Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Tôi luôn tin tưởng vào sự chóng vánh và hiệu quả của mạng xã hội Việt Nam.
Nhờ vào mạng xã hội, quá trình công dân kiểm tra, giám sát, phản biện các hoạt động của chính quyền mới phần nào được định hình, thứ quyền mà sau hơn một trăm năm đấu tranh, người Việt Nam vẫn chưa được hưởng.
Tuy nhiên, việc sử dụng mạng Internet để chĩa mũi dùi vào các cá nhân, như người mẹ nhỏ tuổi trong vụ việc bé sơ sinh bị vứt kẹt tường, là một trong số ít các trường hợp mà người viết tin rằng chúng ta cần cẩn thận cân nhắc hành vi tung thông tin cá nhân của người mẹ như một cách “trừng phạt”.
Hiện nay, pháp luật nhiều quốc gia đều ghi nhận và quy định tội giết con mới đẻ ở một điều khoản với những cân nhắc đặc biệt về tình trạng sức khỏe, tinh thần và sức ép của dư luận xã hội lên người mẹ.
Hai thuật ngữ pháp lý phổ biến nhất dành cho tội giết con mới đẻ là “infanticide” và “neonaticide”, tạm gọi chung là giết con mới đẻ.
Infanticide là kết hợp giữa hai thành tố latin infans– (tức con, trẻ) và -cide (tức giết hại). Hành vi giết con của mình khi trẻ chưa đủ một năm tuổi được gọi là hành vi infanticide.
Neonaticide là kết hợp giữa hai thành tố latin neonati- (tức sơ sinh) và -cide (tức giết hại). Hành vi giết con của mình khi trẻ vừa được sinh ra và trong vòng 24 giờ tuổi thì sẽ được gọi là neonaticide.
Theo nghiên cứu tổng hợp “Neonaticide, Infanticide, and Filicide: A Review of the Literature”, giết con mới đẻ đi cùng với lịch sử của loài người, và thậm chí hằn vào tiềm thức của loài người như một thứ văn hóa.
Trẻ bị bệnh, không khỏe mạnh, có dị tật ở thời săn bắn hái lượm thường bị xem là một sự lãng phí đối với nguồn lực có hạn có bộ tộc.
Trẻ em ở nền văn minh Ai Cập có thể bị chôn sống cùng với cha hoặc mẹ khi họ mất, được cho là để đồng hành cùng người chết sang bên kia thế giới.
Các nền văn hóa Trung Quốc hay Nhật Bản thường xem con gái chỉ là một “của nợ” và “có thể giết tùy ý”.
Đặc biệt hơn, một số nền văn minh còn tích hợp cả quyền “giết con” vào hệ thống pháp luật của mình.
Theo pháp luật La Mã cổ đại, patria potestas là một nguyên tắc pháp lý công nhận quyền tuyệt đối của người cha trong hộ gia đình, kể cả việc giết con mình.
Ở Nhật Bản cổ đại và trung đại, mabiki là thuật ngữ tập quán pháp để chỉ việc giết con mới đẻ. Sau khi trẻ được sinh ra, bà mụ sẽ hỏi ý kiến người cha rằng ông có muốn giữ con của mình không. Nếu câu trả lời là không, chính bà mụ này (mà không phải người mẹ) sẽ thực hiện nghi lễ modosu, tức gửi đứa con trời ban trở về với thiên đàng.
Nếu pháp luật cổ và các tập quán ưu tiên quyền lực tuyệt đối của người cha đối với con, pháp luật hiện đại không còn bảo hộ người cha khỏi hành vi giết người của người cha đối với con nữa.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chúng ta buộc phải ghi nhận quy định pháp luật riêng biệt nhằm bảo vệ người mẹ, vốn là người mang nặng đẻ đau và rất dễ bị tổn thương do trách nhiệm nuôi con và áp lực xã hội.
Mục tiêu nhân đạo này (merciful intention) được hệ thống án lệ Anh dành gần 100 năm để hoàn thiện kể từ lúc Đạo luật Giết con mới đẻ – Infanticide Act 1938 – ra đời)
Năm 2017, Rachel Tunstill sinh ra một cháu bé – một mình – trong phòng tắm của gia đình. Rachel đâm cháu bé, quấn lại bằng bao ni-lông và đặt xác của con trong thùng rác nhà bếp.
Thẩm phán tòa sơ thẩm tuyên Rachel tù chung thân, với 20 năm thi hành án tối thiểu.
Ông bỏ mặc quan điểm của các bác sĩ tâm thần pháp y, rằng việc sinh con đã khiến Tunstill trải qua một “phản ứng căng thẳng cấp tính”. Riêng chuyên gia y tế bảo vệ Rachel cũng thêm là tình trạng sức khỏe tâm thần không ổn định của cô đã được ghi nhận từ trước, và bị làm “trầm trọng thêm” vì ca sinh trong cô độc.
Vị thẩm phán lập luận rằng chỉ khi nào tình trạng sức khỏe tâm thần của người mẹ bị ảnh hưởng độc nhất vì lý do sinh con thì tội danh giết con mới đẻ (Infanticide) mới được áp dụng để bảo vệ Rachel.
Tòa Phúc thẩm nhanh chóng lật lại vụ việc.
Họ khẳng định hệ thống thông luật Anh đặt ra khái niệm giết con mới đẻ là nhằm mục tiêu nhân đạo, bảo vệ người mẹ khỏi nhiều yếu tố về sức khỏe tâm thần, áp lực xã hội, khó khăn của việc sinh con cũng như việc nuôi dạy con trong tương lai. Thực tế phụ nữ phải giấu giếm chuyện mang thai, sinh con một mình và không được hỗ trợ tâm lý, sức khỏe sinh sản của đội ngũ chuyên gia… tự thân nó đã là một yếu tố gây bất ổn tâm lý cần được thông cảm.
Hiện nay, ở Vương quốc Anh, tội danh giết con mới đẻ ít khi phải chịu hình phạt tù mà thay vào đó là các biện pháp hỗ trợ, trị liệu tâm lý bắt buộc cùng thời gian thử thách trong cộng đồng.
Tại Hoa Kỳ, theo tờ Chicago Tribute, hành vi giết con mới đẻ (nhưng thống kê theo nhóm neonaticide) diễn ra ở mức 150 – 300 vụ mỗi năm, chưa tính đến sai số của những vụ có thể không được phát hiện.
Các nghiên cứu được tờ này trích dẫn cũng cho thấy những người mẹ giết con mới đẻ thường rất trẻ, dao động từ độ tuổi vị thành niên đến phụ nữ những năm đầu hai mươi. Họ cách biệt với cha đứa bé cũng như thiếu thốn sự ủng hộ tinh thần từ gia đình hay bạn bè.
Khác với Anh, Hoa Kỳ không có một hệ thống pháp luật thành văn lẫn án lệ hoàn chỉnh để điều chỉnh hành vi giết con mới đẻ một cách khác biệt so với các tội danh giết người khác.
Tuy nhiên, lịch sử các bản án cho thấy giới luật sư và chuyên gia tâm lý Hoa Kỳ xây dựng được một nhóm các lập luận bào chữa tương đối hiệu quả. Theo đó, các vấn đề tâm lý về lòng tự tôn thấp, khả năng kiểm soát xung đột kém, trầm cảm, lo lắng, chứng bệnh hành vi chống đối xã hội… kết hợp với triệu chứng rối loạn thần kinh sau sinh (postpartum psychosis) đều rất dễ chứng minh đối với những người mẹ thực hiện hành vi giết con mới đẻ. Điều này giúp cho những người mẹ có cơ hội được tha bổng hoặc chịu hình phạt nhẹ hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia tư pháp hình sự Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục kêu gọi từ bỏ việc xem hành vi giết con mới đẻ là có tính hình sự đương nhiên (manifested criminality).
Pháp luật Việt Nam cũng có quy định khá cụ thể về tội giết con mới đẻ.
Theo đó, thay vì sử dụng các mốc là một ngày hay một năm, chúng ta hiện đang sử dụng mốc chỉ bảy ngày để có những cân nhắc đặc biệt:
Điều 124. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Giảng giải về mặt cấu thành, tư tưởng lạc hậu thường gắn liền với các hủ tục về tư tưởng trọng nam khinh nữ, áp lực xã hội về việc con không có cha… Hoàn cảnh khách quan đặc biệt thường viện dẫn đến các trường hợp như con sinh ra có dị tật, mắc bệnh hiểm nghèo…
Nói về tính hợp lý và sự tiến bộ đầy đủ của điều luật này thì rõ ràng chúng ta cần có thời gian và không gian để bàn bạc chi tiết thêm. Nhưng có thể khẳng định rằng pháp luật Việt Nam cũng đã cân nhắc việc bảo vệ một phần nào đó quyền lợi của người mẹ, cân nhắc tại thời điểm họ dễ tổn thương nhất về thể chất lẫn tinh thần.
Mặc khác, việc đặt ra cách tiếp cận pháp lý như thế này cũng là một cách để giảm thiểu đặc tính phụ hệ – gia trưởng vẫn còn nặng nề, nơi mà người mẹ bị áp đặt mọi trách nhiệm về nuôi nấng, dạy dỗ con cái; sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần của trẻ nhỏ.
Đăng tải thông tin của những người mẹ này lên với mục tiêu làm nhục, đe dọa đi ngược lại mọi giá trị tiến bộ mà chúng ta muốn hướng tới.
Không chỉ vậy, nó cũng không thể giải quyết tận gốc vấn đề mà đáng lẽ các chương trình giáo dục cần giải quyết, từ sức khỏe sinh sản, an toàn trong quan hệ tình dục, trách nhiệm của nam giới trong quan hệ tình dục, an toàn thai sản và phụ khoa ở bé gái… Đấy đều là những chủ đề bị bỏ ra khỏi chương trình đào tạo chính thức, dành sóng cho các chương trình đậm chất chính trị từ trước đến nay.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.