Tôi đã làm việc ở nhà hơn một năm qua. Đây là 5 điều có thể bạn nên làm

Mỗi sáng, hãy ăn mặc chỉnh tề, đi dạo một vòng, rồi lại quay về nhà.

Tôi đã làm việc ở nhà hơn một năm qua. Đây là 5 điều có thể bạn nên làm

Tôi bắt đầu làm việc ở nhà khi chuyển sang làm việc cho một tổ chức chưa có văn phòng tại Việt Nam. Chỉ sau một vài tháng ôm máy tính tại nhà, tôi bắt đầu thấy cảm thấy buồn chán.

Một nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ vốn không xa lạ với độc giả Việt Nam là Orhan Pamuk nói rằng bạn nên tách biệt chỗ ngủ và chỗ làm việc. Ông kể về thời gian mà ông tìm cách làm việc trong căn hộ tối giản của nhà trường khi vợ ông đang theo học tiến sĩ ở Mỹ. Khi đó, mỗi sáng ông đều ăn mặc chỉnh tề, bước ra khỏi cửa để đi dạo một vòng. Lúc quay về nhà sẽ lại thấy giống như vừa mới đến văn phòng của mình vậy.

Sau nhiều tháng trời hao hụt năng lượng gấp đôi so với lúc làm việc ở văn phòng, tôi mới đọc được mẹo này của Orhan Pamuk.

Tôi thức dậy muộn vì phải làm thêm giờ vào tối trước đó. Tôi uống rất nhiều cà phê để giúp mình tỉnh táo. Tôi thường xuyên giảm thời gian giải trí của mình để kéo dài thời gian làm việc. Khi hạn chế giao tiếp với đồng nghiệp, tôi cảm thấy mình ít năng động hơn. Tôi phải vật lộn hàng giờ với giường chiếu mà vẫn không sao ngủ được vì công việc cứ lởn vởn trong đầu.

1. Phải tách mình ra khỏi công việc

Lúc ban đầu khi mới làm việc ở nhà, tôi rất thoải mái vì nghĩ mình có nhiều thời gian, không làm ban ngày thì tôi làm ban đêm để bù lại. Nhưng điều lý tưởng này không kéo dài lâu.

Nhiều đêm dài làm việc khiến đầu óc tôi không ngừng suy nghĩ ngay cả khi đã leo lên giường. Sau nhiều đêm mất ngủ, tôi đã nhận ra rằng không phải lúc nào tôi cũng điều khiển được đầu óc của mình.

Tôi đã rất sợ vì mất ngủ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công việc. Nó giống như trò chơi domino. Bạn bắt đầu mất tập trung, uống nhiều cà phê, ngày càng cáu gắt hơn, rồi công việc ngày càng đình trệ, việc nọ xọ việc kia.

Tôi bắt đầu sắp xếp lại lịch làm việc, luôn không làm gì trong một tiếng đồng hồ trước khi đi ngủ. Thay vào đó, tôi sắp xếp lại bàn làm việc ngay ngắn. Tôi không làm việc trong phòng ngủ nữa, kể cả việc đọc sách.

Nếu bạn buộc phải làm việc trong căn hộ nhỏ của mình hay những căn nhà trọ nhỏ nhắn, hãy thử cách của Orhan Pamuk, đi dạo một lúc trước khi quay vào phòng để ngủ.

Điều quan trọng nhất là bạn phải có một khoảng thời gian nhất định tách mình ra khỏi công việc. Bạn có thể làm một việc gì đó sau thời gian tập trung làm việc, như nấu ăn, vẽ tranh, thêu thùa, chơi cùng các con, xem một bộ phim nhẹ nhàng. Đừng để công việc chiếm lấy đầu óc của bạn. Làm việc có chừng mực hiệu quả hơn là ôm lấy công việc mọi lúc, mọi nơi.

2. Tập thể dục để giữ nhịp cuộc sống

Đây là điều mà mọi người ít làm nhất, tôi cũng đã từng như vậy. Tôi đã từng nói với mình rằng tôi còn không có thời gian làm việc thì lấy đâu ra thời gian tập thể dục.

Nếu bạn tin rằng vận động sẽ tạo ra năng lượng thì điều này cũng có nghĩa là ngồi một chỗ năng lượng tiêu hao mà không thể bù đắp được. Những ai làm việc ở văn phòng nhiều giờ liền thường lâm vào cảnh cảm thấy cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống, đó có thể là do thiếu vận động vì hàng giờ liền ngồi một chỗ, mắt dán vào màn hình máy tính.

Khi tôi bắt đầu tập bơi, cơ thể của tôi bắt đầu tự điều chỉnh lại. Nó bắt đầu đòi hỏi một số giờ ngủ nhất định để lấy lại năng lượng. Bạn sẽ không thể làm việc quá giờ được nữa. Cơ thể lúc tập thể thao cũng đòi hỏi một lượng năng lượng bù đắp lại, cho nên bạn phải ăn uống đầy đủ hơn.

Hơn nữa, việc tập thể dục sẽ khiến đầu óc bạn quên hẳn được công việc. Hãy tập thể dục để không tăng cân trong những ngày hạn chế ra ngoài như vào lúc này.

Trong mùa dịch COVID-19 này, bạn chỉ cần một tấm thảm nhỏ là có thể tập thể dục được. Trên Youtube có rất nhiều video hướng dẫn các bài tập thể dục tại nhà.

Khi làm việc ở nhà, chuyện cân bằng công việc-cuộc sống sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đồ hoạ: James Graham/The NYTimes.

3. Đừng ngại nói “tôi vẫn chưa xong việc”

Có lẽ không ít người cũng như tôi, làm việc xuyên đêm trong ba, bốn ngày liền. Hậu quả sau những lần làm việc như thế tôi thấy rất khó chịu, đau đầu, dễ mất tập trung và cơ thể hoàn toàn rã rời.

Không phải lúc nào phong độ làm việc của bạn cũng ở đỉnh cao. Có lúc bạn hoàn thành công việc rất nhanh nhưng đôi khi cũng rất ì ạch. Đôi lúc bạn cũng không thể lường trước được khối lượng công việc. Chạy theo “deadline” (hạn phải hoàn thành công việc) đôi khi là cần thiết, nhưng việc đó có thể đốt hết năng lượng của bạn.

Để tránh hiệu ứng domino như đã nói, hãy hạn chế chạy theo “deadline” và đừng ngại nói với sếp là “tôi vẫn chưa xong việc”. Và đừng quên xác định thời gian mình cần thêm để hoàn thành công việc đó.

Đối với những ai làm công việc đòi hỏi sự sáng tạo và cảm xúc như viết kịch bản, viết báo, viết văn hay làm chiến dịch marketing thì làm việc cường độ cao như vậy sẽ dễ dẫn đến rối loạn cảm xúc và dễ bị trầm cảm.

Cố gắng sắp xếp công việc thật hợp lý và chuẩn bị cho cả những lúc bị vỡ kế hoạch. Hãy sẵn sàng nói với sếp “tôi vẫn chưa xong việc”.

4. Thống nhất giờ làm việc

Tôi từng nghỉ việc ở một tổ chức khi người quản lý của mình không phân biệt được giờ làm và giờ nghỉ ngơi của nhân viên. Liên tục vào lúc ban đêm tôi phải trả lời email, tin nhắn của quản lý. Lúc đầu tôi cảm thấy ổn nhưng càng về sau thì càng cảm thấy mệt mỏi vì lúc nào tôi cũng cảm thấy  “chưa bao giờ làm xong việc”.

Khi bạn bắt đầu làm việc ở nhà, hãy thẳng thắn bàn với nhóm của mình về thời gian làm việc cố định. Để tách mình ra khỏi công việc bạn cũng phải tách mình ra khỏi những tin nhắn, email của đồng đội.

Để tránh mất lòng đồng đội, hãy thảo luận việc này càng sớm càng tốt vì có rất nhiều người sẽ không phân biệt được giờ nghỉ ngơi và giờ làm việc.

5. Sắp xếp thời gian để làm việc nhà

Việc nhà không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Minh hoạ: Sally Deng/The New Yorker.

Tôi còn nhớ một buổi sáng sau cuộc họp qua mạng, tôi đi dọn tủ lạnh đến trưa và đến tối thì tôi mới bắt đầu làm việc vì phải nghỉ mệt sau khi dọn dẹp.

Việc nhà không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Có hàng trăm thứ phải làm khi dọn nhà, chúng tiêu tốn rất nhiều sức lực. Nếu bạn có gia đình thì bạn lại càng cần nhiều thời gian để dọn dẹp nhà cửa hơn. Không chỉ dọn nhà, bạn còn phải giặt quần áo, phơi, rồi xếp quần áo lại. Còn cả việc giặt giũ ra giường nữa.

Hãy lên một kế hoạch dọn nhà thích hợp vào một ngày nào đó. Bạn cũng có thể dọn dẹp từng góc nhà vào một ngày nhất định thay vì cùng lúc phải dọn hết ngôi nhà.

Ngồi làm việc trong một căn phòng gọn gàng và sạch sẽ chắc chắn thoải mái hơn rất nhiều so với một nơi lộn xộn. Hãy biến công việc dọn nhà thành một hoạt động để bạn tách mình ra khỏi công việc.

Hy vọng bạn có một trải nghiệm thú vị và hiệu quả khi làm việc ở nhà.

***

Nếu bạn có trải nghiệm hay hoặc gặp rắc rối gì khi làm việc ở nhà, mời bạn chia sẻ bằng cách bình luận dưới bài viết này hoặc gửi bài đến mục Hộp thư của Luật Khoa tạp chí tại luatkhoa.org/guibai.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.