Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Việc chính quyền Cuba tuyên bố viện trợ y tế cho Việt Nam, và rằng chuyên gia y tế Cuba quyết tâm sát cánh với đội ngũ y bác sĩ Việt Nam trên tuyến đầu vùng tâm dịch Quảng Nam – Đà Nẵng khiến cư dân mạng Việt Nam nức lòng. Kèm theo đó là hàng ngàn lời có cánh cho nền y tế Cuba.
Nhân dịp này, người viết xin giới thiệu một vài đặc điểm mà có thể rất nhiều độc giả Việt Nam chưa biết về nền y tế và các y bác sĩ của quốc gia cộng sản anh em.
Trong những năm tháng Chiến tranh Lạnh, Cuba khá đơn độc tại “sân nhà” với sự phản đối quyết liệt của toàn bộ các thành viên của Tổ chức Các Quốc gia Châu Mỹ (Organisation of American States – OAS). Năm 1963, sau nhiều nỗ lực hòa giải và bình thường hóa quan hệ không thành với chính quyền Fidel Castro, OAS trục xuất Cuba khỏi tổ chức. Điều này buộc Cuba phải tìm kiếm các mối quan hệ ngoại giao đồng minh ở nơi khác.
Vì vậy, họ thử vận may với phái đoàn y tế đầu tiên xuất ngoại sang Algeria, một quốc gia vừa trải qua cuộc “kháng chiến chống Pháp” với nền y tế rệu rã không còn bất cứ gốc nền nào sau khi các bác sĩ Pháp trở về nước. Phái đoàn “ngoại giao” y tế này được xem là một thành công lớn, tiếp tục là nền tảng cho mối quan hệ gần gũi giữa hai quốc gia cho đến tận ngày nay.
Chính quyền Cuba từ đó nhận ra một cơ hội có một không hai: các quốc gia đang phát triển, các quốc gia vừa thoát khỏi chiến tranh giành độc lập ở châu Á, châu Phi hay Trung Đông… vừa không đủ tiềm lực tài chính để xây dựng một nền y tế hoàn thiện, vừa không đủ thời gian đào tạo đội ngũ nhân viên y tế lành nghề. Vì lý do này, Havana tập trung đầu tư vào đào tạo đội ngũ y sĩ, bác sĩ, từ đó biến họ trở thành các “phái đoàn ngoại giao” rất đặc trưng của riêng mình.
Cần nhớ rằng bác sĩ Cuba rất giỏi và uyên bác về y tế dự phòng, dịch bệnh truyền nhiễm, thực phẩm và các loại bệnh căn bản. Đấy là quá đủ cho các quốc gia kém và đang phát triển. Còn so họ với đội ngũ bác sĩ chuyên môn hoá kỹ thuật cao của các quốc gia phát triển là câu chuyện rất khác. Về chất lượng thật sự của các bác sĩ và đội ngũ y tế của Cuba thì chúng ta có lẽ cần một bài viết riêng để phân tích. Tuy nhiên, nói về số lượng và mô hình đào tạo thì sự can thiệp của chính phủ khiến cho sự đồng bộ và phân công hoá của đội ngũ bác sĩ này khá ổn định.
Suốt nhiều thập kỷ, mỗi khi chính quyền các quốc gia đang phát triển không chấp nhận những áp lực cải cách từ phía châu Âu, Hoa Kỳ, hay thậm chí là Liên Hiệp Quốc, họ tìm đến Cuba như là một giải pháp y tế tức thời, giá rẻ, chất lượng tốt.
Vào năm 2013, Cuba ký kết được một hợp đồng dịch vụ y tế giá hời với vị tổng thống cánh tả đương nhiệm của Brazil lúc đó là Dilma Rousseff. Brazil chấp nhận trả đến 3.600 USD cho mỗi bác sĩ Cuba mỗi tháng. Với hơn 8.300 bác sĩ làm việc tại Brazil, hợp đồng này mang lại 360 triệu USD mỗi năm – một con số khổng lồ.
Hiện Cuba cũng có rất nhiều thỏa thuận đổi bác sĩ lấy… tiền với Algeria, Kenya, Uganda, và hàng loạt các quốc gia khác. Ước tính có hơn 50.000 bác sĩ Cuba đang làm thuê tại hơn 67 quốc gia, mang về khoảng 11 tỷ Mỹ kim mỗi năm, vượt qua tất cả các sản phẩm xuất khẩu lừng danh của đảo quốc này như xì gà hay đường mía. Fidel Castro tự hào gọi đó là “đội quân áo trắng”. Và hiển nhiên, quân đội thì không thể cho mượn miễn phí.
Cũng vì xuất khẩu nhiều bác sĩ đến vậy, dù số lượng bác sĩ bình quân trên dân số của Cuba khá cao, một lượng lớn lại đang làm nhiệm vụ ở nước ngoài và không thể phục vụ nhu cầu trong nước. Trong bối cảnh năng lực sản xuất và phát triển kinh tế yếu kém, sự có mặt của “đội quân áo trắng” trở thành quân át chủ bài để tìm ngoại tệ, tránh cấm vận và duy trì sức mạnh cho chính thể chuyên chế mỗi năm vẫn còn bắt giữ tùy tiện hàng ngàn người bất đồng chính kiến.
Bạn đọc bình tĩnh, người viết không phải là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ này.
Vào năm 2018 vừa đây, tổng thống tân cử Jair Bolsonaro của Brazil đã buông lời thóa mạ nhóm bác sĩ Cuba đang làm việc tại quốc gia này. Ông gọi họ là những “nô lệ” hiện đại của chính quyền Cuba, những người phải giao nộp toàn bộ lương thưởng của mình cho chính quyền cộng sản và không có chức năng nào khác hơn là nuôi sống những kẻ độc tài ở Havana.
Hiển nhiên, ai theo nghề bác sĩ cũng có thể có một hoài bão tốt đẹp. Nhưng ở Cuba, bạn sẽ bị lệ thuộc rất lớn vào sự điều động của chính quyền.
Họ phải đi những nơi chính quyền Cuba yêu cầu.
Họ phải sống theo điều kiện mà chính quyền Cuba cho phép.
Họ phải nhận mức lương mà chính quyền Cuba chỉ định.
Bạn có thể biện luận rằng các bác sĩ tại Cuba được đào tạo miễn phí theo các chương trình của chính phủ, nhưng điều này không thể đồng nghĩa với việc họ mất đi quyền tự do cá nhân và trở thành con rối mà Havana muốn làm thế nào thì làm.
Thực tế, vào năm 2017, đã có hơn 150 bác sĩ Cuba đang làm việc tại Brazil đệ đơn kiện lên nhiều tòa án của Brazil, cho rằng họ cần được hưởng lương và đãi ngộ đầy đủ như các chuyên viên độc lập thay vì chỉ là những cá nhân đại diện cho nhà nước Cuba và chịu ràng buộc tương ứng.
Một số bác sĩ thành công trong việc được công nhận là những chuyên viên độc lập và từ đó nhận lương đầy đủ. Nhiều thẩm phán Brazil cho rằng loại hợp đồng và sự kiểm soát mà chính quyền Havana dành cho các bác sĩ của mình không khác gì các hợp đồng nô lệ hiện đại và điều đó là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, cũng có nhiều bác sĩ không thành công với đơn kiện của mình và bị trục xuất trở về nước, đối mặt với các tội danh hình sự mà chính quyền Cuba dành cho họ.
Theo một số điều tra, phía chính quyền Cuba có thể tự ý lấy đi 75% mức lương mà quốc gia thuê đồng ý trả, và thậm chí là 90% nếu là các quốc gia phát triển giàu có. Gia đình của các bác sĩ có thể bị biến thành con tin bất kỳ lúc nào nếu họ từ chối hay có các dấu hiệu chống đối khi thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài.
Hiện nay, Bolivia, Ecuador và Brazil là ba quốc gia Nam Mỹ đầu tiên chấm dứt các thỏa thuận thuê chuyên gia y tế từ phía Cuba như một biện pháp phản đối cách mà chính quyền quốc gia Cuba đối xử với công dân của họ.
Tuy vậy, các bác sĩ Cuba lại gặp một trở ngại khi muốn chạy trốn sang Mỹ. Được biết, trong giai đoạn cầm quyền, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cho dừng chương trình Ân xá Y tế (Medical Parole) dành cho các bác sĩ Cuba, vốn được thiết kế để giúp những bác sĩ chạy thoát khỏi quốc gia này có cơ hội xin thị thực và xin việc làm nhanh chóng hơn ở Mỹ.
***
Vậy nên, nếu chúng ta không tiếc lời khen ngợi nền y tế Cuba và sự chân thành của họ khi giúp đỡ người Việt Nam, có lẽ cũng cần xem xét rằng những vị bác sĩ đến Việt Nam có được đối xử như họ xứng đáng được đối xử hay không.