‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Ông Duan Jielong (Đoàn Khiết Long) vừa chính thức trúng cử một ghế trong Tòa Trọng tài Quốc tế về Luật Biển (International Tribunal of the Law of the Sea – ITLOS).
Bao gồm 21 thẩm phán được bầu chọn dựa trên nguyên tắc công bằng địa lý (equitable geographical representation), ITLOS đặt trụ sở tại Đức và đã tiếp nhận 29 vụ tranh chấp trên biển cho đến nay.
Cần lưu ý rằng ITLOS không phải là tòa trọng tài được thành lập theo vụ việc hồi năm 2013 để xét xử tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Tòa trọng tài nói trên (lẫn Tòa Trọng tài Thường trực – PCA) không phải là cơ quan thuộc biên chế của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), dù phán quyết của nó được UNCLOS công nhận. ITLOS thì lại là một cơ quan của UNCLOS, và có những ảnh hưởng nhất định lên đường lối và định hướng tương lai thực hiện và áp dụng công ước này.
Đoàn Khiết Long không phải là thẩm phán Trung Quốc đầu tiên góp mặt trong ITLOS. Trước đó, các thẩm phán Zhao Lihai (Triệu Liên Hải), Xu Guangjian (Từ Quang Kiếm) và Gao Zhiguo (Cao Chi Quốc) đã lần lượt nắm giữ ghế thẩm phán của ITLOS. Việc Đoàn Khiết Long được bầu làm thẩm phán đã kéo dài sự hiện diện liên tục của Trung Quốc kể từ khi tòa này được thành lập năm 1996.
Về mặt lý thuyết, một phiếu của thẩm phán Trung Quốc không thể che cả trời, vẫn còn 20 thẩm phán còn lại đến từ châu Âu, Nhật Bản, và kể cả Thái Lan. Tuy nhiên, sự hiện diện của họ thể hiện tầm ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc lên rất nhiều quốc gia thành viên UNCLOS, cũng như khả năng tư duy Trung Quốc về biển Đông “mưa dầm thấm lâu” vào nội bộ tòa.
Quan trọng hơn cả, nó là một cú tát dành cho các nỗ lực của nhiều quốc gia và học giả quốc tế trong việc yêu cầu loại bỏ ứng viên Trung Quốc khỏi ITLOS, nhằm “dằn mặt” những hành vi vi phạm pháp luật quốc tế của nước này trên biển Đông.
Vậy ông Đoàn Khiết Long có gì đặc biệt? Ông có góc nhìn gì khác với chính quyền Bắc Kinh hay không?
Ông Đoàn Khiết Long được đào tạo công pháp quốc tế tại hai trường đại học danh tiếng nhất trong lĩnh vực này là Đại học Columbia (Mỹ) và Đại học Ngoại giao Trung Hoa (Trung Quốc). Cùng với đó, ông có lịch sử kinh nghiệm dày dặn trong hoạt động ngoại giao và soạn thảo pháp luật quốc tế.
Trong đại dịch COVID-19, ông Đoàn Khiết Long với tư cách là Đại sứ Trung Quốc tại Hungary đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp “cách mạng quốc tế”.
Trước tiên, ông là một trong những quan chức Trung Quốc ở nước ngoài năng nổ nhất trong việc phản bác quan chức Hoa Kỳ khi họ chỉ trích chính quyền Bắc Kinh về vấn đề COVID-19.
Ví dụ, trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Hungary, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hungary David Cornstein đã kể tội Trung Quốc vào thời kỳ đầu đại dịch, khi nước này mua thiết bị bảo hộ từ nước ngoài, sau đó bán lại với giá gấp 10 lần
Dù phần chỉ trích Trung Quốc chỉ chiếm sóng hơn hai phút trong cuộc phỏng vấn dài đến nửa tiếng, ông Đoàn Khiết Long nhanh chóng trả đũa với bài viết dài hơi có tựa đề tạm dịch là “Sự dối trá của Đại sứ Hoa Kỳ”.
Trong bài viết, ông cáo buộc người đồng cấp của mình là vu khống ác ý và khiêu khích. Ông cho rằng Hoa Kỳ cố ý không hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để phòng chống dịch và cố tình chính trị hóa dịch bệnh. Ông Đoàn còn cáo buộc Washington phân biệt chủng tộc vì sử dụng các thuật ngữ như “cúm Vũ Hán” hay “virus Trung Quốc”. Không chỉ vậy, vị này còn đi xa đến mức cáo buộc Hoa Kỳ thao túng thị trường giá cả các sản phẩm bảo hộ y tế.
Ngoài ra, Đoàn Khiết Long còn làm rất tốt việc xây dựng hình ảnh đẹp cho Trung Quốc với bạn bè quốc tế.
Nhờ vào sự tham vấn của của ông cho chính quyền Bắc Kinh, Hungary nằm trong số những quốc gia đầu tiên nhận được hỗ trợ y tế từ phía Trung Quốc. Phản ứng của ông Đoàn sốt sắng hơn hẳn các đồng nghiệp từ Hoa Kỳ, và rõ ràng đã giúp Trung Quốc ghi điểm tại châu Âu.
Khó mà tìm thấy một bài viết khoa học nào của Đoàn Khiết Long trên các tạp chí quốc tế. Tuy nhiên, có vài bài phát biểu đáng chú ý của ông trên diễn đàn quốc tế giúp chúng ta hiểu được quan điểm pháp luật của nhân vật này.
Ví dụ, trong cuộc họp của Tiểu ban Pháp luật thuộc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bàn về pháp quyền quốc tế (international rule of law) vào năm 2007, ông Đoàn Khiết Long phát biểu: “Trước tiên, chúng ta cần phải phân định rạch ròi các vấn đề thuộc thẩm quyền quốc gia và các vấn đề thuộc ngoại giao quốc tế”. Đây là một lập luận khá quen thuộc của các quốc gia như Trung Quốc hay Việt Nam nhằm phủ định các cáo buộc vi phạm pháp luật quốc tế, đặc biệt trong vấn đề nhân quyền.
Liên quan đến dự thảo của “Quy định về các vấn đề bảo vệ nhân quyền cho các cá nhân bị trục xuất” (Draft Articles on Protection of Human Rights of Persons Who Have Been or Are Being Expelled) do Ủy ban Pháp Luật Quốc tế (International Law Commission – ILC) soạn thảo, ông Đoàn Khiết Long phê bình rằng bản thảo quá… chi tiết. Ông khẳng định mục tiêu của văn bản này chỉ nên là xác lập các nguyên tắc pháp lý quốc tế chung, không nên quy định chi tiết đến như vậy.
Đây cũng là một cách tiếp cận bảo thủ của nhiều chính quyền nhằm bảo đảm rằng họ không chịu bất kỳ ràng buộc nào, từ đó, dễ dàng diễn giải và thực hiện các nguyên tắc pháp lý quốc tế theo cách hiểu của họ.
Đặc biệt, liên quan đến tranh chấp biển Đông, ông Đoàn Khiết Long có tác phẩm tiếng Trung tạm dịch là “Luật quốc tế nhìn từ trường hợp Trung Quốc” (中国国际法实践与案例), được nhắc đến trong nghiên cứu của một nhóm tác giả người Trung Quốc khác.
Ở trang 121 – 124 của nghiên cứu này, bản thân ông Đoàn khẳng định đường chín đoạn là hoàn toàn phù hợp với pháp luật quốc tế và chính phủ Trung Quốc. Ông cam kết duy trì quyền tự do hàng hải, tự do hàng không và sự vận hành bình thường của các đường hàng hải quốc tế qua vùng đường chín đoạn của Trung Quốc, miễn là các quốc gia tuân thủ pháp luật quốc tế và sự kiểm soát hợp lý của quốc gia này.
Nhìn chung, ông Đoàn Khiết Long có vẻ chỉ là một “học giả đảng” đúng nghĩa. Góc nhìn của ông thiếu sự độc lập, chỉ phản ánh quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông không có các công trình nghiên cứu hay luận điểm riêng, đặc biệt khi so sánh với các thẩm phán – học giả quốc tế như James Crawford hay Rosalyn Higgins. Nếu xem xét các quan điểm được ghi nhận trong các bài phát biểu và cuốn sách của ông như kể trên, khó có thể nói rằng ông Đoàn là một sự bổ sung tương xứng cho định chế tư pháp của pháp luật biển quốc tế.
Việc các thẩm phán Trung Quốc, với quan điểm hoàn toàn lệ thuộc vào Bắc Kinh, hiện diện liên tục tại tòa án “biên chế” của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển rõ ràng không ăn nhập gì với tính độc lập của các thẩm phán nói chung và các cơ quan tài phán quốc tế nói riêng.