‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Từ khi Sài Gòn sụp đổ, cuộc sống 45 năm qua của các đan sĩ Đan viện Thiên An không chỉ có lao động và tu học mà còn phải chống chọi với thế lực đang xẻ dần mảnh đất của mình.
Đồi Thiên An ngày nay đã không còn là những vạt rừng thông bao la, bàn tay của chính quyền đã khiến nơi đây ngày một teo tóp.
Chính quyền cố chiếm lấy đất ở đây bằng cách tung ra những lực lượng hung hăng. Các đan sĩ tự vệ bằng vũ khí duy nhất của mình – lời cầu kinh.
Từ một vùng đất linh thiêng, thơ mộng, nơi đây đã thành một vùng đất dữ như thế nào?
Năm 1940, linh mục Romain Guilauma đã mua một mảnh đất trên đồi Thiên An ngày nay. Nơi này giống như một Đà Lạt thu nhỏ, cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 10km. Ông cho dựng trên đó một căn nhà tranh để tiếp nhận các đan sĩ tu của dòng Biển Đức.
Khu đất này ngày nay tọa lạc thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Các linh mục đã cử hành một thánh lễ do Khâm sứ Tòa Thánh Antonin Drapier làm phép vào ngày 10/6/1940. Đan viện được đặt tên là Thiên An, có nghĩa là bình an đến từ Trời.
Trong thời gian này, các đan sĩ đã mở rộng diện tích của đan viện, xây dựng các công trình kiên cố, mở các khu trồng trọt, chăn nuôi để tự chu cấp cho đời sống của mình.
Đan viện đã cho xây một nhà nguyện và một nhà ở ba tầng vào năm 1943. Năm 1956, đan viện khởi công tiếp ngôi nhà ở ba tầng thứ nhì.
Rừng thông ở đồi Thiên An chắc hẳn đã được các đan sĩ trồng trong thời gian này. Ngoài ra, theo Festival Huế, các đan sĩ còn đào hai hồ nước lớn (Thủy Tiên Hạ và Thủy Tiên Thượng) cung cấp nước cho cả khu vực.
Về sau hồ nước và rừng thông biến nơi này thành một trong những chốn du ngoạn ở Huế, gọi là khu Thiên An – Hồ Thủy Tiên.
Năm 1969, Đan trưởng Thiên An Linh mục Thomas Châu Văn Đằng yêu cầu Ty Điền Địa tỉnh Thừa Thiên (Việt Nam Cộng hòa) cấp lại “những bản trích sao địa bộ và bản đồ” đã bị mất sau cuộc chạy giặc Mậu Thân vào năm 1968.
Đan viện cho biết Ty Điền Địa đã cấp cho đan viện “một bản sao bản đồ giải thửa” có diện tích 107 hecta.
Theo đó, khu đất của đan viện phía Bắc giáp với thôn Dương Xuân Thượng, phía Nam giáp với thôn Bảng Lảng và thôn Kim Sơn, phía Đông giáp với đường Minh Mạnh, và phía Tây giáp với đập Bara và thôn Cư Chánh.
Các đan sĩ cho biết 107 hecta đất này chủ yếu là rừng thông, các công trình còn lại bao gồm một trại cá, một đập nước, một trường tiểu học, một trại cô nhi, đồi Đức Mẹ và đồi Thánh Giá.
Sau năm 1975, các cơ sở tôn giáo không còn tiếng nói nữa. Họ phải tuân theo lệnh của chính quyền cách mạng, bất chấp lệnh đó có ngang ngược như thế nào.
Tháng 1/1976, Trưởng Ty Nông Lâm Huế yêu cầu đan viện “nhường” một trường học của đan viện đã không còn dùng để làm chỗ ở cho công nhân. Ty Nông Lâm đã sử dụng ngôi trường này khi đan viện chưa đồng ý.
Tiếp đến, đan viện cho biết chính quyền đã cho bộ đội đóng quân trên đất của đan viện. Họ đã xin của đan viện một bệnh xá, một trại cô nhi và một hecta đất. Đan viện đồng ý cho những nơi này. Một hồ cá của đan viện sau đó cũng bị chính quyền chiếm mất.
Tranh chấp đất đai ở đồi Thiên An đến đây trở nên phức tạp khi có sự tham gia của chính quyền trung ương.
Tháng 11/1999, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đề nghị chính phủ thu hồi đất ở đồi Thiên An để làm khu vui chơi – giải trí. Một tháng sau đó, Thủ tướng chính phủ đã quyết định thu hồi hơn 49 hecta đất và cho Công ty Du lịch Cố đô Huế (một doanh nghiệp nhà nước) thuê lại khu đất này để xây khu vui chơi hồ Thủy Tiên và đồi Thiên An.
Trong quá trình thu hồi đất, các đan sĩ cho biết chính quyền đã thu hồi đất của đan viện bằng lệnh thu hồi đất hoang. Đất của đan viện bị thu hồi nhưng đan viện không được thông báo và cũng không được bồi thường.
Đan viện đã khiếu nại quyết định thu hồi đất của chính phủ là không đúng thẩm quyền theo Luật Đất đai lúc đó.
Cũng trong năm 1999, biệt phủ Bội Trân được xây dựng. Đây là nhà hàng và nhà triển lãm tranh của bà Phan Thị Vân. Đan viện cho rằng khu vực biệt phủ Bội Trân trước đây là vườn cam của đan viện và Lâm trường Tiền Phong đã cắt thửa và bán đi.
Lâm trường này về sau đổi tên thành Công ty Lâm Nghiệp Tiền Phong thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Khiếu nại của đan viện chưa giải quyết xong thì khu vui chơi hồ Thủy Tiên được khởi công vào năm 2001 với vốn đầu tư 70 tỷ đồng.
Năm 2002, khiếu nại của đan viện được Tổng Thanh tra Nhà nước trả lời rằng: “Nhà nước không thừa nhận việc Đan viện Thiên An đòi quyền sở hữu sử dụng 107 hecta đất và rừng thông tại đồi Thiên An”.
Một việc cũng không kém phần kỳ lạ nữa là Tổng Thanh tra Nhà nước nêu rằng “toàn bộ diện tích đất rừng thông đồi Thiên An” đã được giao cho Lâm trường Tiền Phong từ năm 1976, nhưng đan viện không hề hay biết.
Đan viện lại tiếp tục khiếu nại kết luận của Thanh tra Chính phủ. Đan viện cho rằng kết luận này không tập trung giải quyết khiếu nại của đan viện đối với quyết định của thủ tướng.
Giữa năm 2004, khu vui chơi hồ Thủy Tiên bắt đầu đón khách nhưng đến năm 2008 thì bị lỗ nặng. UBND tỉnh đã cho một công ty khác thuê lại khu vui chơi này để tiếp tục kinh doanh.
Tháng 12/2008, chính phủ ra chỉ thị yêu cầu các tỉnh thành xem xét trả lại các tài sản sử dụng không hiệu quả về cho các tổ chức tôn giáo, nhưng không có tài sản nào của Đan viện Thiên An được trả lại.
Đồi Thiên An được chính quyền xem là khu vực rừng đặc dụng nhưng liên tiếp lại mọc lên các biệt phủ.
Năm 2010, Tịnh cư Cát Tường Quân của bà Tạ Thị Ngọc Thảo được xây dựng. Đây là một nơi kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng và học thiền. Đan viện cho rằng đất của tịnh cư này trước từng là vườn cam của đan viện và Công ty Lâm Nghiệp Tiền Phong đã cắt thửa và bán đi.
Năm 2011, khu vui chơi Hồ Thủy Tiên bị đóng cửa do kinh doanh kém hiệu quả.
Đan viện Thiên An cho biết vào năm 2013, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Lâm Nghiệp Tiền Phong, trên đó có tồn tại một số công trình của đan viện như Đồi Đức Mẹ, đường nội bộ của đan viện, khu nhà nguyện, khu nhà ở và khu nhà mà Ty Nông Lâm Huế đã mượn của đan viện từ năm 1976.
Từ năm 2015, đồi Thiên An ngày một mất ổn định, vùng đất lành thành một vùng đất dữ.
Từ tháng 1/2015, đan viện nói rằng chính quyền đã nhiều lần đề nghị đan viện chỉ nhận 18 hecta đất để được cấp sổ đỏ nhưng đan viện từ chối.
Tháng 5/2015, các đan sĩ phát hiện tượng Chúa Jesus của đan viện đã bị đập vỡ và bỏ ở nơi hoang vắng.
Đến đầu năm 2016, một nhóm người gồm công an, cán bộ, nhân viên của Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong, phóng viên đã vào đan viện để kiểm tra vì có nhiều cây thông đã bị đốn hạ. Tiếp đến, các đan sĩ bị cơ quan điều tra triệu tập về việc phá rừng. Các đan sĩ cũng cho rằng một bài báo trên báo Pháp Luật đã vu cáo đan viện không những phá rừng mà còn chống trả đoàn làm việc.
Tháng 3/2016, tượng chúa Jesus vừa dựng lên thì bị chính quyền cho nhiều phụ nữ, dân phòng, cán bộ đến giật sập tượng.
Vào giữa năm 2016, đan viện cho biết chính quyền xã Thủy Bằng dẫn khoảng 200 người mang theo xe xúc công suất lớn phá hủy công trình làm đường dẫn ra vườn rau đang dang dở của đan viện. Ủy ban Nhân dân (UBND) xã Thủy Bằng sau đó đã lập biên bản vụ đan viện vi phạm về đất đai vì đã lấn chiếm đất rừng đặc dụng trong khi làm đường.
Tháng 3/2017, chính quyền tiếp tục huy động người đến ngăn cản đan viện san lấp đất ở khu vực mà đan viện cho rằng thuộc về mình.
Cũng trong tháng 3/2017, không biết ai đã róc vỏ nhiều cây thông gần đập nước của đan viện theo hình chữ V lớn, vết róc này khiến những cây thông dần héo khô đến chết.
Tháng 5/2017, chính quyền tiếp tục cho nhiều người đến ngăn cản đan viện đang cải tạo công trình trên đất mà đan viện cho rằng thuộc về mình.
Vào cuối 6/2017, tượng chúa Jesus và Thánh Giá vừa được dựng lại thì chính quyền lại tiếp tục đưa người đến giật sập tượng. Một số đan sĩ bị thương nhưng không thể đến bệnh viện vì công an lập chốt giao thông chặn đường ra vào đan viện.
Sau vụ ẩu đả vào tháng 6, UBND tỉnh đã tiếp các đại diện của đan viện tại trụ sở nhưng tranh chấp vẫn không được giải quyết. Phía ủy ban cho rằng quyết định của thủ tướng năm 1999 và kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2002 là “hoàn hảo và họ cứ vậy mà làm việc”.
***
Ngày 25/7/2017, đan viện cho biết UBND tỉnh đã phản hồi một số thắc mắc của đan viện về đất đai ở đồi thông:
Thứ nhất, ngôi trường của đan viện là bị xóa bỏ theo Quyết định 188/CP năm 1976 của chính phủ vì là “tàn tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân…”.
Thứ nhì, đất của Tịnh cư Cát Tường Quân do Lâm trường Tiền Phong cấp cho một hộ vào năm 1984, hộ này sau đó chuyển nhượng cho hộ khác và cuối cùng là chuyển nhượng toàn bộ lại cho tịnh cư này.
Thứ ba, đất của biệt phủ Bội Trân do chủ của biệt phủ này mua lại từ phần đất của hộ gia đình đã chuyển nhượng đất cho Tịnh cư Cát Tường Quân và một hộ khác.
Thứ tư, một hộ gia đình khác mà đan viện cho rằng đang sử dụng đất của đan viện thì ủy ban trả lời rằng khu đất đó do lâm trường cấp cho hộ này để lập vườn và dựng nhà ở vào năm 1984.
Đan viện cho rằng giải thích này của ủy ban là không thuyết phục, trong đó có việc chưa nêu rõ hồ sơ địa chính của những khu đất này.
***
Ngày 18/12/2017, chính quyền xã đã cản trở các đan sĩ dựng một cổng chào trong dịp lễ Chúa Giáng Sinh trên đường nội bộ dẫn vào đan viện.
Khoảng một tuần kế tiếp, đan viện cho biết Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ đã đề nghị Dòng Biển Đức Quốc tế và Tỉnh Dòng Biển Đức Việt Nam không tiếp tục bổ nhiệm Linh mục Nguyễn Huyền Đức làm bề trên của đan viện, đồng thời thuyên chuyển ông ra khỏi tỉnh này.
Tháng 1/2018, Công an xã Thủy Bằng đã yêu cầu đan viện cung cấp danh sách người đăng ký thường trú, tạm trú, lưu trú ở đan viện để đối chiếu với thực tế.
Đầu tháng 3/2018, khi các đan sĩ đốn một cây thông khô để tránh bị hỏa hoạn thì nhiều người là công an, cảnh sát giao thông, kiểm lâm, cán bộ chính quyền đã ngăn cản và tịch thu cây thông. Sau vụ việc này, năm vụ cháy rừng đã xảy ra liên tiếp.
Ngày 4/3/2018, một khu rừng thông mà đan viện cho rằng thuộc về đan viện bị cháy.
Theo sau vụ cháy ngày 4/3 là bốn vụ cháy rừng thông khác vào các ngày 10/5, 22/5, 23/5 và 4/7/2018. Đan viện cho biết năm đám cháy gây thiệt hại hơn tám hecta rừng thông trên dưới 60 năm tuổi.
Tháng 6/2018, ông Phan Ngọc Thọ lên chức chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế sau khi người tiền nhiệm về hưu sớm.
Ngày 18/7/2018, đan viện cho biết một nhóm nhân viên Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong vào trồng cây thông tại khu vực bị cháy vào ngày 4/7 nhưng bị đan viện ngăn lại.
Tháng 12/2018, đan viện tiếp tục yêu cầu Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong trả lại trường học đã mượn của đan viện.
Đêm ngày 19/4/2019, khoảng ba hecta rừng thông trên 60 năm tuổi bị cháy hoàn toàn. Theo đan viện, Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong thường nói rằng họ quản lý đất rừng thông nhưng lại không tham gia chữa cháy.
Đan viện cho biết vụ cháy này và năm vụ cháy trước đều không thấy lực lượng chữa cháy và chính quyền cũng không có kết luận điều tra nào được công bố.
Tháng 5/2020, chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế công bố sẽ biến khu vui chơi Hồ Thủy Tiên đang hoang tàn “công viên văn hóa phục vụ cộng đồng, không gian sáng tạo đương đại, công viên vườn tượng”.
Khoảng một tháng sau, khoảng một hecta rừng thông của đan viện đã bị chặt tan nát. Nhiều cây thông lớn bị cưa máy cắt những vết sâu ở gốc làm cây chết dần mà không bị đổ.
Tháng 7/2020, đan viện tiếp tục gửi công văn đòi lại trường tiểu học mà Lâm trường Tiền Phong đã mượn của đan viện.
***
Liên tiếp trong ba ngày 10, 11 và 12/8/2020, khi toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đang chống dịch COVID-19, một đám đông khoảng 40 người đã giăng biểu ngữ, hò hét, phát loa phóng thanh tại nơi tượng chúa bị giật sập đòi đan viện tháo dỡ các công trình, trả đất đai cho họ.
Các đan sĩ nhận được mặt những người này, đây là những cán bộ ủy ban, thành viên hội phụ nữ xã Thủy Bằng và nhóm an ninh quen thuộc hay giám sát đan viện.
Những cuộc biểu tình như thế này chắc chắn sẽ không thể tổ chức được nếu không có sự hậu thuẫn từ chính quyền địa phương.
Luật Khoa sẽ tiếp tục cập nhật các diễn biến mới trong bài viết này.