Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Thông tin đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc bị lộ ra có quốc tịch thứ hai tại Cyprus, và sau khi bại lộ vẫn hồn nhiên tiếp tục biện hộ bằng những lời dối trá (đã được lột trần qua bài điều tra trên trang Kiểm Tin), đang trở thành một trong những câu chuyện “hot” nhất vài ngày qua.
Với mức độ lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội cùng các bằng chứng rành rành không thể chối cãi, con đường làm quan của ông Quốc có lẽ từ nay đã khép lại, những ngả đường phát tài khác của ông thì hạ hồi phân giải.
Như nhiều người đã chỉ ra, việc đại biểu Quốc hội Việt Nam nắm giữ hai quốc tịch, theo quy định pháp luật hiện hành, là không vi phạm pháp luật. Tiêu chuẩn bổ sung vào Luật Tổ chức Quốc hội, yêu cầu về việc đại biểu Quốc hội “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”, đến ngày 1/1/2021 mới có hiệu lực.
Vậy nên ông Phạm Phú Quốc cùng lắm sẽ chỉ bị mất đi chức vụ đại biểu Quốc hội của mình.
Nhưng điều người dân quan tâm là làm thế nào một quan chức nhà nước như ông Quốc lại có tài sản khủng khiếp đến mức có thể vung tay đến 2,5 triệu USD (gần 58 tỷ VND) để mua quốc tịch nước ngoài, theo điều tra trên tờ Al Jazeera.
Đó mới chỉ là con số tối thiểu phải trả (thực tế có thể lớn hơn nhiều), và mới chỉ là tiền chi mua quốc tịch cho riêng ông (chưa đả động gì đến người thân).
Al Jazeera dẫn lời các chuyên gia khẳng định, những quan chức bỏ tiền ra mua hộ chiếu vàng (golden passport) của Cyprus đều nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho số tài sản bất minh của mình, tìm cách tuồn ra nước ngoài.
Nói cách khác, số tiền vài chục tỷ đồng mua quốc tịch kia chỉ giống như tiền thuê xe chở hàng.
Tiền thuê xe đã như vậy, “hàng” của họ phải đến mức nào?
Và mới chỉ một quan chức làng nhàng bậc trung như ông Quốc đã “có tầm” đến vậy, ai có thể tưởng tượng được hàng trăm ngàn người xếp trên ông có “số má” cỡ nào?!
Đi khắp đất nước hình chữ S từ Bắc xuống Nam, đâu đâu người ta cũng có thể nhìn thấy những biệt phủ, biệt thự nguy nga của các quan chức từ lớn tới nhỏ, từ những người còn đương nhiệm cho tới những kẻ đã hạ cánh an toàn. Với đồng lương nhà nước “bèo bọt”, liệu có ai tin những tài sản này đều là “của gia truyền”, “buôn chổi đót” mà ra?
Nhất là khi với thể chế độc tài hiện tại, không có quan chức nhà nước nào cần phải công khai tài sản cá nhân và gia đình, cũng không phải giải trình xác minh nguồn gốc các tài sản đó, liệu có ai tin nổi họ trong sạch?
Tham nhũng đục khoét ở đất nước này nhiều đến mức không thể nào dùng cách nói nhẹ nhàng “con sâu làm rầu nồi canh” để diễn tả về nó. Cái nồi, vào bất kỳ thời điểm nào, chỉ cần he hé mở nắp cũng sẽ có một đống sâu nhung nhúc bò tràn ra ngoài.
Đó là lý do mà cái nồi-thể-chế suốt vài chục năm qua luôn được đậy kín bưng kín mít không dám cho ánh sáng chiếu vào.
Nhưng nó chưa phải cái bi ai lớn nhất của dân tộc.
Từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, ở đâu cũng có những con sâu dối trá bẩn bựa như vậy.
Điểm khác biệt là người Việt không được phép bắt sâu để giữ lấy những thìa canh ít ỏi còn lại cho chính mình.
Họ phải trông chờ vào thần may mắn (như trường hợp Phạm Phú Quốc hay Trịnh Xuân Thanh vô tình bị lộ), trông đợi những quan chức tranh giành quyền lực đấu tố nhau, và mong ngóng chiếc lò tưởng tượng của một vị lãnh tụ thần thánh nào đó.
Để vận mệnh của mình trong tay xổ số, trong tay những kẻ xấu khác, và trong tay những con nghiện ngáo đá quyền lực – đó mới là bi ai của dân tộc này.
Nước Mỹ cũng đầy những kẻ tham nhũng đục khoét, nhưng ngoài thể chế phân quyền với các nhánh hành pháp, tư pháp và lập pháp luôn “canh me” nhau, người dân nơi này còn có “quyền lực thứ tư” – một nền báo chí tự do và độc lập – sẵn sàng đối đầu chơi tất tay với những kẻ nắm giữ quyền lực cao nhất.
Đó là lý do mà Donald Trump, cho dù có lôi kéo được bao nhiêu người ủng hộ, cũng đã, đang và sẽ là đối tượng của hàng chục cuộc điều tra các loại. Những người ủng hộ Trump, trong đó có không ít người Việt, dĩ nhiên sẽ ngay lập tức xem đó là những “trò bẩn” để hạ bệ lãnh tụ của họ. Họ cũng sẽ hăng máu chụp mũ “fake news” (tin giả) lên bất kỳ bài viết nào bất lợi cho thần tượng của mình. Nhưng chính bằng việc hùa theo chống lại “quyền lực thứ tư”, họ lại đang làm đúng theo cách mà những thể chế độc tài như Việt Nam đã làm suốt bấy lâu: xem báo chí chỉ là một công cụ thao túng cho riêng mình, không hơn không kém.
Cũng với thứ tư duy này mà các tờ báo quốc doanh ban đầu khi tường thuật lại bài điều tra của Al Jazeera đã “rón rén” bỏ đi chi tiết về ông Phạm Phú Quốc. Họ chỉ dám nhắc đến khi được lãnh đạo bật đèn xanh cho phép.
Ở nơi nào mà báo chí độc lập hoặc không tồn tại (như Việt Nam, Trung Quốc và Triều Tiên), hoặc bị những quan chức dân túy cố tình tìm cách hạ bệ (như với những lãnh đạo “mạnh bạo” kiểu Donald Trump, Rodrigo Duterte hay Jair Bolsonaro), nơi đó những con sâu nhũng nhiễu vẫn luôn sống nhăn sống khỏe.
So với những thể chế dân chủ khác, các con sâu ở Việt Nam tất nhiên vẫn vượt xa về nhiều mặt.
Dưới thể chế ưu việt này, chúng vừa là những con sâu đục khoét, vừa là các ông vua bà chúa ung dung cởi truồng không sợ trời sợ đất, lại vừa đóng luôn vai thợ hát tung hô chính mình.
Thậm chí chúng còn trơ trẽn đến mức dám chất vấn người khác “đã làm được gì cho Tổ quốc chưa?”.
Nếu bạn là một người đang sống trong đất nước Việt Nam dưới chế độ cộng sản, chỉ cần không dối trá hèn hạ, không biến mình thành những ông vua bà chúa cởi truồng, và không trở thành những con rối tung hô hít ngửi các của nhộng của những ông bà đó, bạn đã làm được điều kỳ vĩ nhất cho đất nước này.
Chỉ cần những người như bạn còn tồn tại, dân tộc này vẫn luôn còn hy vọng.
Có hy vọng sẽ có thay đổi. Và thay đổi sẽ đến từ những người như bạn chứ không phải từ các con sâu vua sâu chúa.
Mọi thứ sẽ vẫn như cũ, nếu chỉ có những con sâu xui xẻo (như Trịnh Xuân Thanh) bị gắp ra xử làm gương, còn cái nồi sâu hôi bẩn thì vẫn cứ được đậy kín mít.
Sự thay đổi chỉ đến khi tất cả lên tiếng yêu cầu những lãnh đạo đứng đầu nhà nước, từ Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, Tô Lâm… cho đến quan chức các cấp, đều phải công khai giải trình tài sản của mình, và mọi người dân Việt Nam đều có quyền tiếp cận điều tra những hồ sơ giải trình đó.
Ngày nào việc đơn giản trên còn chưa được thực hiện, ngày đó không một ai, cho dù là ông hoàng bà chúa nào hay những con rối hát theo của họ, có tư cách gì để chất vấn người khác “đã làm gì cho Tổ quốc”.
“Tổ quốc” không phải là thứ để những con sâu con rối đó ngồi xổm lên đầu.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.