Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trong bản tin tháng Bảy này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu vì sao các tôn giáo khó phát triển với chính sách đất đai phân biệt của chính quyền Việt Nam qua mục [Bàn tay của chính quyền] và mục [Ngày này năm xưa]. Các học viên Pháp Luân Công Việt Nam tiếp tục bị sách nhiễu, bốn nhà hoạt động tôn giáo ở Tây Nguyên bị thẩm tra và các tin tức khác trong tháng sẽ có trong mục [Tôn giáo 360 độ]. Mục [Bạn có biết] có thể làm bạn ngạc nhiên với số lượng tín đồ giảm hơn 90% ở bốn tôn giáo.
Luật Khoa hoan nghênh quý độc giả góp ý và tham gia viết báo cáo cùng chúng tôi qua địa chỉ email: tongiao@luatkhoa.org.
Mục lục
Hơn 45 năm sau ngày Sài Gòn sụp đổ, các tổ chức tôn giáo vẫn đang đòi chính quyền trả lại nhà và các thửa đất đã bị “trưng dụng, mượn” của họ. Một số bất động sản đó nay đã biến thành các nhà hàng, khách sạn; một số khác trở thành những bệnh viện, văn phòng của các cơ quan nhà nước.
Ngày 18/7/2020, Đan Viện Thiên An đã gửi đơn đến Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế và Công ty Nhà nước Lâm nghiệp Tiền Phong để đòi lại Trường Thánh Mẫu mà chính quyền đã “mượn” (trong thực tế là cưỡng chiếm) của đan viện từ năm 1976.
Công ty Nhà nước Lâm nghiệp Tiền Phong là một công ty của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Theo đơn, Trường Thánh Mẫu và một số nhà, khu đất của đan viện đã được chính quyền giao cho công ty này sử dụng. Đan viện báo cáo rằng công ty này đã phân chia nhà, đất của đan viện để xây dựng biệt thự, nhà hàng và bán cho nhiều người khác.
Sau năm 1975, hàng loạt nhà, thửa đất của các tổ chức tôn giáo miền Nam bị chế độ mới can thiệp. Đất có thể bị “tịch thu” đối với các tôn giáo chưa được công nhận vào lúc đó như Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tôn giáo Baha’i. Đất có thể bị “mượn” đối với các giáo hội được công nhận và có quy mô tổ chức lớn như Phật giáo, Công giáo.
Đến những năm 2000, tình trạng tranh chấp nhà, đất giữa Công giáo và chính quyền trở nên rất căng thẳng khi chính quyền bắt đầu chuyển đổi vĩnh viễn những nhà, thửa đất đã “mượn”, “trưng dụng” của các tổ chức tôn giáo thành các công trình nhà nước, tư nhân.
Năm 2013, Tổng giáo phận Công giáo ở Hà Nội đã báo cáo rằng có 95 nhà, thửa đất của giáo phận này đang bị nhà nước chiếm dụng. Ở thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 400 nhà, thửa đất của Công giáo đã bị chính quyền chiếm giữ sau năm 1975.
Cho đến cuối năm 2008, chính phủ mới ra Chỉ thị 1940/CT-TTg để hướng dẫn các địa phương xem xét nhà đất của các tôn giáo đã bị chính quyền “tịch thu”, “mượn” sau năm 1975. Trong chỉ thị đó, chính phủ khuyến khích các địa phương đánh giá tình trạng sử dụng nhà, đất có nguồn gốc của các tổ chức tôn giáo; tiếp tục sử dụng nhà, đất đó; hoặc giao lại cho các tổ chức tôn giáo; hoặc giao nhà, đất khác cho các tổ chức tôn giáo.
Kết quả chi tiết thi hành Chỉ thị 1940/CT-TTg dường như không được công khai rộng rãi đến công chúng. Chúng tôi tìm thấy một bài viết vào năm 2011 của Ban Tôn giáo Chính phủ có tóm tắt kết quả sau hơn hai năm thực hiện chỉ thị này, ghi rằng có 7.102 cơ sở tôn giáo tại 33 tỉnh, thành được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Mặc dù vậy, đến năm 2015, Bộ Xây dựng cho biết rằng tình hình khiếu nại, tố cáo đòi lại nhà, đất liên quan đến tôn giáo tiếp tục gia tăng và ngày càng phức tạp, tập trung vào những nhà, thửa đất bị chính quyền “mượn”, “trưng thu” của các tôn giáo.
Sau bầu cử năm 2016, chỉ thị này dường như không còn được nhắc đến nữa.
Hiện nay, tình hình tranh chấp nhà đất giữa các tôn giáo và chính quyền chủ yếu tập trung ở các tổ chức tôn giáo có đủ sức kháng cự đối với quyền lực của chính quyền như Công giáo, Tin Lành.
Các tổ chức tôn giáo khác như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Tôn giáo Baha’i, Cao Đài Tây Ninh… dường như tuân theo sự sắp xếp của chính quyền hoặc không chủ động công khai các vấn đề đất đai giữa họ và nhà nước với công chúng.
Do lịch sử phát triển tôn giáo của Việt Nam, nhiều nhà đất của các tổ chức tôn giáo hiện nay tọa lạc ở những vị trí đắc địa. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành đang khao khát phát triển kinh tế đô thị khiến những nhà, thửa đất của các tổ chức tôn giáo ngày càng dễ bị rơi vào các quy hoạch đô thị.
Năm 2015, Dòng Chúa Cứu Thế Nha Trang lên tiếng mạnh mẽ khi chính quyền công khai cho thuê một tu viện tọa lạc trên một trục đường đẹp của thành phố Nha Trang. Tu viện này bị chiếm dụng từ năm 1978. Dòng Chúa Cứu Thế đã nhiều lần gửi đơn đòi lại tu viện vào các năm 1996, 2006 và 2008 nhưng không có kết quả. Hiện nay, tu viện đã được chính quyền cho một liên doanh tư nhân thuê đến năm 2062 để xây dựng một trung tâm thương mại và khách sạn đồ sộ.
Nằm bên bờ sông Sài Gòn, ngay cạnh quận 1 – trung tâm hành chính, kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh, nhà và đất của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm bị chính quyền thu hẹp dần dần.
Theo Đài Á Châu Tự do (RFA), sau năm 1975, một số nhà dòng đã bị chính quyền mượn để làm trường học. Năm 2016, một nghĩa trang của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm bị chính quyền giải tỏa. Năm 2018, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh quyết định dời nhà thờ Thủ Thiêm nhằm xây dựng tuyến đường ven sông. Một năm sau, quyết định này bị công luận phản đối, nhà thờ Thủ Thiêm không phải di dời nhưng các công trình khác của nhà thờ sẽ bị chính quyền giải tỏa để làm đường.
Tu viện kín Camêlô cũng gặp xung đột tương tự với chính quyền Hà Nội, nhưng kém may mắn hơn. Từ năm 2012 đến năm 2016, chính quyền đã từng bước phá vỡ nhà thờ, tu viện nhà thờ, và tu viện kín ở số 72 đường Nguyễn Thái Học – một khu vực đắc địa ở Hà Nội – để xây một khu khám bệnh mới của bệnh viện Xanh Pôn. Đến nay, nhà thờ và tu viện kín Camêlô đã bị xóa sổ hoàn toàn.
Theo Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, khu nhà đất này chưa bao giờ được tòa giám mục “bàn giao” hay “cống hiến cho nhà nước”. Mặt khác, chính quyền đang sử dụng bốn khu nhà, đất khác của giáo hội để làm bệnh viện. Giáo hội Hà Nội cho rằng khu nhà thờ và tu viện kín Camêlô không nhất thiết phải bị phá huỷ.
Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam không những phải chịu mất mát lớn khi nhà, đất của họ bị tịch thu sau năm 1975 mà chính sách đất đai hàng thập kỷ qua đã giới hạn các điều kiện để phát triển của họ.
Chính quyền đã thiết lập và duy trì chính sách đất đai mang tính phân biệt đối xử đối với các tổ chức tôn giáo.
Mặc dù đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng trong thực tế, doanh nghiệp và các cá nhân được mua bán đất, mà gọi theo pháp luật Việt Nam là “chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Tuy nhiên, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam không được thực hiện hoạt động này mà phải theo những quy định về đất đai dành riêng cho các tổ chức tôn giáo.
Luật Đất đai năm 2013 (hiện hành) quy định rằng các tôn giáo chỉ được có đất khi chính quyền cấp tỉnh giao đất. Các tổ chức tôn giáo được công nhận sẽ đề xuất với chính quyền cấp tỉnh về mong muốn mở rộng nhà, đất của họ, sau đó chính quyền sẽ quyết định có phê duyệt hay không. Nếu có người hiến tặng đất cho các tổ chức tôn giáo, và nếu chính quyền đồng ý với đề xuất của tổ chức tôn giáo đó, thì phần đất sẽ được chính quyền thu hồi rồi giao lại cho tổ chức tôn giáo.
Quy định này trong thực tế đã giới hạn đáng kể sự phát triển của các tôn giáo. Ngay cả khi có đủ tiền thì các tổ chức tôn giáo cũng không thể tự mình mua đất và xây dựng cơ sở tôn giáo nếu chính quyền không cho phép.
Năm 2014, tôn giáo Baha’i đã xin chính quyền cấp lại nhà và đất đã bị tịch thu sau năm 1975. Tôn giáo Baha’i được công nhận vào năm 2008, nhưng đến năm 2014, các tổ chức của tôn giáo này vẫn báo cáo rằng họ chưa có trụ sở để ổn định các hoạt động. Điều này có nghĩa là chính quyền chưa cấp nhà, đất cho họ sau sáu năm chờ đợi. Hiện nay, tôn giáo này chỉ có hai trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, so với số lượng hàng trăm văn phòng đã có trước năm 1975.
Một thực trạng khác là quy định này khiến các tổ chức tôn giáo đôi khi lâm vào các rắc rối với chính quyền.
Ví dụ như một trường hợp xảy ra vào tháng 6/2020 ở tỉnh Ninh Bình. Sau khi thu hồi đất của 12 hộ dân muốn hiến tặng cho giáo xứ Đồng Đinh, chính quyền cấp tỉnh đã không giao lại khu đất đó cho giáo xứ. Thay vào đó, họ tuyên bố sẽ làm bờ đê ngăn lũ chắn ngang giữa khu đất hiện thời của giáo xứ và đất của 12 hộ dân muốn hiến cho giáo xứ.
Chính quyền thường tuyên bố rằng họ đã tạo điều kiện về đất đai cho các tôn giáo bằng cách giao đất miễn phí. Nhưng trong thực tế, quy định về đất đai này được đặt ra là để kiểm soát sự phát triển của các tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo không thể phát triển nếu không được tự do mua bán quyền sử dụng đất như các pháp nhân khác.
Quy định này cũng tạo ra khó khăn lớn đối với các tổ chức tôn giáo chưa được chính quyền công nhận. Khi nhà, đất của họ không được công nhận là nơi hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo, các tổ chức như Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hay các thánh thất Cao Đài độc lập sẽ đứng trước nguy cơ xảy ra xung đột rất cao.
Theo báo Hà Tĩnh, vào lúc 15:00 ngày 18/7/2020, Công an xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã lập biên bản và giải tán 28 người đang tập luyện Pháp Luân Công tại nhà của một người dân địa phương.
Vụ việc này được công an ghi hình. Băng ghi hình cho thấy có 28 người, đa số ở tuổi trung niên, đang ngồi trước màn hình TV chiếu băng hướng dẫn tập Pháp Luân Công.
Trưởng Công an xã Cẩm Vịnh, Thượng úy Đặng Thế Long, nói việc tập trung đông người tập Pháp Luân Công khi bộ môn này chưa được nhà nước công nhận là trái với quy định pháp luật, làm mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo báo Hà Tĩnh, Công an xã Cẩm Vịnh đã lập biên bản về việc việc này để tìm cách xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, trên khắp cả nước, các học viên Pháp Luân Công thường tập luyện tại các công viên, bãi biển một cách tự do, chưa có báo cáo nào gần đây cho thấy họ bị công an cản trở.
Tuy nhiên, chính quyền không chấp nhận việc tụ tập đông người để tập luyện Pháp Luân Công ở nơi kín đáo như nhà riêng.
Từ tháng Ba đến tháng Năm năm 2020, công an ở tỉnh Hà Tĩnh đã phạt ít nhất năm người vì phổ biến tài liệu Pháp Luân Công.
Ngày 24/7/2020, báo Người Việt dẫn nguồn tin từ mạng xã hội về một văn bản của Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Tĩnh với nội dung kỷ luật một phát thanh viên vì phổ biến Pháp Luân Công.
Theo đó, phát thanh viên này đã dùng tài khoản mạng xã hội của mình để phổ biến Pháp Luân Công. Hành động này được cho là “vi phạm nội quy, quy chế của đơn vị”. Văn bản ghi rằng hình thức xử lý phát thanh viên này sẽ được đưa ra sau khi có kết luận điều tra của cơ quan chức năng.
Tháng 6/2020, một hiệu trưởng của một trường trung học ở Quảng Trị đã bị kỷ luật sau khi ông tụ tập cùng nhiều người tập Pháp Luân Công tại nhà mình.
Nhà báo độc lập Võ Ngọc Lục cho biết vào ngày 17/7/2020 mục sư Nguyễn Ngọc Khánh bị Công an thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk mời làm việc với lý do “liên quan đến hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cá nhân, tổ chức nước ngoài”. Trước đó, mục sư Nguyễn Ngọc Khánh đã tiếp xúc với một phái đoàn của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo.
Tượng tự như trường hợp của mục sư Nguyễn Ngọc Khánh, ông Y Kuan Ê Ban (thường gọi là Ama Sim) cũng bị chính quyền xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đến nhà vào tối ngày 15/7/2020 để mời ông làm việc. Tại đó, chính quyền đã lập biên bản ghi nhận ông đang “sinh hoạt đạo Tin lành trái pháp luật” cùng với khoảng 40 người khác và họ đã mời ông lên làm việc tại ủy ban nhân dân xã vào ngày hôm sau. Hôm sau, ông Y Kuan bị chính quyền xã điều tra về cuộc gặp của ông với một phái đoàn của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo.
Trong một vụ việc khác, trang tin của tổ chức Human Rights and Justice for Indigenous People of Vietnam cho biết ông Y Quý Bdap và mục sư Y Khen Bđap bị Công an huyện Cu Kuin mời đến trụ sở để làm việc vào sáng ngày 23/7/2020 việc với lý do “làm việc liên quan đến công tác đảm bảo ANTT (an ninh trật tự) trên địa bàn”.
Tuy nhiên, trong buổi làm việc vào sáng ngày 23/7/2020, cả hai người đã bị thẩm vấn chỉ về việc gặp gỡ một phái đoàn của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo. Công an cáo buộc họ tham gia các hoạt động nhân quyền và đưa ra các cáo buộc sai trái về Việt Nam. Cả hai cho biết đã bị công an nạt nộ và đe dọa trong lúc bị thẩm vấn.
Sau phiên làm việc buổi sáng, công an yêu cầu hai ông tiếp tục làm việc vào buổi chiều nhưng cả hai từ chối vì lý do sức khỏe. Đến chiều cùng ngày, khi không thấy hai ông đến làm việc, công an đã cho bảy nhân viên an ninh đến cưỡng chế họ lên trụ sở, gia đình đã ngăn cản công an cưỡng ép ông Y Qui Bdap.
Các nhà hoạt động nhân quyền, tôn giáo bị “mời làm việc” sau khi gặp gỡ các phái đoàn nước ngoài là việc thường xuyên xảy ra. Hành động này của chính quyền vừa nhằm khai thác nội dung các buổi gặp gỡ, vừa cảnh cáo các nhà hoạt động không được chỉ trích nhà nước với nước ngoài.
Theo báo Công an Gia Lai, ngày 4/7/2020, Công an huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã đưa ông Puih Hơng, 40 tuổi, một người Thượng ở tỉnh này, ra “kiểm điểm trước dân” tại làng Châm, xã Ia Grăng.
Đây là hình thức cảnh cáo phổ biến của chính quyền ở khu vực Tây Nguyên. Trong đó, “người bị kiểm điểm” sẽ đứng trước nhiều người dân ở nơi cư trú và nhận lỗi về hành vi của mình
Trong lần “kiểm điểm trước dân” này, ông Puih đã bị người dân địa phương tố cáo vì ông đã “tuyên truyền Tin Lành Đề Ga” và “xuyên tạc chính sách tôn giáo, chính sách đại đoàn kết dân tộc”. Đồng thời, ông đã nhiều lần vượt biên sang Campuchia và bị trục xuất về Việt Nam trong khoảng tháng 6/2017 đến cuối tháng 5/2020.
Ngày 24/7/2020, một phóng sự cáo buộc Hội thánh Tin Lành Đấng Christ chống chính quyền, lôi kéo người dân đòi ly khai để tự trị ở Tây Nguyên được phát trên Truyền hình An ninh, một kênh thông tin của Bộ Công an.
Trong phóng sự này, Thượng tá Trương Hồng Quý, Trưởng phòng An ninh Đối nội của Công an tỉnh Đắk Lắk nói rằng một số đối tượng trong và ngoài nước sử dụng tôn giáo như một công cụ nhằm lôi kéo, tuyên truyền cho người dân những tư tưởng ly khai, chống chính quyền Việt Nam. Cụ thể, trong trường hợp này là Hội thánh Tin Lành Đấng Christ.
Ông Quý nói Hội thánh Tin Lành Đấng Christ được hỗ trợ tài chính từ các thành viên ở nước ngoài cho những hoạt động lôi kéo người dân trong nước chống chính quyền.
Đại tá Nguyễn Thế Lực, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, nói rằng hoạt động dùng tôn giáo chống chính quyền ở Tây Nguyên hiện nay đã chuyển từ Tin Lành Đề Ga sang Hội thánh Tin Lành Đấng Christ.
Phóng sự này đã công bố các thành viên lãnh đạo Hội thánh Tin Lành Đấng Christ từng là thành viên của FULRO, từng tham gia biểu tình chống chính quyền và bị chính quyền giam giữ ở các trại cải tạo, bao gồm: Y Jôl Bkrông, Ksor Sưn, Y Koư Byã, Y Niã Ayun, Y Nuen Ayun và Y Nguyệt Bkrông.
Phóng sự này cho thấy Công an tỉnh Đắk Lắk có quan điểm rất rõ ràng về Hội thánh Tin Lành Đấng Christ và quyết tâm giải tán tổ chức tôn giáo này.
Các trị sự viên của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy đã báo rằng họ bị cản trở đến trụ sở tạm thời tại xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang từ ngày 6 đến ngày 8/7/2020.
Đến tối ngày 8/7/2020, họ mới đến được trụ sở này để cử hành lễ kỷ niệm ngày giáo chủ Huỳnh Phú Sổ sáng lập ra Phật giáo Hòa Hảo.
Trong những năm qua, vào các ngày lễ lớn của Phật giáo Hòa Hảo, các tín đồ của Giáo hội Phật giáo Thuần túy luôn luôn đối diện với sự sách nhiễu và cản trở của chính quyền. Các chốt an ninh được lập ra để kiểm soát người đến trụ sở của giáo hội này.
Theo báo Tuổi Trẻ, đến tháng 7/2016, có 22 cơ sở tôn giáo, thờ tự, tín ngưỡng đã di dời ra khỏi khu vực xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.
Bài báo này nhấn mạnh đến việc các tổ chức tôn giáo đó đã đồng thuận bàn giao đất cho chính quyền để chuyển đến khu đất mới. Tuy nhiên, bài báo đã nhắm vào chùa Liên Trì, đưa tin rằng cơ sở này không chịu di dời như các cơ sở tôn giáo khác. Chùa Liên Trì thuộc hệ thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một giáo hội thành lập trước năm 1975 và không được chính quyền hiện tại công nhận.
Hòa thượng Thích Không Tánh, Trụ trì chùa Liên Trì ở thời điểm đó, cho biết các cơ sở tôn giáo đã di dời nằm trong hệ thống của chính quyền đều được đền bù và bố trí những khu đất thỏa đáng hơn. Trong khi đó, chùa Liên Trì không được đối xử công bằng như vậy.
Chính quyền vào thời điểm đó đã thông báo rằng họ sẽ cưỡng chế ngôi chùa vào tháng 7/2016.
Đến ngày 8/9/2016, khi không đạt được thỏa thuận bồi thường với chùa Liên Trì, chính quyền địa phương đã đưa lực lượng đến cưỡng chế và san phẳng chùa Liên Trì.
Đến nay, các nhà sư của chùa Liên Trì phải chia nhau tá túc ở những ngôi chùa khác và chính quyền vẫn chưa tiến hành bồi thường thỏa đáng cho họ.
Tổng điều tra dân số năm 2019 đã cho thấy nhiều tôn giáo có số lượng tín đồ giảm đáng kể, trong đó có bốn tôn giáo có số lượng tín đồ giảm đến hơn 90%.
Ba tôn giáo gồm Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam và Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư đạo có số tín đồ giảm trên 90% chỉ trong mười năm qua. Tôn giáo Baha’i cũng có số tín đồ giảm trên 90% nếu so với số lượng năm 1975.
Trong một bài viết vào năm 2017 của Ban Tôn giáo Chính phủ, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn có số tín đồ khoảng 6.500 người. Nhưng chỉ hai năm sau, Tổng điều tra dân số năm 2019 thống kê số tín đồ của đạo này chỉ còn lại 401 người. Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn được sáng lập vào năm 1915 tại Kiên Giang dựa trên giáo lý của Phật giáo, Khổng giáo và Nho giáo.
Trong các nhánh của Phật giáo tại Việt Nam, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam được xem là tổ chức có số tín đồ đông đảo nhất. Ban Tôn giáo Chính phủ báo cáo rằng tổ chức tôn giáo này có khoảng 1,5 triệu tín đồ và hơn 350.000 thành viên vào năm 2010. Tuy nhiên, đến năm 2019, số tín đồ của đạo này chỉ còn lại 2.306 tín đồ.
Theo Tổng điều tra dân số 2019, Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư đạo chỉ còn lại 260 tín đồ. Năm 2010, Ban Tôn giáo Chính phủ báo cáo rằng tôn giáo này có đến 11.224 tín đồ.
Sau 1975, tôn giáo Baha’i phải chờ đến 33 năm để được chính quyền Việt Nam công nhận vào năm 2008. Năm 2010, tôn giáo này có khoảng 7.200 tín đồ. Hiện nay, số tín đồ chỉ còn khoảng lại 2.153 người, giảm đến 99% so với hơn 200.000 tín đồ vào năm 1975.
Ngoài ra, có bảy tôn giáo khác có số tín đồ giảm từ 50% đến hơn 80% so với năm 1975. Trong số đó có đạo Cao Đài, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam, Phật giáo Hòa Hảo. Một số tôn giáo khác cũng có mức giảm tương tự chỉ trong 10 năm trở lại đây như Bửu Sơn Kỳ Hương, Hội thánh Minh Lý Đạo – Tam Tông Miếu.