Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Tác giả Võ Văn Quản trong bài viết Từ COVID-19 nói về “dân trí thấp” có kết luận về dân trí tại Việt Nam “hiểu theo cái nghĩa đen của nó, rất cao. Cao không thua kém gì Hoa Kỳ”.
Là một người đọc sách, biết mình, biết ta khi so sánh với dân trí của các quốc gia phát triển trên thế giới, tôi không đồng ý với kết luận trên vì điều đó tạo nên sự huyễn hoặc về trình độ dân trí của dân tộc chúng ta trong suy nghĩ của nhiều người khi so sánh với dân trí của các quốc gia khác. Việc đánh giá cao về dân trí của dân tộc cũng gây ra nhiều hệ lụy không kém việc đánh giá thấp dân trí để biện minh cho việc cầm quyền.
Trong bài viết, tác giả sử dụng các hành vi phi lý trí của con người thường xảy ra trong cuộc khủng hoảng COVID-19 như từ chối xét nghiệm, tranh nhau mua khẩu trang, giấy vệ sinh… từ nhiều dân tộc được xem là có dân trí cao ở các quốc gia phát triển để nói rằng trong khủng hoảng các hành vi phi lý trí đó quốc gia nào cũng có, kể cả Việt Nam.
Kinh tế học hành vi đã nghiên cứu và cho thấy rằng con người trên toàn thế giới đôi khi có những quyết định rất phi lý tính, đặc biệt trong những tình huống tác động mạnh đến an toàn của bản thân. Nói như cuốn sách Tư duy nhanh và chậm của nhà tâm lý học từng đạt giải Nobel Kinh tế Daniel Kahneman, bộ não con người chia làm hai phần: một phần suy nghĩ và hành động rất nhanh dựa trên cảm xúc, một phần suy nghĩ và hành động rất chậm dựa trên lý tính. Trong một tình huống mang tính khẩn cấp thì tất cả mọi người tranh nhau vơ vét khẩu trang, hay giấy vệ sinh là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Điều đó không liên quan gì đến trình độ dân trí của dân tộc, thứ vốn chịu ảnh hưởng của tư duy chậm.
Tác giả cũng sử dụng tỷ lệ biết chữ và trình độ giáo dục đại học và sau đại học của Việt Nam để dẫn chứng cho việc Việt Nam có trình độ dân trí cao. Theo tôi, việc sử dụng chỉ tiêu đánh giá này không sai nhưng còn nhiều thiếu sót.
Thứ nhất, hệ thống giáo dục của các quốc gia rất khác nhau. Chỉ cần nhìn vào sách giáo khoa và chương trình học của Mỹ cũng sẽ thấy rất khác so với Việt Nam. Nếu tác giả có điều kiện có thể tìm hiểu các chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam theo hệ quốc tế và so sánh với chương trình giáo dục theo chương trình của Bộ Giáo dục Việt Nam sẽ thấy sự khác biệt lớn giữa hai chương trình này. Trong khi chương trình hệ quốc tế trong một lớp học có ít học viên, giáo viên tôn trọng học viên, các học viên có nhiều tự do lựa chọn thì chương trình của Bộ giáo dục trong một lớp học có đông học viên, giáo viên dạy theo kiểu thầy đọc, trò chép, các học viên có rất ít tự do lựa chọn. Với hai cách dạy và học rất khác nhau thì dĩ nhiên dân trí, đầu ra của hai phương pháp đó cũng khác nhau.
Một trong những lý do người ta cần đánh giá thu nhập bình quân đầu người của một quốc gia dựa trên sức mua tương đương của mỗi nước, thay vì đơn giản là lấy GDP chia cho đầu người, là vì một đô-la ở Việt Nam có giá trị khác với một đô-la ở Mỹ. Hai nước có GDP bình quân đầu người bằng nhau nhưng nước nào có giá cả sinh hoạt thấp hơn thì thu nhập thực tế của người dân nước đó cao hơn.
Cũng tương tự như vậy, việc tốt nghiệp một trường đại học ở Mỹ khác rất xa với tốt nghiệp một trường đại học Việt Nam. Nếu coi bằng đại học là một loại tiền tệ (currency) thì bằng đại học Việt Nam có giá trị thấp hơn nhiều so với bằng đại học Mỹ.
Thứ hai, tôi đề nghị để so sánh nên thêm chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người ngang giá theo sức mua để đánh giá trình độ của các quốc gia trên thế giới mặc dù so sánh này vẫn mang tính khập khiễng rất lớn. Các quốc gia có dân trí cao hơn nhiều khả năng sẽ có mức thu nhập cao hơn vì giáo dục tốt hơn sẽ mang lại thu nhập trong tương lai cao hơn.
Con số chênh lệch thu nhập bình quân đầu người phản ánh sự chênh lệch về nhiều mặt giữa các quốc gia với nhau.
Thứ ba, một chỉ tiêu bổ sung để đánh giá dân trí của các quốc gia là đánh giá bằng lượng sách vở mà mỗi người dân đọc hàng năm. Nếu người dân Việt Nam có dân trí cao thì số lượng sách xuất bản sẽ lớn không kém gì các quốc gia như Nhật Bản hay Mỹ, sách vở của các tác gia Việt Nam xuất bản lên tới hàng triệu cuốn thay vì vài ngàn cuốn như hiện nay, các sách của Việt Nam xuất bản sẽ được các nhà xuất bản nước ngoài mua bản quyền để dịch sang tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Trung Quốc để độc giả các quốc gia đó đọc.
Thực tế cho thấy mỗi năm người Việt Nam đọc khoảng hơn 1 cuốn sách, người Mỹ là 12 cuốn sách, người Anh là 10 cuốn. Sách của Việt Nam xuất bản đa số là sách dịch từ những cuốn sách mà tác giả sinh ra và làm việc ở các quốc gia phát triển. Số lượng sách do người Việt Nam tự viết đã ít, số sách do người Việt Nam viết ra và được dịch sang tiếng nước ngoài còn ít hơn.
Thứ tư, một cách khác để đánh giá dân trí đó là dòng chảy của các du học sinh. Một quốc gia có dân trí cao sẽ thu hút du học sinh từ các quốc gia khác đến sinh sống và học tập để tiếp thu nền giáo dục và văn hóa của quốc gia đó mang về nước để làm việc. Nếu Việt Nam là một quốc gia có dân trí cao thì du học sinh các quốc gia như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, và thậm chí là các quốc gia ở trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore… sẽ chuyển sang Việt Nam du học.
Thực tế cho thấy có rất nhiều du học sinh Việt Nam sau khi tốt nghiệp trung học phải sang các quốc gia phát triển để du học và có rất ít du học sinh nước ngoài vào Việt Nam du học. Dòng chảy của du học sinh ra nước ngoài du học mạnh đến mức nhiều bài báo xuất hiện báo động tình trạng chảy máu ngoại tệ vì du học.
***
Tôi nghĩ rằng, khi đánh giá tình trạng dân trí của một quốc gia, chúng ta nên nhìn toàn diện hơn về nhiều mặt để biết mình đang đứng ở đâu. Từ việc đánh giá một cách trung thực vị trí mình đang đứng, chúng ta sẽ phấn đấu, từ đó tạo nên sự thay đổi hơn là tự huyễn hoặc dân tộc mình có dân trí cao không thua gì các dân tộc đã phát triển khác.
Có một giả thuyết tôi muốn đặt ra để tác giả cùng suy nghĩ đó là để xây dựng một xã hội dân chủ, tự do như các quốc gia phương Tây hay như Nhật Bản thì nền kinh tế của quốc gia cùng với hệ thống giáo dục và nền dân trí phải phát triển đến một mức độ nào đó thì cả hệ thống mới chuyển sang được một nền dân chủ bền vững. Nếu dân trí của một quốc gia đủ cao thì sẽ xuất hiện hình thức cai trị phù hợp với nền tảng dân trí đó, nói cách khác đó là một cuộc cách mạng nội tại sẽ diễn ra.
Dĩ nhiên, giả thuyết này sẽ gây ra rất nhiều tranh luận trong giới đấu tranh dân chủ ở Việt Nam vì hệ quả của giả thuyết này đó là Việt Nam chưa đủ các điều kiện chín muồi để công cuộc chuyển đổi dân chủ thành công trong tương lai gần. Nhưng nếu chấp nhận giả thuyết này là đúng thì việc cần làm đó chính là kiên nhẫn tận dụng các nguồn lực trong điều kiện hiện tại để nâng cao dân trí, khi dân trí của toàn dân được nâng lên một mức độ phù hợp, sự thay đổi về thể chế chính trị chắc chắn sẽ diễn ra.
Đọc thêm:
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.