Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Cho đến nay, báo chí đã phát hiện ra hàng loạt các tỉnh thành kê giá máy xét nghiệm coronavirus từ chỉ tầm tròm trèm 2 tỷ đồng lên 5 tỷ hoặc 7 tỷ đồng.
Ngay cả theo dự trù của chính Bộ Y tế, mỗi máy xét nghiệm Realtime PCR cũng được ghi đúng ở mức 7 tỷ đồng. Như vậy khả năng khống giá trang thiết bị chống dịch không chỉ nằm ở địa phương.
Việc chính quyền Hà Nội quyết tâm làm rõ và khởi tố vụ khống giá máy xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC) có lẽ là một bước đi ít ai trong hệ thống y tế cả nước ngờ tới.
Sự kiện cũng bắt đầu khiến người ta đặt dấu hỏi về các khoản hỗ trợ người nghèo, các khoản phòng chống dịch bệnh, chi phí y tế và chi phí lương thực thực phẩm dành cho người cách ly. Bao nhiêu phần trăm trong số đó được sử dụng cho việc “lại quả” cho các quan chức? Hay đây là “cái giá” của thành công trong việc chống dịch?
Sẽ là không công bằng nếu nói rằng tham nhũng trong thời kỳ khủng hoảng nhân đạo chỉ xảy ra tại Việt Nam. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cho dù các công cuộc cứu trợ nhân đạo hay đối khó với khủng hoảng y tế là rất cao quý, chúng ta phải nhìn vào sự thật rằng chúng là một trong những thời điểm dễ bị lạm dụng quyền lực và tham nhũng nhất.
Yếu tố dẫn đến thực trạng này, theo báo cáo của Hội đồng các Quốc gia Châu Âu về Chống tham nhũng (Council of Europe’s Group of States against Corruption – GRECO), là quá trình tập trung quyền lực của một số cơ quan chức năng đặc thù.
Nhu cầu thiết bị y tế tăng mạnh, sự quá tải của hệ thống bệnh viện, nguồn nhân lực thiếu thốn, sự cần thiết của dự trữ nhu yếu phẩm… tạo áp lực phản ứng ngay lập tức từ phía chính quyền. Các quyết định chính sách vì vậy sẽ ít khi được rà soát một cách kỹ càng như trong thời kỳ bình ổn.
Ví dụ, tại Việt Nam, việc dự trù, tính toán, lập ngân sách và xin ngân sách trung ương đối với các khoản “hỗ trợ người nghèo” là một loại thẩm quyền mới phát sinh trong dịch bệnh. Và các chính quyền địa phương toàn quyền triển khai chương trình này.
Với một số thông tin ban đầu, chính quyền Hà Nội dự kiến kinh phí hỗ trợ 1,4 triệu cư dân ở đây là lên đến hơn 3.500 tỷ đồng. Hay ở Nghệ An, một tỉnh với chỉ khoảng 3,5 triệu dân, chính quyền địa phương ước tính cần 700 tỷ để hỗ trợ hơn 700.000 người mất việc. Họ cũng yêu cầu chính quyền trung ương cung cấp toàn bộ chi phí vì tỷ lệ hỗ trợ 50% từ trung ương là vẫn không đủ.
Lo ngại tham nhũng không phải từ trên trời rơi xuống. Khắp các tỉnh thành trên toàn quốc, tỉnh nào cũng đã từng dính phốt tham nhũng các khoản tiền dùng cho các mục tiêu nhân đạo.
Từ tham ô tiền dành cho trẻ em khuyết tật tại Hà Giang, đến chiếm đoạt tiền hỗ trợ người nghèo tại Quảng Ngãi, rồi đến tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt, và ngay cả tiền điện hỗ trợ cho các hộ nghèo cũng bị xà xẻo… hiện tượng tham ô, tham nhũng ngay cả trong các hoạt động nhân đạo không phải là hiếm có khó tìm tại Việt Nam.
Vậy nên khi Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhắc nhở rằng “động đến tiền hỗ trợ dân trong COVID-19 là nỗi nhục suốt đời của cán bộ”, cần nhớ là khái niệm “liêm sỉ” hay “nỗi nhục” không có giá trị trong quản lý nhà nước. Thiếu vắng cơ chế quản lý và giám sát quyền lực phù hợp, trong khi trước nay chỉ xử lý theo kiểu tới đâu hay tới đó, thật sự khó mà kỳ vọng vào những quy chuẩn đạo đức suông đã thất bại tại Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ nay.
Yếu tố thứ hai, theo báo cáo của Feinstein International Center về Phòng chống Tham nhũng trong Cứu trợ Nhân đạo (Preventing Corruption in Humanitarian Assistance), là rủi ro liên quan đến các khoản tiền khổng lồ được các chính quyền đẩy vào thị trường và các hoạt động cứu trợ, y tế.
Nghiên cứu chỉ ra các khoản cứu trợ kinh tế, xã hội và chi phí dành cho y tế dẫn đến hiện tượng không thể tránh được là một số ít cá nhân nắm giữ gần như toàn bộ nguồn tài nguyên đưa về trong một thời gian dài. Điều này dẫn đến tình trạng cán cân tài chính, quyền lực địa phương ngày càng chênh lệch, và tham nhũng – lạm quyền từ đó sinh ra.
Không chỉ vậy, do các khoản cứu trợ nhân đạo có thể ảnh hưởng đến đời sống và sự sinh tồn của một lượng lớn dân địa phương, những người có thẩm quyền, hoặc đơn thuần là chỉ có thông tin liên quan đến khoản viện trợ thường có xu hướng ưu đãi gia đình và thân hữu của bản thân họ. Chủ nghĩa gia đình trị (nepotism) vì vậy luôn có cơ hội hoành hành trong các tình huống nhân đạo hiểm nghèo.
Yếu tố quan trọng không kém cuối cùng là việc các tiếng nói tố giác, chống tiêu cực có thể bị xem nhẹ. Một là bởi vì “tranh cãi” và “bóc phốt” tại những thời điểm khẩn cấp vẫn còn bị xem là cấm kỵ, không nên. Hai là việc tố giác sai phạm tại những thời điểm quan trọng như thế này có thể khiến các mạnh thường quân, người tiếp nhận hỗ trợ và cộng đồng nói chung mất đi niềm tin vào toàn bộ chuỗi cứu trợ và cơ quan chức năng. Hiện tượng tự kiểm duyệt, tự thỏa hiệp bên trong nội bộ luôn luôn tồn tại.
Sẽ rất khó có những bước đi chính sách phù hợp chống tham nhũng trong đại dịch nếu chúng ta không xác định được rủi ro tham nhũng trong từng quá trình cứu trợ. Bảng dưới đây là ghi nhận từ các nghiên cứu có liên quan cũng như quan điểm cá nhân người viết về quá trình cứu trợ và rủi ro tham nhũng đi kèm.
STT | Quá trình cứu trợ | Rủi ro tham nhũng |
1 | Đánh giá và định hướng chương trình cứu trợ ban đầu | Các nhóm tinh hoa hoặc quan chức can thiệp vào quá trình đánh giá để thao túng mức độ, nhu cầu và các nhóm cần nhận cứu trợ. |
2 | Gây quỹ – xây dựng ngân sách và phân bổ | Rủi ro tham nhũng có thể phát sinh trong quá trình quản lý một lượng tiền mặt và vật tư lớn. Ngoài ra, các mối quan hệ và lợi ích cá nhân có thể khiến cho việc phân bổ ngân sách về địa phương không dựa trên nhu cầu thực tế. |
3 | Xây dựng các tổ chức phản ứng / Trao thẩm quyền cho các cơ quan địa phương | Không có cơ chế kiểm soát và quản lý tại địa phương.Quá trình tuyển dụng, hợp tác bị lợi ích cá nhân chi phối. Sản phẩm dịch vụ dưới mức tiêu chuẩn được cung ứng. Sản phẩm có chất lượng nhưng bị nâng khống giá… |
4 | Xác định và đăng ký danh sách đối tượng được hỗ trợ | Các cá nhân, nhóm quyền lực địa phương bóp méo nhu cầu và danh sách người thụ hưởng vì lợi ích riêng. |
5 | Thực hiện / Phân bổ | Lợi dụng thông tin pháp lý không rõ ràng, không công khai để phân phát thiếu, sai và nhầm đối tượng. Người thụ hưởng phải chi trả “hoa hồng” hay “lót tay” để được nhận cứu trợ.Các cơ quan nhà nước không chịu thực hiện hỗ trợ. |
6 | Rà soát/Báo cáo/Đánh giá và Chấm dứt chương trình | Báo cáo được làm giả để che giấu sai phạm.Các sản phẩm, dịch vụ dư thừa được bán rẻ cho các nhóm lợi ích. |
Như vậy, trong mỗi bước cứu trợ, rủi ro tham nhũng là khác nhau, và biện pháp phòng chống cũng khác nhau.
Ví dụ, ở bước 1, đánh giá và định hướng công trình cứu trợ ban đầu, những nhóm lợi ích lớn cùng các chương trình vận động hành lang quy củ có thể thao túng ngay từ đầu. Cụ thể hơn với đại dịch COVID-19 thì ngành du lịch Việt Nam rất cần được hỗ trợ để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, nếu không nghiên cứu kỹ và đánh giá toàn bộ tác động, các chính sách ban hành có thể chỉ giúp duy trì (thậm chí làm giàu) các ông chủ ngành du lịch. Trong khi đó những nhóm lao động du lịch thời vụ, các công ty vừa và nhỏ, các hộ gia đình kinh doanh du lịch có thể không nhận được bất kỳ hỗ trợ gì, dù họ là nhóm dễ bị tổn thương nhất.
Hay tại bước 5 về thực hiện/phân bổ các hàng hóa, dịch vụ cứu trợ, ở Việt Nam đã có hiện tượng trên bảo dưới không nghe. Theo tờ Kinh tế Sài Gòn, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam hiện đang từ chối áp dụng giá điện hỗ trợ dịch theo mức chính phủ quy định cho nhiều khách sạn, homestay gặp khó khăn. Dù mới nhìn qua đây chưa hẳn là tham nhũng, việc thu đủ giá thành điện bình thường, song lại báo cáo kinh doanh bằng giá chính phủ quy định sẽ tạo ra lượng chênh lệch rất lớn trong doanh thu, vốn cũng là một nguồn tham nhũng rất khó kiểm soát.
Với những thử thách nghiêm trọng nói trên, các chuyên gia thường đề cao năng lực tự thân của các thể chế dân sự địa phương như các trang tin độc lập, các nhóm nhân quyền và các tổ chức chống tham nhũng tự phát. Thay vì người dân tự giám sát, đây sẽ là những nhóm có nguồn lực để theo dõi thông tin pháp luật, phổ biến và giám sát các hoạt động cứu trợ của chính phủ.
Theo kinh nghiệm ở Ấn Độ, một số nhóm dân sự độc lập đã phát nhiều loại phiếu gồm phiếu thông tin/phiếu đánh giá/phiếu ý kiến… vừa để người dân biết các phúc lợi được hưởng, khảo sát cách thức mà các tổ chức chính phủ thực hiện nhiệm vụ cứu trợ của mình, đồng thời phát hiện ngay hiện tượng tham nhũng nếu có.
Điều này cho thấy các quyền tự do hội họp, tự do biểu đạt và tự do báo chí – xuất bản đóng vai trò sống còn trong năng lực kiểm soát tham nhũng của các nhóm dân sự địa phương. Với những quốc gia có môi trường thù địch và cấm cản xã hội dân sự, kinh nghiệm này rất khó áp dụng.
Ngoài ra, việc thành lập các nhóm giám định, các nhóm chuyên gia độc lập nằm ngoài sự quản lý của nhà nước để tham vấn và quan sát quá trình thực hiện hoạt động cứu trợ cũng cần thiết.
Không chỉ có vai trò quan sát, họ cũng có thể dành thời gian để tiếp nhận và xem xét các khiếu nại, tố cáo về tiêu cực trong quá trình chống dịch. Từ đó, các cơ quan chính phủ đang trong quá trình đấu tranh với dịch bệnh cũng không phải chia sẻ nguồn lực cho các vấn đề khác.
***
Tại Việt Nam hiện nay, dù có thành tích chống dịch rất tốt so với thế giới, năng lực quản lý rủi ro tham nhũng vẫn còn là dấu hỏi bỏ ngỏ.
Nếu không có thông tin bất ngờ từ vụ khởi tố liên quan đến CDC Hà Nội, có lẽ các lãnh đạo của 64 tỉnh thành đã “thoát thân” trong phi vụ máy xét nghiệm với hàng trăm tỷ đồng ngân sách nhà nước thất thoát. Chưa kể đến hàng loạt các vấn đề khác chưa ai xem xét, thành công chống dịch có bao nhiêu hạt sạn đằng sau đó?
Đọc thêm: