Luật Khoa trân trọng giới thiệu loạt bài về chính sách đối ngoại của ứng cử viên Joe Biden. Loạt bài này được dịch từ bảng tổng hợp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations – CFR), một viện nghiên cứu lâu đời và có ảnh hưởng lớn ở Hoa Kỳ. Các dữ liệu trong bảng tổng hợp này được cập nhật tới ngày 11/8/2020.
Thương mại
Biden luôn là một chính khách ủng hộ tự do thương mại và cũng chỉ trích cách áp đặt thuế quan của Trump. Ông cho rằng Washington nên đi đầu trong việc tạo ra các quy tắc thương mại toàn cầu, và hạ thấp những rào cản đối với hoạt động thương mại trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ông cũng chỉ trích một số khía cạnh của nó.
- Biden chia sẻ với CFR rằng, Hoa Kỳ phải “viết luật đi đường cho thế giới” để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho người lao động và để bảo vệ môi trường. Ông nói rằng sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào, nếu nó không bao gồm “các khoản đầu tư lớn” vào việc làm và cơ sở hạ tầng, hoặc không có những tiếng nói bảo vệ người lao động và môi trường trong các cuộc thương lượng.
- Với tư cách là phó tổng thống, ông ủng hộ thỏa thuận thương mại châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Obama – là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Trump đã từ bỏ. Ông nói rằng việc rút khỏi TPP “đặt Trung Quốc vào vị trí cầm lái”.
- Biden chỉ ra trường hợp của Trung Quốc, và lên tiếng sẽ đáp trả các quốc gia phá vỡ các quy tắc thương mại quốc tế vì đã trợ cấp cho các công ty của mình và đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ. Ông cũng nói rằng các luật thương mại hiện hành phải được thực thi nghiêm túc hơn, và cho rằng Hoa Kỳ phải sử dụng đòn bẩy kinh tế của mình để đàm phán các thỏa thuận có lợi hơn.
- Phản đối cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc, gọi cách áp thuế là “tự bắn vào chân” bởi vì người Mỹ phải gánh chịu khoản thuế đó.
- Phản đối một số thỏa thuận thương mại khác của Mỹ, như thỏa thuận ký với Peru vào năm 2006, với các lý do về môi trường và lao động. Ông ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ thương mại với Trung Quốc vào năm 2000.
- Nói với CFR rằng Washington nên giúp các nước châu Phi phát triển bằng cách tăng cường các mối quan hệ thương mại, và mở ra thị trường mới cho các doanh nghiệp của Hoa Kỳ.
Chính sách kinh tế
Biden tự định vị mình là một người hùng của tầng lớp trung lưu, và cảnh báo rằng sự suy giảm cơ hội kinh tế và tính linh động đang làm trầm trọng thêm sự phân cực và cực đoan hóa trong cuộc sống của người Mỹ. Ông đề xuất hàng nghìn tỷ USD chi tiêu liên bang cho các sản phẩm, cơ sở hạ tầng và nghiên cứu của Hoa Kỳ, và cho rằng “an ninh kinh tế cũng là an ninh quốc gia”.
- Biden cho rằng “thỏa thuận cơ bản” với người lao động đã bị phá vỡ, và toàn cầu hóa kinh tế đã nảy sinh những mặt trái lớn. Ông cho rằng nó đã “xóa mất” tầng lớp trung lưu, dẫn đến việc mất hàng triệu việc làm trong ngành sản xuất của Hoa Kỳ, và làm gia tăng bất bình đẳng.
- Nói rằng chính sách cải cách thuế năm 2017 đã làm cho những vấn đề này trở nên tồi tệ hơn bằng cách cắt giảm thuế cho những cá nhân giàu có nhất. Biden muốn bãi bỏ luật này, thay vào đó là tăng thuế doanh nghiệp và thuế đối với các khoản đầu tư và thu nhập thụ động khác. Biden cũng sẽ tăng các phúc lợi của tầng lớp trung lưu, như ưu đãi thuế cho những gia đình có con nhỏ (child tax credit).
- Theo ông, doanh thu từ thuế bổ sung sẽ giúp tài trợ cho kế hoạch kinh tế “Dùng hàng hóa Hoa Kỳ” (“Buy American”) trị giá 700 tỷ USD được vạch ra vào tháng Bảy năm 2020. Theo kế hoạch này, chính phủ liên bang sẽ chi 400 tỷ USD cho hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ trong vòng bốn năm, và chi thêm 300 tỷ USD nữa để nghiên cứu, phát triển năng lượng sạch và các công nghệ khác.
- Mô tả chiến lược sản xuất của Trump là “kinh tế học nhỏ giọt phù hợp với các giám đốc điều hành và các nhà đầu tư ở Phố Wall, nhưng không phù hợp với các gia đình lao động”.
- Muốn đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào cơ sở hạ tầng của Mỹ. Biden đề xuất đưa ít nhất 1,7 nghìn tỷ USD – mà theo ông sẽ được tạo ra bằng cách đảo ngược chính sách cắt giảm thuế năm 2017 để dành cho năng lượng sạch và những cơ sở hạ tầng khác.
- Liên tục đề xuất những cải cách lớn đối với nền giáo dục Hoa Kỳ, thúc đẩy việc miễn học phí đào tạo nghề và cao đẳng cộng đồng, cũng như tại các đại học công lập trong bốn năm. Ông nói rằng điều này là cần thiết để người lao động Hoa Kỳ có thể cạnh tranh trên trường quốc tế và thích ứng trong một nền kinh tế đang chịu tác động từ tự động hóa và sự phát triển của công nghệ.
- Đề xuất các chính sách để tăng cường sức bật của người lao động: cấm các quy định chống sự cạnh tranh, chấm dứt chính sách giữ bí mật mức lương và triển khai mức lương tối thiểu toàn quốc là 15 USD mỗi giờ.
- Muốn có nhiều biện pháp hơn để thách thức các công ty độc quyền, và cho rằng chính quyền Trump đã không mạnh tay để chống độc quyền. Biden nói rằng ông sẵn sàng để chính phủ liên bang mạnh tay với các công ty thống trị như Facebook.
Kỳ 1: Trung Quốc
Kỳ 2: Quốc phòng và hợp tác quốc tế
Kỳ 3: Thương mại và kinh tế
Kỳ 4: COVID-19
Kỳ 5: Nhập cư
Kỳ 6: Biến đổi khí hậu
Kỳ 7: Chống khủng bố và an ninh mạng
Kỳ 8: Trung Đông và Bắc Triều Tiên
Kỳ 9: Nga và Mỹ Latin