‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Thôn Hoành những ngày trước phiên tòa lịch sử, cánh đồng lúa hai bên đường làng đang trổ đòng xanh mướt, chạy dài dưới ánh nắng chói chang giữa buổi trưa mùa thu. Quốc kỳ Việt Nam cùng băng-rôn mừng 75 năm Quốc khánh thắm đỏ trên cổng làng.
Tôi đã chuẩn bị rất nhiều thứ trước khi đến thôn Hoành, cả về tinh thần lẫn các thiết bị kỹ thuật.
“An ninh đang ở đấy rất nhiều. Cẩn thận”, một tin nhắn gửi đến.
Tôi muốn đến thôn Hoành những ngày này như một phóng viên làm tròn trách nhiệm cơ bản nhất với nghề nghiệp: ghi nhận thông tin trước một sự kiện lớn sắp diễn ra – những người thân của bị cáo chờ đợi gì ở phiên toà, ngoài công lý?
Thôn Hoành đón tôi bằng vẻ đẹp thanh bình của một làng quê Bắc bộ: chợ quê, gốc đa, cánh đồng, đường làng quanh co. Yên ả như chưa hề trải qua biến cố. Không có một ánh mắt dò xét nào dành cho người lạ, những người dân tôi ngẫu nhiên gặp trên đường đều tận tình chỉ tôi đường đến nhà ông Kình.
Họ thì thầm, “thương lắm, nhà ấy giờ chỉ còn đàn bà, con nít”.
Không có bóng an ninh ở đấy, ít nhất là trong tầm mắt tôi. Chỉ có những chiếc camera trước các hiên nhà mặt tiền làm tôi có chút bất ngờ.
Tôi gặp bà Dư Thị Thành – vợ ông Lê Đình Kình, bà Lê Thị Thoa – con gái thứ tư của ông bà, và những đứa cháu nhỏ của hai người. Trong ngôi nhà loang lổ nhiều vết đạn, họ kể tôi nghe chuyện về người chồng, người cha của mình. Những câu hỏi của tôi bị bỏ lại trong mạch ký ức của họ. Ký ức của người vợ, ký ức của người con, có khi cả hai vô tình cùng nhớ về một hình bóng xa xưa của người đàn ông của họ. Họ kể trong nước mắt, có nhiều khoảng lặng vì không thốt nên lời, và cả tiếng cười. Trước cuộc tấn công, đã có những tháng năm êm đềm đi qua thôn…
***
Bức họa chân dung ông Lê Đình Kình cùng với các huân, huy chương do Đảng, Nhà nước trao tặng cho ông được treo trên bức tường đối diện cửa ra vào. Ngay bên dưới là những lỗ lõm sâu vào tường, dấu tích đạn bắn của cuộc tấn công vào một rạng sáng mùa đông giáp năm.
“Những đồ này, hồi còn sống, ông quý lắm”, bà Thành nhìn lên chỗ treo huân chương, nói. “Ông ấy từng được huy hiệu 55 năm tuổi Đảng đấy”.
“Bà và chị còn nhớ kỷ niệm nào về ông?”, tôi hỏi.