Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Chuyện bệnh nhân phi công người Scotland từ chối chụp hình là một dịp văn hóa Việt Nam cọ xát với văn hóa phương Tây. Tôi không muốn nói rằng văn hóa phương Tây thì nhất nhất là văn minh hơn văn hóa Việt Nam. Chuyện văn hóa đôi khi nó chỉ là khác nhau, rất khó dựa vào cái gì để mà nói ai hơn ai.
Nhưng, ta luôn có thể học cách hành xử tôn trọng người khác hơn. Và để an toàn, ta không nên mặc nhiên suy đoán là người ta sẽ hài lòng với một số việc ta làm trong không gian riêng tư của họ. Dưới đây là một vài nơi mà tôi khuyến nghị chúng ta cân nhắc không tự ý chụp hình.
Vốn dĩ giường bệnh là nơi riêng tư, nơi bộ dạng người ta yếu đuối, què quặt, nơi người ta chưa chắc đã muốn trưng cái thân xác người ta lên mạng hay thậm chí là không muốn cho ai biết là họ bị ốm. Hơn nữa, những gì có trong khuôn hình có thể chứa thông tin riêng tư như bệnh gì, mức độ ra sao, đang uống thuốc gì, giường bệnh số bao nhiêu, v.v. Và thường phòng bệnh lại còn có nhiều người, chụp vào còn ảnh hưởng đến cả người khác.
Không có nơi nào riêng tư hơn nơi ăn chốn ở, cho dù là phòng khách nhà riêng hay phòng khách sạn. Nhà riêng nhiều khi còn có trẻ con, và nhiều bố mẹ không muốn hình con mình bị chụp lại rồi phát tán khắp nơi. Đành rằng nhiều người muốn khoe nhà, khoe con, hoặc cũng chẳng muốn giấu gì, nhưng đó là việc của họ, mình đừng quyết thay cho họ.
Trừ khi tang quyến cho phép, xin đừng giơ máy ảnh, điện thoại lên chụp hình. Đành rằng ở ta ít nhà nào thông báo là họ không muốn quay phim, chụp hình, nhưng ta hãy tế nhị và tôn trọng giây phút riêng tư và đau đớn của họ mà để cho họ yên. Nhiều khi tang quyến cũng không muốn lên hình, nhưng nếu ta giơ máy lên thì chẳng nhẽ họ lại chạy đến cấm chụp hay sao? Vụ việc một số Youtuber tự ý đến đám tang diễn viên Mai Phương quay phim, chụp hình khiến tang quyến bức xúc là một ví dụ điển hình.
Và tối kỵ, đừng chụp hình người đã khuất. Họ thậm chí còn chẳng thể có ý kiến gì, chứ đừng nói đến chuyện cấm hay cho phép chụp hình.
Nghe có vẻ hơi kỳ? Đám cưới là dịp vui, sao lại không chụp? Lại một lần nữa, xin thưa, vui hay buồn cũng đều là chuyện riêng của nhà người ta, mình không nên nghĩ thay cho họ. Có rất nhiều cặp đôi làm lễ cưới mà không muốn hình ảnh lễ cưới của mình bị tung lên mạng, điển hình gần đây là lễ cưới của cầu thủ Công Phượng.
Nếu bạn nghĩ là họ muốn được chụp lại giây phút đó, bạn có thể hỏi họ trước. Thực ra thì tôi cũng nghĩ đa phần mọi người đều không có vấn đề gì với việc bạn chụp hình lễ cưới của họ, nhưng không phải tất cả, thành thử ra cẩn thận vẫn hơn.
Ở văn phòng thường có hai chuyện xảy ra. Một là khách đến làm việc tự ý chụp hình, thì cái này là không tôn trọng công ty, cơ quan đó. Hai là nhân viên chụp hình máy tính/bàn làm việc của nhau, cũng là không tôn trọng chút riêng tư tối thiểu của nhau ở nơi làm việc.
***
Tôi xin nhấn mạnh chữ “tự ý”. Nghĩa là khi bạn bước vào một không gian của người khác, bạn không có quyền quay phim, chụp ảnh gì cả. Chỉ trừ khi gia chủ cho phép, bạn mới được chụp.
Việc một ai đó không muốn người khác chụp không gian riêng tư của mình không đồng nghĩa với việc người ta có gì mờ ám muốn giấu, mà có khi chỉ đơn giản là họ không cảm thấy thoải mái với việc phơi bày sự riêng tư của mình cho người khác thấy. Họ mời hay cho phép bạn đến đồng nghĩa với việc họ kỳ vọng bạn tôn trọng sự riêng tư vốn dĩ thuộc về họ. Ta không có quyền phán xét chuyện họ muốn làm gì với sự riêng tư đó.