Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Giữa đại dịch COVID-19, hình thức bầu cử qua thư sẽ được áp dụng trên diện rộng ở Mỹ. Không ít người lo ngại sẽ có sai phạm xảy ra.
Chỉ hơn một tháng nữa, nước Mỹ sẽ và cả thế giới sẽ hồi hộp chờ đợi kết quả kiểm phiếu xem ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ.
Cũng như năm 2020, kì bầu cử này là một sự kiện kì lạ với nhiều người. Hình thức bầu cử qua thư được mở rộng, thay thế hình thức bầu cử trực tiếp tại các điểm bầu cử. Sự thay đổi này là không thể tránh khỏi, bởi trước tình hình COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh ở Mỹ, người ta ko thể trông đợi người dân đánh liều đi bỏ phiếu trực tiếp.
Tuy vậy, quy trình bầu cử qua thư có nhiều khác biệt với bầu cử thông thường. Những lá phiếu không được người dân tận tay cho vào hòm phiếu, thay vào đó phải thông qua một bên trung gian là bưu điện chuyển thư. Điều này làm dấy lên nghi ngại về sai phạm trong quy trình bỏ phiếu, cả từ phía nhà nước lẫn phía người dân.
Đại dịch hoành hành gây cản trở nghiêm trọng, từ công tác vận động của các đảng cho đến khâu tổ chức bầu cử. Tổng thống đương nhiệm Donald Trump thậm chí đã đề cập tới phương án hoãn bầu cử để rồi bị chỉ trích nặng nề. Việc bầu cử vẫn phải diễn ra, và trong hoàn cảnh này, bầu cử qua thư trở thành giải pháp tối ưu.
Dù mỗi bang có quy định riêng, nhưng quy trình bầu cử qua thư cơ bản là như sau: để có thể tham gia bầu cử, mỗi người dân sẽ yêu cầu gửi lá phiếu về nhà họ. Sau khi nhận được lá phiếu cũng như hướng dẫn cụ thể, người dân điền lựa chọn của họ, rồi gửi lại lá phiếu đã điền đầy đủ thông tin qua bưu điện trong thời gian được định sẵn.
Trong khi nguyên tắc bầu cử thông thường là bí mật (secret vote), vấn đề của bầu cử qua thư là sự vắng mặt của người dân. Chính vì người dân không đến địa điểm bầu cử, không gặp mặt trực tiếp nhân viên hỗ trợ bầu cử cũng như không một mình đi vào phòng bỏ phiếu, nên khó có thể chắc chắn được rằng quyết định bỏ phiếu xuất phát từ ý định tự nguyện của cử tri mà không chịu ảnh hưởng hay bị người khác mua chuộc.
Sự vắng mặt tạo điều kiện cho gian lận bầu cử (electoral fraud). Đây cũng chính là quan ngại được Tổng thống Trump đăng trên Twitter ngày 30/7. Tuy vậy, trong các nghiên cứu về gian lận bầu cử, không nghiên cứu nào chứng minh được mối tương quan giữa tỷ lệ gian lận với tỷ lệ bầu cử qua thư. Tờ Washington Post trong cuộc điều tra kỳ bầu cử 2016 chỉ tìm ra được một vụ gian lận bầu cử qua thư. Còn theo kho dữ liệu của Đại học Arizona State University, chỉ có 491 phiếu lừa đảo trên tổng số hàng trăm triệu phiếu trong suốt thời gian từ năm 2000 đến năm 2012.
Một khía cạnh khác của nguyên tắc bầu cử bí mật (secret vote) là trong khâu kiểm phiếu, mỗi lá phiếu đều là vô danh. Tất nhiên, mỗi người tham gia bầu cử sẽ phải có xác nhận về quyền được bầu cử (eligibility to vote) của mình. Tuy nhiên, khâu kiểm soát này được tiến hành riêng biệt ở hình thức bầu cử trực tiếp. Đối với bầu cử qua thư, cùng với lá phiếu nói riêng, người dân sẽ phải gửi kèm một số thông tin cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ, hay mã số định danh. Việc này mang đến nghi ngại về tính trung lập trong quá trình thu gom và kiểm phiếu.
Đặc thù của bầu cử qua thư nằm ở hai chữ “qua thư”. Các nỗi lo cũng phát sinh từ đó.
Trong quá trình gửi – nhận thư này, cả người dân lẫn chính quyền đều phải phụ thuộc vào hệ thống bưu điện. Câu hỏi đặt ra là liệu công ty này có đủ nhân lực cũng như vật lực để thực hiện một lượng lớn đơn hàng trong một thời gian ngắn như vậy hay không? Vấn đề này đặc biệt nhức nhối trong kỉ nguyên số hóa, khi nhu cầu sử dụng bưu chính truyền thống ngày càng sụt giảm. Điều này cũng đã khiến cho quy mô doanh nghiệp trong ngành thu nhỏ lại, vì thế, việc đáp ứng nhu cầu tăng cao đột biến trong thời gian bầu cử trở nên khó khăn.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, việc tuyển thêm nhân viên hay xây dựng thêm cơ sở hạ tầng không mấy hấp dẫn, vì nhu cầu tăng cao chỉ mang tính thời vụ chứ không phải lâu dài. Liệu với cấu trúc nhân lực và hạ tầng như hiện tại, bưu điện có thể đảm bảo các lá phiếu đến nơi đúng hạn và không bị thất lạc? Đây cũng chính là chủ đề tiêu điểm trên báo chí Mỹ trong thời gian vừa rồi.
Cũng phải đề cập tới quy định của từng bang. Một số bang yêu cầu lá phiếu phải tới nơi đúng hạn, một số bang khác lại chỉ yêu cầu lá phiếu được gửi đi đúng hạn.
Để chắc chắn lá phiếu của mình đến nơi đúng hạn, không ít người sẽ quyết định bỏ phiếu sớm. Tuy nhiên, việc này cũng tồn tại vấn đề là tại thời điểm lá phiếu được gửi đi, lượng thông tin về các đảng và các ứng viên có thể chưa đầy đủ. Cũng không loại trừ khả năng có một sự kiện lớn xảy ra trong những ngày tiếp sau đó, đủ khả năng làm thay đổi quyết định bầu cử.
Một trở ngại khác trong quá trình bầu cử qua thư là ở mẫu phiếu bầu. Chính vì người dân không có mặt trực tiếp tại nơi bầu cử nên ban bầu cử chỉ có thể xác nhận quyền bầu cử của người dân đó qua các thông tin được điền trên phong bì. Ở bước này, ngay cả người cẩn thận tỉ mỉ nhất cũng có thể nhầm lẫn, dẫn tới việc lá phiếu bị cho là không hợp lệ. Rủi ro này cũng tồn tại ở khâu kiểm phiếu. Chỉ một nhẫm lẫn nhỏ khi đọc thông tin cũng có thể dẫn tới việc lá phiếu không được xem xét.
Với tất cả những lo ngại về rủi ro đã phân tích ở trên, vẫn không thể phủ nhận bầu cử qua thư là cần thiết trong bối cảnh này. Lý do quan trọng nhất là để đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử – một nguyên tắc bất khả xâm phạm trong bầu cử. Cụ thể, trong thời buổi đại dịch, nếu không đồng ý bầu cử qua thư thì người già cũng như người có tiền sử bệnh tật sẽ không có cơ hội tham gia vào quá trình bầu cử, không được thực hiện quyền công dân.
Dĩ nhiên, không thể loại trừ hết khả năng có sai phạm xảy ra, và những cuộc chiến pháp lý theo sau bầu cử sẽ là không thể tránh khỏi. Tuy vậy, điều này có thể tiên đoán trước. Đó là một thử thách mà một nhà nước dân chủ phải tính đến và chấp nhận, một lý do chính đáng để củng cố nhân lực cũng như quy trình nhằm hạn chế tối đa thiếu sót.