Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Khi Luật Khoa gửi đường link các video về vụ án của Hồ Duy Hải từ kênh youtube BSChannel, gợi ý đề tài viết bài, theo thói quen tôi đã hỏi lại “có gấp không”, vì vẫn đang ngập đầu trong những câu chuyện dang dở khác.
Một lúc sau, ba chữ “có gấp không” này mới quay lại đấm thình thịch trong đầu.
Nó thật quá vô tình và nhẫn tâm.
Còn chuyện gì có thể gấp hơn được việc cứu mạng người khác?! Huống hồ đây là một người đã bị tù oan suốt 12 năm qua, và lúc nào cũng trong tình cảnh có thể bị tước đoạt mạng sống chỉ bằng cái chữ ký lạnh tưng của một vị quan chức nào đó?
Cách đây hơn ba tháng, chính xác là 15 tuần, “Hội đồng dao thớt” của 17 vị thẩm phán tối cao đã bất chấp tất cả vẫn tuyên bố Hồ Duy Hải có tội, bóp nát chút hy vọng ít ỏi còn lại về lương tri của những kẻ đứng đầu ngành tư pháp Việt Nam.
Về phần mình, phải rất xấu hổ thừa nhận, đến tận thời điểm đó, lần đầu tiên tôi mới ngồi lại đọc một cách hệ thống tất cả các bài viết về vụ án đã đăng trên Luật Khoa cùng vài chục bài báo ở những nơi khác.
Tôi làm vậy không phải vì phẫn nộ trước công lý bị phỉ nhổ – hiểu biết mù mờ khi ấy về vụ việc chưa đủ để cho tôi nổi giận. Tôi phải làm vậy khi vô tình nhìn thấy một bức ảnh của cô Nguyễn Thị Loan, và ngay lập tức khiến tôi nghĩ đến mẹ mình: cũng dáng vẻ gầy gò, nhỏ bé, khắc khổ đó, cũng ánh mắt xoáy sâu vào người đối diện đó.
Tôi tìm hiểu và viết bài về vụ án Hồ Duy Hải theo một cách rất cảm tính như vậy.
Những đồng nghiệp ở Luật Khoa, các thành viên đã lập ra Báo Sạch, các luật sư, nhà báo, những người nắm giữ tài liệu vụ án… đã hỗ trợ cho gia đình Hồ Duy Hải kêu oan suốt 12 năm qua, có lẽ tất cả cũng bắt đầu bằng một thứ gì đó cảm tính như thế.
Nhưng rất nhanh, họ không còn phải dựa vào niềm tin tâm linh. Càng tìm hiểu, những sự thật càng phơi bày rõ mồn một: có những kẻ đã cố tình tìm trăm phương ngàn kế để cắt gọt cuộc đời Hồ Duy Hải cho vừa với chiếc giường tội phạm.
***
Loạt video do nhóm Báo Sạch thực hiện những ngày qua là tập hợp những bằng chứng như vậy.
Các video ngắn chỉ tầm trên dưới 10 phút được thực hiện trực quan và dễ hiểu. Những người thực hiện còn khéo léo trình bày theo phong cách trinh thám với âm thanh và đồ họa thu hút để những ai thiếu kiên nhẫn nhất vẫn có thể theo dõi trọn vẹn toàn bộ nội dung.
Hàng loạt những điểm vô lý của vụ án được chỉ ra, từ chứng cứ thời gian, các lời khai mâu thuẫn, cho đến những dấu vết hiện trường. Những “sai sót”, hay giờ đây tất cả hãy nói thẳng ra là những trò dối trá bẩn thỉu của cơ quan điều tra nhằm khép tội Hồ Duy Hải cũng được trưng ra lần lượt trước bàn dân thiên hạ: từ các báo cáo, lời khai ban đầu, vật chứng hiện trường đều bị thay đổi, đến việc âm thầm rút khỏi hồ sơ vụ án những bút lục lời khai quan trọng nhất chứng minh Hồ Duy Hải không thể là kẻ phạm tội.
Nhân chứng Đinh Vũ Thường chỉ “nhìn thấy một thanh niên” nhưng lại được cố tình nhét chữ vào mồm “nhìn thấy Hồ Duy Hải” và không hề được triệu tập đến tòa để đối chứng. Bản khai đầu tiên của nhân chứng Hồ Văn Bình xác định về “người thanh niên” tại bưu cục Cầu Voi trước 19:13, thời điểm mà Hồ Duy Hải không thể có mặt tại hiện trường, ngay sau đó được thay bằng một bản khai khác và cố tình loại bỏ đi chi tiết trên. Lời khai của người bán trái cây, được camera giám sát xác nhận, về việc nạn nhân Vân vẫn còn sống vào thời điểm 21:01, trái ngược với nhận định thời gian xảy ra vụ án của cơ quan điều tra, cũng không được đưa vào hồ sơ. Các lời khai quan trọng của Đinh Văn Còi, Lê Thanh Trí đều bị lẳng lặng ém đi không hề trình báo, khi những nhân chứng này xác nhận sự tồn tại của “người thanh niên” với nhân dạng hoàn toàn khác so với Hồ Duy Hải, tại thời điểm mà Hải không thể có mặt tại hiện trường.
Táo tợn hơn, Viện kiểm sát Long An công khai nói dối ngay tại phiên tòa sơ thẩm khi bị chất vấn về chứng cứ vân tay bằng câu trả lời “không giám định được dấu vân tay”, bất chấp kết luận giám định trong bút lục số 53, biên bản của PC21 Phòng kỹ thuật hình sự tỉnh Long An trước đó đã xác nhận các dấu vân tay thu được tại hiện trường vụ án “không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”.
Và còn vô số những điểm phi lý khác mà bạn đọc chỉ có thể tự cảm nhận bằng việc xem trực tiếp các video.
***
Những ai ưa thích truyện trinh thám chắc hẳn đều quen thuộc với nhân vật thám tử Hercule Poirot trong các tác phẩm của nhà văn Agatha Christie.
Một trong những câu nói nổi tiếng nhất của thám tử Poirot, một người chuyên dùng logic lạnh lùng để nhìn thế giới này, là “có đúng, có sai, và không có gì nhập nhằng ở giữa hai thứ này”.
Trong tác phẩm “Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông”, đối diện với một vụ án ngoài sức tưởng tượng của mình, Hercule Poirot đã phải thay đổi suy nghĩ.
“There was right, there was wrong, now there is you.”
Vụ án của Hồ Duy Hải cũng ngoài sức tưởng tượng của rất nhiều người đến mức chúng ta có thể thốt lên tương tự như cách thám tử đại tài Poirot đã nói.
“Có đúng, có sai, và giờ đây có Hồ Duy Hải.”
Vụ án Hồ Duy Hải vượt ra khỏi ranh giới đúng sai không phải vì người ta không thể xác nhận đúng sai, mà vì những người có quyền có thế đã dùng tất cả những thủ đoạn thâm hiểm nhất để ép cho bằng được một người vô can làm con dê tế thần. Những trò biến tấu sự thật đó vượt ra khỏi lương tri thông thường của tuyệt đại đa số nhân loại, khiến người ta phải tự hỏi vì sao trên đời lại tồn tại những giống người như vậy.
Càng nổi giận với những dối trá đã, đang và sẽ được phơi bày, chúng ta lại càng khâm phục gia đình Hồ Duy Hải, những luật sư, nhà báo, những người đồng hành tiếp sức cùng họ trong hành trình đằng đẵng 12 năm qua giành lại công lý, bất chấp những đe dọa chực chờ từ những kẻ có thế lực, vượt qua những bỉ bôi xàm xí từ những kẻ bàng quan vô cảm.
Đất nước này ngày nào vẫn còn những con người dũng cảm như vậy, dân tộc này vẫn luôn sáng hy vọng.
Mỗi một thế hệ đều có những vụ án được xem là gắn liền với nó. Hồ Duy Hải chắc chắn là một vụ án của thế hệ chúng ta.
Nếu bạn cũng giống như tôi, không theo dõi vụ án ngay từ đầu, điều ít nhất bạn có thể làm là chia sẻ những video của nhóm Báo Sạch cho càng nhiều người càng tốt.
Khi thể chế chúng ta đang sống vẫn còn cấm cản người dân dùng phiếu bầu của mình để quyết định số phận đất nước, mỗi một lượt xem, lượt chia sẻ chính là một “lá phiếu cho công lý”.
Để khi những đứa trẻ mai sau hỏi lại, bạn có thể nhìn thẳng vào mắt chúng trả lời:
Vào thời khắc đó, tôi đã bỏ phiếu cho lương tri.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.