Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Bớt một tượng đài, Việt Nam sẽ có hàng trăm bể dạy bơi cho trẻ em.
Tôi sẽ không thể viết bài này nếu 20 năm trước chân của tôi không chạm vào được bờ trong một lần đuối nước.
Trẻ em Việt Nam đang chết đuối nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á. Cứ 10 trẻ từ 6 đến 14 tuổi thì có đến 7 trẻ không biết bơi.
Trong khi đó, huyện đảo Phú Quốc sắp chi 353 tỷ đồng để xây quảng trường và dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh cao 18m. Số tiền này có thể dành để xây khoảng 176 bể dạy bơi cho trẻ em, nếu tính theo một công trình bể bơi trị giá 2 tỷ đồng mà tỉnh Bình Định được tặng.
Hai mươi năm trước, phía sau nhà tôi là một con sông rộng chừng 20m nối từ huyện đến thị xã. Mẹ tôi không bao giờ cho tôi tắm ở con sông đó. Dòng sông đã quá ô nhiễm. Các công ty chế biến thủy sản xả thải nhiều đến mức làm đổi màu nước sông. Chiều tối, cả xóm tôi phải đóng kín cửa để ngăn mùi thối bốc lên từ dòng sông. Trên mặt sông đầy xác của gia súc, vỏ thuốc trừ sâu, giấy vệ sinh. Con dưới lòng sông là mảnh vỡ thủy tinh, kim loại gỉ sét, cọc nhọn.
Bể bơi thị xã thì khá xa, cách nhà tôi khoảng hơn 10 cây số. Ba tôi không có thời gian để đưa đón. Ông cũng không đủ tiền để cho tôi học bơi. Tuy lớn lên ở miền Tây sông nước, kênh rạch dày đặc, nhưng tôi không biết bơi.
Một buổi chiều, khi ba mẹ tôi đi chợ, tôi chơi một mình ở nhà và thấy khúc cây lớn nhà tôi tuột khỏi những sợi dây và trôi theo con nước. Nhà tôi lúc đó có ngâm những khúc cây to để bố tôi đóng bàn ghế bán cho các gia đình trong xã. Tôi hối hả chạy dọc theo bờ sông để kéo được khúc gỗ ấy vào bờ. Khi tìm thấy có một lối nhỏ dẫn xuống sông, tôi liền bước xuống, nhưng đất dưới lòng sông rất non, càng ngoi đầu lên thì tôi càng chìm xuống. May mắn là nước sông hôm đó không chảy xiết, chân tôi sau một hồi vùng vẫy cũng chạm được bờ.
Một lần khác, khi đang rửa đồ chơi, tôi sẩy chân té xuống sông. Càng cố vùng vẫy thì hơi thở của tôi càng ngắn dần. Đó là chỗ nước rất sâu, chỉ trong tích tắc là nước có thể tràn vào miệng và kéo một người xuống tận đáy sông. Dù chỉ cách bờ chừng nửa mét nhưng tay chân tôi vẫn không với được bờ. Trong lúc sắp bị đuối nước thì anh tôi kịp chạy đến, nắm tóc tôi kéo lên bờ.
Nhưng tôi lại xém đuối nước một lần nữa. Hôm đó, mọi người trong nhà đang bận làm đám tang cho ông nội tôi. Cỡ 10 giờ tối, tôi ra sau nhà để đi tiểu cạnh một ao nước và trượt chân té xuống ao. Nhờ nắm được nhành cây mà tôi thoát chết.
Nhưng có nhiều đứa trẻ đã không được may mắn như tôi.
Từ năm 2015 đến nay, Cục Trẻ em đã báo cáo một con số không thay đổi là 2.000 trẻ chết đuối mỗi năm, tương đương với 10.000 trẻ đã chết đuối trong 5 năm qua.
Con số này sẽ cao hơn nhiều nếu dựa theo điều tra năm 2017 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam: trung bình mỗi năm có khoảng 7.000 trẻ Việt Nam chết đuối.
Năm 2019, Việt Nam thống kê được khoảng 15,5 triệu trẻ từ 5 đến 14 tuổi, con số này sẽ là 22 triệu người nếu tính thêm số người từ 15 đến 19 tuổi.
Theo khảo sát của Trường Đại học Y tế công cộng, có đến 70% trẻ em Việt Nam từ 6 đến 14 tuổi không biết bơi, tương đương khoảng 10,8 triệu trẻ trong độ tuổi này có thể bị đuối nước.
Trong những trường hợp tai nạn của tôi kể trên, chỉ cần biết bơi là có thể bình tĩnh nghiêng thân người, rồi đạp chân ếch hoặc vung tay vài cái theo kiểu bơi sải là có thể tự cứu mình. Nghe thì đơn giản, nhưng những động tác bơi này rất kỹ thuật. Trẻ em cần phải được huấn luyện các kỹ năng thành thục trong hồ bơi.
Theo USA Swimming Foundation, một tổ chức ở Mỹ hoạt động trong lĩnh vực chống đuối nước cho trẻ em, nguy cơ đuối nước sẽ giảm 88% nếu trẻ được học bơi.
Với một mạng lưới sông ngòi dày đặc, đường bờ biển dài ngút ngàn chạy dọc 125 huyện của các tỉnh, thành, nguy cơ trẻ bị đuối nước gần như là hàng ngày.
Từ năm 2010, phổ cập bơi trong học đường đã được báo chí nhắc đến nhiều, nhưng đến nay vẫn chỉ là nói miệng.
Một vài địa phương đã tự phát triển mô hình dạy bơi tại các ao hồ, bờ biển. Các mô hình bất đắc dĩ này sẽ không đảm bảo được chất lượng nước, có thể sẽ gây các bệnh ngoài da, viêm đường hô hấp, tiêu hóa vì trẻ có thể uống nước trong lúc học bơi, độ cao từ mặt nước đến đáy nước không thể đảm bảo an toàn như bể bơi tiêu chuẩn.
Hiện nay, các hồ bơi chỉ tập trung ở những thành phố, thị xã đông đúc dân cư. Trong khi đó, trẻ em ở nông thôn, vốn có nguy cơ đuối nước cao hơn nhiều vì sống gần sông ngòi, kênh rạch, thì lại không có nơi học bơi phù hợp.
Trong một phóng sự vào tháng 8/2020 của VTV, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh Bình Định cho biết, việc phổ cập bơi cho trẻ lâu nay chỉ mới được nói đến, chứ chưa được đưa vào chương trình cụ thể. Nhiều huyện ở tỉnh Bình Định chưa có hồ bơi.
Tuy thiếu trầm trọng các hồ dạy bơi nhưng tỉnh Bình Định đã dành 78 tỷ đồng xây khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc rộng 2,6 ha vào năm 2015, dành 118 tỷ đồng để dựng tượng đồng cha con Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 2017. Một huyện nghèo ở Bình Định là Vĩnh Thạnh vẫn đang cố gắng hoàn thành tượng đài khởi nghĩa trị giá 48 tỷ đồng.
Còn ở khu vực Tây Nam Bộ, theo báo Văn nghệ Tiền Giang thống kê năm 2012 thì đã có đến khoảng 104 tượng đài, cũ và mới.
Tất cả các tỉnh hiện nay đều có rất nhiều tượng đài. Số tiền để dựng lên những tượng đài đó tương đương với hàng trăm bể dạy bơi. Các huyện cũng bắt đầu xây dựng những tượng đài của riêng mình nhưng bể bơi vẫn còn là một thứ rất xa xỉ.