Có ba cái miệng trong chữ “tham quan”

Chữ “tham” trong “tham quan” tượng trưng cho một cái mỏ đang há ra để ngậm tiền.

Có ba cái miệng trong chữ “tham quan”
Ảnh minh họa: Luật Khoa.

“Tham quan” trong tiếng Việt có hai nghĩa, vốn là hai từ đồng âm không liên quan gì đến nhau.

Nghĩa động từ chỉ việc xem tận mắt để mở rộng hiểu biết có gốc từ chữ 參觀 (cān guān), ví dụ: tham quan bảo tàng; còn nghĩa danh từ chỉ một số nhân vật đáng ghét lại có gốc từ chữ 貪官 (tān guān).

Mọi thị phi xưa nay về từ này đều nằm ở nghĩa danh từ, nên chúng ta sẽ cùng học lóm một chút về nó nhé.

***

Chữ “tham” (貪) ghép từ chữ “kim” (今) và chữ “bối” (貝).

Chữ “kim” trong trường hợp này được xem là một bộ phận của chữ “hàm” (含) chỉ động tác mở miệng ra ngậm.

“Bối” lại chỉ tiền bạc vật chất, xuất phát từ nghĩa vỏ sò vốn được dùng làm tiền vào thời xưa (vì thế mới có cách gọi “bảo bối”).

Tựu trung, “tham” là hình ảnh của dục vọng vật chất, há mỏ ngậm tiền cho đầy bụng.

Trong khi đó, chữ “quan” (官)  ghép từ bộ “miên” (宀), ý bao trùm cai quản, và “đôi” (𠂤), chỉ tập hợp, nghĩa giản dị là việc quản lý những thứ trong một phạm vi nào đó.

Nhưng với ấn tượng “tốt đẹp” của quan lại xưa nay trong chế độ phong kiến, dân gian lại có kiến giải khác. Thông qua câu nói “chữ quan có hai cái miệng (khẩu/ 口)”, họ ám chỉ những kẻ làm quan mồm luôn leo lẻo dối trá, đổi trắng thay đen, cả vú lấp miệng em. Thành ngữ “miệng quan trôn trẻ” của tiếng Việt cũng cùng nghĩa này.

“Quan” vì vậy từ một nghĩa trung dung ban đầu, dưới con mắt của dân gian lại thường mang ý xấu.

Với con mắt tiêu cực đó, hai chữ “tham” và “quan” không khác gì trời sinh một… cục dành riêng cho nhau: những kẻ có chức có quyền đã mồm miệng leo lẻo lại còn luôn hả to họng đớp trọn tiền bạc vật chất cho đầy bụng riêng.

Thành ngữ quen thuộc đi với tham quan là “tham quan ô lại”, nhưng trong tiếng Việt thỉnh thoảng lại được dùng lẫn lộn thành “tham quan vô lại”.

“Ô lại” (污吏) là chỉ quan chức (“lại” trong quan lại) bị nhiễm thói xấu bẩn (như “ô” trong ô nhiễm).

“Vô lại” (無賴) trong khi đó có nghĩa là không đáng tin cậy (“vô” trong vô bổ, “lại” trong ỷ lại). Từ nghĩa không đáng tin cậy ban đầu, “vô lại” trong ngôn ngữ hiện đại được phát triển thành những kẻ thủ đoạn, ăn vạ, lưu manh, bất lương, gian trá…

Cách đọc hai từ gần giống nhau, nghĩa thì lại gần gũi; “tham quan” vô tình được người Việt khuyến mãi thêm cho tính từ “vô lại” thay vì chỉ có “ô lại”, tạo thành một tầng lớp nghĩa mới.

***

“Nụ cười phong bì" - tác phẩm đoạt giải Biếm họa Báo chí Việt Nam 2014 - Cúp Rồng Tre của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN)
“Nụ cười phong bì” – tác phẩm đoạt giải Nhất giải Biếm họa Báo chí Việt Nam 2014. Nguồn: Báo Thể thao Văn hoá

Trong tiếng Anh, nếu dịch theo nghĩa đen từng chữ thì “tham quan” sẽ là “greedy officials” – những quan chức tham lam. “Greedy” (tham lam) có gốc từ chữ “gher” (thích, muốn) trong tiếng Ấn – Âu.

Nhưng từ thông dụng trong tiếng Anh để chỉ tham quan là “corrupt officials”. “Corrupt” có gốc Latin từ “cor” và “rumpere”, nghĩa là bẻ gãy, phá hủy. “Corrupt” hay danh từ của nó “corruption” là từ tương đương với “tham nhũng” của tiếng Việt.

Có thể thấy nếu trong tiếng Việt/Hoa, “tham quan” mang nghĩa gốc chỉ đặc tính của hành động và người thực hiện nó, thì từ tiếng Anh “corrupt” lại chỉ hệ quả, tác hại của thói tham lam.

“Corrupt” ngoài nghĩa tham nhũng còn được dùng để chỉ sự mục ruỗng, hủy hoại. Một người bị xem là “corrupt”, bất kể là quan hay dân, là người không có đạo đức, như cái cây mục ruỗng, không còn chút gì đáng tin.

Người Việt cũng có thành ngữ riêng chỉ hậu quả của tham với câu “tham thì thâm”. Đây là sáng tạo riêng của tiếng Việt, theo cách đọc na ná nhau của hai từ.

Thành ngữ tương đương của nó trong tiếng Hoa cũng hình tượng như vậy, tuy nghe sang chảnh và phức tạp hơn nhiều: “tham đa tước bất lạn” (貪多嚼不爛), nghĩa đen là ngậm cho nhiều vào nhai cũng không hết.

Túm lại, “tham” và “quan” vốn dĩ là hai thứ tách bạch không liên quan đến nhau. Nhưng lịch sử phát triển của xã hội đã khiến đôi bạn cùng thoái này trở thành tri kỷ không tách rời trong mắt nhân gian.

Đó cũng là gánh nặng lịch sử mà những người làm quan ở Việt Nam lẫn Trung Quốc đều phải có trách nhiệm tẩy rửa.

Chỉ đáng tiếc, cho tới tận ngày nay, “miệng quan” vẫn thường được gắn với “trôn trẻ” nhiều hơn là những thứ thanh liêm đạo đức.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.