Luật pháp và ngôn luận – Kỳ 3: Trường hợp phát ngôn thù hận

Ảnh: technologyreview.com.
Ảnh: technologyreview.com.

Các thảo luận về tự do ngôn luận và giới hạn đối với tự do ngôn luận đến nay vẫn chưa có hồi kết. Trong bài viết trước về hai chiều của Tự do ngôn luận và Tự do xúc phạm, dường như người viết và nhiều độc giả vẫn không tìm thấy được một điểm chung về một trần triết học hợp lý của phát ngôn xúc phạm. Và chúng ta cũng không thống nhất được sự ưu tiên tuyệt đối cần có dành cho tự do ngôn luận

Vậy với loạt bốn bài viết này, có lẽ người viết cần thay đổi cách tiếp cận.

Ai cũng có thể đồng ý rằng không có quyền tự do ngôn luận tuyệt đối. Đó là thứ mà ngay cả John Stuart Mill, triết gia lừng danh hàng đầu về chủ nghĩa tự do và luôn bảo vệ nhiệt thành quyền tự do ngôn luận, cũng phải thừa nhận. Vậy vấn đề cuối cùng chỉ là: Trong những trường hợp cụ thể nào thì pháp luật nên can thiệp để kiểm soát quyền tự do ngôn luận? Và nếu kiểm soát thì kiểm soát như thế nào?

Loạt bốn bài này là một cẩm nang bỏ túi cho từng trường hợp để bạn đọc xem xét và cân nhắc.

Kỳ 1: Trường hợp xúc phạm, phỉ báng, và bôi nhọ
Kỳ 2: Trường hợp kích động lật đổ chính quyền

***

Kỳ 3: Trường hợp phát ngôn thù hận

Khái niệm – Cấu thành:

Nhìn chung, phát ngôn thù hận (hate speech) là một dạng phát ngôn xúc phạm, phỉ báng hay bôi nhọ mà chúng ta đã nhắc đến ở kỳ 1 của loạt bài này. Tuy nhiên, điểm làm chúng vô cùng khác biệt (hay thậm chí nguy hiểm hơn) là vì chúng nhắm vào toàn bộ một nhóm thiểu số nhất định (thay vì chỉ một cá nhân) dựa trên lý do sắc tộc, quốc tịch, màu da, tôn giáo, giới tính hay nguồn gốc xuất thân… của những người bị tấn công.

Phân biệt chủng tộc, phân biệt tôn giáo là những vấn đề cực kỳ nhạy cảm trong lịch sử thế giới loài người.

Hầu hết các cuộc chiến tranh, xung đột và diệt chủng trong hai thế kỷ trở lại đây đều xoay quanh vấn đề sắc tộc và tôn giáo, mà chắc chắn phải kể đến nạn diệt chủng người Do Thái, nạn diệt chủng sắc dân Tutsi tại Rwanda, nạn diệt chủng người Bosnia trong chiến tranh Serbia…

Cân nhắc chặng đường lịch sử và những tổn hại mà phát ngôn thù hận gây ra, người viết hiểu và ủng hộ việc hầu hết các nhà nước đều rất quyết liệt chặn đứng những hình thức biểu đạt xúc phạm đến một nhóm cộng đồng bằng việc áp đặt định kiến lên các nhóm dân cư.

Tuy nhiên, cũng không nên vì định nghĩa tương đối rộng này mà cho rằng mọi phát ngôn có tính xúc phạm đến một sắc dân, một nhóm cộng đồng đều sẽ bị xem là phát ngôn thù hận và có thể bị xử lý theo pháp luật.

Trong hai bản án của Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECtHR) là Surek v. TurkeyGündüz v. Turkey, ECtHR định nghĩa phát ngôn thù hận là tất cả những hình thức biểu đạt truyền bá, kích động, cổ súy hoặc biện minh cho hận thù chủng tộc, bài ngoại, tâm lý bài Do Thái… và các dạng thù hận nhóm khác. Song các thẩm phán cũng nhấn mạnh rằng phát ngôn thù hận không đơn giản chỉ là các từ, câu mang tính xúc phạm hay ghê tởm, những phát ngôn ấy còn có có khả năng tăng cường định kiến, kích động lòng thù hận hay vũ lực.

Để hiểu thêm cho các tiếp cận này, chúng ta cũng có thể nghiên cứu án lệ Beauharnais v. Illinois, 343 U.S. 250 (1952) của Mỹ.

Theo đó, Beauharnais, Chủ tịch Bạch Viên Liên Hội (White Circle League), sản xuất và phân phát hàng loạt các tờ rơi kêu gọi người da trắng đoàn kết lại trước sự xâm lấn của người “N*gr*” (một thuật ngữ mang tính xúc phạm đối với người Mỹ gốc Phi). Ông khẳng định, nếu người da trắng không nhanh chóng phản ứng, “bọn N*gr* sẽ mang theo các tệ nạn như cưỡng hiếp, trộm cắp, dao, súng và cần sa”, phá hoại hoàn toàn các khu dân cư da trắng kiểu mẫu.

Cả Tối cao Pháp viện tiểu bang Illinois và Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đều cho rằng việc xử lý hình sự Beauharnais là phù hợp với nền tảng pháp luật Hoa Kỳ.

Ông không chỉ gọi người Mỹ gốc Phi bằng danh từ mang tính xúc phạm, ông còn chủ động mô tả và xây dựng định kiến về sự sa đọa, tội ác, đức tính của người Mỹ gốc Phi nhằm cổ xúy sự khinh thường, chế giễu, cô lập và thậm chí là sử dụng vũ lực đối với họ.

Cách tiếp cận và can thiệp của pháp luật

Trong bối cảnh của phát ngôn thù hận, nếu đã chứng minh được tính nguy hiểm và khả năng kích động thù hận, vũ lực của phát ngôn, chúng ta nên ủng hộ việc xây dựng một khung hình phạt hình sự phù hợp để hạn chế, răn đe và trừng phạt hợp lý các cá nhân, tổ chức cố tình lan truyền chúng. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát các tư tưởng bạo lực hướng tới các nhóm dân thiểu số, không tạo điều kiện cho những phát ngôn này phát tán trên diện rộng và từ đó bảo đảm sự an toàn, nhân phẩm của những nhóm yếu thế.

Tại Việt Nam, Điều 116 về tội phá hoại chính sách đoàn kết là điều khoản gần nhất mà người viết có thể tìm được liên quan đến kiểm soát ngôn luận về sắc tộc, tôn giáo và các vấn đề tương tự.

Hành vi vi phạm có thể kể đến gồm: “gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam” hay “gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội”.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, vì cho rằng nạn nhân của dạng hành vi này là “chính quyền nhân dân”, cách áp dụng của pháp luật hình sự Việt Nam có thể không nhắm vào việc bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi chính đáng của những nhóm thiểu số dễ bị tổn thương. Ngược lại, nó lại thường bảo vệ trật tự sẵn có (status quo) vốn do người Kinh chiếm ưu thế, và hạn chế các tiếng nói phản biện chính sách, phản biện bất công.


Kỳ 4 và hết: Trường hợp ca ngợi khủng bố

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.