‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Tôi hiểu hệ thống tư pháp đang kẹt trong một thế lưỡng nan. Nhưng có một giải pháp tạm thời để hóa giải thế lưỡng nan đó.
Tôi không có quan hệ gì với Hồ Duy Hải. Đó chỉ là một người trong số 100 triệu người dân Việt Nam, vụ án của anh ta cũng chỉ là một trong số rất nhiều vụ án bị tòa kết án tử hình ở Việt Nam. Tôi chỉ biết đến vụ án thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các bài viết của các nhà báo trên Facebook. Các nhà báo ấy cũng chẳng có quan hệ gì với Hồ Duy Hải.
Vậy tại sao tôi lại quan tâm đến vụ án Hồ Duy Hải nhiều đến thế?
Tôi đã suy nghĩ mãi về câu hỏi này. Câu trả lời là vì vụ án động chạm đến niềm tin vào công lý của tôi, và tôi nghĩ rằng nó cũng động chạm đến niềm tin vào công lý của nhiều người khác.
Bằng nhiều cách khác nhau, qua giáo dục trong gia đình, nhà trường, qua sách vở, chúng ta có một niềm tin rằng hung thủ giết người phải bị pháp luật trừng phạt. Mặc dù không đồng ý với khung hình phạt tử hình trong luật Việt Nam, tôi hiểu rằng việc một người phạm tội sát nhân bị pháp luật trừng phạt sẽ được bất kỳ ai có niềm tin vào công lý đồng tình.
Niềm tin vào công lý nói với tôi rằng việc pháp luật trừng phạt một người gây ra tội ác là một việc công bằng và chính đáng. Tuy nhiên, để đảm bảo công lý thì trước khi trừng phạt một ai, hệ thống tư pháp phải chứng minh được người đó thực sự phạm tội. Nói theo ngôn ngữ của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là: “Mỗi bản án phải thực sự tâm phục, khẩu phục”.
Mỗi phiên toà xét xử là một cơ hội để chúng ta nhìn lại niềm tin vào công lý trong mình. Nếu toà kết án ai đó trong khi không chứng minh được họ có tội thì rõ ràng bản án đó không “tâm phục, khẩu phục” đối với người bị kết án, gia đình họ và những người quan tâm đến vụ án. Điều đó sẽ làm xói mòn uy tín của hệ thống tư pháp Việt Nam, đồng thời đánh mất nơi người dân niềm tin vào công lý.
Vụ án Hồ Duy Hải rõ ràng là một vụ như vậy.
Tôi hoàn toàn hiểu được thế khó của hệ thống tư pháp Việt Nam, nhất là 17 vị thẩm phán trong phiên tòa giám đốc thẩm vụ án này.
Nếu phải điều tra lại vụ án từ đầu thì với thời gian rất dài kể từ khi bản án xảy ra, rất khó để các cơ quan điều tra tìm ra hung thủ thật sự. Mặt khác, huỷ bản án và điều tra lại từ đầu đồng nghĩa với việc thừa nhận các sai phạm trong quá trình tố tụng là rất nghiêm trọng và phải chịu xử lý theo pháp luật. Khi đó, sẽ có rất nhiều người phải chịu trách nhiệm liên đới.
Còn nếu tuyên y án tử hình như các bản án sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm trước đó thì cũng không thể dập tắt được sự nghi ngờ của rất nhiều người về tính công minh của hệ thống tư pháp.
Hồ Duy Hải có thể bị tử hình và vụ án có thể kết thúc, nhưng những bài viết vẫn còn được lưu trên Internet và những hoài nghi vẫn sẽ còn lại trong tâm khảm của người dân Việt Nam. “Trăm năm bia đá cũng mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.”
Những người có trách nhiệm với bản án Hồ Duy Hải đang ở trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Đâu là quyết định tốt nhất để vừa giữ gìn hình ảnh cho hệ thống tư pháp lại vừa bảo vệ niềm tin của người dân vào công lý?
Bản thân tôi khi tìm hiểu về vụ án Hồ Duy Hải cũng rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan khi phải xác định người này oan hay không oan. Lập luận của cả bên buộc tội lẫn bên gỡ tội cho bị cáo đều có lý của nó. Với các bằng chứng hiện có, rất khó để khẳng định bên nào đang nói lên sự thật, trong khi sự thật về việc Hồ Duy Hải có phải là hung thủ giết người hay không chỉ có một.
Mặt khác, quyết định tử hình là một quyết định không thể đảo ngược. Nếu sau khi giết Hồ Duy Hải, gia đình chứng minh được anh ta vô tội hoặc hung thủ thực sự ra đầu thú thì ai trong số các thẩm phán đã xét xử Hồ Duy Hải sẽ đền mạng cho cái chết oan ức đó?
Với các bản án tù oan, niềm tin vào công lý còn có thể cứu vớt được bằng việc toà xin lỗi và đền bù theo quy định của pháp luật; còn với một bản án tử hình sai, niềm tin này trong nhiều người dân Việt Nam chắc chắn sẽ sụp đổ.
Vì vậy, tôi cho rằng cách tốt nhất để đối mặt với tình thế lưỡng nan này là ân giảm mức án của Hồ Duy Hải từ tử hình xuống chung thân. Như vậy, cả bên buộc tội (tòa án, viện kiểm soát, cơ quan điều tra) và bên gỡ tội (gia đình Hồ Duy Hải, luật sư, các nhà báo quan tâm đến vụ án) đều có thêm thời gian để chứng minh lập luận của mình trước những người dân còn tin vào công lý.
Và chỉ có chủ tịch nước mới làm được việc ấy.
*Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.