Tối cao Pháp viện Mỹ và giông bão chính trị

Chánh án John Roberts (trái) cùng các thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ tham dự phiên báo cáo Thông điệp Liên bang của...
Chánh án John Roberts (trái) cùng các thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ tham dự phiên báo cáo Thông điệp Liên bang của Tổng thống Donald Trump tại Quốc hội ngày 4/2/2020. Ảnh: AP.

Ta thường nghe các đảng phái ở Mỹ chỉ mong có cơ hội được bổ nhiệm thẩm phán Tối cao Pháp viện nhằm bảo vệ ý thức hệ cũng như quyền lợi của mình.

Lại có nhiều người khác nói đến tính độc lập của các thẩm phán của Tối cao Pháp viện, rằng họ có thể ra phán quyết bất lợi cho vị tổng thống đã bổ nhiệm mình, hay bất lợi cho chính đảng phái đã đưa họ lên.

Chuyện này trên thực tế thì thế nào?

Mức độ trung thành

Một nghiên cứu của hai giáo sư luật, Lee Epstein (Đại học Washington) và Eric A. Posner (Đại học Chicago) cho thấy, tất cả các thẩm phán tại Tối cao Pháp viện Mỹ từ 1937 đến 2014 (trừ duy nhất một người) đều bỏ phiếu ủng hộ vị tổng thống đã bổ nhiệm họ trong đa số các vụ án/vấn đề, với tỷ lệ trung bình là 65%.

Sau vị tổng thống bổ nhiệm, các thẩm phán cũng có xu hướng bỏ phiếu nghiêng về các tổng thống cùng đảng trong các vụ án liên quan đến các vị này.

Một nghiên cứu khác thì cho thấy có mối tương quan đáng kể giữa các mối quan hệ đảng phái của một thẩm phán với lá phiếu của họ trong phòng xử án. Điều đó có nghĩa là các đảng phái có thể kỳ vọng người được mình đưa lên sẽ có xu hướng bỏ phiếu theo hướng có lợi cho ý thức hệ hay quyền lợi của đảng mình.

(Xin lưu ý rằng bỏ phiếu có lợi ở đây không đồng nghĩa với việc các thẩm phán ăn đút lót của một tổng thống hay một đảng phái.)

Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều hiểu rõ việc này. Và nếu có được lợi thế bổ nhiệm thẩm phán mới tại Tối cao Pháp viện, thì đó là một cơ hội chính trị mà không phe nào bỏ qua. Theo thủ tục, tổng thống có quyền đề cử và Thượng viện có quyền phê chuẩn chức danh thẩm phán Tối cao Pháp viện.

Chúng ta đã từng thấy Thượng viện (Senate) Mỹ với Đảng Cộng hòa nắm đa số đã không chấp nhận mở phiên họp xem xét đề cử của Tổng thống Barack Obama đối với ông Merrick Garland khi thẩm phán Antonin Scalia qua đời vào tháng 3/2016.

Lý do Đảng Cộng hòa đưa ra là vì năm 2016 có cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, nên không đủ thời gian xem xét đề cử này. Thêm vào đó, họ cho rằng nên để cho người dân Mỹ quyết định việc này qua lá phiếu bầu cử của họ. Ý của Đảng Cộng hòa là hãy để cho vị tổng thống kế tiếp và các thượng nghị sĩ khóa tới (sẽ bắt đầu làm việc từ tháng 1/2017) quyết định ghế thẩm phán còn trống này.

Ông Merrick B. Garland (giữa) trong lễ công bố đề cử cho chức vụ thẩm phán Tối cao Pháp viện, tháng 3/2016. Ảnh: Getty Images.

Đảng Dân chủ đương nhiên phản đối lập luận này. Theo họ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử lý do này đã được đưa ra để ngăn chặn một tổng thống bổ nhiệm thẩm phán tại Tối cao Pháp viện trong khi còn gần tám tháng nữa mới tới tổng tuyển cử.

Thế nhưng, Đảng Cộng hòa đã thành công và sau khi Tổng thống Donald J. Trump nhậm chức ngày 20/1/2017, ông đã đề cử ông Neil Gorsuch vào chức vụ thẩm phán nói trên. Vào tháng 4/2017, ông Gorsuch tuyên thệ gia nhập Tối cao Pháp viện. Thời gian đề cử và phê chuẩn cho ông Gorsuch không tốn quá nhiều thời gian như lập luận Đảng Cộng hòa đưa ra một năm trước đó.

Đảng Dân chủ cũng không hề bỏ qua cơ hội bổ nhiệm thẩm phán. Hiện họ đang mong sẽ nắm được ghế tổng thống và thế đa số trong Thượng viện kể từ năm tới để chủ động kiểm soát được việc bổ nhiệm thẩm phán mới.

Từ khi Donald J. Trump trở thành tổng thống, bà thẩm phán Ruth Bader Ginsburg của Tối cao Pháp viện Mỹ đã có mấy phen phải nghỉ việc tạm thời vì lâm bệnh ung thư. Tuy nhiên, bà Ginsburg không hề từ chức và có lẽ sẽ quyết tâm tại chức cho đến sau cuộc tổng tuyển cử năm 2020 mặc dù bà đã 87 tuổi.

Lý do là vì bà Ginsburg – người được Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm – được cho là thuộc phe tự do (liberal) và Đảng Dân chủ sẽ không muốn Đảng Cộng hòa có thể bổ nhiệm một người bảo thủ thay thế nếu bà ấy từ chức. Và hiện nay, họ đang trông chờ chức vụ tổng thống sẽ do người của đảng họ – nếu trúng cử sau mùa bầu cử năm nay – thực hiện điều đó.

Vì thế, cho dù lý do không ủng hộ thẩm phán được bổ nhiệm từ phe đối lập được đưa ra là gì đi chăng nữa, thì sự thật vẫn là hai đảng phái chính trị tại Mỹ chỉ muốn bổ nhiệm thẩm phán thuộc “phe mình” hoặc ít nhất là thẩm phán trung lập.

Độc lập

Trong lịch sử Hoa Kỳ, các vị thẩm phán của Tối cao Pháp viện vẫn có những phán quyết đi ngược lại với tổng thống từ đảng phái của họ, thậm chí kể cả những tổng thống đã bổ nhiệm họ.

Gần 50 năm trước, Tổng thống Richard Nixon đã không hề ngờ là cả ba vị thẩm phán mà ông bổ nhiệm vào Tối cao Pháp viện đã đưa ra phán quyết bắt buộc ông phải cung cấp những cuộn băng thâu âm trong vụ án lịch sử Watergate vào năm 1974, để rồi không lâu sau đó ông phải từ chức.

Và thật ra, ngay từ khi Hoa Kỳ bắt đầu thành lập, các vị tổng thống như Thomas Jefferson và James Madison đều phải kêu trời khi các thẩm phán Tối cao Pháp viện mà họ bổ nhiệm đã không đưa ra những phán quyết theo ý họ.

Năm 2018, sau khi Tổng thống Trump chỉ trích một vị thẩm phán được Tổng thống Obama thuộc Đảng Dân chủ bổ nhiệm, Chánh án John Roberts đã tuyên bố: “Chúng ta không có quan tòa của Obama hay quan tòa của Trump, của Bush hoặc của Clinton. Thứ mà chúng ta có là một nhóm thẩm phán tuyệt vời, là những người làm việc một cách tốt nhất để bảo đảm quyền lợi công bằng cho những ai tranh biện trong phiên tòa mà họ đang xét xử”.

Phát biểu của ông John Roberts là một điều mà những ai nặng lòng với tư pháp độc lập đều mong muốn đó là sự thật.

Xu hướng ý thức hệ của các thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ do Axios phân tích và công bố tháng 6/2019. Ảnh: Axios.
Xu hướng ý thức hệ của các thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ do Axios phân tích và công bố tháng 6/2019. Ảnh: Axios.

Chánh án John Roberts là người thuộc Đảng Cộng hòa và được nhiều người cho là một người bảo thủ (conservative). John Roberts đương nhiên được kỳ vọng sẽ đưa ra những phán quyết theo hướng ủng hộ phe bảo thủ và các chính sách của đảng chính trị mà ông là thành viên.

Thế nhưng, thật ra không ai có thể kiểm soát các thẩm phán và chánh án tại Tối cao Pháp viện khi họ phải đưa ra những quyết định pháp lý có thể ảnh hưởng đến tương lai của nhiều thế hệ tiếp nối. Với cơ chế bổ nhiệm suốt đời, một thẩm phán có thể tại vị hàng thập kỷ mà gần như không sợ bị bãi chức. Bản thân họ, sau khi được bổ nhiệm, cũng chẳng nợ nần gì vị tổng thống hay đảng chính trị đã đưa họ lên. Văn hóa chính trị Mỹ thậm chí còn có xu hướng lên án mọi sự can dự của phủ tổng thống và Quốc hội tới Tối cao Pháp viện.

Trong những tuần đầu tháng 7/2020, các phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã khiến cho nhiều người ngạc nhiên. Chánh án John Roberts đã đứng cùng phe với những thẩm phán được cho là phe tự do để đưa ra một số phán quyết khá quan trọng.

Càng ngạc nhiên hơn, thẩm phán Neil Gorsuch, người được Tổng thống Trump bổ nhiệm vào năm 2017, cũng đứng về phe đưa ra quyết định bảo vệ quyền lợi của người đồng giới và chuyển tính (homosexual and transgender) theo Đạo luật Dân quyền Liên bang năm 1964 (Civil Rights Act of 1964) trong án lệ Bostock kiện Clayton County, Georgia.

Ngoài ra, Chánh án John Roberts cũng đồng ý đưa ra phán quyết đảm bảo quyền cho những di dân bất hợp pháp đã đến Mỹ trong độ tuổi vị thành niên (Deferred Action for Childhood Arrivals – DACA), và kể cả bảo vệ quyền phá thai trong án lệ June Medical Services, LLC kiện Russo.

Điều khiến cho một số người ngạc nhiên là vì họ cho rằng những quyết định này của Chánh án Roberts và thẩm phán Gorsuch hầu như đi ngược lại với những chính sách của Đảng Cộng hòa cũng như nội các của Tổng thống Trump.

Và gần đây nhất, ngày 9/7/2020, Tổng thống Trump đã hứng chịu một thất bại đau đớn, khi cả hai vị thẩm phán mà ông bổ nhiệm, Neil Gorsuch và Brad Kavanagh, đều bỏ phiếu yêu cầu ông giao nộp hồ sơ thuế của cá nhân ông cho công tố viên bang New York, đồng thời để ngỏ khả năng Quốc hội Mỹ cũng có thể tiếp cận hồ sơ thuế này.

(Xin lưu ý, các thẩm phán có thể bỏ phiếu như nhau nhưng lý do bỏ phiếu của họ có thể rất khác nhau. Không nhất thiết là phải bảo vệ quyền phá thai hay quyền của người đồng tính thì mới bỏ phiếu có lợi cho các phe này trong một vụ án nhất định. Nhưng đây là một đề tài khác và sẽ được bàn đến trong một dịp khác.)

Hai thẩm phán Brett Kavanaugh và Neil Gorsuch do TT Trump bổ nhiệm. Ảnh: Getty.

Nhìn về Việt Nam

Việc phân chia quyền lực (checks and balances) tại Mỹ cho phép các thẩm phán của Tối cao Pháp viện không phải dùng quyền lực của mình để phục vụ cho những mục đích và chính sách của đảng phái, cho dù bản thân từng là người thuộc về đảng đó. Hơn thế, vai trò của chức vụ này vốn phải là “phi chính trị” (apolitical) theo những nhà lập quốc Hoa Kỳ đã đề ra từ trước.

Mô hình phân chia quyền lực của ba nhánh nhà nước tại Mỹ có thể khó cho người Việt Nam hình dung và đồng ý. Đó là vì xã hội chúng ta vốn quen thuộc hơn với mô hình chia sẻ quyền lực theo hình thẳng đứng (vertical sharing power).

Từ thời phong kiến, quyền lực của một vị vua đứng trên hết mọi người và đưa ra quyết định xuống cấp dưới, các quan lại và mọi người dân phải tuân phục. Cho đến ngày hôm nay, mô hình “dân chủ tập trung” của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng tương tự như vậy. Hầu như mọi quyết định về mọi mặt của Chính phủ, Quốc hội và cả hệ thống tòa án đều phải được Đảng Cộng Sản Việt Nam thông qua trước hết.

Trong khi đó, mô hình phân chia quyền lực của nước Mỹ thì lại khác. Đó là mô hình chia sẻ quyền lực theo hàng ngang (horizontal sharing power), khi ba nhánh lập pháp, tư pháp, và hành pháp đều có quyền lực ngang bằng và độc lập với nhau.

Do đó, một người tổng thống (đại diện nhóm hành pháp) và kể cả Quốc hội (lập pháp), chỉ có thể mong đợi nhánh tư pháp (tòa án) sẽ đưa ra quyết định ủng hộ chính sách của mình, chứ cả hai nhánh hành pháp và lập pháp đều biết họ không có quyền áp đặt nhánh tư pháp phải đưa ra quyết định theo ý họ sắp xếp.

Trong phán quyết của Tối cao Pháp viện về vụ hồ sơ thuế của Tổng thống Trump, thẩm phán Brett Kavanaugh viết:

“Tối cao Pháp viện ngày hôm nay đồng lòng kết luận rằng, một vị tổng thống không có quyền đặc cách miễn trừ (absolute immunity) đối với một trát tòa đến từ tòa án của một tiểu bang… Trong hệ thống chính quyền của chúng ta – như Tối cao Pháp viện đã nhiều lần khẳng định – không ai đứng trên pháp luật. Và định nghĩa đó đã được áp dụng, dĩ nhiên là cả đối với một vị tổng thống.”

Tinh thần pháp quyền và độc lập tư pháp đó là thứ đang thiếu vắng trong cả hệ thống pháp luật lẫn văn hóa pháp lý của chúng ta, và là thứ chúng ta cần có.


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.