Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Ngai vàng của nhà độc tài Lukashenko đang bị phụ nữ đe dọa.
Ở Belarus, con số nổi tiếng nhất chắc hẳn phải là 80. Tương truyền đó là con số phát tài ưa thích của Alexander Lukashenko, nhà lãnh đạo đã “trị vì” đất nước này suốt 27 năm qua.
Kể từ lần bầu cử đầu tiên của Belarus vào năm 1994, khi Lukashenko thắng cử vòng hai với 80% phiếu bầu, bằng một cách thần kỳ nào đó, ông đều đắc cử trong những kỳ tiếp theo với kết quả gần như tương tự.
Năm 2001, Lukashenko tuyên bố thắng cử với 76% phiếu bầu. Năm 2006, số phiếu công bố là 84%. Năm 2010 có kết quả 80%. Năm 2015, con số là 84%.
Đó là chưa tính năm 2004 khi Lukashenko tiến hành trưng cầu dân ý để thay đổi Hiến pháp, bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống, kết quả cũng loanh quanh tiệm cận con số vàng: 79,42%.
Mỗi năm trôi qua, lượng người chán ghét và phản đối “kẻ độc tài cuối cùng của châu Âu” càng nhiều ra mặt, nhưng mỗi kỳ bầu cử trôi qua, kết quả mỹ mãn này vẫn cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Vào cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8/2020 vừa qua, Lukashenko lại được thông báo đắc cử nhiệm kỳ lần thứ sáu với 80% số phiếu ủng hộ.
Lần này thì hàng trăm ngàn người dân Belarus quyết tâm đổ ra đường trong đợt biểu tình lớn nhất kể từ khi đất nước này tách ra khỏi Liên Xô cũ.
Họ không còn muốn để vận mệnh của mình nằm trong tay những kẻ độc tài.
Belarus là một trong bốn nước cộng hòa sáng lập nên Liên bang Xô Viết (cùng với Nga, Ukraine và khối Kavkaz) vào ngày 30/12/1922.
Trước đó, nỗ lực khai sinh ra đảng Marxist đầu tiên của nước Nga, Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga, xuất hiện năm 1898 tại Minsk, thủ đô hiện tại của Belarus. Minsk lại chính là nơi mà, vào tháng 12/1991, các quan chức của ba nước Nga, Ukraine và Belarus gặp gỡ để thỏa thuận chính thức về việc chấm dứt sự tồn tại của Liên bang Xô Viết.
Nằm ở cửa ngõ tiến vào nước Nga, Belarus có vị thế quan trọng trong lịch sử, lại càng đặc biệt quan trọng trong thời hiện tại
Khác với các hàng xóm, kể từ khi tách khỏi Liên Xô cũ, Belarus vẫn không hòa nhập cùng phần còn lại của châu Âu mà lựa chọn hướng về phương Bắc, thắt chặt quan hệ với chính quyền Nga. Người chịu trách nhiệm chính cho lựa chọn này là Alexander Lukashenko.
Alexander Lukashenko là tổng thống đầu tiên và duy nhất cho đến nay của nước Cộng hòa Belarus, từ khi tách ra từ Liên bang Xô Viết vào năm 1991.
Với tư cách ứng viên độc lập, Lukashenko tham gia trong cuộc bầu cử tổng thống lần đầu tiên của đất nước vào năm 1994. Ông bất ngờ chiến thắng sau hai vòng với tỷ lệ gấp ba lần số phiếu ủng hộ so với người thứ nhì, vốn là thủ tướng đương nhiệm của Belarus. Khi đó ông mới 39 tuổi.
Có thể lý giải chiến thắng của ông khi nhìn vào các đối thủ của ông: Đó đều là những gương mặt đại diện cho chính quyền cũ còn sót lại từ thời Xô Viết.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, nền kinh tế các nước trong khối xã hội chủ nghĩa đều lâm vào cảnh hỗn loạn. So với những nước khác chuyển sang cơ chế thị trường, tư hữu hóa các doanh nghiệp nhà nước, Belarus chật vật hơn nhiều.
Thời kỳ trong khối Xô Viết, Belarus được hưởng lợi từ các chính sách phát triển công nông nghiệp và cung ứng năng lượng giá rẻ. Nhờ đó, nền công nghiệp nặng và hoạt động xuất khẩu nông nghiệp của Belarus tương đối phát triển. Khi Liên Xô bất ngờ tan rã, Belarus cũng lao đao. Tiến trình chuyển đổi tư nhân hóa nền kinh tế của nước này trong những năm đầu sau khi tách khối diễn ra rất chậm. Kinh tế lao dốc, thất nghiệp tăng, sự bất mãn của người dân còn được đẩy lên cao với các cáo buộc tham nhũng tràn lan trong chính quyền.
Lukashenko, người trước đó chủ yếu làm nhiệm vụ điều hành nông trường quốc doanh, được bầu làm chủ tịch tạm thời của ủy ban điều tra về tham nhũng trong Quốc hội vào năm 1993. Cuối năm đó, ông công khai cáo buộc 70 quan chức cấp cao, trong đó có Chủ tịch Quốc hội lẫn Thủ tướng, biển thủ của công.
Năm sau, 1994, Lukashenko tranh cử tổng thống với tư cách ứng viên độc lập, không liên hệ với đảng phái nào, chỉ đứng về phía “tầng lớp người nghèo và bị bóc lột”, đồng thời giơ cao khẩu hiệu chống tham nhũng.
Sự ủng hộ áp đảo của người dân dành cho ứng viên dân túy Lukashenko trong đợt bầu cử tổng thống lần đầu của Belarus là một chỉ dấu cho thấy họ chán ghét chính quyền cũ nhiều hơn là việc họ tin tưởng nhân vật vẫn còn mới mẻ này.
Nhưng họ không biết rằng Lukashenko thật ra không khác gì mấy những quan chức cũ của chính quyền. Từ đầu, ông cũng đã công khai tự hào việc mình là quan chức duy nhất bỏ phiếu chống lại hiệp ước xóa bỏ Liên bang Xô Viết.
Lukashenko, cũng như không ít người Belarus khi đó, vẫn còn tiếc nuối giai đoạn tốt đẹp của Liên Xô cũ. Ngay khi liên bang tan rã, người dân Belarus đã bỏ phiếu tán thành việc thành lập một liên minh tiền tệ (monetary union) với Nga.
Vì thế, sau khi đắc cử, thay vì mở rộng cửa ra hướng Tây giống các nước hàng xóm, áp dụng mô hình thể chế tư bản, Lukashenko quyết tâm áp đặt mô hình “xã hội chủ nghĩa theo định hướng thị trường” (market socialism). Định hướng này kéo cả đất nước vào vòng tay của nước Nga hùng mạnh tại phương Bắc. Ông cũng tích cực quảng bá cho ý tưởng thành lập một nhà nước liên bang với Nga. Năm 1999, ý tưởng đó chính thức thành hiện thực với việc ký hiệp định thành lập Liên bang Belarus – Nga.
Theo nhiều nhà quan sát, nước cờ này ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế đối với Belarus (nước này phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cung năng lượng từ Nga) còn là để phục vụ tham vọng quyền lực của cá nhân Lukashenko. Ông muốn trở thành người đứng đầu một nhà nước liên bang hùng mạnh thay vì chỉ hài lòng với chiếc ghế lãnh đạo một đất nước 10 triệu dân.
Tham vọng đó có cơ sở trước năm 2000, khi uy tín của Tổng thống Nga Boris Yeltsin ở mức rất thấp. Nếu hai nước hợp nhất, Lukashenko hoàn toàn có cơ hội cạnh tranh chức lãnh đạo cao nhất của liên bang.
Điều đó thay đổi khi Yeltsin bất ngờ lựa chọn Vladimir Putin cho vị trí kế nhiệm. Khi Yeltsin đột ngột từ chức, Putin nắm giữ vị trí cao nhất của nhà nước Nga từ năm 2000 cho đến nay.
Cũng kể từ đó, Lukashenko bằng mặt nhưng không bằng lòng, tiếp tục đong đưa với phía Nga về dự án liên bang nhưng chưa hề tiến hành bất kỳ động tác sáp nhập thực tế nào. Với thế và lực của Putin ở phía đối diện, nếu sáp nhập, ông chắc chắn không thể đọ lại.
Lukashenko một mặt vẫn buông thả với nước Nga để hưởng lợi từ chính sách giao thương hữu hảo với người bạn lớn, đặc biệt là nguồn cung dầu và khí gas giá rẻ từ Nga, vốn chiếm tới hơn 80% nhu cầu năng lượng của Belarus. Mặt khác, ông cũng thường xuyên tỏ ra “rắn mặt” với hàng xóm phương Bắc, thể hiện cho người dân trong nước thấy rằng mình vẫn là “kẻ mạnh bạo” (strongman), là người duy nhất có thể bảo vệ đất nước đối chọi với thế lực hùng mạnh bên ngoài.
Đối với các vấn đề trong nước, kẻ mạnh bạo Lukashenko không ngần ngại che giấu tham vọng quyền lực ngay từ những giây phút đầu tiên, và sẵn sàng đàn áp thẳng tay các tiếng nói đối lập.
Chỉ hai năm sau khi nắm quyền, vào năm 1996, Lukashenko đã cho tiến hành trưng cầu dân ý và thay đổi Hiến pháp để thâu tóm quyền lực tuyệt đối. Hiến pháp thay đổi cho phép Lukashenko kéo dài nhiệm kỳ tổng thống và cai trị bằng sắc lệnh (rule by decree). Ông cũng đồng thời giải tán Quốc hội và thành lập Quốc hội mới với toàn bộ những người theo phe của mình.
Những ai phản đối chế độ cai trị độc tài của Lukashenko, kể cả các ứng viên “dám” tranh cử tổng thống ở những cuộc bầu cử, hoặc bị lực lượng an ninh đánh đập đe dọa, hoặc bị bỏ tù, hoặc “mất tích bí ẩn” không bao giờ xuất hiện trở lại.
Trong cuộc bầu cử tổng thống mới nhất vào tháng 8/2020 vừa rồi, lịch sử cũng lặp lại khi lần lượt những ứng viên tổng thống của phe đối lập bị bắt giữ vì nhiều tội danh khác nhau.
Trong một thời gian rất dài, nhiều người Belarus đã nghĩ đất nước mình không có bất kỳ hy vọng nào thay đổi.
Cho tới khi những người phụ nữ đứng dậy.
Ứng viên tổng thống duy nhất đối chọi với Lukashenko trong cuộc bầu cử vừa qua là một cô giáo chỉ mới 37 tuổi. Cô tên là Svetlana Tikhanovskaya.
Chỉ mới cách đây vài tháng, Tikhanovskaya còn không hề có ý định tham gia chính trị, nói chi đến chức tổng thống.
Mọi thứ thay đổi khi chồng cô, Siarhei Tsikhanouski, bị bắt vào tháng 5/2020, chỉ hai ngày sau khi thông báo ý định ra tranh cử. Tsikhanouski cũng không phải nhân vật tai to mặt lớn gì. Anh chỉ là một blogger có chút danh tiếng.
Thay vì từ bỏ, Svetlana Tikhanovskaya quyết định đứng ra tranh cử thay chồng.
Hợp lực cùng với cô còn có hai người phụ nữ, Maria Kolesnikova và Veronika Tsepkalo. Maria là người quản lý chiến dịch tranh cử của Viktar Babaryka, một ứng viên khác cũng bị bắt giữ. Còn Veronika là vợ của Valery Tsepkalo, ứng viên bị cấm không cho đăng ký tham gia và phải chạy trốn ra nước ngoài.
Việc những người phụ nữ dám đứng lên thách thức quyền lực của lãnh đạo là hiếm thấy ở bất kỳ nơi nào. Nó càng đặc biệt hơn ở nơi mà “bố già” Lukashenko (biệt danh nhiều người Belarus gọi ông) nắm quyền sinh sát gần như tuyệt đối.
Không thèm bỏ tù họ như đã làm với những người đàn ông khác, Lukashenko cười to xem thường, mỉa mai họ là những “cô gái tội nghiệp”, khuyên bảo “lo mà ở nhà nấu ăn cho con đi”.
“Bố già” có lý do để kê cao gối ngủ. Những ứng viên dày dạn có khả năng thu hút quần chúng nhất đều đã bị ông dùng bộ máy an ninh loại bỏ, chẳng có lý do gì để phải lo lắng trước những cô gái trẻ trói gà không chặt này. Huống hồ, như mọi lần trước, đây không phải là cuộc bầu cử đúng nghĩa, khi kết quả đã được định sẵn. Nó chỉ là dịp trưng bày ra các con số phát tài ủng hộ đối với ông, để chứng minh, như lời một cựu quan chức chính quyền nhận xét, là “đến bò cũng yêu mến nhà lãnh đạo của mình”.
Bò yêu lãnh đạo đến đâu là việc khó có thể chứng thực, nhưng những gương mặt phụ nữ mới toanh ngay lập tức thu hút đông đảo sự ủng hộ của người dân. Hàng chục ngàn người tham gia các buổi tập hợp vận động tranh cử của Svetlana Tikhanovskaya.
Sự ủng hộ của người dân dành cho gương mặt mới này cũng tương tự như gần 30 năm trước, khi người Belarus bỏ phiếu bầu cho Lukashenko chỉ vì quá chán ngán những ứng viên còn lại của chính quyền.
Nó càng đáng nói hơn khi Tikhanovskaya tuyên bố rõ ràng cô không có ý định nắm quyền. Mục tiêu của những cô gái chỉ là tống khứ nhà độc tài và ngay sau đó sẽ tổ chức lại một cuộc bầu cử mới, công bằng và tự do theo đúng nghĩa.
Bất chấp sự ủng hộ trên thực tế của người dân dành cho sự thay đổi, khi cuộc bầu cử còn chưa kết thúc, kết quả được công bố như cũ: nhà lãnh đạo vì dân vì nước lại được 80% số phiếu ủng hộ.
Nhưng lần này đến bò cũng không còn nhai nuốt nổi những lời dối trá của chính quyền độc tài.
Các cuộc biểu tình ngay lập tức diễn ra từ đêm bầu cử. Chính quyền cũng ngay lập tức cho cảnh sát đàn áp thẳng tay những người biểu tình ôn hòa.
Khoảng 6.700 người bị bắt giữ, đánh đập, tra tấn, theo The Guardian. Những người vô can cũng thành nạn nhân. Thậm chí đến cả người ủng hộ tổng thống cũng dính đòn. Một đoạn video quay lại cảnh một người đàn ông bị cảnh sát kéo lê, hét lên trong tuyệt vọng: “Mẹ kiếp, tôi đã bầu cho Lukashenko mà!”. Một người bị bắn chết ngay tại chỗ. Cảnh sát cáo buộc anh này cầm “thiết bị gây nổ” trên tay mà không hề trưng ra bằng chứng nào. Internet bị cắt trên toàn lãnh thổ.
Cái chết của người biểu tình cùng những hình ảnh cận cảnh sự tàn bạo của cảnh sát càng làm dân chúng bùng nổ.
Chính quyền của Lukashenko tưởng rằng cũng như những lần trước đây, chỉ cần cho cảnh sát đem dùi cui hơi cay súng đạn ra trấn áp, người dân tự khắc sẽ lại ngoan ngoãn cúi đầu.
Lần này thì khác, khi những người phụ nữ đồng loạt bước ra để chống lại cái ác.
“Giống như mọi người dân Belarus khác, tôi đã ngủ quên trong suốt bao nhiêu năm qua. Tôi có thu nhập ổn định, có gia đình êm ấm, và sống trong chiếc vỏ ốc như tất cả mọi người”, cô giáo 37 tuổi kiêm ứng viên tổng thống bất đắc dĩ Svetlana Tikhanovskaya chia sẻ. Cô không phải người duy nhất.
Marina, một nhạc sĩ 28 tuổi, nói rằng chỉ mới năm ngoái, cô còn không mảy may quan tâm đến chính trị, thoải mái sống trong thế giới song song của mình và không cảm thấy xiềng xích trong đó.
Một Marina khác, người mẹ 54 tuổi, vừa khóc vừa nói: “Tôi sợ chứ, tất nhiên là tôi sợ. Nhưng tôi có một đứa con trai, và tôi không muốn nó phải sống trong một đất nước như thế này.”.
Những người phụ nữ trước nay không hề quan tâm đến quyền lực lẫn chính trị đã cùng nhau bước ra bóng tối. Họ tập hợp lại biểu tình trên khắp các con đường tại Minsk và ở những nơi khác, phản đối các hành động bạo lực của cảnh sát.
“Vũ khí” trên tay họ là những bông hoa. Họ cài hoa lên những chiếc khiên cảnh sát. Họ trò chuyện, thuyết phục, thậm chí ôm chầm và hôn những cảnh sát được trang bị tận răng.
Không khí biểu tình mà những người phụ nữ Belarus mang lại trên đường phố không hề giống với một cuộc cách mạng đẫm máu nào như lời cáo buộc của chính quyền.
Nó giống như một lễ hội ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá quốc gia.
Ở những nơi các cô gái đi qua, còi xe vang inh ỏi từ những tài xế bày tỏ sự ủng hộ và trân trọng.
Svetlana Tikhanovskaya, trước những lời đe dọa từ chính quyền, đã phải trốn sang nước láng giềng Lithuania ngay sau cuộc bầu cử. Nhưng điều đó không ngăn cản người dân Belarus tiếp tục ra đường cất lên tiếng nói của mình.
Vào ngày Chủ nhật vừa qua, hàng trăm ngàn người dân đứng chật kín các con đường lớn tại Minsk trong cuộc biểu tình được xem là lớn nhất trong lịch sử nước này. Cách đó không xa, một cuộc biểu tình khác cũng được chính quyền tổ chức dành cho những người ủng hộ Lukashenko.
Ước tính số người tham gia hai cuộc biểu tình, một tự phát không có người chỉ huy, và một do chính quyền phát động, chênh nhau một trời một vực với tỷ lệ áp đảo 10:1.
Nó càng chứng minh kết quả 80% thắng cử của Lukashenko là một trò hề không hơn không kém.
Như một thứ bệnh nan y chung của mọi nhà độc tài, Lukashenko vẫn tiếp tục thoát ly hiện thực, sống trong bong bóng mơ tưởng của mình, một mực khẳng định người dân tham gia biểu tình là “do thế lực bên ngoài giật dây kích động”, đồng thời cảnh cáo “nếu tôi đi xuống, cả đất nước này cũng sẽ đi xuống”.
Ông muốn người dân tiếp tục tin rằng mình là lựa chọn duy nhất cho đất nước – một di chứng nguy hiểm khác của những cái đầu ngộ độc bởi quyền lực.
Sự tuyệt vọng của Lukashenko thể hiện qua việc ông đã phải cầu cạnh đến hàng xóm phương Bắc, Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhờ giúp đỡ “đảm bảo an ninh”.
Nhiều ý kiến cho rằng số phận của “Bạch Nga” (ý nghĩa tên gọi Belarus) những ngày tiếp theo phụ thuộc vào việc Putin sẽ hành động thế nào. Liệu ông có quyết định gửi quân đội xe tăng vào trấn áp người dân Belarus, tương tự như cách Liên Xô đã cho quân xâm lược Tiệp Khắc vào mùa xuân năm 1968 để triệt tiêu phong trào cải cách của nước này?