‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Chúng ta ai cũng mong muốn được sống trong bình yên và no ấm. Nhưng hãy thử hình dung một lần, nếu rơi vào vị thế của những người dân bị chiếm đất, chúng ta sẽ làm gì?
Từ khi Việt Nam bị người Pháp cai trị cho đến ngày Đảng Cộng sản thâu tóm mọi quyền lực, số phận của người dân mất đất đều bi đát như nhau. Ở đó, nếu nạn nhân tiến một bước thì sẽ trở thành bị cáo với án tù hay án tử hình, còn nếu họ lùi một bước thì sẽ hoàn toàn trắng tay.
100 năm qua, người dân lành đã đi từ cánh đồng Nọc Nạn đến cánh đồng Sênh, từ làng Ninh Thạnh Lợi đến làng Lạc Nhuế, từ nổi dậy Tây Nguyên đến nổi dậy Thái Bình, từ Đắk Nông đến Hải Phòng, nhưng vẫn chưa có lối thoát nào cho quyền sở hữu đất đai.
Trong giới hạn của một bài viết, mời độc giả cùng nhìn lại số phận người Việt Nam qua 10 vụ tranh chấp đất đai gây chấn động dư luận trong 100 năm qua.
Thời gian tranh chấp: Tháng 1 – 5/1927
Diện tích tranh chấp: khoảng 300 mẫu
Bên thiệt hại: Chủ Chọt
Bên lấn đất: Cai tổng Tr.
Số người chết: 24
Địa điểm: Làng Ninh Thạnh Lợi, quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay địa bàn này thuộc tỉnh Bạc Liêu).
Hết lần này tới lần khác, quan chức địa phương rành rẽ luật trưng khẩn lại biết đường chạy chọt đã tìm cách chiếm 9/10 thửa đất ruộng của một ngôi làng Khmer này.
Dạo ấy, cai tổng Tr. cho xã trưởng làm giấy tờ trưng khẩn từng thửa đất nhỏ, rồi phạm vào khu đất 300 mẫu của một người gốc Tàu lai Khmer tên là Chọt. Ông chủ Chọt chẳng phải dạng dễ bị bắt nạt. Ông kiện xã trưởng và thắng kiện. Để bảo vệ ruộng trước thế lực của quan chức, chủ Chọt đã bắt đầu kế hoạch của mình.
Tháng 5/1927, một cai điền người Pháp giải tán một buổi lễ đeo bùa nhằm tăng sức mạnh cho lực lượng của chủ Chọt. Chủ Chọt liền bắt bốn người tá điền trên phần đất của cai điền rồi giải về nhà. Tiếp đến, chủ Chọt cho giăng chỉ trắng xung quanh phần đất của mình để cấm người khác xâm phạm.
Ngày 7/5/1927, chủ quận Phước Long lệnh cho lính phục kích nhóm của chủ Chọt nhưng không bên nào bị thiệt hại. Tối đó, người của chủ Chọt đến nhà cai tổng Tr. trả thù nhưng không thấy ông cai nên liền giết chết cha của ông này.
Vụ đụng độ kế tiếp theo lệnh của Chủ tỉnh Rạch Giá làm bên ông chủ Chọt chết 6 người, bên chính quyền chết 3 người. Lần đụng độ cuối cùng, Phó chủ tỉnh Cần Thơ cho người sang tiếp ứng tỉnh Rạch Giá, đến lúc này thì bùa phép của chủ Chọt không đỡ được súng ống của Tây, ông chủ Chọt và con gái ông cùng 12 người nữa chết tại chỗ.
Sau vụ việc, chủ quận Phước Long và hương chức làng Ninh Thạnh Lợi báo cáo đây là vụ việc nổi dậy chống chính quyền chứ không phải về đất đai. Quan Thống đốc không đồng ý với cáo buộc đó. Ông tin rằng mục tiêu đầu tiên của chủ Chọt là đánh bọn cường hào địa phương đã lấn đất của ông, và rằng nhóm của ông chủ Chọt chỉ có 40 người thì không thể là một vụ chống chính quyền mà chỉ là một vụ thường phạm. Quan Thống đốc báo cáo với quan Toàn quyền sẽ xét lại luật lệ về đất đai đối với người Khmer, và giải quyết công bằng cho các vụ kiện tụng về đất đai ở làng Ninh Thạnh Lợi [1].
Thời gian tranh chấp: 1919 – 1928
Diện tích tranh chấp: 72,95 mẫu
Bên thiệt hại: Gia đình Biện Toại – Mười Chức
Bên lấn đất: mẹ vợ của anh ruột chủ quận Giá Rai
Số người chết: 5
Địa điểm: Làng Ninh Thạnh Lợi, quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay địa bàn này thuộc tỉnh Bạc Liêu).