố gắng đừng xóa bài.

Ký tên: Một người Việt Nam không có gì bất thường


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

***

Bài của Đại sứ quán Trung Quốc:

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.