Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Nhà nước có nên đầu tư nhiều tiền hơn vào các trường chuyên so với trường bình thường hay không?
Phe ủng hộ cho rằng nên, vì cần phải bồi dưỡng và khuyến khích nhân tài. Trong xã hội có một số ít cá nhân bộc lộ tài năng ngay từ còn là học sinh phổ thông, xã hội cần tập trung nguồn lực như cơ sở vật chất, giáo viên chất lượng cao… để đào tạo, bồi dưỡng cho các nhân tài đó.
Họ cho rằng đầu tư cho một nhân tài sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn trong tương lai so với việc đầu tư cho những học sinh bình thường khác. Những nhân tài đó về dài hạn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước hơn. Chẳng hạn, họ có khả năng đóng góp cho tri thức quốc gia và thế giới nhiều hơn; tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn; hưởng lương cao hơn và từ đó đóng thuế thu nhập cá nhân nhiều hơn. Bên cạnh đó, những giải thưởng quốc tế mà học sinh trường chuyên mang về cho đất nước cũng được xem là đóng góp quan trọng cho bộ mặt của quốc gia. Đối với các địa phương thì thành tích đoạt giải học sinh giỏi quốc gia cũng được xem là đóng góp của trường cho thành tích của địa phương.
Phe phản đối thì lại chia làm hai nhóm khác nhau.
Nhóm thứ nhất theo chủ nghĩa quân bình, ủng hộ nhà nước can thiệp vào giáo dục bằng cách đánh thuế (đồng nghĩa với việc người giàu bị đánh thuế nhiều hơn người nghèo) và cấp ngân sách cho các trường (trợ giá), nhưng học sinh kém may mắn hơn phải được đầu tư nhiều hơn, chứ không phải ngược lại là trường chuyên được tài trợ nhiều hơn trường thường. Họ phản đối “lấy của người nghèo chia cho người giàu” như mô hình trường chuyên hiện nay.
Nhóm thứ hai theo chủ nghĩa tự do, lập luận rằng cho dù xã hội cần có nhân tài, nhưng họ phản đối nhà nước can thiệp vào giáo dục, phản đối đánh thuế để cấp ngân sách cho giáo dục (một hình thức được gọi là “lấy của người giàu chia cho người nghèo”). Như vậy, vấn đề của họ không phải là trường chuyên có nên được cấp nhiều ngân sách hơn trường thường hay không, mà là các trường cần phải tự chủ tài chính hoàn toàn và vận hành theo cơ chế thị trường tự do, không nên cấp một đồng ngân sách cho trường nào cả.
Bài viết này sẽ trình bày quan điểm của hai phe phản đối.
Phe theo chủ nghĩa quân bình phản đối việc trường chuyên được nhận nhiều ngân sách hơn trường thường vì như vậy là bất bình đẳng.
Bất bình đẳng ở đây được hiểu theo hai nghĩa:
John Rawls, triết gia người Mỹ theo chủ nghĩa quân bình, nói rằng “cách mọi thứ vận hành không quyết định cách chúng nên vận hành”. Ông nhận thấy rằng tự nhiên tạo ra những bất công khi thiên phú cho một số học sinh được sinh ra trong gia đình giàu có, bố mẹ trí thức và có tư chất thông minh để được chọn vào học trường chuyên. Ông cho sự thành công đó chỉ là yếu tố ngẫu nhiên và để cho công bằng, những người may mắn đó cần chia sẻ sự thành công của họ với những người kém may mắn hơn họ.
Để hiểu được lập luận của Rawls chúng ta cần tìm hiểu một khái niệm triết học tưởng tượng của ông: bức màn vô minh.
Hãy tưởng tượng chúng ta đang ở trên thiên đàng bên cạnh Lạc Long Quân, Âu Cơ và các vua Hùng. Bạn chuẩn bị đầu thai xuống làm một công dân của đất nước Việt Nam thời hiện đại. Vì có một bức màn vô minh ngăn cản nên chúng ta sẽ không biết chúng ta sẽ được sinh ra trong một gia đình nghèo khó hay giàu có, cha mẹ chúng ta thuộc gia đình trí thức hay thất học, dân tộc Kinh hay dân tộc thiểu số ít người, và trí thông minh của chúng ta sẽ ở mức nào.
Nếu bạn may mắn rơi vào một gia đình giàu có, cha mẹ trí thức, và bản thân bạn cũng được trời phú cho trí thông minh hơn người thì bạn có nhiều cơ hội trúng tuyển vào trường chuyên, để từ bệ phóng đó tương lai của bạn sẽ trở nên xán lạn hơn. Bạn không cần phải nỗ lực cũng có được xuất phát điểm cao hơn hầu hết mọi người.
Ngược lại, nếu bạn kém may mắn rơi vào một gia đình nghèo khó, cha mẹ thất học, trí thông minh của bạn lại kém (theo tiêu chuẩn đánh giá của xã hội bạn sống) thì cha mẹ bạn sẽ rất vất vả để cho bạn được đến trường, ngôi trường bạn học cũng được nhà nước đầu tư với kinh phí thấp hơn các trường chuyên. Bạn hoàn toàn không có lỗi khi xuất phát ở điểm thấp hơn người khác.
Vì sự tồn tại của bức màn vô minh, chúng ta không biết chúng ta sẽ đầu thai xuống làm con của gia đình nào. Khi đó, chúng ta sẽ muốn một hệ thống giáo dục như thế nào?
Bức màn vô minh giúp chúng ta nhìn thấy vấn đề rõ hơn trong cuộc tranh luận về sự tồn tại của các trường chuyên đang thu hút sự quan tâm của công luận. Với bức màn vô minh, tất cả chúng ta đều bình đẳng với nhau về vị thế trong cuộc tranh luận, chúng ta không phải là tiến sĩ kinh tế học, giáo viên của các trường chuyên, học sinh trường chuyên nữa, mà đều là những đứa trẻ chuẩn bị đầu thai.
Khi đó, chúng ta có hai lựa chọn: (i) chấp nhận một xã hội mà người được sinh ra trong một gia đình nghèo khó thì sẽ gặp khó khăn trên con đường học hành, sự nghiệp; và (ii) xây dựng một xã hội quân bình, một xã hội mà những người được may mắn sinh ra trong một hoàn cảnh tốt đẹp sẽ giúp đỡ những người không may mắn sinh ra trong một hoàn cảnh khó khăn.
Có lẽ những người ủng hộ việc tài trợ ngân sách nhà nước cao hơn cho các trường chuyên (và qua đó cắt bớt ngân sách của các trường thông thường) sẽ rút lại sự ủng hộ của mình cho hệ thống trường chuyên nếu như biết rằng mình có khả năng sinh ra trong một gia đình nghèo khó và phải vào học ở các trường công bình thường. Một xã hội quân bình có lẽ dễ dàng chấp nhận hơn khi mọi người ở vị thế ban đầu, vị thế bị bức màn vô minh che phủ.
Với Rawls, nguồn lực xã hội nên tập trung vào việc cải thiện vị thế của những học sinh bị sinh ra trong những gia đình nghèo khó. Có như thế, cuộc chạy đua của mọi người trong xã hội mới diễn ra công bằng. Chính sách cụ thể mà phe theo chủ nghĩa quân bình ủng hộ sẽ là cấp ngân sách nhiều hơn cho những học sinh kém may mắn hơn thông qua hoạt động tài trợ cho các trường học, cấp học bổng, hỗ trợ học tập, v.v. Nguồn ngân sách sẽ đến từ việc đánh thuế, mà chủ yếu là đánh thuế người giàu.
Đó là cách phe chủ nghĩa quân bình làm để thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội.
Phe theo chủ nghĩa tự do lại không quan tâm tới bất bình đẳng xã hội. Họ chủ trương để cho mọi người được lựa chọn theo cơ chế thị trường tự do, ai xuất phát điểm ở đâu thì cứ để họ như vậy, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm với tương lai của mình bằng cách lựa chọn một dịch vụ giáo dục mà bản thân có thể chi trả, nhà nước không được can thiệp bằng hình thức trợ giá (cấp ngân sách).
Theo đó, sự tồn tại của trường chuyên là một trong những lựa chọn của thị trường giáo dục. Họ không có vấn đề gì với trường chuyên cho đến khi nhà nước muốn rót ngân sách cho các trường này.
Vào năm 1980, kinh tế gia ủng hộ nền kinh tế thị trường tự do, Milton Friedman, tác giả của Free to choose, một tác phẩm ủng hộ cho sự tự do lựa chọn của mỗi cá nhân, đã thừa nhận những người lớn lên trong gia đình giàu có và học ở các trường tốt có lợi thế hơn so với những người không có nền tảng ưu đãi. Ông cũng thừa nhận những người thừa hưởng tài năng và thiên phú có một lợi thế không công bằng so với những người khác, dù họ chẳng phải nỗ lực gì để có được năng lực tự nhiên đó (theo Michael Sandel: Justice – What’s the right thing to do?)
Là một người theo chủ nghĩa tự do, mặc dù thừa nhận sự không công bằng trong xuất phát điểm của mỗi cá nhân, Friedman vẫn nhấn mạnh chúng ta không nên cố gắng khắc phục sự bất công này. Lý do ông đưa ra đó là nhờ những bất công này mà chúng ta được hưởng nhiều lợi ích hơn từ nó.
Lấy ví dụ cụ thể từ trường hợp của TS. Nguyễn Đức Thành. Nhờ việc được sinh ra trong một gia đình trí thức, sau này được học ở trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, ông Thành có được lợi thế vượt trội cho với học sinh các trường thường nhờ được học từ các giáo viên chất lượng cao của xã hội. Ngôi trường chuyên ông học cũng tạo nên uy tín khiến việc xét tuyển để đi du học của ông trở nên dễ dàng hơn. Từ đó, ông tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế học ở Nhật, trở về Việt Nam lập Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR). Mặc dù nhận được những lợi thế không công bằng so với người khác, sự thành công của ông Thành đã đóng góp nhiều cho xã hội. Đó là điều theo Friedman có thể chấp nhận được và xã hội không nên sửa đổi nó.
Tuy nhiên, Friedman sẽ phải rất cân nhắc nếu biết rằng ngôi trường chuyên Hà Nội – Amsterdam mà ông Thành theo học được nhà nước tài trợ bằng tiền thuế.
Lập luận của Friedman cho thấy ông chấp nhận sự tồn tại của hệ thống đào tạo nhân tài mặc dù thừa nhận hệ thống nhân tài đã tạo ra bất công trong xã hội. Nhưng là một người theo chủ nghĩa tự do, phản đối việc nhà nước can thiệp vào quyền sở hữu tài sản của mỗi công dân, ông sẽ cực lực phản đối việc ngân sách nhà nước phân bổ cho các trường học. Ông sẽ càng phản đối hơn nữa nếu biết rằng trường chuyên được cấp ngân sách nhiều hơn trường thường.
Có lẽ với ông, nếu lấy tiền của người giàu chia cho người nghèo đã là một bất công, thì việc lấy tiền của người nghèo chia cho người giàu lại tạo ra hai lần bất công.
Nếu trường chuyên tự chủ về ngân sách, không dùng ngân sách của nhà nước phân bổ, mà dùng tiền của các phụ huynh giàu có đóng góp vào thì sẽ nhận được sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa tự do.
***