‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Năm tháng sau khi nhóm tín đồ đầu tiên của tôn giáo Baha’i được lập ra, chính quyền Sài Gòn đã công nhận nhóm tín đồ này như một hiệp hội vào tháng 9/1955.
Tuy nhiên, sau khi Sài Gòn sụp đổ, tôn giáo này phải chờ đến 33 năm để được chính quyền Việt Nam công nhận vào năm 2008. Trong 11 năm tiếp theo, số tín đồ của tôn giáo này chỉ còn lại khoảng 1% so với thời Việt Nam Cộng hòa. [1]
“Baha’i Faith” là một tôn giáo được Mira Husayn Ali sáng lập vào năm 1863 tại Iran ngày nay. Ali tuyên bố là người dẫn dắt thế giới đi đến thống nhất trong hòa bình và thịnh vượng. Ali được các tín đồ tôn là Baha’u’llah, có nghĩa là “vinh quang của Thượng Đế”.
Bài viết này giới thiệu một số nhân vật nổi bật và những dấu mốc lịch sử của tôn giáo Baha’i tại Việt Nam.
Vào ngày 15/3/1954, một người phụ nữ Ấn Độ 49 tuổi đã thu hút báo chí Sài Gòn sau khi giới thiệu về tôn giáo Baha’i tại Nhà hát Norodom, nay là “khu đất vàng” số 23 đường Lê Duẩn.
Người phụ nữ ấy là nhà vận động quyền phụ nữ nổi tiếng Shirin Fozdar.
Năm 1950, cả bà Fozdar và chồng đến Singapore với sứ mệnh đưa tôn giáo Baha’i bén rễ ở khu vực Đông Nam Á. Đây là mục tiêu nằm trong “cuộc Thập tự chinh 10 năm” từ năm 1953 đến năm 1963 để bầu ra một cơ quan quản trị tối cao của tôn giáo này là “Tòa án Công lý Quốc tế” (xin không nhầm lẫn cơ quan này với Tòa án Công lý Quốc tế của Liên Hiệp Quốc).
Tại Singapore, bà Shirin đã rất thành công khi lãnh đạo phong trào chống lại chủ nghĩa đa thê và hôn nhân bất bình đẳng. Sự dấn thân này của bà Shirin cũng thể hiện đức tin của bà – bình đẳng giới, một trong những giá trị của tôn giáo Baha’i.
Sau bốn tháng đến Sài Gòn, bà Shirin để lại công việc truyền giáo cho con trai của mình là Jamshed Fozdar. Jamshed nhanh chóng gây ấn tượng với Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Vào lúc này, Việt Nam vừa bị chia cắt thành hai miền. Nhiều nhà sư và những người theo Công giáo đã di cư vào miền Nam. Đời sống tâm linh ở miền Nam được tự chủ hơn hẳn miền Bắc.
Theo Phi-Vân Nguyen, tôn giáo Baha’i chọn miền Nam làm điểm đến cũng vì mục tiêu chế ngự chủ nghĩa cộng sản.
Vào tháng 8/1954, Jamshed đã gửi cho Tổng thống Ngô Đình Diệm một bản sao về những tiết lộ của nhà tiên tri có tên là “Baha’u’llah và Kỷ nguyên mới”. Tổng thống đã cho rằng đó là “nguồn hy vọng và niềm an ủi cho nhân loại đầy rắc rối này của chúng ta”. [2]
Tháng 4/1955, Jamshed thành lập nhóm tín đồ đầu tiên tại Sài Gòn-Chợ Lớn, gọi là Hội đồng Tinh thần Địa phương. Hơn năm tháng sau, chính quyền Sài Gòn công nhận nhóm tín đồ này, và tiếp theo sau đó là chấp nhận giấy chứng nhận kết hôn của tôn giáo này. [3]
Tháng 11/1955, Tổng thống Ngô Đình Diệm còn đón tiếp Jamshed và giới thiệu anh với gia đình của ông. [4]
Tôn giáo Baha’i không có tu sĩ. Ở mỗi nước, có hội đồng tinh thần quốc gia, phía dưới có các hội đồng tinh thần địa phương để tổ chức hoạt động tôn giáo. Thành viên của các hội đồng do các tín đồ bỏ phiếu kín để chọn ra.
Dù chỉ được chính quyền Sài Gòn công nhận dưới danh nghĩa là hiệp hội như hầu hết các tôn giáo khác do kế thừa chính sách tôn giáo từ chế độ thuộc địa, tuy nhiên, miền Nam Việt Nam là nơi tôn giáo Baha’i được chính quyền công nhận các hoạt động tôn giáo sớm nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Những năm tiếp theo, sáu hội đồng nữa được thành lập ở miền Trung. Đến năm 1960, một trường tư thục được thành lập ở miền Trung.[5] Một tài liệu khác nói rằng vào năm 1960 có trường Baha’i Nghĩa Thục ở Nhà Bè và Sài Gòn. [6]
Dempsey Morgan là một trong những phi công da đen đầu tiên của Không quân Hoa Kỳ.
Giải ngũ sau Thế chiến II và không thể lái máy bay thương mại vì kỳ thị chủng tộc, Dempsey và vợ đã sang châu Á và châu Phi để truyền dạy tôn giáo Baha’i.
Tháng 7/1958, Dempsey và vợ đến Sài Gòn.
Không lâu sau khi Dempsey đến Việt Nam, chính quyền miền Nam ngày càng căng thẳng do cộng sản Bắc Việt ngày càng thâm nhập sâu vào dân chúng.
Vết nứt trong mối quan hệ giữa chính quyền và cộng đồng các tôn giáo ngày càng một trầm trọng. Tôn giáo Baha’i cũng như các cộng đồng tôn giáo khác đã chỉ trích chính quyền Sài Gòn đối xử thiên vị khi so sánh họ với Thiên Chúa giáo. Còn chính quyền thì càng nghi ngờ lòng trung thành của các cộng đồng tôn giáo.
Ngày 3/3/1959, vài tháng sau khi các thành viên trong hội đồng tinh thần Baha’i ở Sài Gòn bị bắt, chính quyền yêu cầu Dempsey phải rời khỏi đất nước với lý do là anh không có công việc ổn định để được cấp thị thực. [7]
Sau hai năm ở Campuchia, năm 1961, vợ chồng Dempsey trở lại Sài Gòn và được cấp thị thực sau khi tìm được việc làm. Ngoài giờ làm, họ dành thời gian rảnh để phổ biến tôn giáo Baha’i ở nhiều tỉnh, thành.
Theo Bùi Quang Khánh, đến năm 1962, tôn giáo Baha’i có 44 hội đồng tinh thần địa phương với khoảng 2.000 tín đồ.
Hai vợ chồng Dempsey từng báo cáo rằng một tỉnh nào đó có đến 5.000 tín đồ do nỗ lực truyền giáo của các giảng viên Baha’i. Vì các hoạt động nguy hiểm của Việt Cộng ở vùng nông thôn, một số tín đồ tích cực nhất được đưa về học tập ở Sài Gòn trong một tuần với sáu giờ học mỗi ngày.[8]
Ngày 27/1/1962, tôn giáo Baha’i bắt đầu tổ chức hội nghị hàng năm có nhiều sức ảnh hưởng là Ngày Tôn giáo Hoàn cầu (World Religion Day) với bảy đại diện từ các tôn giáo. Chủ đề “sự đồng nhất căn bản trong tôn giáo” được thảo luận trong các hội nghị này. Những cuộc thảo luận này dường như khiến cho xung đột giữa nhà nước và cộng đồng các tôn giáo ngày một trầm trọng.
Khi Tòa án Công lý Quốc tế được bầu ra ở London, Anh Quốc vào tháng 4/1963 thì cũng là lúc chính quyền Sài Gòn cấm các hoạt động của tôn giáo Baha’i ở các tỉnh miền Trung và Cao nguyên Trung phần. Chính quyền đã đóng cửa năm hội đồng, tịch thu sách, cấm các tín đồ người Việt tham gia hội nghị ở London.[9]
Sau khi dự hội nghị ở London, hai vợ chồng Dempsey trở về Sài Gòn và sang Phnom Penh vào tháng 7/1963. Năm 2007, ông Dempsey được Tổng thống George W. Bush trao Huân chương vàng của Quốc hội Mỹ.
Sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát, Phật giáo đã thống nhất dưới tên gọi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôn giáo Baha’i cũng thành lập Hội đồng Tinh thần Quốc gia cùng vào năm 1964.
Hầu như các tôn giáo ở miền Nam đều phát triển mạnh mẽ sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Những tôn giáo mới như Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài hay tôn giáo Baha’i đều nhanh chóng lấy lại vị thế của mình.
Năm 1970, có khoảng 95.000 người Việt theo tôn giáo Baha’i.[10] Đến tháng 4/1973, có khoảng 687 hội đồng tinh thần địa phương ở hầu hết các tỉnh, thành. Đến đầu năm 1975, tổng số tín đồ của tôn giáo này vào khoảng 205.000 người, trong đó có khoảng 30.000 người thuộc sắc tộc Chăm, Thượng (các sắc tộc ở Tây Nguyên) và Nùng.[11]
Theo ghi chép của tôn giáo Baha’i, ngay sau khi Sài Gòn sụp đổ, các hoạt động tôn giáo này ngay lập tức bị hạn chế, liên lạc giữa các hội đồng tinh thần địa phương bị cắt đứt, hội nghị quốc gia bị hủy bỏ, đại hội bầu chọn thành viên Hội đồng Tinh thần Quốc gia được tiến hành qua thư.
Hoạt động duy nhất được phép thực hiện là lễ tưởng niệm Đức Bab, là người khởi nguồn cho tôn giáo Baha’i, đã tiên tri về sự xuất hiện của Ali.
Nhưng những người cộng sản chỉ cho phép đến vậy.
Từ năm 1978, tôn giáo Baha’i chính thức bị cấm. Các tín đồ không được họp mặt, toàn bộ trung tâm tôn giáo Baha’i ở miền Nam bị đóng cửa hoặc tịch thu, và trụ sở trung tâm của Baha’i ở Sài Gòn bị lấy để làm cô nhi viện.
Hai thành viên của Hội đồng Quốc gia bị đưa đi trại cải tạo vào năm 1978. Đến năm 1982, một người được thả ra vì bệnh nặng, người còn lại vẫn phải tiếp tục cải tạo.
Tổ chức tôn giáo Baha’i gần như bị triệt hạ hoàn toàn nhưng các tín đồ vẫn nuôi dưỡng đức tin của mình, chờ ngày phục hoạt.
Cho đến năm 1992, khi Việt Nam đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và các hoạt động tâm linh được chính quyền sử dụng để tạo đoàn kết dân tộc, các tín đồ Baha’i mới được phép hội họp không chính thức, và một nhóm tín đồ được thành lập ở Hà Nội.
Nhưng như vậy, hoạt động của Baha’i theo pháp luật Việt Nam vẫn là bất hợp pháp.
Phải đợi thêm 14 năm nữa, tín đồ Baha’i ở Việt Nam mới báo cáo rằng họ không còn bị chính quyền sách nhiễu khi thực hành tôn giáo của mình.
Trả lời phóng viên của tờ SCOOP vào năm 2007, một thành viên của Hội đồng Tinh thần Hà Nội, ông Nguyen Binh, nói rằng các tín đồ Baha’i đã có được mối quan hệ tốt với chính quyền.
Trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp xúc với các tín đồ Baha’i.
Ông Bình cũng nói rằng các trụ sở của tôn giáo Baha’i bị tịch thu vẫn chưa được chính quyền trả lại.
Năm 2008, sau 33 năm bị cấm hoạt động, tôn giáo Baha’i chính thức được chính quyền Việt Nam công nhận là tôn giáo.
Mặc dù vậy, trong 12 năm tiếp theo, Baha’i vẫn không thể khôi phục vị thế ngày xưa của họ.
Tháng 3/2014, Hội đồng Tinh thần tôn giáo Baha’i Việt Nam kêu gọi các tín đồ cùng cầu nguyện để chính quyền trả lại trung tâm tôn giáo đã bị tịch thu sau năm 1975 tại số 193/1C đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3 hiện nay.
Ngày nay, tôn giáo Baha’i chỉ có hai trung tâm ở thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, khoảng 30 hội đồng tinh thần địa phương khác phải hoạt động tại nhà của các tín đồ, theo thông tin từ Trung tâm Tôn giáo Baha’i ở thành phố Hồ Chí Minh.
Thư ký của Hội đồng Tinh thần tôn giáo Baha’i ở Việt Nam, ông Nguyễn Đình Thỏa, từ chối trả lời các câu hỏi của Luật Khoa về tài sản đã bị chính quyền tịch thu sau năm 1975.
Đến năm 2019, số tín đồ Baha’i, theo Báo cáo Tự do Tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, là 3.000 tín đồ, còn theo điều tra dân số năm 2019 là 2.153 người, giảm đến khoảng 99% so với thời Việt Nam Cộng hòa.
Tài liệu tham khảo:
[1] Theo Tổng điều tra dân số năm 2019, số tín đồ Tôn giáo Baha’i là 2.153 người. Theo Bùi Phan Khánh, số tín đồ của tôn giáo này vào đầu năm 1975 là 205.000 người.
[2], [3], [4], [5], [9] Phi-Vân Nguyen, A Secular State for a Religious Nation: The Republic of Vietnam and Religious Nationalism, 1946 – 1963, Cambridge University Press, The Journal of Asian Studies, Volume 77 – Issue 3 – August 2018.
[6], [10], [11] Bùi Phan Khánh, Quá trình du nhập và những giáo vụ cơ bản của Tôn giáo Baha’i tại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 8 (164), 2017, trang 46-62.
[7], [8] Richard Thomas, Spreading the Divine Fragrances: African-American Baha’i in the Global Expansion of the Baha’i Faith, 1937-63, trích từ Lights of The Spirit: Historical Portraits of Black Baha’s in North American, 1898 – 2000, Baha’i Publishing, 2006.