Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
“Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn đã làm gì cho tổ quốc”.
Đây là câu nói xuất hiện trong bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy vào năm 1961. Người Việt Nam nào chắc cũng từng nghe đến nó. Nhưng không bao nhiêu người Việt biết rằng một ngày sau phát biểu lịch sử trên, Kennedy đã giao cho R. Sargent Shriver nhiệm vụ nghiên cứu tính khả thi, và chưa đầy hai tháng sau ông ban hành sắc lệnh hành pháp (executive order) thành lập Peace Corps – Lực lượng Hòa bình – một biểu trưng cho tinh thần tình nguyện và ước vọng hòa bình mà ông muốn gửi gắm vào những người trẻ ở Mỹ.
Nhiều người Việt Nam sẽ ngạc nhiên hơn nhiều khi càng tìm hiểu về Peace Corps, bỏ qua những nghi kỵ sẵn có, họ sẽ càng thấy thân thuộc gần gũi.
Vì đó là một phiên bản “Mùa hè xanh” quen thuộc của người Việt, nhưng theo kiểu Mỹ.
Kennedy là cái tên được gắn với việc tạo ra Peace Corps, nhưng trước đó vài năm, một Thượng nghị sĩ của Mỹ, Hubert Humphrey, mới là người đầu tiên trình (và thất bại trong việc thông qua) dự luật khởi tạo lực lượng hòa bình.
Nhưng cả Humphrey cũng không phải người đầu tiên khởi xướng ý tưởng này.
Walter Reuther, một lãnh đạo công đoàn nổi tiếng đã từng đưa ra đề xuất “chiến dịch hòa bình toàn diện” (total peace offensive). Theo ông, song song với việc đảm bảo năng lực phòng thủ vũ trang, việc thành lập một lực lượng hòa bình gửi đi khắp nơi trên thế giới để xóa bỏ đói nghèo, bất công và các mối nguy hại đến con người là cách tốt nhất để đảm bảo hòa bình cho nước Mỹ và thế giới. “Chúng ta càng gửi nhiều thanh niên với thước kẻ, sách giáo khoa và các dụng cụ y tế đi giúp đỡ người khác để họ có thể giúp chính mình, chúng ta sẽ càng ít phải bắt những người trẻ tuổi cầm súng và vũ khí để ra trận đánh nhau”, Reuther giải thích.
Trong thập niên 1950, vừa kết thúc Chiến tranh Thế giới II, ý tưởng thành lập lực lượng tình nguyện hòa bình đi giúp đỡ các quốc gia phát triển được nhiều người thảo luận sôi nổi.
Khi nó được Kennedy, một người ủng hộ chính sách giải trừ vũ khí hạt nhân và các giải pháp đảm bảo hòa bình, biến thành hiện thực, những người trẻ tuổi ở Mỹ hào hứng đón nhận.
Có ba mục tiêu chính mà những người thành lập ra Lực lượng Hòa bình đặt ra từ những ngày đầu tiên. Một là hỗ trợ việc đào tạo nhân lực cho người dân tại những nước có nhu cầu. Hai là giúp người dân tại những nước khác có được hiểu biết tốt đẹp hơn về nước Mỹ (theo cách nhiều người nói là “đánh bóng hình ảnh” thông qua việc “giành lấy con tim và khối óc của thiên hạ”). Và ba là tăng cường hiểu biết của người Mỹ về các dân tộc khác trên thế giới.
Chỉ vài tháng sau khi thành lập, vào tháng 8/1961, đội nhóm đầu tiên của Peace Corps được gửi đến Ghana để dạy học.
Trong vòng vài năm, hàng chục ngàn thanh niên đã đăng ký tham gia vào phong trào tình nguyện. Thời điểm đông nhất, vào tháng 6/1966, hơn 15.000 tình nguyện viên Hòa bình làm việc ở khắp nơi trên thế giới.
Tính đến cuối năm 2019, hơn 240.000 tình nguyện viên Hòa bình đã phục vụ trong các dự án ở hơn 140 nước.
Đa phần các tình nguyện viên đều là những sinh viên vừa tốt nghiệp. Họ được phân công cho các dự án giáo dục, phát triển cộng đồng, kinh tế, hỗ trợ nông nghiệp, môi trường…
Con số tình nguyện viên thấp hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu của John F. Kennedy, khi ông mong muốn sẽ có khoảng 100.000 người tham gia mỗi năm, nhưng lại khá đáng kể nếu so với những yêu cầu của công việc này.
Các tình nguyện viên phải làm việc trong hai năm liên tục, cộng thêm ba tháng đào tạo trước đó về ngôn ngữ, văn hóa địa phương nơi họ công tác. Họ phải sống hòa nhập và chia sẻ các điều kiện sống cùng người bản địa.
Với mục tiêu hỗ trợ các nước đang phát triển, rất nhiều dự án của Peace Corps được thực hiện tại những vùng sâu vùng xa, nơi điều kiện sinh hoạt là rất khó khăn ngay cả với người địa phương.
Ý nghĩ về việc gửi hàng ngàn người Mỹ trẻ tuổi đi khắp thế giới, làm việc đơn độc tại những vùng hẻo lánh, ban đầu khiến rất nhiều người lo sợ.
Thế Chiến II vừa kết thúc không lâu, Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô lại vừa bắt đầu, ấn tượng xấu về chủ nghĩa đế quốc Mỹ lại đang được lưu truyền rộng rãi ở những nước thuộc địa cũ. Nhiều người phản đối vì cho rằng việc gửi các tình nguyện viên đi đến những nơi như vậy sẽ khiến họ gặp nguy hiểm.
Một lý do khác để phản đối là thời điểm thành lập Lực lượng Hòa bình lại trùng với giai đoạn Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Nhiều người, bao gồm ứng viên tổng thống cạnh tranh với Kennedy vào thời điểm đó, Richard Nixon, đã chỉ trích gọi kế hoạch này là “thiên đường cho những kẻ trốn tránh nghĩa vụ quân sự”.
Theo một khảo sát được tiến hành với những người đăng ký Peace Corps vào giai đoạn chiến tranh Việt Nam, đích thực là cứ năm người thì có một thừa nhận rằng họ đăng ký tình nguyện để tránh phải đi lính.
R. Sargent Shriver, người được Kennedy giao nhiệm vụ thành lập Lực lượng Hòa bình, vốn là em rể của tổng thống, thường xuyên đùa rằng do có nhiều người phản đối và nghi ngờ tính khả thi của kế hoạch, nên Kennedy mới đặt trách nhiệm cho ông, để lỡ có gì “đuổi việc người nhà thì dễ hơn là đuổi việc bạn bè”.
Bất chấp những nghi ngờ và phản đối, Peace Corps trở thành một trong những dự án lâu năm và có tính biểu tượng nhất của nước Mỹ thời hiện đại.
Ngay cả Richard Nixon, dù ban đầu phản đối, nhưng sau khi đắc cử tổng thống, vào năm 1971 đã ký sắc lệnh đặt Peace Corps vào trong một cơ quan liên bang mới chuyên phụ trách tình nguyện. Tiếp theo đó, vào năm 1979, Tổng thống Jimmy Carter ký sắc lệnh trao quyền độc lập hoàn toàn (full autonomy) cho lực lượng này. Đến năm 1981, Peace Corps trở thành một cơ quan liên bang độc lập riêng biệt so với các tổ chức khác.
Việc đảm bảo cho Lực lượng Hòa bình là một cơ quan hoạt động độc lập có ý nghĩa sống còn không chỉ với bản thân tổ chức này mà còn với hàng trăm ngàn tình nguyện viên làm việc trên khắp thế giới.
Kể từ thời điểm thành lập, thậm chí cho đến tận ngày nay, vẫn còn nhiều người nghi ngờ Peace Corps chỉ là bình phong cho các hoạt động gián điệp tình báo của Mỹ, và rằng các tình nguyện viên thực chất là những điệp viên của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Bản thân những người làm chính sách của Mỹ hiểu rõ việc nhập nhằng các hoạt động tình báo quân sự với công việc tình nguyện hòa bình là cách nhanh nhất đẩy những tình nguyện viên vào cửa tử.
Chính vì thế, cả Peace Corps lẫn CIA đều có chính sách rõ ràng phân định hoạt động của các nhân viên.
CIA có chính sách cấm sử dụng các tình nguyện viên cho những hoạt động tình báo. Các tình nguyện viên cũng không được tham gia các hoạt động quân sự trong vòng bốn năm kể từ khi kết thúc dự án tại Peace Corps, và không bao giờ được tham gia hoạt động quân sự tại nước mà họ đã làm công việc tình nguyện.
Với Peace Corps, những ai đã từng làm việc tại các cơ quan tình báo sẽ không được tuyển chọn làm tình nguyện viên.
Các chính sách trên có mục đích chính là đảm bảo an toàn cho tình nguyện viên, đồng thời cũng để làm giảm mối nghi ngờ về mục đích hoạt động của Lực lượng Hòa bình.
Nhưng nghi kỵ thì vẫn luôn tồn tại trong đầu một số người.
Những nghi ngờ về một lực lượng mang “vỏ bọc” hòa bình từ Mỹ là điều dễ hiểu khi đặt Peace Corps trong bối cảnh lịch sử của nó.
Nhà sử học Elizabeth Cobbs nhận xét rằng “Peace Corps ra đời nhờ vào sự tồn tại của Chiến tranh Lạnh, cùng với niềm tin của Kennedy rằng nước Mỹ phải làm tốt hơn Liên Xô trong việc giành lấy sự ủng hộ của các nước ở Thế giới thứ ba vốn vừa giành được độc lập”.
Vào thời điểm đó, chính quyền Mỹ nghĩ mình đã chậm chân hơn Liên Xô, khi nước này đã gửi gắm các chuyên gia, tình nguyện viên đến giúp đỡ những nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa và các quốc gia kém phát triển.
Peace Corps vì vậy không thể phủ nhận là một trong những nỗ lực của người Mỹ đối trọng với Liên Xô.
Vào thập niên 1960, nước Mỹ đang trải qua những biến động lớn với các phong trào phản kháng tôn ti trật tự, các tư tưởng văn hóa sẵn có, chống lại chủ nghĩa đế quốc, và đặc biệt là phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam.
Trong hoàn cảnh đó, chính quyền khó có thể thu hút được những người trẻ tuổi đăng ký tham gia Lực lượng Hòa bình nếu đặt trọng tâm ở việc “chống lại chủ nghĩa cộng sản”.
Các quảng cáo tuyển tình nguyện viên của Peace Corps vì vậy đều nhấn mạnh vào yếu tố cống hiến, chủ nghĩa anh hùng cùng sự hứa hẹn về các dự án mới lạ, đầy tính phiêu lưu và thử thách ở những vùng đất mới.
Vô hình trung, Peace Corps tạo nên một hình ảnh tích cực và chân thật về nước Mỹ với những thanh niên trẻ tuổi đầy lý tưởng và hoài bão muốn giúp đỡ người khác, đồng thời cũng giúp chính quyền Mỹ đối kháng với ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản tại các nước đang phát triển.
Với sứ mệnh nhân đạo và hòa bình, trong lịch sử tồn tại của mình, tổ chức Peace Corps luôn cố gắng (và nhiều lúc chật vật) trong việc giữ sự trung lập về chính trị và độc lập với đường lối ngoại giao của các chính quyền.
Các tình nguyện viên của Peace Corps thì không phải gồng mình như vậy. Giống như bản thân sự đa dạng của nước Mỹ, các tình nguyện viên cũng đến từ mọi thành phần sắc tộc, với đủ các lý tưởng đối nghịch.
Vào thời điểm phong trào phản chiến Việt Nam lan rộng ở Mỹ, nhiều thành viên của Peace Corps tham gia góp tiếng nói nhiệt thành. Đỉnh điểm là việc một số thành viên của CRV (Committee of Returned Volunteers – Ủy ban của các tình nguyện viên trở về từ nước ngoài) vào ngày 8/5/1970 đã “chiếm đóng” trụ sở của Peace Corps tại Washington D.C., Mỹ để phản đối việc tổ chức này không chính thức lên tiếng chống lại cuộc chiến. Những cựu tình nguyện viên này còn treo cờ Việt Cộng để phản kháng, một hành động mà như Elaine Fuller, người từng tham gia vào trong sự kiện đó thừa nhận, “là thứ duy nhất không có gì đáng tự hào trong toàn bộ sự kiện”. Cô nhận xét rằng đa số dân chúng Mỹ phản đối sự can dự của chính quyền vào cuộc chiến Việt Nam không có nghĩa rằng họ muốn có bất kỳ liên hệ gì đến cộng sản Việt Nam.
Việc Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ vào năm 2016 cũng gây chia rẽ trong cộng đồng tình nguyện viên Peace Corps tương tự như trong nội bộ dân chúng Mỹ. Một số tình nguyện viên ủng hộ Trump vì ông đại diện cho những đức tin tôn giáo của họ. Những người khác phản đối Trump vì tư tưởng bài ngoại, khinh miệt các cộng đồng thiểu số, vốn đi ngược lại những giá trị mà Peace Corps đại diện.
Tất cả những điều trên chứng tỏ bản thân Peace Corps, và đặc biệt là những tình nguyện viên của họ, không chụp lên mình một chiếc mũ chết đại diện cho bất kỳ phe phái nào.
Họ đại diện chân thật cho tính đa dạng muôn màu muôn sắc của xã hội Mỹ.
Cho đến nay, nhiều người vẫn còn giữ trong đầu sự nghi kỵ thuở sơ khai đó về Peace Corps nói riêng và mọi thứ liên quan đến “đế quốc Mỹ” nói chung.
Một bài báo trên tờ An ninh Thế giới của Việt Nam cách đây gần 10 năm là một ví dụ điển hình cho điều đó.
Bài báo trên dựa vào một bài viết của tạp chí Time, với tiêu đề gốc là “10 điều bạn chưa biết về Peace Corps”. Được lược dịch một cách sơ sài và ẩu tả, bài báo đặt lại cái tựa gây sốc “Tổ chức Hòa bình Mỹ: Rất nhiều tai tiếng”, với trọng tâm là kể ra những vụ bê bối của lực lượng này nhằm tạo cho người đọc cảm giác tiêu cực về nó.
Các vụ bê bối của Peace Corps, vốn là một trong 10 điều điểm qua trong bài viết của Time, tập trung vào những vụ việc ảnh hưởng đến sự an toàn của các tình nguyện viên.
Trong lịch sử hơn nửa thế kỷ hoạt động của mình, Peace Corps đã phải chứng kiến nhiều trường hợp các tình nguyện viên bị xâm hại tình dục, bị tấn công và thậm chí bị giết hại.
Nổi bật nhất là vụ điều tra của chương trình 20/20 trên ABC News vào năm 2011, tiết lộ có hơn 1.000 tình nguyện viên nữ đã từng bị tấn công tình dục hoặc cưỡng hiếp khi tham gia các dự án ở nước ngoài. Các nạn nhân cho rằng lãnh đạo tổ chức biết về những vụ việc, không làm gì để bảo vệ, thậm chí còn đổ lỗi cho họ.
Trước các cáo buộc, giám đốc Peace Corps vào thời điểm trên đã phải ra điều trần trước Quốc hội và cam kết cải tổ cơ quan này.
Tính đến nay, sau gần 60 năm hoạt động của Peace Corps, với hàng trăm ngàn tình nguyện viên tham gia vào các dự án ở khắp nơi trên thế giới, hơn 300 người đã không bao giờ trở về.
Họ mất đi vì nhiều lý do, tai nạn, bệnh tật, hay thậm chí bị sát hại.
Nhưng những điều đó không ngăn cản những người trẻ tuổi nhiệt huyết tiếp tục tham gia vào hành trình hòa bình này.
Một khảo sát thực hiện vào năm 2011 dành cho hơn 11.000 cựu tình nguyện viên cho biết, 98% trong số họ muốn con cháu mình tiếp tục tham gia vào dự án.
Con số gần như là tuyệt đối này không có nghĩa rằng họ đều hài lòng với mọi thứ của Peace Corps.
Không ít (cựu) tình nguyện viên đã phê bình về năng lực quản lý, hiệu quả các dự án, và tầm nhìn chiến lược của tổ chức, như một bài viết được trích dẫn nhiều trên Foreign Policy của Robert L. Strauss, cựu giám đốc dự án tại Cameroon.
Cũng có người chỉ trích nguy cơ chính trị hóa các hoạt động của Peace Corps, với quyết định dừng hợp tác tại Trung Quốc được đưa ra từ đầu năm 2020. Họ cho rằng có sự hiểu lầm lớn khi đánh đồng những dự án tình nguyện của Peace Corps, vốn đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân địa phương, với các chính sách ngoại giao giữa hai chính phủ. Những người phê bình muốn đảm bảo tính độc lập xưa nay giữa các hoạt động của Peace Corps với chính sách ngoại giao của chính quyền Mỹ.
Khác với những nghi kỵ vô cớ, ném đá bừa bãi vô trách nhiệm, đó đều là những góp ý chân thành với mong muốn đắp gạch để xây chắc thêm ngôi nhà chung mà họ luôn trân trọng.
Ngôi nhà chung đó không chỉ là Lực lượng Hòa bình, nó còn là một trái đất hòa bình, như trong tầm nhìn dang dở mà John F. Kennedy từng vẽ ra.
Vào chuyến thăm Việt Nam vào năm 2016 của Tổng thống Barack Obama, Peace Corps đã ký thỏa thuận khung hợp tác (framework agreement) với chính phủ Việt Nam về việc cử tình nguyện viên sang. Rất nhiều người Việt Nam đã hào hứng với sự kiện đó khi nghĩ rằng những tình nguyện viên hòa bình này “sắp đến Việt Nam” rồi.
Phải đến tận 5 năm sau đó, sự hào hứng của họ mới lại được nhen nhóm trở lại khi trong bản tuyên bố kỷ niệm 25 năm thành lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ, chính phủ Mỹ cho biết đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Việt Nam trong việc đưa tình nguyện viên sang đây.
Trong email trao đổi với Luật Khoa, Văn phòng Báo chí của Peace Corps không giải thích lý do của việc phải chờ đợi này. Thay vào đó, họ nhấn mạnh việc đạt được thỏa thuận mới vào năm 2020 là một bước tiến quan trọng (milestone) trong kế hoạch thực thi (implementing agreement) chương trình hợp tác giữa Peace Corps và chính phủ Việt Nam.
Peace Corps cho biết các dự án tại nước sở tại đều do chính quyền địa phương quyết định tùy theo nhu cầu và điều kiện của mình. Kế hoạch trước mắt của Peace Corps tại Việt Nam sẽ là cử tình nguyện viên đến giảng dạy tiếng Anh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ giữa năm 2022. Trong tương lai, mọi thứ đều tùy thuộc vào chính quyền địa phương.
Nhiều người thường trích dẫn câu nói “đừng hỏi tổ quốc/ hãy hỏi bản thân” của Kennedy. Nhưng ít người dẫn lại câu tiếp theo của ông.
Nếu câu đầu là dành cho người dân Mỹ, thì câu sau Kennedy gửi gắm đến mọi người dân trên thế giới.
“Đừng hỏi nước Mỹ sẽ làm gì cho bạn, hãy hỏi cùng nhau chúng ta có thể làm gì để đạt được tự do cho toàn nhân loại.”
“Cùng nhau làm” là một ước mơ trên trời, xa vời còn hơn cả ý tưởng thành lập một lực lượng tình nguyện viên đi làm “mùa hè xanh” trên khắp thế giới.
Như chính Kennedy thừa nhận, những mục tiêu hòa bình đó có thể sẽ không bao giờ đạt được trong một đời người.
Nhưng ít nhất hãy bắt đầu, ngay từ bây giờ.