‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Cáo trạng vụ án làm lộ ra hàng loạt sai lầm căn bản của cảnh sát trong cuộc tấn công thôn Hoành ngày 9/1.
Các thảo luận tại Đồng Tâm hiện nay vẫn còn tiếp tục xoay quanh câu chuyện về tranh chấp đất đai giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền Hà Nội, về ai “đánh trước”, ai “phản ứng” sau. Tuy nhiên, có một chi tiết đáng chú ý nhưng lại ít được thảo luận chính thức là công an Hà Nội đã huy động một lực lượng công tác đặc biệt để bảo vệ quá trình thi công ở Đồng Sênh và tham gia chiến dịch tấn công vào Đồng Tâm rạng sáng ngày 09 tháng Một năm 2020.
Vì sao phải đưa lực lượng công tác này đến Đồng Tâm? Bài viết này tìm hiểu lý thuyết kỳ vọng về những đội đặc nhiệm từ góc nhìn khoa học cảnh sát, từ đó đánh giá quyết định của Bộ Công an và trách nhiệm của họ trong cái chết của bốn người tại Đồng Tâm.
Chúng ta đã biết việc cảnh sát đưa quân vào Đồng Tâm vào sáng sớm ngày 9/1. Lý do của việc này được trung tướng Lương Tam Quang giải thích vào ngày 14/1 như sau:
“(…) mục tiêu ban đầu là đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân và hoạt động xây dựng tường rào. Nhưng trước việc nhóm chống đối chuẩn bị vũ khí cho nổ cây xăng, dọa sát hại cán bộ xã, cho nổ nhà văn hóa, bắt cóc người già, trẻ em, cảnh sát phải lập chốt tại thôn Hoành, ngăn mang vũ khí, lựu đạn đi ra khu vực đồng Sênh.”
Đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân trong các sự kiện căng thẳng cũng chính là lý do mà SWAT – một lực lượng cảnh sát đặc biệt ra đời tại Mỹ từ thập niên 1960.
SWAT là viết tắt của The Special Weapons and Tactics, tạm dịch là đội vũ khí và chiến thuật đặc biệt, thường được biết đến với tên gọi đội đặc nhiệm. Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, các sự kiện đỉnh điểm và căng thẳng nhất có sự xuất hiện của SWAT đều diễn ra tại Hoa Kỳ vào suốt thập niên 60.
Ví dụ điển hình nhất là vào năm 1966, liên quan đến một cựu thủy quân lục chiến thuộc quân đội Hoa Kỳ có tên Charles Whitman. Người này leo lên một tòa tháp cao thuộc khuôn viên trường Đại học Texas, sau đó dùng súng bắn tỉa làm bị thương gần 50 người, và 16 trong số đó tử vong.
Đó không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ chịu cảnh tang tóc của những vụ xả súng hàng loạt. Nhưng đó là lần đầu tiên các cơ quan chấp pháp nhận ra rằng lực lượng cảnh sát thông thường gần như hoàn toàn bất lực trước những tình huống phức tạp đến vậy. Họ không có đủ kỹ năng cần thiết để giải tán đám đông có vũ trang mà vẫn giữ được thiệt hại nhân mạng ở mức thấp nhất.
Cũng trong cùng thời gian này, nhiều cuộc bạo loạn khác tạo nên một gánh nặng lớn cho lực lượng cảnh sát Hoa Kỳ. Vì lẽ này, các sở cảnh sát tiểu bang Hoa Kỳ bắt đầu hình thành những nhóm cảnh sát được đào tạo, trang bị các loại công cụ mới và được huấn luyện những kỹ năng đặc biệt.
Đội đặc nhiệm đầu tiên được lập ra thuộc Sở Cảnh sát Los Angeles vào năm 1967. Nhiệm vụ chung và quan trọng nhất của lực lượng đặc biệt này là nhằm “hạn chế tối đa thương vong” (minimize casualties), thông qua các nhiệm vụ như phân tích hiện trường; lập kế hoạch phong tỏa, thâm nhập, đàm phán; bảo vệ lực lượng cảnh sát chính quy; vô hiệu hóa các nguồn nguy hiểm cao độ và hỗ trợ hỏa lực vượt trội khi cần thiết.
Một đội chiến thuật đúng nghĩa, vì vậy, là tập hợp của các nhân viên chấp pháp có năng lực cao và các chuyên gia hỗ trợ đặc dụng. Trách nhiệm của họ là phản ứng chiến thuật theo kế hoạch trước các tình huống rủi ro cao, yêu cầu phải áp dụng các công cụ, chiến thuật và khả năng cứu sinh chuyên biệt.
Lý thuyết này khớp với trường hợp của Đồng Tâm, khi mà theo cáo trạng, người dân làng đã tấn công lực lượng chấp pháp bằng lựu đạn (dù lựu đạn không nổ), rồi phóng dao, ném bom xăng về phía các lực lượng chức năng. Sau đó, họ lại lui về cố thủ trong các hộ thuộc khu dân cư nơi có đàn bà và trẻ em lưu trú. Trong tình huống đó, việc các cơ quan buộc phải sử dụng các đội đặc nhiệm là bắt buộc, nhằm đảm bảo các phương án chiến thuật khác nhau đều được cân nhắc kỹ lưỡng và giới hạn thương vong. Xin lưu ý, những tình tiết này hoàn toàn do phía chính quyền đưa ra, và chưa có căn cứ để xác thực.
Trong tài liệu đào tạo của Hiệp hội Quốc tế các Cảnh sát trưởng (International Association of Chiefs of Police), có trên dưới mười tình huống căn bản mà các lực lượng đặc nhiệm cần được luyện tập đặc biệt và chuyên môn hóa.
Trong đó có một kiểu tình huống liên quan đến vụ việc Đồng Tâm là đối mặt với kẻ tình nghi / mục tiêu có che chắn (Barricaded suspect/subject).
Xử lý những tình huống có kẻ tình nghi/mục tiêu được che chắn (bởi các tòa nhà, công trình, phương tiện đang di chuyển phức tạp như tàu lửa, xe khách…) là trường hợp phổ biến thứ hai mà những đội đặc nhiệm của nhiều quốc gia thường gặp phải. Vì có cấu trúc vật lý che chắn tầm nhìn, các đội cảnh sát tác nghiệp sẽ không thể thâm nhập một cách trực tiếp, hoặc yêu cầu nghi phạm từ chối trình diện bên ngoài diện tích trống trải.
Để xử lý tình huống này, trước tiên phải bắt đầu với việc xác định lực lượng và các vũ khí của nghi phạm, đặc biệt khi nghi phạm có thái độ thù địch với lực lượng chấp pháp. Bằng cách đó, đội đặc nhiệm mới có thể tính toán độ rủi ro của các lựa chọn chiến thuật. Nếu lựa chọn phương án đột nhập, họ cần phải cân nhắc tác động của chiến dịch tới cộng đồng xung quanh, cũng như sức khỏe và an toàn của các thành viên chiến dịch.
Theo kết luận thực tiễn ngày nay, khác với phim ảnh Hoa Kỳ, rất ít khi các đội đặc nhiệm trên thế giới áp dụng những kỹ thuật xâm nhập cưỡng bức như “dọn cửa sổ”, phá cửa cơ giới, sử dụng tác nhân hóa học để vô hiệu đối tượng, v.v.
Chiến thuật lý tính nhất và an toàn nhất, là bao vây để tạo áp lực thời gian lên các đối tượng đang ẩn nấp. Trong hầu hết các trường hợp, việc bao vây và rút cạn nguồn lực (vũ khí, lương thực, nước uống…) của các đối tượng đang ẩn nấp rất hiệu quả, và việc họ tự nguyện ra hàng chỉ là vấn đề thời gian.
Điều này giúp giảm thiểu thương vong ở mức thấp nhất có thể. Thậm chí có trường hợp các nhóm đặc nhiệm giải tán đám đông, rút lui hoàn toàn khỏi hiện trường trong một vòng bán kính rộng và phong tỏa các hướng di chuyển nhằm tăng cường tính an toàn cho chiến dịch.
Cân nhắc các thông tin trong bản cáo trạng của Viện Kiểm sát trong vụ Đồng Tâm, và giả sử toàn bộ thông tin mà họ đưa ra là đúng, có thể thấy việc bao vây và phong tỏa những nghi phạm là vô cùng dễ dàng.
Theo trang 16-18 của cáo trạng, vùng che chắn chỉ là ba căn nhà ống liền kề của ông Lê Đình Kình, ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Chức. Ba căn nhà sát nhau, ít không gian trống, đối tượng truy đuổi ít có khả năng tẩu thoát. Chỉ có phần mái nhà của anh Hợi hàng xóm cũng được kể vào khu vực đụng độ.
Vũ khí được các đối tượng sử dụng chỉ là vũ khí thô sơ như gạch đá, dao, bom xăng tự tạo. Họ được cho là dùng cả lựu đạn, nhưng gần như không quả nào bị ném mà phát nổ. Tức là, các vũ khí đều không có khả năng gây sát thương nguy hiểm, ngay lập tức và trên diện rộng. Các bị cáo cũng được ghi nhận là tập trung hầu hết trên mái nhà của ba người nói trên. Khả năng nhận diện, kiểm đếm họ có thể thấy là không hề khó khăn.
Kỳ lạ là, với một nhóm vũ trang thô sơ cố thủ trong một không gian kín, dễ nhận dạng vũ khí và danh tính như thế, tổ công tác lại chọn phương án võ biền và kém nghiệp vụ nhất: đột nhập vào ngay lập tức để bắt tội phạm quả tang.
Theo thể hiện đúng trên cáo trạng, không có bất kỳ thảo luận, cân nhắc chiến thuật nào được đưa ra nhằm bảo vệ tính mạng của cả hai bên.
Công cụ đơn giản và lý tính nhất là vây hãm ba công trình để chờ đủ sự hỗ trợ từ các lực lượng chức năng và nhóm chuyên môn; cùng lúc đó là ghi nhận hành vi chống đối, thu hút và làm cạn kiệt nguồn vũ khí thô sơ của nhóm chống đối, vì lý do nào đó lại không được nghĩ đến.
Thậm chí, việc thâm nhập mái nhà của ba hộ ông Kình, ông Công và ông Chức cũng được thực hiện một cách hết sức… mơ hồ là dùng mái nhà anh Hợi để nhảy cửa sổ tầng hai sang. Tuy nhiên, mái nhà này – nơi có vị trí thuận lợi để cản trở các hoạt động hoạt động thâm nhập – thì lại chưa được lực lượng an ninh kiểm soát, tạo điều kiện để nhóm chống đối dùng “tuýp gắn dao bầu chọc từ trên xuống” và khiến ba chiến sĩ ngã vào giếng trời.
Tương tự như vậy, đối với trường hợp của ông Lê Đình Kình, cáo trạng (trang 10-14) cho thấy tổ công tác đã kiểm soát hoàn toàn vùng che chắn và người thân của ông Lê Đình Kình. Như vậy, việc bắn chết một người hơn 80 tuổi với đầu gối không còn đủ sức để đứng có thật sự là một chiến công hiển hách hay không?
Cái chết của bốn người tại Đồng Tâm là hoàn toàn có thể tránh được.
Cho dù toà có tuyên án thế nào, từ góc nhìn khoa học cảnh sát, Đồng Tâm vẫn là vết nhơ về năng lực cảnh sát và khả năng nghiệp vụ thực địa của các “tổ công tác”, các “nhóm đặc nhiệm” thuộc lực lượng công an Việt Nam. Cái giá phải trả là tính mạng của bốn con người, và có thể là hai nạn nhân đối mặt với án tử hình nữa.