Thư tháng Bảy: Sao Luật Khoa viết nhiều về Mỹ thế? Còn chuyện Việt Nam thì sao?

Thư tháng Bảy: Sao Luật Khoa viết nhiều về Mỹ thế? Còn chuyện Việt Nam thì sao?

Trùng hợp thế nào, thư tháng Bảy lại rơi đúng vào quốc khánh của Mỹ (4/7), mà ở Mỹ người ta hay gọi là Ngày Độc lập. Đâm ra có một chuyện chúng tôi muốn chia sẻ như thế này.

Số là có nhiều độc giả thắc mắc sao Luật Khoa viết nhiều về Mỹ thế, còn bao nhiêu chuyện ở Việt Nam thì sao?

Quả tình thắc mắc này cũng thật là chính đáng. Nó cũng là điều nhóm sáng lập trăn trở ngay từ những tháng ngày đầu tiên sau khi ra mắt tháng 11/2014, vì có một số thời điểm chúng tôi chợt nhận ra là nội dung của Luật Khoa lúc đó nặng Mỹ quá, và ít Việt Nam quá. Dần dần chúng tôi cũng tìm được cách cân bằng nội dung hơn. Tuy vậy, lượng nội dung về Mỹ vẫn chiếm một tỷ lệ lớn cho đến ngày nay, và nó có lý do của nó.

Một là vì Luật Khoa có sứ mệnh phổ biến kiến thức về nhân quyền, dân chủ, pháp quyền, và nước Mỹ vẫn là nguồn cung cấp dồi dào nhất các ví dụ tuyệt vời, độc đáo, sáng tạo để minh họa cho các khái niệm này. Không có gì phải bàn cãi, văn minh pháp lý và chính trị của nước Mỹ có sức hấp dẫn đặc biệt với tất cả những ai quan tâm đến luật và chính trị.

Hai là vì Luật Khoa chú trọng đi tìm giải pháp cho các vấn đề của Việt Nam, và nước Mỹ, một lần nữa, có sẵn nhiều câu trả lời cho rất nhiều vấn đề. Các câu trả lời không những dồi dào mà còn đa chiều, giúp chúng ta nhìn vấn đề một cách toàn diện.

Ba là vì dữ liệu về Mỹ quá dồi dào, còn dữ liệu về Việt Nam thì quá hạn chế. Viết về Mỹ thì chỉ sợ không có kỹ năng tra dữ liệu, chứ không sợ thiếu dữ liệu. Còn về Việt Nam, dữ liệu đã ít thì chớ, tiếp cận được cũng không đơn giản, và nếu có tiếp cận được thì mức độ khả tín của dữ liệu cũng là một dấu hỏi to đùng.

Với vấn đề Mỹ, dữ liệu khả tín luôn có sẵn, chỉ việc xài; còn với Việt Nam, trong nhiều vấn đề, dữ liệu thậm chí còn chưa có, chứ nói gì đến chuyện xài. Mà không có dữ liệu thì rất khó nói được câu chuyện gì cho ra hồn. Luật Khoa dĩ nhiên muốn “nói có sách, mách có chứng” (fact-based) chứ không phải là đưa ra những suy đoán (assumption) và bình luận (opinion) vô căn cứ/thiếu căn cứ. Đó là thứ quan trọng nhất mà báo chí có thể đóng góp cho xã hội, nếu không thì chẳng có ranh giới nào giữa báo chí và những quán bia vỉa hè.

Nhưng nói đến đây thì cũng phải thừa nhận hai chuyện.

Một là, Việt Nam không đến nỗi không có dữ liệu và vẫn có thể dựa trên đó mà viết. Năng lực khai thác dữ liệu về Việt Nam của Luật Khoa, dĩ nhiên, vẫn rất hạn chế. Đó là cái yếu kém của chúng tôi.

Hai là, muốn có dữ liệu thì phải có báo chí điều tra, mà Luật Khoa thì lại không mạnh về điều tra, và có rất ít các bài báo điều tra. Mô hình sản xuất nội dung của Luật Khoa là dựa trên dữ liệu của các báo khác, cơ quan khác, chứ bản thân Luật Khoa chưa có khả năng tự mình điều tra và tạo ra được dữ liệu gốc. Và lý do lớn hơn tất cả, là môi trường chính trị Việt Nam hiện nay tạo ra rủi ro quá cao cho bất kỳ nhà báo nào muốn tiếp cận hiện trường, đưa tin, điều tra độc lập. Chúng tôi hy vọng trong tương lai những vấn đề này sẽ được khắc phục.

Nói gì thì nói, mùa bầu cử Mỹ đang tới, Luật Khoa vẫn sẽ tiếp tục đăng nhiều bài về Mỹ để quý vị độc giả hiểu hơn về cách nền chính trị Mỹ, pháp luật Mỹ vận hành. Thôi thì dù có mất cân bằng với vấn đề Việt Nam thì cũng đành chịu, miễn không làm hại ai là được. Trên hết, xin độc giả hiểu rằng, dù chúng tôi viết về nước nào thì mục đích viết bài vẫn là vì nước Việt Nam và kiến thức của người Việt Nam.

***

Một chuyện nữa tôi cũng muốn chia sẻ là trong tuần tới, lần đầu tiên Luật Khoa sẽ đăng một loạt bài hợp tác với một tờ báo nước ngoài. Loạt bài này là về chính trị Singapore, nhân cuộc tổng tuyển cử của nước này diễn ra vào ngày 10/7 tới. Đối tác của chúng tôi là tờ New Naratif của Singapore sản xuất loạt bài này bằng tiếng Anh, theo đơn đặt hàng của Luật Khoa và giải quyết những câu hỏi do Luật Khoa đề xuất, rồi được dịch sang tiếng Việt.

Mô hình hợp tác này giúp cải thiện nội dung của Luật Khoa do vấn đề của một nước được chính chuyên gia của nước đó viết theo nhu cầu và thắc mắc của độc giả Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sẽ mở rộng hình thức hợp tác này sang các nước khác, vấn đề khác để hầu độc giả.

Chúc quý độc giả cuối tuần an lành.

Trịnh Hữu Long
Tổng biên tập

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.