‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Một bộ phận các nhà hoạt động tại Việt Nam tin rằng với những bất công về thể chế, với hiện thực đàn áp tàn khốc việc thực hiện các quyền chính trị, dân sự do Đảng Cộng sản Việt Nam (cũng như Đảng Cộng sản Trung Quốc) tiến hành, việc một bộ phận lớn người dân không còn tin, căm ghét hay mong muốn phản kháng chính quyền là chuyện đương nhiên, thậm chí là nghĩa vụ.
Tuy nhiên, với vụ việc Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình được vợ mình thuật lại là đến chết vẫn tin vào Đảng. Hay trong cuộc biểu tình nông thôn lớn nhất nhì lịch sử đổi mới tại Trung Quốc cũng liên quan đến thu hồi đất ở Wukan (Ô Khảm), nơi mà những người nông dân đứng đầu cuộc biểu tình phải bỏ mạng và hàng trăm nông dân bị bắt bớ, đánh đập, số đông vẫn thể hiện niềm tin “son sắt” cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền trung ương.
Cho đến nay, có thể thấy rất ít công dân sống dưới triều đại của các chính quyền độc tài tại Việt Nam hay Trung Quốc thật sự nhìn ra, hay chấp nhận những khiếm khuyết bản chất về mặt thể chế và tổ chức của những chính quyền này. Với họ, Đảng Cộng sản và các lãnh đạo chóp bu vẫn tiếp tục là những ngôi sao “Bắc Đẩu” bất khả xâm phạm, còn hệ thống mà những người này lựa chọn tiếp tục là con đường đúng trong mọi hoàn cảnh.
Song đề “vừa đấu tranh bất công, vừa tin yêu đảng cầm quyền” là một câu hỏi cần phải được nghiên cứu từ tổng hòa của nhiều góc độ kinh tế, văn hóa, xã hội và kể cả truyền thống chính trị địa phương. Người viết không kỳ vọng có thể giải quyết hoàn toàn, triệt để và giải đáp hết thắc mắc của mọi bạn đọc, nhưng bốn lý do dưới đây có thể là bước khởi đầu tốt cho các thảo luận kỹ lưỡng sau này.
Một trong những sai lầm cốt lõi khi nhận định về một chính quyền độc tài là luôn giả định họ đứng hoàn toàn tách biệt với người dân. Đây là một giả định vội vã.
Bản thân chủ nghĩa cộng sản, vốn vẽ ra mối thù hằn giai cấp vô sản – tư sản và khẳng định sự phát triển của xã hội chỉ có thể được thực hiện thông qua cách mạng bạo lực, tự thân nó đã là một học thuyết dân túy vĩ đại rồi.
Vậy nên không khó khăn để các đảng chính trị này biến mình trở thành người hùng trong mắt một bộ phận lớn dân cư.
Như phân tích của tác giả Võ Văn Quản trong bài viết Nhà nước Việt Nam có “dân túy” không?, ông đã chỉ ra rất rõ ba thành tố chính sách thường được một chính quyền dân túy áp dụng là: (1) tối giản hóa các câu hỏi thể chế nhằm đưa ra những câu trả lời sai lệch nhưng hấp dẫn với số đông, (2) xây dựng tư duy “chúng ta” – chúng nó” để tạo lập kẻ thù chung, tạo tính chính danh cho sự cầm quyền của mình, và cuối cùng (3) tiếm quyền với danh nghĩa “người đại diện duy nhất” cho một cộng đồng.
Tính dân túy thể hiện qua việc tuyên truyền liên tục về cuộc đối đầu với đế quốc Mỹ, thực dân Pháp và nhân dân Việt Nam, hay cuộc đối đầu giữa giai cấp vô sản, công nông và giới tiểu tư sản thành thị, tư sản mại bản. Gần đây, các câu chuyện mới về thế lực thù địch – phản động với khí tài và tiềm lực tài chính “che trời lấp biển” chống đối nhân dân Việt Nam, hay chuyện Trung Quốc bành trướng dần xuất hiện thường xuyên hơn trong các thảo luận về danh tính quốc gia và vai trò quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhưng đó cũng chỉ mới là tầng nổi của mô hình dân túy.
Ở Trung Quốc, theo phân tích của tác giả Wenfang Tang trong danh tác “Populist Authoritarianism” (tạm dịch: Nền độc tài dân túy), nền dân túy thời kỳ đầu của chủ nghĩa cộng sản tại quốc gia rộng lớn này giúp định hướng và thỏa mãn nhu cầu bạo lực của số đông liên quan đến những bất công xã hội mà các chính quyền trước để lại.
Từ đầu thập niên 1950, qua hàng loạt phong trào và các cuộc vận động, các nhóm công dân thuộc tầng lớp thấp, không sở hữu tư liệu sản xuất… nay được can thiệp trực tiếp vào quá trình quản lý và kiểm soát tại địa phương. Họ nắm quyền sinh sát từ bắt bớ, quản lý, xét xử và thậm chí là đánh đập giết hại những kẻ mà nếu không có chính quyền cộng sản, đã có thể tiếp tục vị thế bề trên “ngồi mát ăn bát vàng”. Đây là thứ quyền lực mà giai cấp nông dân, lao động… chưa bao giờ có.
Vậy nên, cho dù hầu hết các chính sách trợ cấp, bao tiêu về công việc, sản phẩm, lương thưởng… của chính quyền cộng sản Trung Quốc đều thất bại thê thảm; ảo ảnh về một quyền lực mới, một chính quyền trao quyền cho dân còn tồn tại sâu trong tâm trí của đại bộ phận dân cư lần đầu tiếp xúc với nó.
Điều này cũng hoàn toàn có thể được so sánh với công cuộc cải cách ruộng đất 1953 đẫm máu tại miền Bắc Việt Nam và phong trào kinh tế mới, cải tạo các nhóm dân cư có liên hệ với chính quyền Việt Nam Cộng hòa sau năm 1975.
Dù bản thân những phong trào này không có bất kỳ sự tôn trọng nào với pháp quyền, nhân quyền, sự chính trực của mô hình tổ chức nhà nước hay một tương lai hòa hợp dân tộc; chúng thỏa mãn nhu cầu “trả nợ máu” của một bộ phận lớn dân cư và thậm chí cho phép họ chủ động tham gia vào quá trình trả thù đó. Đây là cốt lõi của bản chất dân túy, và nền tảng cho “niềm tin son sắt” của cộng đồng dân cư vào tính mới của chính quyền cách mạng.
Sẽ là rất sai lầm nếu cho rằng các đảng cộng sản không quan tâm công luận. Thực tế, cũng như bản chất dân túy nói trên của các chính quyền độc tài buộc họ phải quan tâm đến công luận như bất kỳ chính quyền dân chủ nào.
Nhưng cách tiếp cận của họ đối với công luận là biến chúng trở thành công cụ cho quá trình quản lý, kiểm soát, đánh chặn và tự điều chỉnh nội bộ. Nói cách khác, ý kiến của người dân được xem như những vật thể, những biến số thay đổi cùng hàng ngàn biến số khác trong bài toán cầm quyền của đảng cộng sản. Họ không xem công luận là những con người bằng xương bằng thịt để mà từ đó nhìn thấy cơ hội để tiếp cận, tôn trọng và thảo luận.
Bắt đầu vào tháng 5/1987, Economic System Reform Institute of China (ESRIC – tạm dịch là Viện Cải cách Hệ thống Kinh tế Trung Hoa) được thành lập dưới sự bảo trợ của thủ tướng đương nhiệm Zhao Ziyang (Triệu Tử Dương). Mục tiêu của viện này là tập trung thống kê, tìm hiểu quan điểm và ý kiến công luận liên quan đến tiến trình cải cách kinh tế theo con đường thị trường tư bản của Trung Quốc, tránh việc chúng có thể gây ra những bất ổn xã hội không mong muốn có thể làm ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Viện này thành công trong việc cảnh báo tác hại của quá trình thị trường hóa quá nhanh và thiếu kiểm soát, với các tác dụng phụ như tỷ lệ thất nghiệp quá cao, lạm phát không kiểm soát, mức sống hạ thấp, hệ thống hành chính xuất hiện hiện tượng tham nhũng – thiếu hiệu quả, nhưng Thủ tướng Triệu Tử Dương không đủ can đảm để lắng nghe những cảnh báo. Kết quả cuối cùng là các bất ổn xã hội leo thang, mà đỉnh điểm là sự kiện Thiên An Môn năm 1989.
Kể từ đó, chính quyền Bắc Kinh chưa bao giờ xem nhẹ việc tìm hiểu người dân nước họ đang nghĩ gì, cho dù họ không thật sự xem trọng dân chủ, quyền tự do ngôn luận hay các định chế xã hội dân sự khác.
Tháng 4/2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi sự trở lại của lý thuyết “Đường lối Quần chúng” (Mass line, hay 群众路线), trong đó đặc biệt nhất là sự hình thành của Message Board for Local Leaders (MBLL, difang lingdao liuyanban).
Hiểu đơn giản, đây là một nền tảng do Nhân dân Nhật báo vận hành (cơ quan ngôn luận chính thức của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc), được sử dụng làm kênh trung gian giúp người dân gửi tin nhắn phản ánh về nhiều vấn đề trực tiếp đến cơ quan quản lý hành chính địa phương. Nền tảng này cũng được tích hợp vào phần mềm WeChat vốn đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa sinh hoạt của người Trung Quốc.
Không chỉ vậy, MBLL cũng tương đối minh bạch khi cho phép người xem tự do kiểm chiếu lịch sử góp ý tại từng địa phương cũng như phản hồi từ chính quyền ra sao. Chỉ tính từ tháng Một đến tháng Tư năm 2019, có đến 384.631 mẫu góp ý, khiếu nại, thông tin đã được gửi qua hệ thống. Tỷ lệ phản hồi trung bình từ chính quyền địa phương cũng lên đến gần 80%, một con số không tưởng xét theo quy mô dân số của quốc gia khổng lồ này.
Tuy nhiên, đến cuối cùng thì đây cũng chỉ là một nền tảng để… trút giận mà thôi. Các chính quyền địa phương vẫn nắm những công cụ sinh sát trong tay, từ việc có giải quyết những phản ánh hay không cho đến quyền phản hồi (tỷ lệ phản hồi của đại đô thị như Trùng Khánh thậm chí chỉ vỏn vẹn 5%).
Hệ thống giúp tạo nên hình ảnh một chính quyền đi sâu đi sát vào quần chúng. Ở phương diện số đông, khả năng lây lan tâm lý của những niềm tin tích cực giả tạo như vậy rất dễ dàng.
Nhưng về mặt bản chất, hệ thống này khóa chặt người dân có khúc mắc vào khuôn khổ của chính quyền mà không cho họ cơ hội sử dụng các kênh truyền thông khác để đấu tranh hay làm rõ trách nhiệm của cơ quan địa phương (theo kiểu lập luận công cụ của chính quyền cởi mở vậy sao không sử dụng). Đồng thời, nó cũng tạo ra một bức tường lửa bảo vệ giới lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc khỏi mọi chỉ trích hay góp ý dân chủ.
Những cá nhân cố gắng sử dụng các nền tảng khác để để cất tiếng nói của mình nhanh chóng bị trừng phạt. Gần đây, nhà tài phiệt lớn của Trung Quốc Ren Zhiqiang cũng bị bắt giữ và điều tra ngay lập tức với cáo buộc tham nhũng sau khi chỉ trích cách chính quyền Tập xử lý khủng hoảng COVID-19 trên mạng xã hội.
Tương tự tại Việt Nam, có thể thấy chính quyền Hà Nội không hề xem nhẹ công luận Việt Nam, nhờ vào sự hiện diện phổ biến của hệ thống mạng xã hội như Facebook.
Từ việc hoãn xem xét dự thảo luật về Đặc Khu cho đến việc ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) 2020 sau khủng hoảng BOT khắp cả nước từ năm 2018, chính quyền Việt Nam cho thấy họ sẽ nhượng bộ các vấn đề có liên quan đến những vấn đề nhạy cảm như chủ quyền hay túi tiền trực tiếp của người dân lao động. Điều này thật ra khá giống với cách vị “tiến sĩ” dạy cách đây vài năm: “Thu thuế cũng như vặt lông vịt, vặt làm sao cho sạch nhưng đừng quá vội để con vịt nó kêu toáng lên”.
Chính quyền cộng sản hiểu rằng động đến chén cơm manh áo người dân tức là tạo ra những điều kiện cách mạng mà chính họ đã lợi dụng thành công để cướp chính quyền cách đây chỉ mới vài chục năm. Nhưng điều này không có nghĩa là họ thật sự tôn trọng hay chấp nhận lắng nghe ý kiến của người dân.
Bất kể nguyện vọng của các phong trào có hợp lý đến đâu, dù kết quả cuối cùng có ra sao, những người lãnh đạo phong trào, hay “những kẻ xách động” theo cách gọi của chính quyền, đều phải chịu trừng phạt.
Dù có phải bỏ tù 10 tài xế, nhà hoạt động trong phong trào chống BOT hay là vài trăm người sau cuộc biểu tình toàn quốc chống dự thảo Luật Đặc khu, lời tuyên bố của Hà Nội khó có thể rõ ràng hơn: chúng tôi có thể nhượng bộ, cộng đồng có thể hưởng lợi, nhưng không thể bỏ qua cho những kẻ dám thách thức chúng tôi.
Kiểu nhượng bộ “nhấp, dừng” này giúp đè nén mâu thuẫn trong xã hội và tạo ra sự yên bình, ổn định chính trị trên bề mặt và niềm tin của một bộ phận người dân vào thể chế.
Nói đến bắt bớ và bỏ tù những cá nhân đặc biệt, những lãnh đạo phong trào đối lập, kỹ năng “chặt đầu rắn” đã được các chính quyền tại Trung Quốc và Việt Nam thành thục đến mức… thượng thừa.
Cũng theo tác phẩm “Populist Authoritarianism” mà chúng ta nhắc đến ở trên, trong vòng hàng chục năm bất ổn kèn cựa với chính quyền Quốc Dân Đảng, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thành công trong việc triệt tiêu, giết hại gần như hoàn toàn các nhóm quyền uy thứ cấp truyền thống của xã hội phong kiến như nho gia, nhân sĩ, thương gia truyền thống hay giới quý tộc nông thôn, những nhóm có tầm ảnh hưởng nhất đối với người nông dân và người lao động Trung Quốc suốt nhiều thế kỷ.
Cho đến khi lực lượng cộng Sản Trung Quốc chính thức kết thúc cuộc nội chiến vào năm 1949, cấu trúc xã hội và niềm tin xưa cũ của Trung Quốc không còn lại gì. Đảng Cộng sản Trung Quốc nhờ đó dễ dàng lấp vào khoảng trống niềm tin, đơn giản bởi vì người dân không… còn ai để tin.
Loại “nghệ thuật” cũng được áp dụng gần như tương tự tại Việt Nam, với tên gọi chính thức “Chặt đầu rắn” do kiến trúc sư đường lối lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam – Trường Chinh – đặt ra.
Bằng cách triệt tiêu các lãnh đạo xuất sắc của các phong trào cộng sản đối lập (như phe Trotskyism với Tạ Thu Thâu, Hình Thái Thông, Trần Văn Thạch, Trần Đình Minh) và các phong trào dân tộc, tôn giáo khác (như Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ của đạo Hòa Hảo…), Đảng Cộng sản Việt Nam giành thế chủ động trong cuộc chiến tranh giành niềm tin của quốc dân Việt Nam trong giai đoạn quan trọng trước và sau Cách mạng tháng Tám.
Chiến thuật này được thực hiện cả sau năm 1954 tại miền Nam Việt Nam, và kéo dài cho đến hết chiến tranh Việt Nam.
Theo tổng hợp của các nghiên cứu sử học có uy tín, chỉ trong giai đoạn 1954 – 1958, có hơn 25.000 ngàn nhân viên công vụ, giáo viên, trưởng thôn và trưởng làng cũng như các nhân sĩ có uy tín tại nông thôn miền Nam Việt Nam bị bắt cóc, sát hại, thủ tiêu vì họ… “phản động” và “thiếu hợp tác” với cách mạng.
Nó tước đi hoàn toàn sức sống và năng lực lãnh đạo tự cường của các cộng đồng địa phương miền Nam Việt Nam, tiếp tục tạo nên một lỗ hổng lớn về niềm tin giữa chính quyền trung ương tại Sài Gòn và các địa phương. Đây là thứ mà nhóm Việt Cộng và chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mong muốn.
Trở lại với thời kỳ hiện tại, “chặt đầu rắn” cũng là kiểu đàn áp không để lại quá nhiều xáo trộn chính trị.
Sự kết hợp của các trường phái quản trị hiện đại như dân túy, kỹ trị… đi kèm theo đó áp lực từ những định chế quốc tế, giúp cho các Đảng Cộng sản đủ thông minh để nhận ra rằng áp dụng bạo lực, vũ lực vào mục tiêu đàn áp đối lập là thiếu tính định hướng, dễ xảy ra những tình huống bất ngờ và thậm chí là khủng hoảng nhân đạo.
Bằng cách tập trung bắt giữ, trừng phạt, hay đơn giản là cô lập và phá rối những cá nhân, những nhà hoạt động, những nhà khoa học nổi bật nhưng có xu hướng không hợp tác với chính quyền, người dân Việt Nam không còn ai để nương tựa về niềm tin chính trị, ngoài Đảng Cộng sản. Đồng thời, khả năng tụ hội và hình thành những nhóm chính trị có uy tín và đủ khả năng cạnh tranh với nguồn lực gần như vô tận của Đảng Cộng sản là gần như không thể xảy ra.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào, nắm quyền từ 2002 – 2012), mục tiêu chiến lược trong quản trị quốc gia của ông này là đối mặt và giải quyết những bất ổn xã hội bắt đầu bùng cháy trong xã hội Trung Quốc, và từ đó củng cố quyền lực thống trị của đảng lên toàn xã hội.
Trong một bài phát biểu quan trọng của Hồ Cẩm Đào trước Trung ương Đảng Cộng sản vào tháng 2/2005 về việc xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa hài hòa (harmonious socialist society), ông Hồ khẳng định khả năng xử lý ổn thỏa những căng thẳng xã hội đương đại của Trung Quốc phụ thuộc hoàn toàn vào việc nền kinh tế Trung Quốc có tiếp tục phát triển hay không.
Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể bảo đảm sự phát triển kinh tế, các biến động chính trị dài hơi và sâu sắc, đến sự chia rẽ trong xã hội Trung Quốc, cuối cùng sẽ kéo đến sự sụp đổ nền tảng cầm quyền của đảng.
Việc tập trung vào phát triển kinh tế bằng mọi giá, bất kể những nguyên tắc kinh tế Marxist mà họ rao giảng hằng ngày, lại là thứ tạo nên “sự dẻo dai” của các nền độc tài cộng sản (authoritarian resilience).
Thật vậy, gần đây, tác giả Wenfang Tang phát hiện khi nghiên cứu lại chuỗi dữ liệu bất ngờ của chính quyền Bắc Kinh trong giai đoạn diễn ra sự kiện Thiên An Môn, bản thân phong trào dân quyền – nhân quyền dẫn đến sự kiện này lại không phải là một phong trào dân quyền hay nhân quyền thật sự. Theo ông, nó chỉ là phản ứng “sốc tự vệ” của giới trẻ thành thị Trung Hoa trước các biến đổi kinh tế mà thôi.
Theo bảng tổng hợp trên, việc công chúng cho rằng cải cách thị trường tại Trung Quốc diễn ra quá nhanh (đường nét liền tăng lên đỉnh điểm là 54% và 50% vào các năm 1988, 1989); cùng theo đó là sự bất mãn của công chúng với tỷ lệ lạm phát phi mã (cũng đạt đỉnh cùng giai đoạn 1988 – 1989 với tỉ lệ lên đến 95%), dường như mới là lý do chủ yếu kéo tỷ lệ bất mãn đối với quyền tự do ngôn luận lên con số cao kỷ lục 33%.
Ngay sau khi các vấn đề liên quan đến lạm phát, việc làm và tốc độ cải cách được điều chỉnh, yêu sách về quyền tự do ngôn luận giảm xuống rõ rệt. Theo Wenfang Tang, kinh tế và quá trình cải cách mới thật sự là nguồn cơn của phong trào.
Nhiều tác giả, như Thomas Heberer, Đại học Duisburg-Essen, Đức, gọi hẳn Trung Quốc và Việt Nam là “development states” (cùng với với Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…), tạm dịch những quốc gia kiến tạo phát triển. Đây là nơi mà hệ thống quan liêu nhà nước tập trung toàn lực cho việc định hướng, can thiệp sâu và bảo đảm sự phát triển của kinh tế vĩ mô quốc gia.
Tại Việt Nam, không chỉ can thiệp sâu vào phát triển kinh tế, chính quyền còn lợi dụng thị trường lao động mở của quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu lao động và giảm bớt gánh nặng việc làm cho thị trường trong nước. Nhờ vậy, họ một mặt tạo nên nguồn thu ngoại tệ, một mặt hạn chế bất ổn xã hội.
Sự phát triển kinh tế chấp nhận được với nguồn thu nhập ít ra luôn ở mức dương trở thành con át chủ bài trong việc kỳ kèo gạ giá để duy trì nền độc tài của Đảng Cộng sản tại Việt Nam, dù thật ra các thành quả về hạ tầng, quản lý xã hội và hoàn thiện thể chế vẫn còn vô cùng hời hợt do đặc trưng tham nhũng, quan liêu và lạm quyền của các chính quyền toàn trị.
Tuy nhiên, chừng nào mối quan tâm lớn nhất của người dân là chén cơm manh áo vẫn còn phần nào được đáp ứng, thì niềm tin của họ vào chính quyền vẫn còn; và chừng đó họ còn nhắm mắt cho qua những xâm phạm nghiêm trọng đến các quyền dân sự và chính trị ngày càng leo thang.