Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Tìm hiểu về điểm nóng tôn giáo tại khu vực Tây Nguyên, nơi chính quyền tìm mọi cách tiêu diệt FULRO cũng như các tôn giáo mới qua mục [Điểm nóng tôn giáo] và [Bàn tay của chính quyền].“Ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt” và các biện pháp can thiệp của công an vào ngày này sẽ được nói đến trong mục [Tôn giáo 360 độ] và [Ngày này năm xưa]. Mục [Bạn có biết] sẽ giải đáp một vài thắc mắc về các sắc tộc bản địa ở Tây Nguyên.
Độc giả có thể góp ý và tham gia viết báo cáo qua email: tongiao@luatkhoa.org.
Khu vực Tây Nguyên
Theo báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19/3/2020, công an tỉnh Gia Lai đã bắt ba người theo đạo Hà Mòn đang lẩn trốn trong rừng là Jư, 56 tuổi, Lúp, 50 tuổi và Kưnh, 32 tuổi. Công an tỉnh Gia Lai cho rằng đây là ba đối tượng cốt cán đang lẩn trốn để chỉ đạo những người khác chống chính quyền.
Ba người bị bắt này cùng thuộc làng Kret Krot, xã H’Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Vào tháng 4/2016, có hai người ở làng Kret Krot này cũng đã bị tuyên án tù lần lượt là 6 năm và 7 năm tù giam trong một vụ án về 05 người có liên quan đến Tin lành Đề Ga.
Theo báo Dân tộc và Phát triển, đông đảo người dân của làng Kret Krot đã bắt đầu theo đạo Hà Mòn từ năm 2016. Theo mô tả của chính quyền, đạo Hà Mòn là một tôn giáo chủ yếu dựa trên giáo lý của đạo Công giáo nhưng các tín đồ không đến nhà thờ, nhà nguyện (nơi chính quyền cho phép sinh hoạt tôn giáo) mà tự tổ chức sinh hoạt tôn giáo theo nhiều nhóm nhỏ. Năm 2012, có trên 3.500 người Bana và Sedang theo đạo Hà Mòn ở ba tỉnh là Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk. Chính quyền cho rằng đây là tôn giáo mê tín dị đoan và ảnh hưởng đến đời sống vì cho rằng nhiều người đã bỏ bê công việc để cầu nguyện và đạo này làm mất đoàn kết dân tộc khi lôi kéo và cưỡng ép những người khác theo đạo.
Ngoài ra, chính quyền còn cho rằng Hà Mòn đã cấu kết với tổ chức FULRO nhằm chống chính quyền ở Tây Nguyên.
Trong nhiều năm qua, xét xử những người được cho rằng liên quan đến FULRO vẫn chưa dừng lại ở Tây Nguyên. Năm 2019, có ít nhất hai người đã bị tuyên án tù lần lượt là 10 năm tù giam và 7 năm tù giam ở tỉnh Gia Lai. Nhiều năm qua, chính quyền đã sử dụng các biện pháp sắc nhiễu, đàn áp đa dạng đối với những người theo các tôn giáo không được chính quyền cho phép ở Tây Nguyên.
Các cuộc bố ráp, tra tấn, theo dõi người dân bản địa của chính quyền đã khiến họ phải chạy sang Thái Lan để tị nạn. Hiện nay, có khoảng hơn 500 người bản địa Tây Nguyên đang tị nạn ở Thái Lan.
Theo Tạp chí Lý Luận Chính Trị, cơ quan của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, gần đây lực lượng FULRO và Tin Lành Đề Ga hoạt động trở lại và cùng với các tôn giáo mới như Thanh Hải Vô Thượng Sư, Bơ khắp Brâu có thể gây ra các cuộc biểu tình, bạo động trong tương lai.
Lịch sử của vùng núi không yên ả
Tuy nằm ở vùng đồi núi, cách xa đồng bằng, tuy nhiên từ thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Tây Nguyên đã là vùng đất không yên ả khi các sắc dân bản địa ở đây không chấp nhận chính sách di dân từ đồng bằng lên miền núi. Các dòng người di cư từ sau năm 1954 đã khiến các sắc dân bản địa mất đất đai, văn hóa bị đồng hoá và mất quyền tự quyết.
FULRO (Front United Front for the Liberation of Oppressed Races – tạm dịch là Mặt trận giải phóng các dân tộc áp bức) được thành lập trong những năm 1950. Mặt trận này đấu tranh cho quyền tự trị của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên (Montagnard) , người Chàm ở các tỉnh duyên hải miền Trung và người Khmer Krom ở Nam Bộ. Tuy nhiên, mặt trận này được biết đến với những cuộc bạo động lớn ở Tây Nguyên nhằm yêu cầu chính quyền miền Nam trước năm 1975 cho người bản địa quyền tự trị về đất đai, văn hóa và chính trị.
Sau khi Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975, theo các hãng thông tấn, mặt trận này vẫn còn cầm cự để chống chế độ mới nhưng sau đó đã rút sang Campuchia để ẩn náu. Năm 1992, khoảng 400 người, bao gồm các thành viên của lực lượng này và gia đình của họ đã tái định cư ở nước thứ ba.
Theo Human Rights Watch, từ những năm 1980, chế độ mới đã duy trì chính sách hà khắc nhằm xóa bỏ các tôn giáo và thực hiện những cuộc tái định cư khổng lồ lên vùng đất Tây Nguyên. Áp lực dân số đã kéo theo tình trạng nghèo đói, người dân bản địa ngày càng mất tiếng nói.
“Rất nhiều người vùng cao bắt đầu thấy họ nghèo và chậm tiến. Họ cảm thấy mình thấp kém hơn người miền xuôi, người nước ngoài, kể cả còn kém những sắc tộc đến từ miền núi phía Bắc”, các nhà nghiên cứu Neil L. Jamieson, Lê Trọng Cúc, A. Terry Rambo viết trong một báo cáo đặc biệt năm 1998. “Thiếu tiền, thiếu thức ăn, thiếu quyền tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, dịch vụ công (giáo dục, y tế, thông tin), họ có nguy cơ mất hết tài nguyên quý giá nhất của mình: sự tự tin và lòng tự tôn. Họ không chỉ thiếu tiền và thiếu một vài thứ hàng hoá trong cuộc sống. Rốt cuộc, vùng cao luôn luôn kém về kinh tế so với vùng đồng bằng. Vấn đề là ngày càng có nhiều người ý thức được rằng họ nghèo”.
Cho đến những năm 2000, các cuộc biểu tình nhằm kêu gọi tự do tôn giáo và quyền đất đai ở đã bùng nổ ở Tây Nguyên. Chính quyền và báo chí Việt Nam cáo buộc FULRO đã tổ chức những cuộc biểu tình này nhằm lợi dụng các vấn đề về đất đai và tôn giáo để chống chính quyền. Sau đó, trong những cuộc biểu tình 2004 trở về sau, chính quyền cho rằng FULRO đã thành lập các nhóm tham gia Tin Lành Đề Ga nhằm thông qua tôn giáo để tập hợp người dân chống chính quyền.
Tôn giáo ở Tây Nguyên
Trong những năm 1950, khi các nhà truyền giáo đạo Tin Lành người Mỹ đến Việt Nam, các sắc dân bản địa ở Tây Nguyên đã bắt đầu theo đạo Tin Lành bên cạnh đạo Thiên Chúa do người Pháp truyền vào và tín ngưỡng đa thần truyền thống các dân tộc bản địa.
Sau năm 1975, tương tự như các tôn giáo bị cấm đoán hoạt động, chính quyền cũng đã bài trừ tôn giáo và tín ngưỡng ở Tây Nguyên vì cho rằng đó là những điều mê tín dị đoan.
Tuy nhiên, số lượng người dân theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên đã tăng một cách đáng kể khoảng 432% từ 1975 đến năm 1999 với tổng số 228.618 tín đồ [1]. Trong lúc bị cấm sinh hoạt tôn giáo, các tín đồ đã tự tổ chức các hoạt động tôn giáo xa tầm mắt của chính quyền cho đến cuối những năm 1990 thì chính quyền mới bắt đầu cho phép người dân đến một số các nhà thờ được chỉ định. Tuy nhiên, có rất nhiều người dân vẫn tự duy trì các hoạt động sinh hoạt tôn giáo, họ không muốn đến các nhà thờ do chính quyền thành lập. Vì nghèo đói và cảm thấy bị áp bức, các khiếu kiện về đất đai của họ không được giải quyết, một số nhóm sinh hoạt tôn giáo đã tổ chức những cuộc biểu tình chống chính quyền từ những năm 2000.
Kpă Hùng, 44 tuổi, nói rằng anh đã mất niềm tin hoàn toàn vào chính quyền. Kpă cho biết mình bị bắt ba lần ở Việt Nam, lần cuối cùng anh phải ở tù 12 năm vào năm 2004 do liên quan đến các đợt biểu tình. “Họ tra tấn bởi vì họ nói tôi tin vào đạo Tin Lành là tin vào chúa Jesus Christ; và họ sẽ đánh, tra tấn tôi giống trong phim Jesus Christ!”, anh nói.
“Ngày biểu tình minh bạch muốn chính quyền Việt Nam biết sửa sai về vấn đề tham nhũng. Nhưng họ không bao giờ chịu thay đổi!”, Kpă nói về lý do anh tham gia các đợt biểu tình vào những năm 2000.
Do địa hình và sự kiểm soát của chính quyền, các báo chí và các nhà quan sát quốc tế rất khó tiếp cận khu vực này. Những người bản địa từ Tây Nguyên đang tị nạn tại Thái Lan nói rằng hàng tháng vẫn có các gia đình chạy từ Tây Nguyên chạy sang Bangkok để tị nạn, vì bị chính quyền đàn áp tôn giáo hoặc mất đất đai. Những phiên tòa xét xử lưu động liên quan đến tôn giáo và FULRO vẫn diễn ra phổ biến ở Tây Nguyên.
Bàn tay của chính quyềnNgười bản địa Tây Nguyên dưới bàn tay của chính quyền
Trong nhiều năm qua, chính quyền đã duy trì chính sách khắc nghiệt đối với người dân bản địa. Những người dân lên tiếng phản đối chính sách của nhà nước về tôn giáo hoặc hoạt động tôn giáo nhưng chưa được cho phép đều phải chịu những bản án nặng nề.
Trong một phóng sự của chúng tôi về người Thượng tị nạn ở Bangkok, Siu Wiu, 43 tuổi, đang tị nạn ở Thái Lan vẫn còn nhớ lần anh bị đưa đi trại cải tạo năm 2004, khi đó anh bị giam giữ trong hai năm cùng 180 người dân tộc bản địa khác. Năm 2008, Siu Wiu tiếp tục kêu gọi mọi người trong làng đi biểu tình vì tự do tôn giáo, quyền đất đai và thả những tù nhân người bản địa. Siu Wiu bị tuyên án 10 năm tù sau cuộc biểu tình này.
Năm 2017, tỉnh Gia Lai đã xét xử 5 người được cho rằng họ đã nhận chỉ thị của các thành viên FULRO ở nước ngoài để thực hiện những hoạt động chống phá chính quyền. Chính quyền cho rằng năm người chỉ mới chuẩn bị âm mưu nhằm chống chính sách đại đoàn kết của nhà nước. Tuy nhiên, dù mới chỉ là chuẩn bị, nhưng họ đã bị tuyên những bản án rất nặng nề. Ngày 5/4/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên Rơ Ma Đaih (31 tuổi) bị tuyên án 10 năm tù giam, 9 năm tù giam cho Puih Bóp (61 tuổi) và Ksor Kam (55 tuổi), 8 năm tù giam cho Rơ Lan Kly (58 tuổi) và Rơ Lan Kly (55 tuổi).
Trong một năm qua chúng tôi đã thu thập được những cách phổ biến mà chính quyền trấn áp các hoạt động tôn giáo không được cấp phép cũng như triệt hạ các hoạt động bị cho là liên quan đến FULRO ở Tây Nguyên.
Đe dọa, trấn áp những ai tự sinh hoạt tôn giáo
Sen Nhiang, 34 tuổi, người dân tộc Jrai, đã vượt biên đến Thái Lan vào năm 2014 khi chính quyền xã Ia Le ở huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đóng cửa một nhà thờ của dân làng và vây bắt những người sinh hoạt tín ngưỡng tự do.
Trước đó, Sen đã tự sinh hoạt với nhóm của mình, anh phải ra khỏi nhà 3 giờ sáng lúc công an chưa canh giữ nhà anh. Công an thường xuyên canh nhà của anh, không cho anh đi đâu vào những ngày sinh hoạt tôn giáo, kể cả việc đi rẫy của anh cũng bị hạn chế. Sen lúc nào cũng lo sợ anh sẽ bị bắt.
Trong ba tháng sau khi anh vượt biên, công an thường đến uy hiếp vợ anh để kêu anh quay trở về nước. Nhiều đêm liền họ đã ngủ lại nhà anh để đợi anh trở về vì nghi anh trốn trong rừng.
Ba tháng sau khi Sen Nhiang vượt biên, ba thành viên nhóm anh đã bị tuyên án lần lượt 8 năm, 9 năm và 11 năm tù giam vì phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc.
Sau khi bố Jen (đã thay đổi tên) vượt biên từ huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai sang Bangkok năm 2013. Ở nhà, mẹ Jen bị công an mời lên làm việc liên tục về tin tức của chồng. “Tháng nào họ cũng mời lên uỷ ban, họ đập, họ chửi. Họ nói chồng chị có gọi chị sang Thái Lan không, ổng đi xe nào, sang Thái Lan để làm gì”, mẹ Jen nói. Sau khi bố Jen vượt biên, em phải nghỉ học vì tiền học phí đột nhiên tăng cao. Những người phụ nữ khác trong các trại tị nạn Thái Lan cũng mô tả tình trạng công an canh giữ nhà khi trồng của họ đã vượt biên.
Từ chối cấp giấy tờ tùy thân
Trong khu tị nạn ở Thái Lan, nhiều người Thượng không có giấy tờ tùy thân vì chính quyền không cấp cho họ. Điều này như một cách trừng phạt đối với những ai muốn sinh hoạt tôn giáo tự do.
Khi Sen Nhiang kết hôn, anh không thể đăng ký giấy kết hôn cùng vợ. Cuối cùng, anh phải đưa hai triệu đồng (khoảng 90 đô la) thì ủy ban xã mới chịu cấp giấy đăng ký kết hôn cho anh và vợ.
Khi không có giấy tờ tùy thân, những người bản địa này không thể đi làm xa được vì phải đăng ký tạm trú. Họ chỉ làm việc trong khu vực mà mình sinh sống. Rất nhiều người trong khu tị nạn ở Bangkok không được cấp hộ chiếu, vì vậy khi vượt biên đi tị nạn họ phải trả nhiều tiền từ 500 đến dưới 1000 đô la để thuê người tìm cách đưa họ vượt biên. Có lẽ đây là cách mà chính quyền kiểm soát những người này trong khu vực quản lý của mình và hạn chế họ trốn đi nước ngoài.
Bắt giữ tùy tiện và tra tấn
Nhiều người mà chúng tôi phỏng vấn trong khu tị nạn ở Thái Lan nói họ từng bị bắt giữ tùy tiện và bị tra tấn trong các trại tạm giam.
Nay Them, 36 tuổi, nói anh bị bắt giam 32 ngày vào năm 2008 rồi được thả về. Trong trại tạm giam, họ đã đánh anh đến bất tỉnh để khai ra người anh rể đã tổ chức biểu tình và lúc đó đang lẩn trốn trong rừng. Nay nói công an huyện Phước Thiện đã chói anh vào ghế, họ đánh bằng một khúc gỗ, dùng súng điện. Họ đã đánh anh nhiều lần cho đến khi anh được thả ra.
Tây Nguyên có địa hình đồi núi, những ngôi làng người Thượng sống thường xa khu vực trung tâm của tỉnh, thành phố và họ thường không có kết nối với những nhà hoạt động để lên tiếng về các vụ bắt giữ của mình. Từ nhiều năm nay, Tây Nguyên được xem như là nơi không chào đón các nhà báo quốc tế. Những lý do này có thể làm cho tình trạng bắt giữ tùy tiện không được đề cập đến qua báo chí và mạng xã hội.
Các buổi nhận lỗi công khai và xét xử lưu động
Sau những cuộc biểu tình vào năm 2000 đến nay, chính quyền vẫn áp dụng những buổi nhận lỗi công khai và xét xử lưu động như một hình thức cảnh cáo người dân liên quan đến các hoạt động tôn giáo, vượt biên cũng như chống chính quyền.
Ngày 22/11/2019, công an huyện Krông Búk của tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức kiểm điểm những người được cho là có liên quan đến FULRO trước khoảng 300 người dân tại làng buôn Cư Blang, xã Pơng Đrang.
Ngày 7/5/2019, một buổi lễ nhận tội khác được tổ chức trước 150 người dân, tại đây Kpă Nam, 36 tuổi, đã nhận lỗi trước công chúng vì anh đã tham gia FULRO và hứa sẽ không nghe theo lời của FULRO nữa.
Kpă Nam là một trong những người liên quan đến vụ án của Rah Lan Híp, 39 tuổi, bị cáo buộc với tội danh phá hoại chính sách đoàn kết của nhà nước. Rah Lan Híp bị xét xử trong một phiên tòa lưu động vào ngày 9/8/2019 và bị tuyên án 7 năm tù giam.
Năm 2013, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã xét xử 8 người vì liên quan đến tội phá hoại chính sách đoàn kết của nhà nước trong một phiên tòa xét xử lưu động. Năm 2017, tòa án tỉnh này cũng đã tuyên án cho 5 người khác trong một buổi xét xử lưu động.
Trong kỳ Kiểm định nhân quyền Phổ quát lần thứ ba của Việt Nam trong năm 2019, chính phủ đã chấp nhận khuyến nghị của Đan Mạch về “Bãi bỏ ngay lập tức ở tất cả các cấp việc thực hành các phiên xét xử lưu động để đảm bảo quyền suy đoán vô tội, đại diện pháp lý hiệu quả và xét xử công bằng” (Abolish immediately at all levels the exercise of outdoor trials to ensure the right to presumption of innocence, effective legal representation and fair trials).
Tôn giáo 360 độPhật giáo Hòa Hảo tưởng niệm 73 năm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ “vắng mặt”
Trong tháng 3/2020, một số tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) đã tổ chức lễ tưởng niệm 73 năm ngày Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ mất tích mà tín đồ của đạo này hay gọi là “Ngày Đức thầy vắng mặt”.
Huỳnh Phú Sổ được các tín đồ của đạo cho là mất tích vào ngày 16/4/1947 tại tỉnh Đồng Tháp trong một cuộc họp với các thành viên của Mặt trận Việt Minh, một tổ chức mà Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ở miền Nam trong kháng chiến chống Pháp. Vụ mất tích này đến nay không được điều tra, một số tín đồ PGHH vẫn cho rằng Huỳnh Phú Sổ đã bị Việt Minh ám sát trong cuộc họp năm đó.
“Ngày Đức thầy vắng mặt” là một trong ba ngày lễ lớn của tín đồ PGHH. Sau năm 1975, ngày lễ này không được chính quyền cho phép tổ chức công khai kể ra khi PGHH đã được nhà nước công nhận là tôn giáo vào năm 1999. Hiện nay, ngày lễ này chỉ được tổ chức bởi các tín đồ của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần tuý, giáo hội không được chính quyền công nhận.
Trang tin của Giáo hội PGHH Thuần tuý đưa tin rằng các tín đồ đã tổ chức lễ kỷ niệm tại các tư gia của mình tại tỉnh An Giang. Các tín đồ đã tưởng niệm ngày này bằng cách trang trí lại bàn thờ trong nhà, lập bàn thờ trong sân nhà và căng băng-rôn trước nhà để làm lễ.
Mặc dù làm lễ tưởng niệm trong ôn hòa, tuy nhiên công an vẫn lập các chốt canh gác để ngăn không cho các tín đồ tập trung để làm lễ. Theo ông Lê Quảng Hiển, thành viên của Giáo hội PGHH Thuần túy, công an đã lập một chốt chặn cách trụ sở của giáo hội khoảng 500 mét để kiểm soát các tín đồ qua lại vào ngày 17/3/2020.
Ngày này năm xưaNhững lần can thiệp của công an trong dịp tưởng niệm “ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt”
Vào cuối tháng 2/2010, đài RFA đưa tin rằng công an đã xảy ra xô xát với nhiều người dân đến dự lễ ở chùa Quang Minh, một ngôi chùa độc lập của các tín đồ PGHH. Các tín đồ đến dự lễ nói rằng họ không thể vào ngôi chùa này vì bị công an ngăn cản. Đây là ngôi chùa hàng năm tổ chức lễ kỷ niệm “ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt”.
Theo tin của RFA, ngày 28/2/2010, ông Trần Kim Long nói mình đã bị công an hành hung khi ông cố gắng vào chùa Quang Minh. Ông Long nói rằng ông biết mặt một vài công an trong đó, họ là cán bộ của công an huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Ông Võ Văn Diêm, người coi sóc chùa Quang Minh, nói vào ngày 28/2/2010 đã xảy ra xô xát giữa các tín đồ đến dự lễ tại chùa Quang Minh và lực lượng công an xã và huyện Chợ Mới. Ông Diêm nói công an không đưa ra quyết định nào của chính quyền về việc ngăn cản tín đồ đến dự lễ mà chỉ nói rằng chính quyền chưa cho phép người dân làm lễ ở ngôi chùa này.
Trong bản tin này, công an địa phương từ chối trả lời và một công an khác phủ nhận xảy ra việc xô xát khi đài RFA gọi để xác nhận thông tin.
Vào tháng 3/2014, khi chùa Quang Minh đang tổ chức lễ tưởng niệm “ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt” thì tiếp tục xảy ra việc xô xát giữa các tín đồ và lực lượng công an.
Ông Võ Văn Bửu nói với đài RFA rằng ông đã bị hai người lạ mặt hành hung vào ngày 25/3/2014 trong lúc ông đứng chờ xe buýt sau khi công an ngăn không cho ông vào chùa Quang Minh. Ông Bửu nói mấy ngày trước đó công an đã ngăn cản các tín đồ vào làm lễ ở ngôi chùa này.
Ông Bửu cũng nói rằng công an đã bố trí lực lượng ở nhiều nơi khác nhau nhằm ngăn chặn tín đồ tập trung để làm lễ, như ở xã Long Giang (huyện Chợ Mới), công an đã cho cảnh sát cơ động ập vào nhà ông Nguyễn Văn Vinh để lấy điện thoại của tất cả mọi người rồi đưa từng người về nhà và không cho ra khỏi nhà; ở tỉnh Vĩnh Long, anh Hà Tân bị công an giam giữ tại nhà; ở Đồng Tháp, công an cũng không cho ông Nguyễn Văn Thơ ra khỏi nhà trong dịp tưởng niệm “ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt”.
Dịp tổ chức lễ tưởng niệm vào năm 2016, một số tín đồ nói họ tiếp tục bị đánh và không cho ra khỏi nhà.
Anh Lê Công Thủ, tín đồ PGHH ở xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang nói với đài RFA rằng vào ngày 1/4/2016, anh bị nhiều người, trong đó có công an xã chặn đánh sau khi bị công sát giao thông kiểm tra giấy tờ trên đường đi dự lễ “ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt”. Anh Thủ cho hay trong cùng thời gian này ông Trần Thanh Giang và ông Võ Văn Bửu ở cùng huyện bị người lạ chói mắm tôm và đe dọa.
Đến ngày 22/4/2016, hai tín đồ PGHH khác là ông Nguyễn Ngọc Tân và bà Nguyễn Thị Liên bị chặn đánh khi trên đường về nhà sau một buổi niệm phật tại nhà của một thành viên Giáo hội PGHH Thuần túy.
Bạn có biếtNhững câu hỏi thú vị về Tây Nguyên huyền ảo
Có bao nhiêu dân tộc bản địa ở Tây Nguyên?
Đầu thế kỷ XX khi vùng đất hiểm trở Tây Nguyên ngày nay được khám phá, các nhà nghiên cứu đã cho rằng dân số người bản địa ở khu vực này khoảng 300.000 đến 500.000 người, gồm ba bộ lạc lớn là Bana, Sedang và Jrai. Ngoài ra còn có người Lạt, Mạ, Stiêng và Srê ở hai Cao nguyên Lang-biang và Gia-rinh. Người Mnông ở Tây Nam Cao nguyên Đắc Lắk và Tây Bắc Cao nguyên Lang-biang. [2]
Ngày nay, có khoảng hơn 20 sắc tộc bản địa ở Tây Nguyên. Ngoài ra, còn các nhóm khác sắc tộc di cư từ miền Bắc vào cũng đang sinh sống cùng những người bản địa ở đây.
Người bản địa ở Tây Nguyên có nguồn gốc như thế nào?
Chưa có khẳng định chính xác về nguồn gốc của các sắc tộc bản địa ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã thừa nhận rằng các nhóm sắc tộc ở Tây Nguyên từng khuất phục người Chàm, trở thành thần dân của Champa. Họ cũng từng sống ở ven biển rồi nhượng lại những vùng đất tốt nhất ở miền duyên hải cho người Chàm, rồi rút dần lên vùng núi cao Trường Sơn – Tây Nguyên.
Nhà nghiên cứu người Pháp Jacques Dournes cho rằng vì sự hiểm trở của đồi núi đã làm cho các sắc tộc hình thành các ngôn ngữ khác nhau, như một truyền thuyết được kể lại: “Ngày xưa tổ tiên chúng tôi nói cùng một tiếng nói, nhưng họ không còn hiểu nhau nữa khi họ phân tán khắp các hướng”.
Về sau khi người Chàm suy yếu, quyền lực rơi vào tay người Annam nhưng họ vẫn được tự do trong khu vực của mình. Núi rừng, sông suối, muông thú vẫn là của người Thượng, họ định kỳ nộp thuế cho triều đình Annam, cho đến khi người Pháp đến thì khu vực này dần được khám phá kỹ càng hơn.
Vì sao người bản địa ở Tây Nguyên được gọi là người Thượng?
“Người Thượng” là từ ngữ được người Pháp dùng khi cai trị Việt Nam để chỉ những người bản địa ở Tây Nguyên với hơn 20 sắc tộc khác nhau. Họ sống ở núi rừng Tây Nguyên khi người Kinh còn chưa đặt chân đến. Người Êđê, Jrai, Bana đông hơn những sắc dân còn lại như K’ho, Sedang, Stiêng, Mạ, v.v. Sau năm 1954, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa vẫn gọi chung những sắc dân bản địa ở Tây Nguyên là người Thượng. Cho đến sau 1975 đến ngày nay, danh xưng “người Thượng” không được dùng nữa, thay vào đó là “người dân tộc thiểu số”.
Người bản địa Tây Nguyên theo những tôn giáo nào?
Từ xa xưa, người bản địa ở Tây Nguyên sinh hoạt tín ngưỡng đa thần. Họ tin vào nhiều các vị thần khác nhau sẽ chở che họ sống thuận theo thiên nhiên trong vùng đồi núi hiểm trở. Tất cả các sinh hoạt của người bản địa ở đây đều xoay quanh tín ngưỡng đa thần của họ từ sinh đẻ, hôn nhân, tìm đất làm rẫy, thu hoạch, dịch bệnh cho đến ma chay.
Cuối thế kỷ 19, khi các nhà truyền giáo Tây phương đã đặt chân lên vùng đất Tây Nguyên đã lẩn tránh triều đình truy sát và truyền đạo Cơ đốc cho các sắc dân ở đây. Đạo Thiên chúa phát triển ở Tây Nguyên trong thời kỳ thực dân Pháp chiếm giữ Việt Nam. Trong thập niên 1950, đạo Tin Lành trở nên phổ biến Tây Nguyên qua các hội truyền giáo Mỹ.
Hiện nay, có bao nhiêu người bản địa ở Tây Nguyên theo đạo Tin Lành?
Theo Tạp chí Lý Luận Chính Trị, cơ quan của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, vào năm 2018, có khoảng 450,000 người bản địa Tây Nguyên và các dân tộc di cư từ miền Bắc vào khu vực này đang theo đạo Tin Lành. Đây là con số các tín đồ sinh hoạt trong các cơ sở tôn giáo được nhà nước cho phép hoạt động, gồm 1.665 điểm nhóm, 300 chi hội, 120 nhà thờ, nhà nguyện. Các tộc người thiểu số theo đạo Tin Lành có số lượng đáng kể, bao gồm: Ê Đê (133.593 người), Gia Rai (82.604), Bah Nar (35.309), K’Ho (74.864), M’Nông (23.284) và Xê Đăng (6.473).
Chú thích:
[1] Số liệu của Uỷ ban Tôn giáo chính phủ, tháng 10, 2000, báo cáo Repression of Montagnards năm 2001 trích dẫn, Human Rights Watch, 2001.
[2] Người Thượng ở Tây Nguyên – Kỳ 1: Cổ tích luật tục, Luật khoa tạp chí