Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Năm 2016, tôi có một chuyến công tác bằng đường bộ từ Pleiku, thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Gia Lai, thuộc vùng Tây Nguyên, Việt Nam sang Attapeu, một tỉnh nằm ở phía đông nam của Lào, phía đông giáp với dãy Trường Sơn của Việt Nam.
Tôi rất ngạc nhiên khi quan sát sự chuyển tiếp về mật độ của các rừng cây khi đến biên giới của Việt Nam và Lào. Ở bên phía biên giới Việt Nam là các đồi trọc với các cây thưa thớt nhưng khi qua bên phía biên giới Lào là các rừng cây rậm rạp, thân gỗ to.
Những người phá rừng (mà báo chí thường dùng từ lâm tặc để nói về họ) sang Lào để lấy gỗ, sau đó gỗ được mang vào thị trường nội địa Việt Nam để tiêu thụ.
Các thân cây gỗ to được sử dụng để làm nội thất nhà, nội thất trong các loại ô-tô xa xỉ, các vật dụng trang trí. Các loại gỗ quý là loại chất liệu sản phẩm đắt tiền, được nhiều người nghĩ rằng việc sử dụng nó sẽ mang lại sự sang trọng cho không gian, thể hiện quyền lực và giàu sang của ngôi nhà.
Việc sử dụng nội thất và các vật dụng được làm từ các loại gỗ quý đó phổ biến trong suy nghĩ của nhiều người Việt Nam tạo nên một nhu cầu lớn về các thân cây gỗ quý. Theo quy luật kinh tế thị trường, có cầu ắt có cung và nguồn cung đó là từ các cánh rừng nguyên sinh của Việt Nam.
***
Bức ảnh phòng khách được bày trí bằng bộ bàn ghế và cặp lục bình làm từ thân gỗ quý, vốn đang được lan truyền trên mạng với nhiều lời phê phán từ các cư dân mạng, đáng được dùng để minh họa cho bài viết về mối liên hệ giữa niềm tin trong việc bảo vệ môi trường.
Chính giữa phòng khách là một cái bàn gỗ có diện tích và độ dày lớn khiến người xem có cảm giác chiếc bàn được làm từ một thân cây lớn có chu vi vài vòng tay người ôm.
Xung quanh cái bàn gỗ lớn là chín cái ghế gỗ được thiết kế kiểu cách, chạm trổ nhiều hoa văn cầu kỳ, đục đẽo công phu.
Phía sau lưng chủ tọa là hai lục bình gỗ lớn đặt hai bên ghế ngồi của chủ toạ.
Trong suy nghĩ của nhiều người, bộ bàn ghế lớn bằng gỗ nguyên khối cộng với hai lục bình lớn mang lại sự sang trọng cho ngôi nhà, thể hiện sự giàu có và uy thế của gia chủ.
Một trang web bán lục bình thể hiện rõ mục đích của những người mua lục bình về trưng.
“Muốn có được một mẫu lục bình gỗ đẹp người nghệ nhân phải lựa chọn được những khúc gỗ quý đặc ruột để chế tác, gỗ càng nhiều vân đẹp thì giá lộc bình gỗ này sẽ càng cao. Ý nghĩa phong thuỷ của lộc bình khi đặt trong nhà là thể hiện sự quyền quý, cao sang và thu giữ, bảo vệ tài sản cho gia chủ”.
Phong cách của chủ nhân ngôi nhà trên vẫn còn phổ biến trong suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam. Chủ nhân của ngôi nhà trên vẫn nhận được sự ngưỡng mộ, trầm trồ của nhiều người đến thăm ngôi nhà của mình. Sự ngưỡng mộ của những người xung quanh lại càng củng cố cho niềm tin của chủ nhân ngôi nhà, củng cố cho niềm tin của những người bán nội thất sử dụng các thân gỗ to và củng cố cho niềm tin của những người chặt các thân gỗ to.
Niềm tin vào sự sang trọng, quyền quý khi sử dụng các sản phẩm được làm từ các loại cây thân gỗ to tạo nên một vòng tròn khép kín khiến các cánh rừng nguyên sinh của Việt Nam bị tàn phá và ngày một ít đi.
***
Để bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng, theo đó nghiêm cấm hành vi chặt phá rừng và khai thác rừng trái phép. Thế nhưng rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá vì nhu cầu sử dụng các loại thân gỗ quý vẫn còn phổ biến khiến cho chi phí khai thác từ việc chặt phá rừng (bao gồm cả chi phí bị phạt nếu bị kiểm lâm bắt giữ) chỉ là con số nhỏ so với lợi nhuận thu được.
“Việc chơi Lục Bình Gỗ đối với những người đam mê vật phẩm phong thủy có thể nói là những cuộc đua bởi người ta có thể dùng nhiều năm nhiều tháng tìm mua cho bằng được Lục Bình mà mình yêu thích. Và giá của những chiếc bình này thường không hề rẻ, bởi được làm từ những khối gỗ lớn, quý”, đó là niềm tin của những đại gia giàu có chơi lục bình gỗ.
Mấu chốt của việc bảo vệ rừng đó là cần thay đổi niềm tin của những người sử dụng nội thất được làm từ các thân gỗ quý. Một khi vẫn còn rất nhiều người tiêu dùng giữ niềm tin rằng một cặp lục bình được làm từ gỗ quý mang lại sự sang trọng cho ngôi nhà, sự phú quý cho gia chủ thì những thân cây gỗ vẫn sẽ tiếp tục bị đốn hạ để làm vật liệu tạo nên những cặp lục bình to lớn.
***
Tê giác Java từng là một loài động vật hoang dã sinh sống ở Việt Nam. Tuy nhiên, cá thể Java cuối cùng của Việt Nam đã bị bắn chết để lấy sừng vào năm 2010. Trong niềm tin cổ truyền của người Việt Nam, sừng tê giác được xem là một loại thần dược có thể chữa các bệnh nan y, mặc dù không có cơ sở khoa học nào chứng minh điều đó. Niềm tin dùng sừng tê giác có thể chữa bệnh nan y cũng giống niềm tin trưng lộc bình sẽ giữ được tài lộc trong nhà khiến cho nhu cầu sử dụng sừng tê giác và các loại thân gỗ quý cao ở Việt Nam.
Để bảo vệ loài tê giác khỏi diệt chủng, EVN (Trung tâm Bảo vệ Thiên nhiên), một tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam, đã phát động các chiến dịch nhằm kêu gọi người dân Việt Nam cam kết không sử dụng, buôn bán hay tiêu thụ sừng tê giác và các sản phẩm khác từ tê giác, tham gia các hoạt động tình nguyện bảo vệ tê giác. Bên cạnh đó, các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã còn tác động đến luật pháp để đưa hành vi sử dụng sừng tê giác là hành vi vi phạm pháp luật. Chẳng hạn như “đối với vi phạm về sừng tê giác có khối lượng trên 0,05 kg, đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 – sửa đổi, bổ sung năm 2017, theo đó, mức phạt có thể lên đến 15 năm tù giam”.
Các tổ chức bảo vệ tê giác còn sử dụng đến hình ảnh của những người nổi tiếng để tác động đến nhận thức của người dân như chiến dịch nghệ sĩ ký tên hưởng ứng “Chúng tôi không muốn sừng tê giác”.
Những giải pháp đồng bộ tác động đến nhiều bên từ chính phủ, nhận thức người dân, hệ thống pháp luật, tuyên truyền vận động… thì mới có đủ khả năng để tác động đến niềm tin, thay đổi hành vi của những người sử dụng sừng tê giác.
***
Thay đổi niềm tin đã tồn tại hàng trăm năm, ăn sâu bén rễ vào nhận thức của nhiều người dân Việt Nam là việc rất khó, đòi hỏi nhiều công sức của các bên liên quan nhưng đó là việc cần phải làm để bảo vệ môi trường sống, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt vì nhận thức còn non trẻ của nhiều người.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.