Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Lời tòa soạn: Ban biên tập Luật Khoa hoàn toàn hiểu tiêu đề và một số từ, ngữ trong bài viết này có thể gây sốc với nhiều độc giả. Luật Khoa lựa chọn cách giữ nguyên các từ, ngữ này theo đề xuất của tác giả, sau khi tham vấn ý kiến của một số độc giả. Lý do chúng tôi chọn phương án này là vì bài viết đang bàn đến tự do ngôn luận, và căn cứ vào nội dung bài viết, chúng tôi thấy không có lý do để tự kiểm duyệt. Bên cạnh đó, bài viết bàn cả về khía cạnh ngôn ngữ của các từ, ngữ này, và do đó, các từ, ngữ này nên được viết ra một cách rõ ràng để xem xét nó như một đối tượng ngôn ngữ thông thường. Chúng tôi biết rằng quyết định này sẽ không làm hài lòng tất cả mọi người, và tôn trọng phán xét của quý vị độc giả.
***
Kỳ 1: Đừng mơ tuyệt đối và đừng sợ vô đối
Khi nhắc đến tự do ngôn luận, các ngôn từ và biểu đạt “tục tĩu” thường chiếm vị trí nổi bật trong những cuộc tranh cãi.
Rất nhiều người mặc định rằng những thứ tục tĩu đó không thể được xếp vào “tự do ngôn luận”, không thể được bảo vệ như cách người ta bảo vệ các phát ngôn “sạch sẽ” khác.
Sự thật tuy vậy thường phức tạp hơn những gì người ta mặc định.
Để nói về tục tĩu, tất nhiên phải định nghĩa nó. Nhưng một việc tưởng chừng như đơn giản đó hóa ra lại khá phức tạp.
Chúng ta thử xem số phận của chữ “fuck” trong tiếng Anh.
Gần như người Việt nào cũng biết ý nghĩa của từ được cho là chửi thề này. Nhưng cho đến nay không có người Anh, người Mỹ nào có thể chắc chắn về nguồn gốc ý nghĩa của nó.
Người thì cho rằng nó có gốc Latin, kẻ đoán nó phải từ tiếng Đức, người nghĩ nó là tiếng Anh cổ, và có kẻ thì lần mò ra được họ hàng từ tận Scandinavia.
Lý do không ai biết được gốc tích thật sự của một trong những từ phổ biến nhất trong tiếng Anh là vì nó hoàn toàn bị cấm trong suốt một thời gian dài.
Tại chính nước Mỹ tự do, đến tận thập niên 1960, các ấn phẩm sách báo đều không được phép lưu hành nếu có chữ “fuck” trong đó. Tiểu thuyết nổi tiếng “Lady Chatterley’s Lover” của nhà văn D. H. Lawrence khi được in tại Mỹ vào năm 1959 đã bị nhà chức trách thu hồi vì có “fuck” xuất hiện. Chỉ sau khi nhà xuất bản khởi kiện và được tòa phán “tác phẩm không tục tĩu”, quyển tiểu thuyết mới đến được tay độc giả (số phận của quyển sách tại quê hương Anh quốc của tác giả cũng tương tự, bị cấm và chỉ được giải phóng khi tòa xử cho nhà xuất bản thắng kiện).
Còn quyển từ điển Oxford mà nhiều người quen thuộc được xuất bản lần đầu vào năm 1884, mãi đến gần 100 năm sau, năm 1972, các nhà biên soạn mới chịu đưa “fuck” vào trong mục từ, bất kể việc chữ này xuất hiện từ trước khi ấn bản đầu tiên của Oxford ra đời vài trăm năm.
So với “fuck”, các huynh đệ đồng môn của nó trong tiếng Việt như “đụ”, “đéo” và “địt” có danh có phận hơn.
Ngay từ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của xuất bản vào năm 1895, các từ này đã được đưa vào từ điển.
Trong ấn bản đó, trừ “đụ” và “đéo” là mang nghĩa “giao cấu”, “địt” vẫn còn mang nghĩa “đít bắn hơi kêu ra tiếng” chứ chưa được xếp chung mâm “tục tĩu” như hai chữ trên.
Riêng từ “tục tĩu”, ngoài chữ “tục” với nghĩa dễ thấy (như trong “thông tục”), “tĩu” là từ có chung nguồn gốc với chữ 屌 của tiếng Quảng Đông, đọc cùng âm /diu/, có nghĩa gốc là “dương vật” (với bộ 尸 là cơ thể người còn 吊 là chỉ thứ đung đưa), trong ngôn ngữ hiện đại nó mang cùng nghĩa “giao cấu” như “đụ”. Chữ 屌 khi phát âm theo tiếng Phúc Kiến /diao/ cũng khá gần âm với “đéo”.
Có thể suy ra các từ này đều có chung nguồn gốc, chỉ hành động giao cấu.
Vì sao những từ chỉ hành động giao cấu lại bị xem là xấu xa?
Trong quyển sách mang tựa đề vỏn vẹn một chữ “Fuck”, giáo sư luật Christopher Fairman thuộc Đại học Ohio đã tìm cách giải thích điều này.
Tổng hợp ý kiến của nhiều chuyên gia, từ ngôn ngữ học đến phân tâm học, Fairman cho rằng những từ tục tĩu là một dạng “từ cấm kỵ” (word taboo). Giống như mọi thứ cấm kỵ khác, nó có nguồn gốc từ việc bảo vệ con người khỏi sự nguy hiểm.
Chúng ta không nhắc đến cái chết, đến bệnh tật, đến cứt đái, đến những bãi nôn mửa, đến các con vật đáng sợ, thậm chí né tránh nhắc đến thần linh đều là để bảo vệ mình khỏi các mối nguy từ đó.
Ví dụ như từ “bear” (gấu) của tiếng Anh. Nó có nguồn gốc từ tiếng Đức với nghĩa “con vật màu nâu” thay vì là một danh từ riêng chỉ loài gấu. Lối nói tránh này (euphemism) là cách các thợ săn ngày xưa tự bảo vệ mình khỏi nỗi sợ hãi đụng độ với con vật to lớn. Người Đức không cô đơn, khi người Ireland cũng gọi gấu bằng cái tên thân thương “con bê ngoan”, người xứ Wales thì gọi chúng là “heo mật”, người Nga là “bọn ăn mật”, còn người Lithuania đơn giản là “bọn thích liếm”.
Người Ukraine đúc kết nỗi sợ này bằng câu tục ngữ “Ai nhắc tới sói là sói chạy ngay vào nhà”.
Lo sợ đắc tội với thần linh cũng là một phản ứng cấm kỵ giống vậy, như cách người Do Thái không gọi tên trực tiếp Chúa của mình, thậm chí cũng không viết rõ tên ra mà dùng lối viết tắt YHVH để tránh phạm tội báng bổ.
Các từ cấm kỵ là một ánh xạ của những hành động cấm kỵ.
Việc nhắc tới, hay nghe ai đó nhắc, tự khắc gợi lên trong đầu con người hình ảnh về những mối nguy, và tự động kích thích các phản ứng sợ hãi/ ghê tởm/ khinh ghét… để giúp chúng ta tránh các hiểm nguy đó mà không cần mất nhiều thời gian bình tĩnh suy xét.
Điều tương tự diễn ra với những từ tục tĩu. Nó đại diện cho những hành động cấm kỵ về tính dục từ thời xa xưa, như loạn dâm, loạn luân, ấu dâm… mà mỗi khi các từ “tĩu” như vậy được xướng lên, con người ngay lập tức có phản ứng tiêu cực với nó để tránh lặp lại các hành động được cho là nguy hiểm ấy.
Đó là cơ chế sinh tồn sót lại từ thời tiền sử.
Nhưng nó có còn mang ý nghĩa “sống còn” như vậy vào thời nay?
Cũng như việc sợ hãi vô lý khi nhắc tới cái chết – một thứ vừa cấm kỵ vừa xúi quẩy, cứ như nhắc đến là sẽ có người lăn ra chết ngay lập tức – nỗi sợ hãi ghê tởm mơ hồ về những ngôn từ tục tĩu liệu có còn cần thiết với con người hiện đại?
Ngay cả khi bảo lưu quyền được ghê sợ những từ tục tĩu, người ta cũng sẽ phải trả lời cho câu hỏi, khi những từ “tục” không còn mang nghĩa “tĩu”, tại sao mình vẫn còn phải sợ?
Trong quyển sách “Fuck”, giáo sư Fairman đã trình bày các dẫn chứng qua đó cho thấy theo thời gian, từ “fuck¹” với nghĩa giao cấu đã chuyển sang “fuck²” mang ý thể hiện cảm xúc tức thời mà người phát ngôn không hề có ý nghĩ gì về tính dục.
Trong tiếng Anh hiện đại, những trường hợp sử dụng chữ “fuck” với hàm ý cảm xúc (fuck²) chiếm tuyệt đại đa số so với ý nghĩa nguyên thủy về tính dục (fuck¹).
Như khi người ta nói món ăn này “fucking good”, nó chỉ đơn giản là “cực ngon” chứ không mang nghĩa “ngon tới mức muốn đi giao cấu”.
Sự phát triển của ngôn ngữ nói chung và của những “tĩu ngữ” nói riêng là lý do chính khiến cho các lệnh cấm kiểu “văn tự ngục” như Đạo luật Comstock ở Mỹ vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 nhanh chóng trở nên lỗi thời và bị loại bỏ.
Dưới ảnh hưởng của Đạo luật Comstock (mang tên của Anthony Comstock, một nhân vật dành trọn đời mình để đi thanh tẩy ngôn ngữ giang hồ), hàng trăm tấn sách vở báo chí đã bị tiêu hủy suốt vài chục năm. Trong số đó có cả những tác phẩm của Leo Tolstoy và Walt Whitman, cùng vô số những sách truyện hay công trình nghiên cứu khác, tất cả đều bị dẹp bỏ chỉ vì “dám” nhắc tới những từ tục tĩu, bất kể những từ đó được dùng như thế nào và các công trình hay tác phẩm đó nói về gì.
Những tĩu ngữ của tiếng Việt cũng trải qua quá trình biến chuyển tương tự.
Trong tuyệt đại đa số trường hợp, cho dù là ngôn ngữ nói hay viết, khi nhắc đến “đụ”, “địt” hay “đéo”, người ta đều không chủ ý đề cập đến hành vi giao cấu, mà chỉ đơn giản dùng nó như một thứ phản ứng cảm xúc tức thời.
Ngoài những tĩu từ nguyên gốc trên, tiếng Việt hiện đại, ít nhất là của người trẻ, cũng đã phát triển thêm các biến thể khác như “đu”, “đù” hay “đíu”.
Cho dù vắt kiệt lực cũng thật khó để một người có thể liên tưởng đến hành vi giao cấu tính dục khi nghe ai đó nói “a đù, xe này đẹp bây” hay “tao đíu muốn nói chuyện với mày nữa”.
Một khi tục từ không còn mang tính tĩu, còn lý do gì để người ta phải ghê sợ, khinh ghét và nhất là cấm đoán, đòi trừng phạt những người sử dụng nó?
Có rất nhiều bạn trẻ hâm mộ những người nổi tiếng hở một tiếng là “địt” và hai tiếng là “đụ”. Họ cho đó là “thô nhưng thật”, như thể những ai không “dám” nói ra những tĩu từ đó đều là giả dối.
Đó tất nhiên là một quan niệm sai lầm.
Có thể hình dung các từ tục tĩu cũng giống như phân. Ai cũng thải ra nó mỗi ngày, thậm chí vào bất kỳ thời khắc nào, cơ thể mỗi người đều có thể xem là một thùng phân di động.
Nhưng để thải ra phân, tuyệt đại đa số đều biết tìm đến đúng nơi đúng chỗ (cái toilet) nhằm đảm bảo vệ sinh thay vì ngồi đâu ỉa đó.
Với những người đi đến đâu cũng để lại vài bãi, không có lý do gì để nghĩ rằng họ “thật hơn” những người khác. Họ chỉ có thể là những kẻ không biết kiểm soát cơ thể mình, không biết tôn trọng người xung quanh, hay chỉ đơn giản là có vấn đề nghiêm trọng về tiêu hóa mà không biết đi khám bác sĩ.
Việc phun phì phèo vô tội vạ những ngôn từ tục tĩu cũng là một dạng “đi ỉa tự do” giống vậy.
Cũng như phân người, các từ tục tĩu không có tội tình gì. Vấn đề chỉ xuất hiện khi nó được thả không đúng chỗ.
Phân thật ra lại là một thứ cực kỳ có ích, từ việc nghiên cứu phân tích nó để tìm ra tình trạng bệnh lý, hay ủ nó và tạo thành thức ăn cho cây.
Các tĩu từ, đặt đúng vị trí của nó, cũng hoàn toàn có thể là những thứ có ích. Ít nhất thì chúng có vai trò quan trọng không thể phủ nhận trong lịch sử phát triển ngôn ngữ của nhân loại.
Cho tới trước khi viết bài này, người viết chưa bao giờ nói hay tạo ra những chữ “địt”, “đụ”, “đéo” trong bất kỳ trường hợp nào. Và nếu không viết về đề tài này, có lẽ người viết cũng không bao giờ có nhu cầu cần viết những tĩu ngữ này.
Tiêu đề gốc của bài viết được gắn trang trọng hai chữ “địt mẹ”. Nếu bài được chọn đăng, khả năng cao ban biên tập của Luật Khoa cũng sẽ không đồng ý với việc cho từ đó, cùng với các huynh đệ tỷ muội của nó, xuất hiện trong bài, huống hồ là treo ngay tiêu đề.
Và đó là một điều hoàn toàn dễ hiểu.
Đến tận ngày hôm nay, khi đọc những tờ báo nước ngoài, bạn cũng sẽ rất ít khi thấy xuất hiện chữ “fuck”, mà thay vào đó là “the four-letter word” (từ bốn ký tự), “f**k” hay “f__k”, ngay cả khi tường thuật trực tiếp lại lời nói của nhân vật trong một sự kiện nào đó.
Nỗi sợ hãi mơ hồ về ngôn từ cấm kỵ vẫn còn ở những xã hội được cho là văn minh tự do nhất.
Một trong những lý do có vẻ chính đáng nhất được đưa ra là để bảo vệ trẻ em, giúp chúng khỏi bị “đầu độc” từ sớm.
Người viết không chắc những cách dùng né tránh, các uyển ngữ như trên là thật sự để bảo vệ những đứa trẻ, hay bảo vệ người lớn khỏi sự thật rằng những đứa trẻ không ngây thơ như họ tưởng tượng.
Câu chuyện của tác giả Dave Trott kể lại trong quyển “1+1=3” đáng để mọi người lớn tham khảo.
Một ngày đẹp trời, Trott được cô giáo ở trường báo lại rằng con trai anh thường xuyên ngồi đu người trên lan can thành cầu thang nằm trên tầng ba của tòa nhà. Các thầy cô nhắc nhở mọi cách nhưng đứa nhỏ vẫn tiếp tục lặp lại trò này. Cô giáo nhờ anh tìm cách dạy dỗ lại để tránh thảm họa xảy ra.
Trott biết rằng có tìm cách cấm cản cậu nhóc cũng vô dụng. Chờ đến ngày cuối tuần, khi vợ đi ra ngoài mua sắm, anh rủ con trai “chơi trò lăn xuống bậc cầu thang”.
Cậu nhóc khoái chí. Anh dẫn cậu lên phía đầu cầu thang ở nhà, hướng dẫn cách đưa hai tay ôm đầu, cuộn tròn như quả banh và bảo cậu lăn xuống.
Cậu bé làm theo, ngã lăn xuống cầu thang, và lồm cồm bò dậy than đau. Trott bảo đó là vì cậu làm chưa đúng cách, khuyến khích cậu làm lại. Cậu nhóc ngã lại, và tiếp tục xoa tay xoa chân. Trott khen cậu làm tốt, khuyến khích cậu lặp lại. Cậu bé tiếp tục ngã.
Lần này đúng lúc người vợ về đến nhà và nổi đóa.
Trott giải thích rằng đây là cách tốt nhất để giúp con trai.
Cậu nhóc còn quá nhỏ để biết rằng nếu tiếp tục đu người trên lan can, khi ngã xuống hậu quả sẽ khôn lường. Đó cũng là lý do chính cậu sẽ không nghe lời khuyên bảo của người lớn.
Thay vì tiếp tục cấm đoán, anh tìm cách giúp cậu học cách té ngã tại nhà, nơi chỉ có một tầng cầu thang, lại được bọc thảm, và cho dù có chuyện gì anh cũng có mặt để đưa cậu bé đến bệnh viện.
Người vợ vẫn còn giận, nhưng cô hiểu logic của chồng.
Cậu con trai thì vẫn đang nhăn mặt xoa tay xoa chân. Giờ cậu đã biết là té cầu thang không phải chuyện thú vị gì.
Sau lần đó, nhà trường thông báo rằng cậu bé không còn ngồi đu thành lan can nữa.
Tác giả Christopher Fairman đã viết lời tựa dành tặng con gái của mình trong quyển “Fuck”, rằng “hy vọng cô bé sẽ ít nói từ đó mà hiểu về nó nhiều hơn”.
Fairman qua đời không lâu sau khi hoàn thành quyển sách.
Con gái của ông, cũng giống như con trai của Trott, có lẽ đã học được rất nhiều từ những người lớn không sợ cấm kỵ và không chịu cấm cản của mình.
Kỳ 3 và hết: Khá Bẩn và Khá Bệnh có phải là đối tượng của luật pháp?
Đọc thêm: