Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Cha chung không ai khóc. Nếu có ai đó khóc thay cho thì tốt.
Vào khoảng tháng Sáu hay tháng Bảy năm 2018, tôi có dịp ra thăm một số tỉnh phía Bắc.
Đó là lúc vừa hoàn thành mùa vụ Đông Xuân, người dân mang thóc ra phơi che toàn bộ mặt đường. Thóc vàng dưới nắng rất nên thơ, nhưng di chuyển bằng xe máy qua thì quả thật vô cùng khó khăn. Thấy một người bác đứng tuổi đang cào thóc, tôi buột miệng hỏi:
“Sao các bác không tìm sân phơi tập trung lớn hơn, tiện hơn? Thế này người đi đường qua lại bất tiện quá bác ạ.”
“Đường nhà bố mày à? Đường nhà nước tao phơi đâu thì phơi” – Người đàn ông xẵng giọng.
Tôi khá bất ngờ, và hơi… quê một chút với phản ứng của vị này nên đành im lặng bỏ đi.
Vừa tháng Tư năm nay, hàng xóm gần nhà tôi bỗng nhiên mang xe cẩu và sắt thép chất đầy một bên đường. Họ cũng bày cốp pha xây dựng ra hẳn đường dân sinh khu vực để lau chùi dầu mỡ, có vẻ như là đang “khởi nghiệp” trong ngành xây dựng.
Như một thói quen, tôi lên tiếng góp ý và nhận được lời thách thức hùng hồn của một người chị miền Tây:
“Nhà mày sao mày không ở? Tao làm gì ngoài đường cái thì liên quan gì đến mày? Còn muốn sống ở đây không?”
Hiển nhiên là tôi còn muốn sống ở đó, nên đành phải hội ý với các cư dân trong khu vực và đề xuất với chính quyền địa phương để giải quyết. Cuối cùng, người hàng xóm vẫn phải di dời “trụ sở” của mình đi nơi khác, song sự hục hặc kỳ lạ của họ vì không “tận dụng” thành công không gian công cộng thật sự khiến tôi đau đầu.
Phương Tây gọi hiện tượng này là “free riding”, nghĩa là đi nhờ xe, đi xe không trả tiền, ý chỉ là hưởng sẵn thành quả lao động của người khác. Còn những người đi nhờ là “free rider”. Tìm từ ngữ gần nhất trong tiếng Việt có lẽ ta tạm xài câu “cha chung không ai khóc”.
Cái tâm lý “cha chung không ai khóc”, hay tư duy “đi nhờ” tại Việt Nam đang phổ biến đến mức nào? Và tác động của nó đến môi trường chính trị Việt Nam ra sao?
Trước khi trả lời câu hỏi cực kỳ quan trọng đó, tôi xin được phép giới thiệu đến bạn đọc Luật Khoa một số vấn đề triết học về vấn nạn “đi nhờ” và ảnh hưởng lý thuyết của nó với các hoạt động chính trị và tương lai tại Việt Nam.
Theo ghi nhận của Stanford Encyclopedia of Philosophy, hiện tượng “đi nhờ” có nền tảng lịch sử lâu đời không thua kém bất kỳ chủ đề triết học nào.
Glaucon, trong danh tác “Cộng hòa” của Plato, cho rằng việc tuân thủ pháp luật không còn bất kỳ giá trị nào nữa nếu chỉ một người không tuân thủ mà cũng không bị trừng phạt.
David Hume thì khái quát nó ở mức dễ hiểu nhất. Ông ví dụ:
“Hai người hàng xóm đồng ý cùng nhau thoát nước và phát quang một đồng cỏ họ sở hữu. Vì chỉ có hai cá nhân tham gia, và họ cũng dễ nhìn thấu hành vi – tư duy của nhau, hai bên đều hiểu rằng bất kỳ hành vi không chuẩn mực nào của họ (như không thực hiện đủ trách nhiệm được đề ra dành cho mỗi bên) đồng nghĩa với việc toàn bộ hoạt động sẽ đình trệ, và mục tiêu phát quang ban đầu sẽ không thể đạt được.
Giờ hãy tưởng tượng nếu hoạt động này có đến 1.000 người hàng xóm. Việc giám sát hành vi và trách nhiệm của 1.000 người cùng lúc với nhau gần như là không thể. Do đó, khi một cá nhân tìm cách thoái thác bản thân khỏi các nghĩa vụ và chi phí liên quan, người này chuyển giao toàn bộ gánh nặng cho các cá nhân còn lại.”
“Đi xe không trả tiền” cũng có thể được mô tả dưới dạng hành động.
Triết gia Vilfredo Pareto diễn giải, nếu tất cả cá nhân trong cộng đồng đều kiểm soát bản thân và không thực hiện một hành vi giả định A, mọi cá nhân trong xã hội đều được nhận một lợi ích nhất định.
Tuy nhiên, trong tình huống một cá nhân quyết định thực hiện hành vi A trong khi toàn xã hội vẫn tiếp tục không thực hiện nó, nguồn lợi ích mà người này nhận được lớn hơn rất nhiều với so với lợi ích ban đầu, đồng thời gây ra một lượng thiệt hại khác lên toàn bộ xã hội.
Các dạng hành vi “đi xe không trả tiền” có thể bao gồm các vấn đề liên quan đến tham gia các hoạt động chính trị, bỏ phiếu, đóng thuế, sử dụng không gian công cộng, bảo vệ môi trường, giám sát hành vi của chính quyền…
Tóm gọn lại, “đi xe không trả tiền” là việc một cá nhân hưởng lợi từ các hoạt động, sản phẩm công cộng mà không có đóng góp tương xứng vào sự hình thành của những hoạt động, sản phẩm công cộng đó.
Việt hóa hết mức có thể khái niệm này, chúng ta có thể nhớ đến câu thành ngữ “cha chung không ai khóc”, dù hiển nhiên câu chuyện phức tạp hơn thế.
“Đi nhờ” được các nhà kinh tế học và quản trị công quan tâm bởi hành vi này thường xuất hiện và tạo khó khăn cho việc phân bổ lợi ích công.
Từ thập niên 70, nhiều tác giả như John Roberts hay Larry Green và Laffont trong chuỗi các nghiên cứu về động cơ và lựa chọn công cho rằng, nếu hiện tượng “đi xe không trả tiền” không được giải quyết triệt để sẽ tạo nên các nhóm liên minh lợi ích và sự thiên vị trong thực hiện và phân phối lợi ích công.
Ví dụ đơn giản, chúng ta hãy nghĩ đến hiện tượng chiếm dụng vỉa hè.
Nếu một nhóm nhỏ người mua bán, bằng các công cụ và mối liên hệ với chính quyền, thành công trong việc tước đoạt không gian chung để làm lợi cho hoạt động kinh doanh của mình; các nhóm kinh doanh khác, dù không có mối liên hệ hay các công cụ chính sách bên trong chính quyền, cũng sẽ mong muốn và tìm mọi cách tham gia vào việc kiếm lợi từ không gian công cộng. Đến cuối cùng, lợi ích chung của toàn xã hội là quyền sử dụng vỉa hè và quyền thụ hưởng không gian công cộng đều bị thu hẹp.
Quan trọng hơn thế nữa, cách nhìn về lợi ích và không gian chung dần bị tha hóa: Thay vì phục vụ lợi ích chung, nó giờ đây là câu chuyện của ai có đủ quyền lực và thời gian để giành được và kiểm soát các lợi ích đó.
Mặt khác, trong nghiên cứu của John McMillan có tên gọi “Individual incentives in the supply of public inputs”, ông ghi nhận rằng ngay cả khi các nhóm xã hội khác không tích cực tham gia vào việc “đi xe không trả tiền”, họ sẽ nhận thấy các đóng góp của mình cho hệ thống không được tôn trọng, không có giá trị gì cho lợi ích chung. Từ đó, họ tìm cách giảm bớt hay rút dần phần đóng góp (bắt buộc hay tự nguyện) của mình vào các mục tiêu chung. Trong tình huống xấu nhất, điều này làm giảm nguồn lực công, khiến các dịch vụ công cũng bị cắt giảm, thậm chí bị xóa sổ.
Song những hệ quả nghiêm trọng kể trên cũng mới chỉ là bước đầu cho “hiệu ứng dominos” mà tư duy “đi xe không trả tiền” gây ra cho triết lý tư duy và hành động tập thể.
Giáo sư John M. Barry của trường luật Đại học San Diego cảnh báo, ngay cả tại những môi trường chính trị tự do, công dân vẫn thường có xu hướng quan tâm nhiều đến kết quả chính sách cuối cùng được thông qua hơn là việc họ có đóng góp gì cho sự hình thành của chính sách đó hay không.
Tăng lương, giảm giờ làm, chính sách phúc lợi tốt hơn, bầu chọn một vị chính khách có trách nhiệm hơn, không gian hành chính quy chuẩn và hướng tới người dân hơn, một chính quyền minh bạch và hiệu quả, bảo vệ quyền lợi người dân hơn… đều là những chính sách mà người dân nào cũng mong muốn được ban hành. Nhưng việc họ có sẵn sàng tham gia gánh chịu các loại chi phí đánh đổi, thời gian hay thậm chí nguồn lực vào mục tiêu chung đó hay không lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Ngay cả ở Hoa Kỳ, số lượng người dân thật sự tham gia bỏ phiếu hay thật sự đóng góp vào các cuộc vận động bầu cử của những đảng phái chính trị đôi khi rất thấp.
Theo giáo sư Barry, đây luôn là những chỉ dấu đầu tiên có thể dẫn đến sự hình thành một chính quyền kém đáp ứng (less responsive), kém hiệu quả (less efficient) và kém trách nhiệm (less accountable).
Lý giải hiện tượng này không quá khó khăn. Người dân hạn chế tham gia vào các hoạt động chính trị đồng nghĩa với việc các khảo sát không phản ánh đúng quan điểm của công chúng, tiếng nói “đa số” của các cuộc bầu cử không hẳn là tiếng nói đa số thật sự, trong khi đó sức ép của công luận lên chính quyền lại vô cùng mờ nhạt (vì những người không hài lòng với chính quyền lựa chọn cách im lặng để người khác lên tiếng thay).
Do đa số người dân chọn cách “đi nhờ” nỗ lực chính trị của người khác nên khả năng huy động nội lực quốc gia cũng thấp.
Mặt khác, các lực lượng cầm quyền cũng có thể lợi dụng tâm lý chính trị này để dễ bề cầm quyền hơn.
Một nhà nước có xu hướng độc tài sẽ mong muốn thúc đẩy hiện tượng “đi nhờ”, bằng cách gia tăng chi phí và rủi ro của việc tham gia chính trị, khiến cho người dân ngại hoặc sợ tham gia hơn, thích đẩy trách nhiệm đấu tranh cho người khác hơn.
Đây là điều khá dễ thấy ở Việt Nam, khi những ai tích cực tham gia chính trị thường phải trả cái giá rất lớn.
Kết quả, một mặt, là người dân không có hứng thú với việc tham gia và gây ảnh hưởng lên hoạt động quản lý nhà nước. Họ sẽ “đi nhờ” hệ thống chính trị này, dù nó có phản động và phản tự do đến đâu, miễn là nó còn tiếp tục tạo ra cơ hội kinh tế và thậm chí các cơ hội “đi xe không trả tiền” khác trong tầm với của họ. Trong khi đó, chóp bu lãnh đạo và các phe phái chính trị tinh hoa không chỉ có không gian, mà còn là thời gian để củng cố nền tảng cầm quyền.
Mặt khác, người dân cũng không có tham vọng hay dự định tham gia vào bất kỳ loại hình hoạt động chính trị đối lập nào khác, chưa nói đến cách mạng.
Khác với niềm tin thường thấy ở Việt Nam, vốn cho rằng người dân rất dễ bị “kích động” hay tham gia vào các hoạt động “chống phá nhà nước”, quyển “Multiparty Elections in Authoritarian Regimes” của giáo sư Susanne Michalik khẳng định các cuộc cách mạng hay tham vọng chống lại nhà nước trong thời kỳ mới rất khó xảy ra.
Để có thể xây dựng một phong trào xã hội bền vững, một bộ phận lớn dân số cần vượt qua những khó khăn cản trở nỗ lực hình thành và duy trì mục tiêu chung – hành động chung.
Cái giá của một phong trào chính trị, có thể là an ninh cá nhân, có thể là tự do, có thể là lợi ích kinh tế hay thậm chí là mối quan hệ gia đình… Theo Michalik, đây là những lựa chọn hy sinh phi lý tính xét theo mặt cá nhân, bởi một người vẫn có thể hưởng thụ xã hội tự do và cởi mở hơn trong tương lai cho dù họ không đóng góp hay hy sinh gì cho sự hình thành, phát triển và thành công của phong trào.
Im lặng, và “đi nhờ” những thành quả chính trị cấp tiến nếu có, rõ ràng là một bước đi an toàn hơn.
Sự thụ động của đại đa số dân cư, dù là tự nguyện hay bị ép buộc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên năng lực và tư duy chính trị của toàn quốc gia.
Các thảo luận chính trị thông thường về minh bạch và lạm dụng quyền lực nhà nước có thể bị xem là “vượt quá giới hạn”.
Nếu được phép diễn ra, chúng cũng thường sai cả về mục tiêu lẫn phương pháp.
Nghiêm trọng hơn, tham nhũng và lợi ích cá nhân, hiện tượng gia đình trị hay tư bản thân hữu… dần được xem là một chuẩn mực, là thành tựu xứng đáng việc đánh đổi thời gian, công sức tham gia vào các hoạt động quản lý công.
Những nỗ lực đòi minh bạch hóa hoạt động nhà nước thậm chí chính người dân ngăn cản, bởi chúng gây hại đến hành vi “đi xe không trả tiền” đã được bình thường hóa trong một thời gian dài.
***
Ở Việt Nam, thật khó để người viết có thể liệt kê hết sự phổ biến của các biến thể của hành vi “đi nhờ”. Tuy nhiên, sự “tha hóa” phần nào đó của một phần cộng đồng dân cư Việt Nam đối với lợi ích công cộng đang hiện diện một cách rất dễ thấy ở mọi ngóc ngách. Và điều này thật sự đáng buồn khi chúng ta luôn huênh hoang tự hào về tính “cộng đồng” của xã hội Việt Nam. Tư duy “cha chung không ai khóc” vốn rất thịnh hành trong thời kỳ bao cấp, dường như đang tiến hóa lên một tầm cao mới. Và hệ quả của nó ắt hẳn phải kéo dài vài thế hệ trước khi chúng ta có thể tìm ra cách thay đổi chúng.