Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Trong khi dịch bệnh covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, Đài Loan trở thành một trong những điểm sáng hiếm hoi.
Theo thông tin công bố chính thức, tính đến thời điểm ngày 5/8/2020, Đài Loan chỉ có dưới 500 ca dương tính và bảy trường hợp tử vong.
Điều này càng đáng nể hơn khi xét trong bối cảnh đảo quốc này nằm sát ngay cạnh Trung Quốc, nơi khởi phát đại dịch, với mật độ giao thương qua lại dày đặc giữa hai bên xưa nay.
Cũng trong ngày 5/8/2020, chính quyền Mỹ xác nhận thông tin trên truyền thông về việc Bộ trưởng Y tế nước này cùng các chuyên gia phòng dịch sẽ viếng thăm Đài Loan trong những ngày tới.
Chuyến thăm ngoài ý nghĩa về chính trị – đánh dấu lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Mỹ thăm chính thức Đài Loan kể từ khi hai bên chấm dứt quan hệ ngoại giao từ năm 1979 – còn là một sự thừa nhận năng lực kiểm soát dịch bệnh của Đài Loan: cường quốc số một thế giới đang lao đao chống chọi với dịch bệnh cử người đến học hỏi kinh nghiệm của một đảo quốc nhỏ bé.
Đã có nhiều phân tích về lý do vì sao Đài Loan chống dịch thành công, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Từ kinh nghiệm phòng SARS năm 2003 của hệ thống y tế, chủ động ngăn chặn truy soát từ trước cả khi Trung Quốc công bố dịch, truy vết và cách ly kịp thời các ca lây nhiễm, minh bạch toàn bộ thông tin, đến các chính sách quản lý khẩu trang, bắt buộc toàn dân đeo khẩu trang khi dùng phương tiện giao thông công cộng, phân phối hợp lý và tăng cường sản xuất kịp thời “mặt hàng thiết yếu mới” này…
Trong khuôn khổ bài viết, chúng ta sẽ cùng điểm qua một khía cạnh khác không kém phần quan trọng của công tác chống dịch: hiệu quả tuyên truyền vận động thông tin của chính phủ đến người dân, mà ở Việt Nam chúng ta vẫn quen gọi là “tuyên giáo”.
Vào thời điểm dịch bệnh vừa xuất hiện và bắt đầu có dấu hiệu lây lan trong cộng đồng, như những nơi khác, người Đài Loan cũng đổ xô đi mua tích trữ khẩu trang và giấy vệ sinh. Lý do mua khẩu trang thì ai cũng hiểu, còn lý do giấy vệ sinh cũng bị giành giật là vì xuất hiện tin giả rằng hai mặt hàng này có cùng nguyên liệu.
Để dập tin đồn vô căn cứ này, văn phòng Thủ tướng Tô Trinh Xương quyết định dùng đến cái mông của nhà lãnh đạo.
Một tấm infographic (thông tin kèm hình vẽ minh họa) được đăng tải trên trang Facebook chính thức của Thủ tướng, với hình ảnh ông quay lưng lại chìa mông ra, kèm theo dòng chữ to ngay trên đầu “mỗi người chỉ có một cái mông”, hàm ý bảo tích trữ dư thừa giấy vệ sinh cũng chẳng có ích gì.
Bức hình cung cấp ngắn gọn thông tin về hai mặt hàng khẩu trang và giấy vệ sinh (sử dụng nguyên liệu khác nhau, nguồn cung cũng khác nhau), đồng thời cũng không quên kèm theo khuyến cáo về hình phạt chế tài đối với hành vi thao túng giá cả các mặt hàng thiết yếu.
Thay cho những phát biểu đao to búa lớn hay gương mặt nghiêm túc trịnh trọng, cái mông của ông Thủ tướng được đông đảo người dân Đài Loan hoan hỉ đón nhận.
Tính đến nay, nó đã nhận được đến hơn 100.000 lượt tương tác và hơn 20.000 lượt chia sẻ.
Tin đồn và việc đua nhau tích trữ giấy vệ sinh cũng bị cái mông này nhanh chóng đè bẹp.
Cái mông của Thủ tướng Tô Trinh Xương nổi danh và hữu ích là vậy, nhưng nó vẫn phải xếp dưới con chó của Bộ trưởng Y tế Trần Thời Trung.
Kể từ khi vô tình xuất hiện trên trang Facebook của Bộ Y tế Đài Loan, chú chó giống Shiba Inu ngay lập tức trở thành linh vật biểu tượng cho phong trào chống dịch của nước này.
Được gọi bằng cái tên “Tổng tài” (總柴, một cách chơi chữ với từ gần âm 總裁, vốn có nghĩa là “Chủ tịch” hay CEO, trong đó chữ 柴 ở đây là tên tiếng Hoa của giống chó Shiba Inu), “Chủ tịch chó” này nhanh chóng chiếm cảm tình của người dân, biến những thông điệp khô khan chán ngắt thành những hình ảnh vui vẻ được chia sẻ rộng rãi.
Mọi thông tin hình ảnh về dịch bệnh, các hướng dẫn tuyên truyền phương thức phòng chống bệnh, đều được thực hiện dưới dạng các infographic với “người đứng đầu” là “Chủ tịch chó”.
Chủ tịch chó không chỉ nói tiếng Hoa, mà còn dùng những ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Thái và cả tiếng Việt để đảm bảo các thông tin quan trọng được truyền đạt đến mọi tầng lớp nhân dân ở Đài Loan.
Và tất nhiên Chủ tịch chó cũng phải có riêng phiên bản nói… tiếng chó.
Phiên bản “cẩu ngữ” này khiến nhiều người thích thú, nhưng cũng đồng thời làm “hội mèo” ganh tị, yêu cầu phải có luôn phiên bản “chủ tịch mèo” mới công bằng!
Cái mông của Thủ tướng và con chó của Bộ trưởng tuy được đón nhận rộng rãi, nhưng với đa số những người trẻ tuổi ở Đài Loan, các thầy bói vẫn được họ lắng nghe nhiều hơn là những chính khách.
Hiểu rõ điều đó, những người phụ trách tuyên truyền của Bộ Giáo dục nước này đã tương kế tựu kế.
Họ cho đồng nghiệp bắt chước ăn vận của một thầy bói nổi tiếng ở Đài Loan, và dùng phương thức tương tự nói về tử vi 12 cung hoàng đạo để chia sẻ thông tin về dịch bệnh đến giới trẻ.
Những người thực hiện khéo léo lồng ghép nội dung về các “đặc tính” vốn được nhiều người tin là gắn liền với mỗi chòm sao vào các thông tin cần được phổ biến.
Như khi nói về cung Song Tử, được cho là đa nhân cách, nội dung thể hiện là “tuy nhân cách khác bên trong của mình cũng muốn lấy khẩu trang, nhưng thẻ bảo hiểm y tế lại chỉ có một” (đề cập đến vấn đề phân phối khẩu trang, mỗi cá nhân chỉ được mua số lượng hạn chế).
Hoặc về cung Bạch Dương, được cho là hay nóng nảy, nội dung chia sẻ là “khi nóng thì nhớ rửa tay, rửa xong là sẽ quên ngay”, và “đừng chọc mấy đứa có bệnh trong người”.
Còn cung Thiên Bình, được cho là thích giao thiệp rộng rãi lấy lòng người khác, lời khuyên đưa ra là “nhớ rửa tay thường xuyên mới giữ được hình tượng đẹp của bạn trong lòng mọi người”, và “bớt kén cá chọn canh đi, khẩu trang lấy màu gì chẳng được”.
Hay với những người tin là mình lãng mạn của cung Song Ngư, lời tâm sự là “điều lãng mạn nhất em nghĩ ra, đó là cùng anh rửa tay tới già”, và “nắm tay nhau xong nhớ đi rửa tay, đừng biến mình thành trung tâm truyền nhiễm dịch bệnh”.
Các bài viết “tuyên giáo kiểu tử vi” này được giới trẻ chia sẻ hưởng ứng nhiệt liệt, với hàng chục ngàn lượt tương tác và bình luận.
Không phải ngẫu nhiên mà những thông tin tuyên truyền từ các cơ quan chính quyền được người dân rộng lòng đón nhận. Đó là thành quả của một quá trình “trưởng thành về nhận thức” từ cả hai phía, đặc biệt là từ phía chính quyền.
Theo lời của Đường Phụng (Audrey Tang), người giữ chức Chính Ủy (tương đương cấp Bộ trưởng) phụ trách về mảng chính phủ điện tử, cách chính phủ xử lý khủng hoảng dịch bệnh SARS vào năm 2003 khiến rất nhiều người dân không phục.
Việc thiếu sự chuẩn bị, không tham vấn đầy đủ, đưa ra các thông báo quyết định tức thời, khiến cộng đồng và cả hệ thống y tế đều hoảng loạn và hoang mang.
Sau lần đó, chính quyền Đài Loan đã rút ra nhiều bài học, mà một trong số đó là việc phải tham vấn chia sẻ thông tin cùng người dân.
Những người lãnh đạo chính quyền không chỉ biết hứa suông.
Vào năm 2014, các sinh viên tổ chức Phong trào Hoa hướng dương tràn vào chiếm tòa nhà Quốc Hội phản đối ý định ký hiệp định thương mại mở rộng cửa cho Trung Quốc đại lục vào đầu tư. Sau sự kiện đó, chính quyền Đài Loan đã trải thảm mời những người từng tham gia phong trào phản đối vào tham gia trong các dự án về xây dựng luật, để tìm hiểu và phản ánh đúng nhu cầu tâm tư thực tế của người dân.
Trong số những người từng tham gia đấu tranh năm đó, nhiều người hiện tại đang đóng góp công sức để phát triển hệ thống truy vấn kiểm soát dịch bệnh mà chính phủ đang triển khai.
Bản thân Đường Phụng cũng là một trong những người tham gia vào Phong trào Hoa hướng dương năm xưa.
Đường Phụng, cùng với rất nhiều người trẻ tuổi khác, cũng là tác nhân đứng sau các hoạt động tuyên truyền mang đầy màu sắc tươi vui, hóm hỉnh, hài hước của chính quyền.
Với khẩu hiệu “khôi hài đánh bại độc hại” (humour over rumour), những thông điệp được thiết kế từ góc nhìn, nhu cầu và mối quan tâm thật sự của người dân, kết hợp không gian tự do sáng tạo không bị gò ép, tự động trở thành nam châm thu hút sự chú ý của cộng đồng mà không cần phải có bất kỳ luật lệ khiên cưỡng nào.
“Tuyên giáo” của Đài Loan vì vậy không những được tiếp nhận, mà còn được chính người dân hưởng ứng đóng góp sáng tạo thêm để càng ngày các giá trị tốt đẹp càng được nhân rộng.
Đó không chỉ là bài học có được từ đại dịch. Người ta có thể thấy phương thức tuyên truyền hai chiều này xuất hiện ở mọi cơ quan trong chính quyền với mọi vấn đề lớn nhỏ của đất nước.
Đây là thành quả tất yếu của quá trình xây dựng nên một thể chế dân chủ đúng nghĩa, và nó tạo ra sức đề kháng mạnh nhất cho xã hội chống lại mọi thứ dịch bệnh từ bên trong lẫn bên ngoài.