Mại dâm văn minh ở Hà Lan

Mại dâm văn minh ở Hà Lan
Văn phòng làm việc của Alina ở phố Đèn đỏ, Amsterdam. Ảnh: Luật Khoa Tạp chí.

Sau một giờ chiều, khu phố Đèn đỏ ở Amsterdam thức dậy với mùi cần sa đặc quánh trong không khí. Lúc đó, những con phố bỗng dưng nhỏ lại vì dòng người từ đâu đó túa ra, ních chặt những con phố.

Hai bên phố, những điều cám dỗ nhất dần dần hiện ra, các cô gái đang chờ khách sau những cánh cửa kính, các “window girls”.

Amsterdam

Khi đó, Alina vừa hút xong một điếu thuốc, ngồi vắt chéo hai chân trên một chiếc ghế cao màu trắng, vẫy tay về phía tôi trong bộ đồ hai mảnh quyến rũ.

Tôi tiến về phía cô, cô mở cửa, và tôi hỏi:

“Xin chào. Cô khỏe không?”

“Chào anh. Anh muốn hả?” – Alina trả lời – “50 euro một lần”.

Alina là một trong những cô gái cởi mở nhất mà tôi gặp đằng sau các cửa kính.

Cô ấy là một người chuyển giới, mới vào nghề được khoảng ba năm nhưng luôn dành thời gian cho các hoạt động vận động quyền của những người hành nghề này.

Ba năm trước, Alina vẫn là một y tá nam trong một bệnh viện dành cho người khuyết tật ở Phần Lan.

Sau khi chuyển giới, cô quyết định bước chân vào nghề này để kiếm tiền. Hơn nữa, cô cảm thấy mình được tự do với nghề này, có thể nghỉ làm bất cứ lúc nào.

“Mại dâm cũng hợp pháp ở Phần Lan, nhưng các cô gái vừa làm vừa lo,” Alina nói lý do cô đến Hà Lan ba tháng trước..

“Khi anh bước vào khách sạn, anh không biết bao nhiêu người đang đợi mình ở đó. Ở Phần Lan, không thuê được căn phòng như thế này đâu, ở đây an toàn hơn, làm ngay đường phố chỉ cần kéo rèm lại”, cô nói.

Vào năm 2000, Hà Lan đã hợp pháp hóa mại dâm như một công việc thông thường được luật pháp bảo vệ, đương nhiên các nhà chứa cũng trở nên hợp pháp.

Tất cả những ai là công dân 18 tuổi trong Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) đều có thể dễ dàng khởi nghiệp như Alina, chỉ cần điền một số tờ thông tin cho Phòng Thương mại Hà Lan, và miễn sao họ đóng thuế thu nhập đầy đủ và không làm phiền hàng xóm nơi người đó hành nghề.

Một nhà hoạt động làm việc ở tổ chức Prostitution Information Center nói với tôi rằng theo khảo sát của họ khoảng 70% người làm việc đằng sau các cánh cửa ở Amsterdam không phải là người Hà Lan. Những người làm việc ở đây có đủ màu da, đủ loại ngoại hình, có người làm việc ở tuổi 70, gần như không có một tiêu chuẩn về một thân hình đẹp ở đây.

Một trong những dãy phố chính ở phố Đèn đỏ, Amsterdam vào lúc khoảng 11 giờ trưa. Ảnh: Trần Long Vi.

Alina thuê “văn phòng” này từ 10h sáng đến 6 giờ chiều với giá là 70 euro. Sau khi Alina thu dọn đồ đạc của mình, người khác sẽ thuê căn phòng này từ 8 giờ tối đến hơn 4 giờ sáng hôm sau với giá 140 euro.

Ba tháng đến Hà Lan, với khoảng bốn, năm ngày làm việc mỗi tuần, Alina kiếm được khoảng hơn 3.000 euro/tháng. Đó là vào mùa đông đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 chưa tràn ngập châu Âu.

Ngày 10/7/2020, phố Đèn đỏ Amsterdam đã mở cửa trở lại với nhiều biện pháp an toàn hơn trước sau vài tháng đóng cửa vì dịch Covid-10.

Đa số những “văn phòng” ở đây đã đạt được một tiêu chuẩn nào đó, cửa chỉ mở được từ bên trong, bồn rửa tay bằng nhôm, khăn giấy, hộp đựng tiền, giường bọc da, ghế ngồi chờ khách, vách tường chống thấm, và nút báo động đặt ngay bên giường.

Nhưng cũng có những “văn phòng” khác thật đặc biệt.

Haarlem

Khi trời chập tối, ở thành phố Haarlem, cách Amsterdam khoảng 30 phút đi tàu điện, một cô gái mang nửa dòng máu Việt Nam với mái tóc dài đen sậm đang bận rộn phục vụ những vị khách ra ra vào vào “văn phòng” lộng lẫy do chính cô trang trí. Tên tiếng Việt của cô là “Minh Khai”.

Ở Haarlem, “văn phòng” của các “window girl” khác đôi chút so với Amsterdam. Các cánh cửa kính ít quay mặt ra đường phố mà kín đáo quay mặt vào trong, bạn phải mở cửa đi vào mới tìm được họ.

Nhưng cả hai khu vực này đều có một điểm chung là vây quanh các nhà thờ. Có lẽ do lịch sử của Hà Lan, các hội thánh khá khoan dung với những cô gái mại dâm.

Ở Hà Lan, những quảng cáo về tình dục xuất hiện đầy hấp dẫn trên TV vào lúc nửa đêm. “Window girl” chỉ là một trong những hình thức mại dâm ở Hà Lan, đầy rẫy các dịch vụ với đủ loại giá khác nhau như các câu lạc bộ tư nhân, quán bar, gọi đến khách sạn,…

Ở Hà Lan, có chín thành phố mà bạn có thể tìm các “window girls”.

Chính sách về mại dâm ở mỗi thành phố do thành phố đó tự quyết định. Một số nơi cho phép tìm khách trên đường phố, một số thành phố khác thì không như Amsterdam, hay có rất ít nơi cho phép người hành nghề này được làm việc tại nhà.

Những người hành nghề này phải tự đếm số khách hàng để đóng thuế thu nhập cho cục thuế, chính quyền có thể giám sát kê khai đúng hay không thông qua cách tiêu tiền của người đó.

Tôi gặp “Minh Khai” lần đầu vào một buổi tối muộn. “Văn phòng” của cô nằm sau một cánh cửa dẫn vào bên trong một căn nhà bình thường, chỉ khác là có hai chiếc đèn đỏ gắn ở ngoài mặt tiền, bên trong có bảy phòng làm việc khác nhau nhưng chỉ có căn phòng của Minh Khai là sáng đèn, có lẽ do hôm đó là ngày bão đến.

Minh Khai tiếp mỗi vị khách không quá 10 phút cũng với giá 50 euro một lượt.

Trung bình mỗi lượt khách sử dụng dịch vụ của các “văn phòng” là 7 phút, một nhà hoạt động làm việc ở tổ chức Prostitution Information Center nói với tôi. Họ đã lấy thông tin từ khắp các “văn phòng làm việc” ở Hà Lan rồi tính trung bình thời gian phục vụ mỗi lượt khách

Khi phục vụ khách, Minh Khai bật nhạc vừa đủ để bên ngoài nghe thấy. Bên ngoài cửa, cô đặt một cái chuông trên nền gạch men để vị khách kế tiếp có thể bấm chuông báo hiệu.

Trong lúc Minh Khai làm việc, một vị khách người Hà Lan gốc Thổ Nhĩ Kỳ đứng chờ cùng với tôi ở bên ngoài.

“Anh cũng đợi cô này à?” – Anh ta mỉm cười hỏi tôi.

“Phải” – Tôi trả lời và bồi thêm một câu hỏi – “Anh cũng ở Haarlem sao?”

“Không phải, tôi bắt tàu từ Amsterdam đến đây. Tôi thích chỗ này hơn là Amsterdam. Cô này thật sự hấp dẫn” – Anh ta đáp và chỉ tay vào phòng của Minh Khai.

Người đàn ông này nói anh đến đây là lần thứ ba  và rất hài lòng về dịch vụ của Minh Khai. Anh không thích những căn phòng ở Amsterdam, nếu được, anh sẽ gọi các cô đến khách sạn nhưng không thể làm thế thường xuyên vì phải trả khoảng 200 – 400 euro một lần.

Ít phút sau, Minh Khai mở cửa ra chào chúng tôi.

“Văn phòng” của Minh Khai không những rộng hơn những căn phòng phổ biến ở Amsterdam mà còn có cả bồn tắm. Từ chiếc giường của Minh Khai, bạn có thể soi mình vào một tấm kính to gắn trên tường, ngay chỗ bồn tắm, nơi cô đã đặt hai tượng Phật, một tượng đứng và một tượng ngồi, hoa sen giả cùng với những chiếc dương vật giả dưới chân của tấm kính.

Cô nói mình thuê trọn căn phòng này nên muốn trang trí như thế nào cũng được. Ở phía trên tầng của căn nhà là nhà bếp dùng chung.

Hàng ngày, cô đi từ Amsterdam đến Haarlem để làm việc. Giống như hầu hết các cô gái, Minh Khai chưa muốn công khai công việc này với gia đình.

Cô nói đây là một công việc rất mệt mỏi, cần nhiều kỹ năng, nhưng nó giúp cô trang trải được chi phí, tiết kiệm được kha khá trong những tháng đông khách, và cô không phải làm việc cho ai.

Khi đẩy cánh cửa của căn nhà có ngọn đèn màu đỏ bên kia đường, bạn sẽ gặp được Minh Khai. Ảnh: Trần Long Vi.

Nhà chứa phi lợi nhuận

Bạn không nghe nhầm đâu. Ở phố Đèn đỏ của Amsterdam có một nhà chứa phi lợi nhuận với 14 phòng làm việc với tên gọi là My Red Light, nơi Alina thuê “văn phòng” của mình.

Anh Lyle, thành viên ban giám đốc của My Red Light và cũng là một người đang hành nghề mại dâm, nói rằng năm ngoái chính phủ đã công bố một cuộc điều tra lớn về những người hành nghề mại dâm, kết quả cho thấy vẫn còn nhiều người phải chịu bạo hành khi làm nghề này.

Tuy nhiên, những người hành nghề ở những nơi như My Red Light đối diện với ít bị bạo lực hơn là những người tự tìm đến chỗ của khách hàng.

Đó cũng là lý do là My Red Light vận hành như một doanh nghiệp xã hội, lợi nhuận được tái đầu tư sau khi tham khảo ý kiến của những người thuê phòng.

Văn phòng của My Red Light nằm trên tầng cao của một tòa nhà, phía dưới là các phòng làm việc cho thuê và một số phòng khác cách không xa nơi này. Khi những cô gái cảm thấy bị khách hàng uy hiếp, người trực văn phòng có thể đến ngay lập tức để hỗ trợ.

Có khoảng hơn 30 các cô gái thuê phòng của My Red Light theo các ca làm việc khác nhau, trong đó có khoảng 4-5 người là chuyển giới nữ.

Một nhà chứa ngay cạnh một nhà thờ lớn đã sẵn sàng cho ca làm việc của các cô gái. Ảnh: Trần Long Vi.

Mại dâm nam rất ít phổ biến đằng sau những cánh cửa, giống như Lyle, họ làm việc trên Internet.

“Tôi tìm khách hàng trên Internet và đến chỗ của họ. Làm việc online bạn sẽ không phải thuê văn phòng, bạn không phải chờ cả ngày sau cánh cửa để tìm được khách hàng. Bất lợi là bạn sẽ không biết mình làm việc ở nơi có sạch sẽ hay không, bạn có thể dễ bị bạo hành hơn”, anh nói.

Trong một tờ thông tin mà tôi nhận, tổ chức PROUD, một nghiệp đoàn của những hành nghề mại dâm ở Hà Lan, đã ước tính rằng có 60% người làm nghề này bị hành hung trong khi làm việc.

Cũng theo tổ chức PROUD, mặc dù hoạt động mại dâm được pháp luật bảo vệ, việc nạn nhân lên tiếng vẫn là một thách thức. Trong năm qua, có khoảng 79% những người làm nghề này không báo cảnh sát là mình đã bị bạo hành, vì các lý do như sợ bị kỳ thị, sợ bị lộ danh tính, các hậu quả pháp lý, bị trục xuất khỏi nơi làm việc.

Cũng giống một số nghề khác, Lyle nói mại dâm là một trong nghề dễ bị kiệt sức, áp lực lên cảm xúc của người làm nghề rất nhiều.

“Nhưng vấn đề ở đây là, những người làm nghề khác nếu có vấn đề về sức khỏe họ có thể tâm sự với gia đình, bạn bè, nhưng đối với người làm nghề mại dâm thì rất khó, vì không ai biết họ làm nghề này cả”, Lyle nói về một trong những đặc thù của nghề mại dâm.

Ở My Red Light, họ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho những người hành nghề an tâm làm việc. Ngoài ra, các lớp học, những buổi chia sẻ kinh nghiệm, các dịch vụ tham vấn tâm lý, y tế thường được dành cho những người thuê phòng ở đây.

Lyle nói mại dâm là một trong những nghề cổ nhất trong lịch sử nhân loại. Nó sẽ tồn tại mãi mãi, ẩn đi kín đáo hơn khi pháp luật nước đó có cấm đoán, nhưng vẫn sẽ tồn tại. Anh nói cách tốt nhất là nên hợp pháp chúng, phải chấm dứt tình trạng bị bạo hành, chấm dứt những tổ chức tội phạm, người làm nghề mại dâm có những quyền để thực hiện công việc mà họ đã lựa chọn.

Theo Lyle, lý do thu hút những người làm nghề này là kiếm được khá nhiều tiền mà không cần có bằng cấp hoặc giấy phép chuyên môn để làm việc.

Ông Gert Buist, chuyên gia tư vấn chính sách về chống buôn bán người cho một số quốc gia ở châu Âu nói với tôi rằng cần nhiều nỗ lực hơn để chống lại các hoạt động buôn bán người ngày càng tinh vi.

Một ví dụ ông Gert đưa ra là chính phủ Hà Lan đang thực hiện chương trình tìm các cô gái bị các tổ chức tội phạm lạm dụng thông qua các quảng cáo trên Internet. Chương trình này sẽ làm việc với các hãng quảng cáo để tìm những cô gái phải phục vụ nhiều lượt khách nhất vì họ có thể đã bị cưỡng bức làm việc. Nhân viên của chương trình sẽ đặt hẹn như một khách hàng bình thường. Đến nơi  hẹn họ sẽ giới thiệu về chương trình này và hỏi về công việc của cô gái, nếu có báo cáo lạm dụng họ sẽ sẽ tiến hành những biện pháp cần thiết.

“Giải pháp Hà Lan”

Bức tranh về mại dâm có thể đẹp trong mắt nhiều người. Nhưng để vẽ được bức tranh đó, đất nước này đã trải qua một tiến trình lịch sử về mại dâm mà khó nước nào có thể bắt chước được.

Trong một bài nghiên cứu xuất bản năm 1998, Giáo sư Luật Hình sự và Tố tụng Hình sự Chrisje Brants cho rằng, cách một quốc gia ứng xử với mại dâm tùy thuộc vào hệ tư tưởng của có chấp nhận hay không tính đạo đức của việc trả tiền để quan hệ tình dục.

Thông thường, các nước sẽ rơi vào bốn nhóm sau.

Thứ nhất, cấm đoán (prohibitionists), họ xem các hoạt động mua bán tình dục là tội phạm và vô đạo đức. Nhóm này thường gồm các quốc gia dùng luật hình sự như một giải pháp để giải quyết các vấn đề xã hội và đạo đức.

Thứ nhì, bài trừ (abolitionists), những nước này không xem người hoạt động mại dâm là những người bị tội phạm lạm dụng. Do đó, mục đích của các nhà nước này vẫn là xóa bỏ mại dâm, vì họ không chấp nhận tiền từ hoạt động này, không thể quy định hoạt động của nhà chứa, và theo cách nói của Việt Nam là phải “phục hồi nhân phẩm” cho những người làm nghề này.

Thứ ba, kiểm soát (regulationist), ở những nước này họ xem mại dâm là một thực tế xã hội và được pháp luật quy định nghiêm ngặt. Việc quản lý không chỉ nhằm bảo vệ người làm nghề mà còn bảo vệ công chúng khỏi những mặt trái của mại dâm, đảm bảo trật tự xã hội và sức khỏe cộng đồng. Những người làm nghề ở các nước này có thể phải kiểm tra y tế bắt buộc.

Và cuối cùng, hợp pháp hóa (legalization), mở một nhà hàng hay mở một nhà chứa sẽ không khác nhau là mấy ở những đất nước này. Cả hai đều cần đảm bảo những tiêu chuẩn để hoạt động. Nghề mại dâm cũng sẽ như bao nghề khác, nó sẽ không cần một luật riêng, mà chỉ cần tuân theo các luật hiện hành như luật lao động, luật hình sự hay các quy tắc an toàn về phòng cháy chữa cháy.

Vào những năm 1990, Hà Lan không rơi vào một trong những trường hợp này, nó ở giữa “quản lý” và “hợp pháp hóa”.

Một bức ảnh chụp góc phố Đèn đỏ ở Amsterdam vào những năm 1990. Ảnh: Trần Long Vi.

Trong lịch sử Hà Lan, những người hành nghề mại dâm chưa bao giờ bị trừng phạt nặng nề. Người dân không khinh thường nặng nề đối với những người làm nghề này.

Ngay cả giai đoạn khắc nghiệt nhất từ năm 1911 khi làn sóng đạo đức quét qua đất nước này, chỉ có các nhà chứa là bị cấm đoán.

Những thập niên sau 1911, các nhà chứa được chính quyền chấp nhận ngầm cho hoạt động trở lại nếu không gây phiền hà cho xã hội, đó cũng là lúc “Giải pháp Hà Lan” được áp dụng.

Trong tiếng Hà Lan, “gedogen” có nghĩa là “kiểm soát xã hội”, hay “khoan dung thực dụng” (pragmatic tolerance) nhưng thường được dịch đầy đủ sang tiếng Anh là “khoan dung có kiểm soát” (regulated tolerance).

Vào lúc này, mặc dù các hình thức môi giới mại dâm là tội hình sự nhưng chúng vẫn được phép hoạt động mà không bị truy tố.

Các công tố viên với thẩm quyền rộng rãi của mình được hướng dẫn không trừng phạt hoạt động mại dâm bằng luật hình sự, vì họ tin rằng luật hình sự không phải là câu trả lời cho các vấn đề xã hội như mại dâm, nhưng luật hình sự vẫn có thể sử dụng khi cần thiết.

Giải pháp “khoan dung có kiểm soát” là một đặc trưng của Hà Lan khi hệ thống chính trị với hơn 10 đảng phái vẫn đang loay hoay tìm sự đồng thuận trong các vấn đề như an tử, tình dục đồng thuận, ma tuý, phá thai…

Cho đến thập niên 1970, 1980, các vấn đề về phố đèn đỏ bắt đầu nóng lên ở Hà Lan khi nhiều hoạt động liên quan đến mại dâm tràn ngập, phát triển quá mức kiểm soát ở nhiều nơi, kéo theo sự gia tăng tội phạm như buôn bán người, trốn thuế, ma túy… Một phong trào tranh đấu cho việc hợp pháp hóa mại dâm đã bắt đầu trong giai đoạn này.

Sau đó, Quốc hội Hà Lan đã cử bốn nhà nghiên cứu tội phạm học hàng đầu tiến hành các nghiên cứu về tội phạm có tổ chức ở Hà Lan.

Các báo cáo của nhóm nghiên cứu này cho thấy Amsterdam có khoảng 16 nhóm lợi ích đã ngã giá với nhau – ai sẽ vận hành các nhà thổ, ai sẽ mở quán cà phê, ai sẽ kinh doanh khách sạn, sòng bạc, ai sẽ cho thuê bất động sản. Khu đèn đỏ ở Amsterdam gần như đã mua chuộc được cảnh sát.

Ngay sau đó, chính quyền Amsterdam đã bắt tay vào “dẹp loạn” khu vực của mình. Chính quyền thành phố muốn Amsterdam trở thành một hình mẫu của hợp pháp hóa mại dâm trước khi Quốc hội đạt được đồng thuận. Tuy không chính thức theo mô hình liên bang, nhưng các địa phương ở Hà Lan được trao quyền tự quyết đáng kể.

Cuối cùng, Amsterdam đã áp dụng một chính sách mới về mại dâm, một công việc mới được tạo ra là “Ban quản lý phố Đèn đỏ”, cùng làm việc với các cơ quan chính quyền, cảnh sát, công tố viên để quản lý khu vực đèn đỏ.

Theo Giáo sư Chrisje Brants, có hai lý do chính để Amsterdam giải thích quyết định của mình. Thứ nhất, mại dâm là một thực tế trong đời sống, cần chấp nhận như một nghề nghiệp bình thường theo quy luật cung cầu trong kinh tế thị trường. Chính việc tội phạm hóa hoạt động mại dâm đã làm cho nó thật sự hấp dẫn với các tổ chức tội phạm và làm gia tăng theo các tội phạm liên quan, nạn tham nhũng, buôn bán người. Thứ hai, chỉ có thể giải quyết được các mặt trái của mại dâm khi nghề này được hệ thống pháp luật bảo vệ bằng một chính sách toàn diện, giúp dễ dàng đối phó với tội phạm hơn.

Ngày 1 tháng 10 năm 2000, một luật sửa đổi được Quốc hội Hà Lan thông qua bắt đầu có hiệu lực, hoạt động mại dâm trở nên hợp pháp trên toàn quốc.

Vào đêm cuối cùng trước khi rời Haarlem, tôi ghé qua “văn phòng” của Minh Khai để chào tạm biệt. Lúc đó, một người khách cáu kỉnh vừa bước ra khỏi phòng của cô.

Tôi hỏi cô: “Có chuyện gì với ông ấy thế?”

Cô ngồi trên ghế nhìn tôi rồi nói: “Ông ta có thể đến vào ngày mai. Bây giờ tôi không muốn tiếp ai nữa. Tôi chỉ muốn ngồi đây nghỉ một chút thôi”.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.