‘Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín’ - vết thương sâu hoắm của chiến tranh
Những con người bị cuộc chiến cuốn trôi.
Trong suốt một thời gian dài, người Mỹ gốc Việt là thành trì ủng hộ trung kiên của Đảng Cộng hoà. Tình hình có vẻ đang thay đổi.
Có hơn hai triệu người gốc Việt đang sinh sống tại Hoa Kỳ, theo thống kê chính thức năm 2018. (trong bài này, xin gọi tắt là “người Việt”). Khoảng 60% trong số này (tương đương 1,3 triệu người) đủ tiêu chuẩn đi bầu vào năm 2020. Người gốc Việt là nhóm đông dân thứ tư trong số các nhóm người Mỹ gốc châu Á, xếp sau Trung Quốc, Ấn Độ, và Philippines.
Theo phân tích của Pew Research Center, phần lớn người Mỹ gốc châu Á (khoảng 67%) là người nhập cư trở thành công dân Mỹ sau quá trình thường trú lâu dài, chứ không sinh ra tại Mỹ (quá trình này gọi là naturalization). Cộng đồng người Việt tại Mỹ cũng có đặc điểm tương tự. Việc sinh trưởng tại một quốc gia khác chắc chắn có ảnh hưởng đến quan điểm chính trị và hành vi bầu cử của họ.
Những người nhập cư gốc Việt được đánh giá là có năng lực Anh ngữ dưới mức trung bình của nhóm người Mỹ gốc Á. Vào năm 2015, chỉ có một nửa số người Việt có thể nói tiếng Anh trôi chảy, so với tỷ lệ 70% của toàn bộ người Mỹ gốc Á. Đến năm 2018, vẫn có 44% người Việt được đánh giá là thông thạo Anh ngữ hạn chế (Speak English less than very well).
Song, dù kém tiếng Anh hơn, người gốc Việt lại có nền tảng cuộc sống tương đối tốt. Mức thu nhập trung vị (median household income) của hộ gia đình người gốc Việt vào năm 2018 là 68.979 USD/năm, cao hơn gần 6.000 USD so với mức trung vị của toàn nước Mỹ (63.179 USD/năm).
Người gốc Việt cũng là nhóm sắc tộc châu Á có tỷ lệ sở hữu nhà ở cao nhất. Vào năm 2015, khi tỷ lệ sở hữu nhà trung bình của người Mỹ gốc Á (57%) thấp hơn mức trung bình toàn nước Mỹ (63%) thì có đến 65% người Việt ở Mỹ có nhà. Đáng chú ý, tỷ lệ này cao hơn cả nhóm người gốc Nhật (63%).
Về giáo dục, tuy vẫn kém hơn các nhóm châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, tỷ lệ người có bằng cấp từ đại học trở lên trong số những người gốc Việt (29%) xấp xỉ mức trung bình toàn nước Mỹ (30%).
Với những bước tiến nói trên, người Việt ở Mỹ đang ngày càng có tiếng nói quan trọng trong các đối thoại chính trị tại quốc gia này.
Người gốc Việt là nhóm duy nhất ủng hộ Tổng thống Donald Trump trong số các sắc dân gốc Á tại Mỹ. Thống kê của Asian Pacific Labor Alliance năm 2018 cho thấy 64% người gốc Việt được hỏi đồng tình với cách mà TT Trump đang lãnh đạo đất nước. Trong khi đó, tỷ lệ này ở 6 nhóm người Mỹ gốc Á còn lại đều dưới 50%. Cá biệt là trường hợp của người gốc Nhật, với tỷ lệ ủng hộ chỉ có 14%.
Việc người Mỹ gốc Việt có xu hướng ủng hộ ứng viên Đảng Cộng hoà không phải là một hiện tượng chính trị mới mẻ. Nếu xem xét các số liệu từ năm 2007, đặc biệt tại Quận Cam (Orange County – nơi có mật độ người Việt sinh sống đông đúc), tỷ lệ người Việt đăng ký là cử tri của Đảng Cộng hòa áp đảo hoàn toàn với tỷ lệ 55% so với 22% đăng ký là cử tri của Đảng Dân chủ.
Gần đây nhất, trong đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hạ viện (House of Representatives) và Thượng viện (Senate) năm 2018, nhóm cử tri gốc Việt tiếp tục cho thấy xu hướng ủng hộ Đảng Cộng hòa. Có 46% cử tri người Việt nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục bầu cho Đảng Cộng hòa, trong khi 32% cho biết họ sẽ bầu cho Đảng Dân chủ.
Còn nếu nói đến các cuộc bầu cử tổng thống trước đó, như vào năm 2004 (giữa George W. Bush và Al Gore), hay năm 2008 (giữa John McCain và Barack Obama), đại đa số người Việt đều ủng hộ các ứng viên Đảng Cộng hòa. Có tới 72% cử tri gốc Việt đăng ký tham gia bầu cử bỏ phiếu cho Bush “con”, trong khi cũng có đến ⅔ cử tri người gốc Việt bỏ phiếu chọn McCain. Trường hợp của Trump năm 2016 là một ngoại lệ, khi Trump được ghi nhận là chỉ thu hút được 32% tổng số phiếu của nhóm công dân gốc Việt.
Với một lịch sử dày dặn như vậy, có thể thấy các nhóm cử tri người Việt là một trong những nguồn ủng hộ vững mạnh và trung kiên nhất của Đảng Cộng hòa. Điều này trái ngược hoàn toàn với các nhóm người Mỹ gốc Á khác.
Lý do đầu tiên cần kể đến là yếu tố chính trị của nhóm dân cư Việt Nam tại Hoa Kỳ. Khác với các nhóm châu Á (như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ hay Đài Loan) di cư đến Mỹ vì lý do kinh tế hay giáo dục, những người Việt đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ là những người tị nạn chính trị sau năm 1975.
Nhóm người thường được gọi là “thuyền nhân” này có mối quan hệ đặc biệt với Đảng Cộng hoà nhờ vào Đạo luật Nhập cư và Tị nạn Đông Dương 1975 ( Indochina and Migration and Refugee Act of 1975). Đạo luật này do Tổng thống Gerald Ford (Đảng Cộng hoà) ký thông qua, nhằm viện trợ cho người tị nạn đến từ Đông Nam Á. Các chương trình tị nạn kéo dài đến tận đầu những năm 2000 cũng là giai đoạn số lượng người Việt ở Hoa Kỳ tăng lên nhanh nhất.
Phần lớn người Việt nhập cư vào Mỹ thế hệ đầu tiên có quan điểm chính trị chống Cộng, và nước Mỹ vào thời điểm này có một tổng thống không thể phù hợp hơn. Tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa Ronald Reagan (1981 – 1989) trở thành “người hùng” của nhiều người Việt khi vận hành một hệ thống chính trị dựa trên diễn ngôn chống Cộng. Ông đưa ra các chính sách phản đối chủ nghĩa cộng sản cực kỳ rõ ràng cũng như tích cực tham gia các diễn biến quốc tế định hình và dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng của “ông trùm cộng sản” thế giới – Liên Xô.
Trong khi đó, các ứng cử viên Dân chủ lại luôn có xu hướng đề xuất bình thường hóa quan hệ ngoại giao với chính quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hoặc, họ mong muốn xây dựng mô hình nhà nước phúc lợi với nhiều yếu tố xã hội chủ nghĩa. Nhiều người Mỹ gốc Việt còn rất cay cú với việc Tổng thống Bill Clinton chấm dứt cấm vận Việt Nam vào năm 1995. Họ cho rằng đó là một chiếc phao cứu sinh cho chủ nghĩa cộng sản đang sụp đổ ở Việt Nam lúc đó.
Yếu tố thứ hai có thể ảnh hưởng đến việc người Việt thích Đảng Cộng hoà là nền tảng kinh tế của người Việt ở Hoa Kỳ. Như đã trình bày trước đó, thu nhập trung bình cũng như tỷ lệ sở hữu nhà ở của người Việt ở Mỹ đều ở mức cao. Vì thế, họ sẽ có xu hướng hài lòng hơn với cuộc sống. Một nghiên cứu năm 2012 của PEW Research cho thấy 56% người gốc Việt hài lòng với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của Hoa Kỳ. Trong khi đó, tỷ lệ hài lòng trên toàn nước Mỹ chỉ là 21%. Người gốc Á nhìn chung có tỷ lệ hài lòng với nước Mỹ cao hơn, nhưng con số này ở nhóm người Việt là cao nhất.
Khi hài lòng với cuộc sống, người ta không cảm thấy cần phải cải cách kinh tế – chính trị một cách triệt để. Trong khi đó, đây lại là đường hướng mà các ứng viên đảng Dân chủ kêu gọi, điển hình là Bernie Sanders. Người gốc Việt vì thế có lý do để ủng hộ đảng Cộng hoà với đường hướng giữ nguyên hiện trạng hơn.
Tuy vậy, lịch sử đang thay đổi. Trong tương lai, người Mỹ gốc Việt có thể sẽ không còn là nguồn ủng hộ mạnh mẽ cho đảng Cộng hoà, khi những người nhập cư thế hệ đầu tiên đang già đi, và lớp người Việt trẻ dần có tiếng nói hơn trong các phong trào chính trị.
Theo quan sát của tờ American Prospect, người Việt đang trở thành một phần của làn sóng ngày càng mạnh mẽ những người Mỹ gốc Á chuyển sự ủng hộ từ Đảng Cộng hoà sang Đảng Dân chủ. Trong ba cuộc bầu cử gần đây nhất, tỷ lệ người Mỹ gốc Á bầu cho ứng viên Dân chủ đều cao hơn ứng viên Cộng hoà. Giáo sư Taeku Lee của Đại học California – Berkeley giải thích trên tờ FiveThrityEight năm 2016 rằng nguyên nhân của việc chuyển hướng này là khoảng cách thế hệ.
Ông so sánh hiện tượng này với khoảng cách thế hệ trong nhóm người Mỹ gốc Cuba, với điểm chung là người lớn tuổi hơn thì ủng hộ Đảng Cộng hoà hơn. Nhưng GS. Lee nói thêm rằng cả xu hướng này cũng đang thay đổi. Năm 2012, 58% người Mỹ gốc Việt trên 50 tuổi đã bầu cho Barack Obama, ứng viên Đảng Dân chủ vào thời điểm đó.
Sự biến chuyển về quan điểm chính trị của người dân qua thời gian là một hiện tượng thú vị trong các thể chế dân chủ như của nước Mỹ. Khi các ứng cử viên Cộng hòa dùng các chính sách nhập cư khắt khe để lấy lòng các nhóm cử tri da trắng, việc người Việt xem xét lại lòng trung thành của họ với Đảng Cộng hoà gần như chắc chắn sẽ xảy ra.